Lược sử Giáo xứ Tuy Hòa





GIÁO XỨ TUY HÒA

Bổn mạng : Lễ Thánh Giuse 19/03






I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ:

Giáo xứ Tuy Hòa ngày nay bao gồm thành phố Tuy Hòa (trừ Phường Phú Lâm, Phú Đông và Phú Thạnh thuộc giáo họ biệt lập Phú Lâm), hai xã thuộc huyện Phú Hòa: Hoà An, Hoà Trị, và hai xã phía Nam huyện Tuy An: An Mỹ, An Chấn. Trung tâm sinh hoạt của giáo xứ là nhà thờ Tuy Hoà, 114 đường Lê Trung Kiên, phường 2, thành phố Tuy Hòa.

II. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ:

Căn cứ theo danh sách nhà thờ nhà nguyện của các Thừa sai Balê, năm 1747 vùng Phú Yên có 06 nhà thờ:[1] Chợ Mới, Quán Cau, Lo Cao, Phú Điền, Phuc Thuyen, Thạch Thành. Trong đó Chợ Mới là nhà thờ chính có 134 gia đình; Quán Cau có 88 gia đình, cách Chợ Mới 03 dặm;[2] Lo Cao có 23 gia đình, cách Chợ Mới 06 dặm, trong đó có Mĩ Á và Màn Màn cách Lo Cao 01 dặm; Phú Điền có 21 gia đình, cách Chợ Mới 07 dặm;[3] Phuc Thuyen có 55 gia đình, cách Chợ Mới 08 dặm, trong đó Triều Thủy có 30 gia đình, đông nhất của vùng Phuc Thuyen, cách Phuc Thuyen nửa dặm; Thạch Thành có 93 gia đình, cách Chợ Mới 14 dặm. Như thế, theo dòng lịch sử truyền giáo tại Phú Yên, vùng đất thuộc giáo xứ Tuy Hòa ngày nay đã đón nhận Tin Mừng từ trước năm 1747.

Theo báo cáo của thánh Giám mục tử đạo Stêphanô Thể, năm 1850 có ghi các giáo điểm, mà ngày nay thuộc giáo xứ Tuy Hòa như : Hoa Vông 165 giáo dân, Phú Cốc 311 giáo dân, Phú Điền 196 giáo dân, Triều Thủy 137 giáo dân, trong các giáo điểm này Hoa Vông là trụ sở chính của vùng Nam Phú Yên. Trong tiểu sử các thừa sai cho thấy cha Pierre Léopold Jeanne đã ở tại Hoa Vông từ 1834-1836. Cha Micae Chương, có cha Giuse Chung làm phụ tá, cha Chung bị bắt tại Phú Cốc và chịu xử trảm tại Gò Chàm vào ngày 23.12.1860. [4] Cha Armand Landier đến làm việc tại Hoa Vông năm 1872-1873; cha Pierre Alphonse Perrot năm 1873-1876: [5] Đức cha Van Camelbecke trước khi làm Giám mục, [6] ngài đã làm việc tại Hoa Vông năm 1879.

Đón nhận rồi tặng hiến, chết đi để sống lại như lời Đức Giêsu: “Hạt lúa được gieo vào lòng đất nếu không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24), những hạt giống Tin Mừng được gieo trên vùng đất nầy không ra ngoài qui luật đó. Ngày 27/10 năm Tự Đức thứ 13, [7] các ông: Hứa, Nam, Tân và Giáo là 04 tín hữu quê Phú Cốc chịu trảm quyết tại Gò Cham. [8] Vào ngày 26/01/1861 thầy Giuse Trinh, giáo lý viên, quê Phú Cốc đã hy sinh vì đức tin tại Gò Chàm. [9] Năm 1885, cha Hậu bị sát hại tại quê nhà Phú Cốc. [10] Trong phong trào Văn Thân hầu như tất cả các giáo điểm vùng Phú Yên đều nát tan, tín hữu thì bị sát hại, cơ sở và nhà cửa cũng thành tro bay theo lên trời. Ở Hoa Vông, cha Eugène Marie Durand viết: “ Hồi còn là một thừa sai trẻ, tôi đã đến viếng đống tro tàn đổ nát của nhà dòng xinh xắn và cô nhi viện tuyệt đẹp tại Hoa Vông, năm 1888 hai cây Cau còn nghiêng mình bên bờ giếng đó, người ta bảo tôi: “Chính trên hai cây Cau ấy mà chị bề trên cùng chị phụ tá đã bị treo cổ; và trong lòng giếng sâu nầy, các chị nữ tu khác đã bị đẩy xuống, một hòm thánh tích bao la”. [11]

Trong khi bị Văn Thân bách hại, một số giáo dân Triều Thủy được anh em lương dân nuôi dấu. Sự việc này tạo nên mối quan hệ bà con thân thiết, cho đến nay con cháu vẫn xưng hô theo vai vế như trong thân tộc của mình. Hiện nay trong một nhóm gia đình người lương ở Xóm Đường, phường 8, thành phố Tuy Hòa có gia đình anh Trần Hạnh sinh năm 1947 là cháu của ông Tuần Năm, người đã nuôi dấu một số giáo dân Triều Thủy.

Một gia đình người lương, thầy thuốc Đông y ở Nam Bình,[12] nuôi dấu các anh em của một gia đình giáo dân họ Trần ở Triều Thủy. Cha mẹ gia đình giáo dân này đã bị Văn Thân sát hại. Trong số các anh em được nuôi dấu có người anh là Trần Châu, chủng sinh ở chủng viện Làng Sông về thăm gia đình trong tháng nghỉ thì gặp nạn Văn Thân. Ngoài ra gia đình còn có một người con đang ở Làng Sông không về thăm gia đình trong dịp này. Vì cha mẹ không còn nên người anh là Trần Châu phải ở lại nhà để lo cáng đáng công việc gia đình. Người em tiếp tục con đường tu hành, đó là cha Giuse Trần Nhi, thụ phong linh mục năm 1893. Số đông con cháu của dòng họ Trần này đang sinh sống tại Tuy Hòa như gia đình ông Trần Nhơn, Trần Tu…

Những gia đình lương dân ở thôn Phước Khánh, xã Hòa Trị cũng đã nuôi dấu một số giáo dân từ Trà Kê – Cây Da đi lánh nạn. Trong số những gia đình này có gia đình ông Dương Hanh, thường gọi là ông Bốn Cá, một số con cháu trong gia đình đã theo đạo từ những năm 1960, nay sinh hoạt tốt.

Sau phong trào Văn Thân, năm 1888 Đức cha Van Camelbecke Hân bổ nhiệm cha Guitton Thông phụ trách vùng Nam Phú Yên có cha Gioakim Đạt làm cha phó, đặt cư sở tại Hoa Vông. Một năm sau, cha Đạt đi Quán Cau, cha Guitton tái thiết Hóc Gáo với những giáo hữu đi lánh nạn Văn Thân từ Làng Sông, Gò Thị và các núi rừng trong vùng trở về. Trong thời gian đầu cha Guitton còn nhiều khó khăn, phải làm lại tất cả, cha rửa tội được 155 người nhưng số người lớn không được bao nhiêu. Cho dẫu khó khăn nhưng lòng nhiệt thành truyền giáo đã đưa chân cha đi khắp nơi trong vùng, cha qui tụ và xây dựng lại 04 giáo điểm: Đồng Cam, Đất Đỏ, Hóc Gáo, Phú Điền, mỗi nơi đều có nhà thờ, riêng tại Hoa Vông nhà thờ tương đối đẹp hơn các nơi khác. “Ngày đi trong nước mắt tung hạt gống gieo trên nương đồng, ngày về miệng vui ca tay ôm bó lúa ngào ngạt hương”, ba năm sau cha đã rửa tội được 913 người lớn và 31 trẻ con ngoại giáo trong trường hợp nguy tử [13].

Tháng 6.1893 cha Guitton đi Ninh Hòa, cha Phêrô Huề về Phú Điền phụ trách cả Hoa Vông.

Ngày 20.02.1895 cha Dubulle Phương được bổ nhiệm về Hoa Vông, có cha Phục làm cha phó. Năm 1896 cha Dubulle thiết lập một trung tâm truyền giáo tại Long Thủy.

Tháng 01.1899 cha Marius Julien Jean đến Hoa Vông thay cho cha Dubulle. Tháng 4 năm 1904, cha Antôn Cẩm được bổ nhiệm đến phụ tá cho cha Marius Julien Jean, cha Cẩm thường ở Phú Điền cho tới cuối tháng 02 năm 1912. Ngày 15.5.1905, cha Gaston Degas đã được bổ nhiệm đến Hóc Gáo làm việc cho đến tháng 02.1906, cha đi Ninh Hoà. Cuối tháng 02 năm 1910, cha Lalanne Lân được bổ nhiệm đến Hoa Vông thay thế cho cha Marius Julien Jean, và lần lượt có các cha phó: Cha Phaolô Bang, [14] cha F.x. Tuyên. [15] Năm 1917 cha Lalanne trở về Pháp nhập ngũ theo lệnh tổng động viên, cha Antôn Linh [16] đến chăm sóc mục vụ.

Ngày 11.12.1918 cha Porcher từ Đồng Tre về làm cha sở Hoa Vông. Năm 1924, cha xây trường học gồm 03 phòng, một phòng dành cho các dì phước, một phòng trọ dành cho các trẻ nữ trong vùng, phòng giữa làm phòng học. [17] Đây là ngôi trường công giáo đầu tiên trong vùng, theo thống kê năm 1928 có 12 em nam và 15 em nữ theo học với Dì giáo Maria Phụng. Ngày 15.05.1927 Đức cha Grangeon Mẫn khánh thành nhà thờ mới được cha Porcher xây lại trên nền nhà thờ cũ do cha Jean đã xây dựng và khánh thành vào ngày 28.04.1907. [18] Từ tháng 02.1927 cha Porcher đã được bổ nhiệm làm cha sở Mằng Lăng .

1. Cha Simon Trần Văn Phiến

Vào năm 1927, cha Simon Trần Văn Phiến, linh mục Việt Nam đầu tiên được bổ nhiệm làm cha sở Hoa Vông. Trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ, Tuy Hòa là phủ lỵ, có những cơ quan cấp tỉnh được xây dựng, ga xe lửa được thành lập, đập Đồng Cam đang được xây dựng. Cùng với quân nhân, công viên chức, dân chúng đến Tuy Hòa lập nghiệp ngày càng đông. Để thuận tiện cho đời sống của giáo dân tại phủ lỵ, cha Simon Phiến đã lập một nhà nguyện và nhà xứ tại Triều Thủy. Ta gọi đây là Triều Thủy (2) để phân biệt Triều Thủy có trước biến cố Văn Thân.[19] Nền nhà thờ Triều Thủy (2) ngày nay ở tại cộng đoàn các nữ tu Dòng Thánh Phao lô Tuy Hòa.

Năm 1938, cha Simon Phiến về ở tại nhà thờ Triều Thủy (2). Tuy nhà thờ và nhà xứ đặt tại Triều Thủy nhưng tên gọi Triều Thủy không có trong các thống kê của giáo phận. Thống kê năm 1940, Tuy Hòa có 91 giáo dân, Hoa Vông 58, Hóc Gáo 222, Phú Điền 75, Cây Me (Tuy Hòa) 13, Đông Mỹ (Tuy Hòa) 13.[20] Như vậy, kể từ khi cha Simon Phiến, cha sở Hoa Vông về ở tại Triều Thủy, tên gọi cộng đoàn giáo dân Tuy Hòa được ghi danh vào danh sách của giáo phận. Sau đó không lâu, Hoa Vông như đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình để cho Tuy Hòa kế tục viết tiếp trang sử loan báo Tin Mừng. Cơ sở Hoa Vông dần dần hoang phế theo thời gian. Ngày nay chỉ còn chút cổng vào nhà thờ, giếng nước xây bằng đá núi, các ngôi mộ, [21] nền nhà thờ và các cơ sở khác nằm dưới lớp cây cỏ dại trên triền núi thôn Chánh Nghĩa, xã An Phú, thành phố Tuy Hoà.

Hồi 02 giờ sáng ngày 19.3.1942, Chúa gọi cha Phiến về trời mừng lễ Ngân Khánh Linh mục trong niềm thương nhớ của nhiều người như trong tiểu sử có ghi: “.... Con chiên bổn đạo cũng tất dạ mến phục, cả người bên lương cũng yêu thương. Lúc người tạ thế được vài hôm, có năm ba người lương đem mỗi người cặp đèn bạch lạp xin cha phó làm cho mấy lễ mồ....Sở dĩ cha được mến yêu như vầy là vì người rất nhiệt thành đối với nghĩa vụ, thương cả dân lương giáo. Lại người tính tình niềm nỡ, ai gặp cũng trò chuyện một phen ắt không sao quên được. Ngài thuần hậu mà vẫn cương trực ngay thẳng, chẳng hay vị nể mà bỏ bổn phận”. [22]

Sau khi cha Simon Phiến qua đời, các cha kế nhiệm ngài:

2. Cha Antôn Nguyễn Minh Đoan (1942-1943)

3. Cha Matthêu Trịnh Hòa Đại (1943-1949)

5. Cha Antôn Nguyễn Anh Thuận (1949-1950)

6. Cha Phêrô Nguyễn Vĩnh Lưu (1951-1955)

Trong thời gian 1945-1955, các linh mục không ở cố định tại Triều Thủy, có khi ở Hoa Vông, Phú Điền hoặc Phú Cốc, có khi vắng nhiệm sở.

7. Cha Giuse Tô Đình Sơn (1955-1973)

Năm 1955, cha Giuse Tô Đình Sơn được bổ nhiệm làm cha sở Tuy Hòa, cư sở tại Triều Thủy (2).

Để đẩy mạnh công cuộc truyền giáo tại Đông Mỹ, Cha Giuse xây dựng lại Nhà thờ Đông Mỹ trên nền móng cũ. Cha cho khởi công ngày 15.4.1956 và khánh thành ngày 15.8.1956.

Khi cha được bổ nhiệm về Tuy Hòa, cha đối diện với cảnh bà con từ Bắc di cư vào Nam, trong số đó có một số dừng chân tại Tuy Hòa. Năm 1958, cha xây dựng nhà Lạc Thiện để phục vụ một số người cơ nhỡ.

Niên khóa 1958 -1959, trường trung tiểu học Đặng Đức Tuấn được khai giảng niên khóa đầu tiên. Ngôi trường này do cha xây dựng, giao cho các Thầy dòng Thánh Giuse phụ trách. Các Thầy Giuse điều hành trường Đặng Đức Tuấn từ năm 1958 đến năm 1969. Sự hiện diện của các Thầy Giuse tại Tuy Hòa không chỉ phụ trách giáo dục phổ thông tại trường mà các thầy còn giúp việc mục vụ tại giáo xứ như dạy giáo lý vỡ lòng, xưng tội rước lễ lần đầu, phụ trách ca đoàn…

Từ 1969 – 1975, trường Đặng Đức Tuấn được các linh mục giáo phận điều hành, cha Phêrô Vũ Văn Tự Chương (1969-1973); cha Phêrô Nguyễn Cấp (1973-1975).

Năm 1959, cha xây dựng nhà thờ Hóc Gáo.

Năm 1960, cha khởi công xây dựng nhà thờ và nhà xứ trên vùng đất mới như hiện có ngày nay. Lúc 8 giờ sáng ngày 21.02.1961 Đức Giám mục giáo phận chủ sự nghi thức trọng thể làm phép chuông, 03 chuông nầy có âm thanh Đô-Mi-Sol, được mua tại Pháp năm 1960 do anh em công chức làm việc tại Tuy Hòa dâng cúng. Cha Phạm Châu Diên giải thích ý nghĩa nghi thức làm cho mọi người hiện diện rất tâm đắc [23]. Nhà thờ dài 56 m, rộng 18m, tháp chuông nhọn cao 47 m, lễ khánh thành nhà thờ nhằm ngày Chúa nhật 06.05.1962. [24]

Năm 1962, cha khởi công xây dựng trường Thánh Giuse tại đất Triều Thủy (2) dành cho nữ sinh, trường này được giao cho các nữ tu Phaolô phụ trách, niên khóa đầu tiên 1963 -1964.

Trong thời gian chiến tranh [25] dân chúng từ các vùng chiến tranh tập trung về thị xã Tuy Hòa, trong đó có Cô Nhi Viện Mằng Lăng đặt cơ sở tại ngã tư đường Lê Lợi và Phan Đình Phùng,[26] Phước Viện Mằng Lăng đặt cơ sở trong phần đất của giáo xứ bên cạnh khuôn viên nhà thờ và nhà xứ.[27]

Giáo xứ Tuy Hoà với đầy đủ cơ sở vật chất thích hợp cho những nhu cầu sinh hoạt mục vụ, trở thành trung tâm sinh hoạt của giáo hạt Phú Yên.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, Vị chủ chăn của giáo phận, các đoàn thể Công Giáo Tiến Hành : Hiệp Hội Thánh Mẫu, Legio Mariae, Bác Ái Vinh Sơn, Hùng Tâm Dũng Chí và Thanh Sinh Công được thành lập tại Phú Yên. Đặc biệt tại giáo xứ Tuy Hòa, các đoàn thể nầy chẳng những đem lại cho giáo xứ mà cho cả giáo hạt Phú Yên một bầu khí sống đạo sinh động.

Một nhu cầu cần thiết của giáo xứ đó là nghĩa trang, cha Micae Nguyễn Tri Phương, phó xứ Tuy Hòa (1969-1971) khởi công san ủi nghĩa trang và xây nhà quản trang năm 1971 (diện tích nghĩa trang 55.790m², nhà quản trang 45m²) trên những đồi cát mấp mô cũng thuộc đất giáo xứ có từ thời cha Phiến. Đang làm giữa chừng, cha Phương về Đồng Tre, cha Nguyễn Hoàng Trí tiếp tục hoàn tất vào năm 1972. Tháng 10/1990, Chính Quyền trưng dụng 20.000m² để làm Trạm biến áp 110/35/10kv và giao cho giáo xứ một mãnh đất làm Nghĩa Trang ở xã Bình Kiến 4.500m² (25m x 180m) để cải táng những ngôi mộ trên đất trưng dụng. Nghĩa Trang hiện tại còn 16.860.5m² do Sở Tài Nguyên Môi Trường Phú Yên đo đạc ngày 20.9.2013.

8. Cha Martinô Nguyễn Trọng Huấn (1973-1986)

Năm 1973 cha Martinô Nguyễn Trọng Huấn được bổ nhiệm làm cha sở Tuy Hòa. Cha Giuse Tô Đình Sơn được bổ nhiệm làm cha sở giáo xứ Chính Tòa Qui Nhơn. Cha Martinô Nguyễn Trọng Huấn vừa nhậm xứ được hai năm, bằng tuổi già từng trải cha phải nổ lực cầm lái con thuyền đức tin của giáo xứ phù hợp khung cảnh của một thể chế chính trị mới.

Để ghi nhớ Năm thánh Canh Tân và Hòa Giải và thể hiện ước vọng hòa bình, Mùa chay năm 1975, cha Micae Phạm Bá Tước cùng một số quân nhân công giáo đã xây dựng Thánh Giá và tượng đài Đức Mẹ tại một ngọn đồi ở chân núi Chóp Chài, gọi là đồi Đức Mẹ Hòa Bình. Ngọn đồi này như đầu của con rùa, núi Chóp Chài là thân rùa sừng sửng giữa trời mây. Sáng thứ Bảy ngày 15 tháng 3 năm 1975, cha Micae Phạm Bá Tước, cha Phêrô Nguyễn Cấp, cha Gioakim Nguyễn Hoàng Trí cử hành thánh lễ đồng tế để tạ ơn Chúa và kính nhớ Mẹ Maria. Khoảng vài ba ngày sau, Đức Cha Phaolô Huỳnh Đông Các đã đến làm phép Thánh Giá và tượng đài với cùng vài trăm giáo dân tham dự.

Sau ngày 30.4.1975, các cơ sở giáo dục và bác ái xã hội của giáo xứ lần lượt được nhà nước trưng dụng, quản lý. Hai cơ sở giáo dục: trường Đặng Đức Tuấn và trường Thánh Giuse chuyển giao có điều kiện vào ngày 7.10.1975. Các em cô nhi Mằng Lăng được đưa về lại nhà cũ Mằng Lăng, Tuy An. Các cô nhi và người già của nhà Lạc Thiện được các nữ tu Phaolô phân tán đi Hoa Châu hoặc Ba Tuy (Bình Tuy), đến 22.10.1977, 30 em cô nhi từ 3 đến 13 tuổi mà các sơ tự túc nuôi dưỡng bị buộc giao nhà nước quản lý. Cơ sở vật chất đã giao nhà nước từ trước đó.

Đầu tháng 5.1986, cha Martinô Nguyễn Trọng Huấn được phát hiện lâm bệnh ung thư. Ngày 30 tháng 5 năm 1986, nhằm ngày thứ sáu, ngài trút hơi cuối cùng, được an táng giữa giáo dân Tuy Hòa tại nghĩa trang giáo xứ.

9. Cha Phanxicô Xavie Nguyễn Xuân Văn (1986-2002)

Tháng 10/1986 cha Phanxicô Xavie Nguyễn Xuân Văn được bổ nhiệm làm cha sở Tuy Hòa. Trong khi làm mục vụ chăm sóc đàn chiên được giao phó, cha tiếp tục viết cuộc đời Chúa Cứu Thế qua bốn sách Tin Mừng bằng những câu thơ lục bát mà cha đã khởi sự từ Mằng Lăng, nhiệm sở trước khi cha đến Tuy Hòa. Tác phẩm đã được hoàn thành vào năm 1998 với 9764 câu thơ lục bát độc đáo, được xuất bản với tựa đề SỨ ĐIỆP TÌNH THƯƠNG.

Vì một số hạng mục của nhà thờ đã mòn hao theo năm tháng, cha đã cho thay thế bàn thờ cũ bằng bàn thờ đá. Hệ thống thông gió phía sau cung thánh bằng khung sắt từ thời mới xây dựng bị rỉ sét được thay bằng hệ thống lam gió ciment. Cuối năm 1991 cha khởi công xây dựng hang đá Đức Mẹ, đài Thánh Tâm, lấy văn phòng Hùng Tâm Dũng Chí lập thành nghĩa đường. Năm 1997, nghĩa đường được tu sửa lại. Ngày 16.9.1993, cha tổ chức Thánh lễ truyền chức linh mục cho thầy Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản tại khuôn viên hang đá Đức Mẹ. Qua thánh lễ này, cha đã làm sống dậy khát vọng đời sống tu trì nơi các bậc cha mẹ cũng như các bạn trẻ. Đây cũng là dịp cha giới thiệu Hội Thánh cho anh em lương dân Tuy Hòa.

Để biết từng con chiên, cha đã đến từng gia đình, chụp hình với các thành viên của gia đình, trưng bày tại phòng khách của giáo xứ. Cha vận động lòng quảng đại, quan tâm đến người cùng khổ, khuyến khích gây quỹ bác ái mà hiệu quả của nó đến nay vẫn còn.

Hóc Gáo, một giáo họ thuần nông bị chiến tranh tàn phá được cha lưu tâm củng cố đức tin. Năm 1995, cha khởi công xây dựng nhà thờ trên nền móng cũ 259 m2 với tháp chuông cao 14 m, nhà Hội 120 m2. Sáng ngày 28 tháng 02 năm 1996, Đức cha Phaolô Huỳnh Đông Các đã chủ sự thánh lễ đồng tế tạ ơn, khánh thành nhà thờ. Chiều hôm trước, thanh niên giáo hạt Phú Yên tổ chức sinh hoạt trại chào mừng dịp lễ khánh thánh nầy.

Miệt mài với việc mục vụ, trước lúc về với Chúa lúc 5 giờ sáng ngày 10 tháng 01 năm 2002, cha chưa kịp khánh thành ngôi nhà sinh hoạt giáo lý của giáo xứ gồm hai tầng, 12 phòng, bên cạnh nhà xứ mà cha đã khởi công xây dựng đã sắp hoàn thành.

Sau khi cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Xuân Văn qua đời, cha Antôn Nguyễn Huy Điệp, phó xứ Tuy Hòa, điều hành mục vụ giáo xứ. Ngày 13.02.2002, cha được bổ nhiệm làm cha sở Đồng Tre thay cho cha Giuse Trương Đình Hiền.

10. Cha Giuse Trương Đình Hiền (2002-2012)

Vừa nhận nhiệm sở ngày 14.4.2002, cha cùng Hội đồng Giáo xứ tổ chức lễ truyền chức linh mục cho 05 thầy phó tế thuộc hạt Phú Yên vào lúc 9 giờ sáng ngày 25.4.2002.

Tiếp theo là những cuộc tổ chức:

- Tổ chức lễ bổn mạng Hội Đồng Giáo xứ cho hạt Phú Yên dịp Lễ thánh Anrê Kim Thông 15.7.2002

- Tổ chức tọa đàm thân thế, sự nghiệp linh mục thi sĩ Nguyễn Xuân Văn nhân ngày giáp năm qua đời của ngài (10/1/2002 – 10/1/2003).

- Tổ chức ngày ơn gọi dịp Lễ Chúa Chiên Lành năm 2003. Đây cũng là ngày thành lập Hội Cựu Chủng Sinh -Tu sĩ Hạt Phú Yên.

- Tổ chức lễ phong chức cho thầy phó tế Giuse Võ Tá Hoàng vào ngày 10.7.2003.

Để sống Năm thánh Truyền giáo của Giáo hội Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 470 Tin Mừng đến Việt Nam (1533-2003). Cha đã tổ chức hai cuộc đại hội:

- Tổ chức Đại hội giới trẻ trong hạt Phú Yên vào dịp Lễ Lá 18.4.2004

- Tổ chức ngày Năm thánh cho thiếu nhi của toàn giáo hạt vào 6.6.2004

- Tổ chức lễ phát tang Đức Giáo Hoàng Gioan PhaoLô II, qua đời vào ngày 02 tháng 4 năm 2005. Trên sân tiền đường từng chức sắc Phật Giáo, Cao Đài, Tin Lành, các linh mục, tu sĩ, giáo dân cùng thành kính niệm hương "Người đại biểu của nhân dân".

Ngày 6.6.2005, cha khởi công xây dựng Trung Tâm Mục Vụ Tổng Hợp Anrê Phú Yên. Công trình được khánh thành ngày 16.2.2006.

Không để cho bất cứ thành phần dân Chúa nào bị bơ vơ lạc lõng, tất cả đều phải được quan tâm, được thúc đẩy lên đường vì phần rỗi của chính họ cũng như con cháu họ. Cha đã tổ chức nhiều buổi họp mặt, cử hành nhiều thánh lễ: Đại hội tân tòng cấp giáo xứ, lúc cấp giáo Hạt. Lập giải văn thơ Nguyễn Xuân Văn, Ngày sinh viên học sinh, Ngày nhà giáo Công giáo, Ngày truyền thông – văn hóa, Ngày thiếu nhi, Ngày giới trẻ, Ngày giáo lý viên, Ngày ca đoàn, Ngày các bà mẹ…

Tượng đài Thánh Giuse, bổn mạng nhà thờ cũng là bổn mạng giáo xứ được trùng tu chỉnh sửa (10.12.2008). Ngày đại lễ kính hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô (29.6.2009), chuông đồng hồ trên tháp nhà thờ gõ nhịp.

Ngày 27.5.2009, giáo họ Hóc Gáo được Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn tách khỏi giáo xứ Tuy Hòa, thành lập giáo xứ Hóc Gáo.

Để chuẩn bị mừng 50 năm nhà thờ được xây dựng, cha Giuse Trương Đình Hiền qui tụ toàn giáo xứ vào cuộc để nhuộm lại dáng "hoa râm" các cơ sở vật chất của giáo xứ được cha Giuse Tô Đình Sơn xây dựng từ 50 năm trước. Một cung thánh cao thoáng rộng rãi với kiến trúc hoàn toàn mới, vật liệu mới. Những chiếc đèn chùm bằng gỗ được chạm trỗ tinh vi tỏa sáng trong không gian nhà thờ. Nhà thờ và tháp chuông mặc chiếc áo mới màu vàng nhạt. Khuôn viên nhà thờ và nhà xứ được phủ lớp bê tông nhựa đường. Nhà Truyền thống được thành lập. Ngày 27 tháng 08 năm 2010, Hai Đức Giám mục Thánh lễ trọng thể mừng Kim Khánh xây dựng nhà thờ giáo xứ Tuy Hòa, đồng thời cũng là Lễ Trạm tại Phú Yên mừng Năm Thánh kỷ niệm 50 năm thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam.

11. Cha Phêrô Đặng Son (2012-…)

Ngày 02.5.2012 cha Phêrô Đặng Son nhận nhiệm sở Tuy Hòa thay cho cha Giuse Trương Đình Hiền.

Tiếp tục đường hướng mục vụ của cha sở tiền nhiệm.

- Năm 2012: Sửa Nhà Bếp, chống thấm và sơn lại Nhà Xứ.

- Năm 2013:

Sửa dãy nhà kho phía sau Thánh Đường tạm gọi là Nghĩa Đường gồm 9 phòng và chuyển các Hài cốt từ Văn phòng Hùng Tâm Dũng Chí về. vì các em giáo lý không có phòng học nên tạm mượn 7 phòng của Nghĩa Đường cho các em học.

Cha lập Quỹ Phúng Điếu hằng năm, bắt đầu từ ngày 01.6.2013. Nghĩa Trang Thọ Vức thuộc xã Hòa Kiến với diện tích 3 ha, được đưa vào hoạt động.

Làm Quãng Trường Mân Côi.

Đặt Tượng Pieta ở góc Đông-Bắc khuôn viên nhà thờ.

- Năm 2014: Làm Quãng Trường Thánh Tâm.

- Năm 2015:

Thay mái Nhà Truyền Thống

Ngày 18/10/2015 (Khánh Nhật Truyền Giáo): Đức Giám Mục Giáo phận trao giấy Chứng Nhận cho 90 Chức Việc thuộc Hội Đồng Giáo Xứ nhiệm kỳ I (2015- 2019) được bầu theo Quy Chế mới.

Ngày 29.11.2015 (CN 1/Vọng): Thành lập Hội Hiền Phụ, Bổn Mạng là Thánh Giuse Thợ (01/5).

- Năm 2016:

Thay hệ thống âm thanh trong nhà thờ,

Dời Tượng Á Thánh Anrê Phú Yên từ Trung mục vụ về trước nhà Truyền Thống.

Ngày 10.10.2016 khởi công xây thêm nhà Giáo lý và dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2017.

- Sau 5 tháng thực tập, ngày 01.11.2016 Nhạc Đoàn Nắng Mai ra mắt. Chọn ngày 01/11 vì Nhạc Đoàn Nắng Mai chọn lễ Các Thánh Nam Nữ làm Bổn Mạng.



* Các Linh mục phó xứ Tuy Hòa:

01/ Giuse Nguyễn Thế Nhân (1958 -1962)

02/ Antôn Trần Văn Trường (1963-1964)

03/ Micae Phạm Bá Tước (1964-1975) [28]

04/ Antôn Lê Quang Trình (1966-1969)

05/ Phêrô Nguyễn Văn Nhuận (1969-1970)

06/ Micae Nguyễn Tri Phương (1969-1971)

07/ Phêrô Nguyễn Huy Pháp (1969-1971)

08/ Gioakim Nguyễn Hoàng Trí (1972-1975)

09/ Phêrô Nguyễn Cấp (1973-1975)

10/ Vinhsơn Nguyễn Văn Bản (1993-1996)

11/ Antôn Nguyễn Huy Điệp (1998-2002)

12/ Phêrô Nguyễn Xuân Hòa (2002- 2008)

13/ Giuse Võ Tá Hoàng (2003- 2005)

14/ Phêrô Bùi Huy Ngọc (2010- 2015)

15/ Linh mục Phêrô Lê Hoàng Vinh (23.5.2013-…)

III. HIỆN TÌNH GIÁO XỨ (cuối năm 2016)


STT

GIÁO HỌ, GIÁO KHU

ĐỊA CHỈ

NHÀ THỜ, N.NGUYỆN

TÌNH HÌNH GIÁO DÂN

THÁNH HIỆU

NGÀY BM


X.DỰNG

HIỆN TRẠNG

GIA ĐÌNH

GIÁO DÂN


1

TUY HÒA

114 Lê Trung Kiên, P.2, Tp. Tuy Hoà

1960

mới trùng tu





Thánh Giuse

19.3




Giáo khu

I







177

636

Thánh Gioan Tẩy Giả

26.06




Giáo khu

II







142

545

Thánh Tôma Thiện

22.09




Giáo khu III







160

642

Thánh Martinô Pores

03.11




Giáo khu IV







103

302

Thánh Tôma tông đồ

03.07




Giáo khu

V







93

332

Thánh Tôma Quỳnh

10.07




Giáo khu VI







103

276

T.Giuse Trần Văn Tuấn

07.06




Giáo khu VII







23

63

Thánh Giuse

19.03




Giáo khu VIII







102

349

Thánh Matthia

14.05


2

Phú Cốc và Phú Điền

An Phú, Tuy An



NT bị phá

17

70

Thánh Giuse

19.03


3

Cẩm Tú

Hòa Kiến, Tuy Hòa

1978

Chưa có

44

183

Thánh Giuse

19.03


TỔNG CỘNG

964

3398








Hiện nay có 2 Cộng đòan nữ tu sinh hoạt trong giáo xứ: Cộng đoàn nữ tu Dòng thánh Phaolô de Chartres và Cộng đòan nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn.

III. CÁC LINH MỤC VÀ TU SĨ XUẤT THÂN TỪ GIÁO XỨ TUY HÒA

Linh mục:
Cha Hậu quê Phú Cốc bị sát hại năm 1885, Đức cha Charbonnier Trí truyền chức linh mục
Phêrô Huề (Phú Điền, 1852 – 1911), Linh mục 1885.
Giuse Trần Nhi (Triều Thủy, 1862 – 1935 ), Linh mục 1893.

4. Phêrô Võ Tá Khánh, Linh mục 20.11.1975.

5. Phêrô Võ Tá Đề, Linh mục 1987.

6. Gm. Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Linh mục 16.9.1993, Giám mục 21.02.2009

7. Phêrô Trương Minh Thái, Linh mục 13.7.2000.

8. Phêrô Nguyễn Xuân Hòa, Linh mục 25.4.2002.

9. Giuse Võ Tá Hoàng, Linh mục 10.7.2003.

10. Gioan Bt. Võ Tá Chân, Linh mục 12.8.2009

11. Phêrô Bùi Huy Ngọc, Linh mục 10.12.2010

12. Phêrô Võ Tá Toàn, Linh mục 18.3.2015

Tu sĩ:

01. Mađalêna Cái Thị Hồng Á – Dòng Phaolô Đà Nẵng

02. Phanxica Maria Nguyễn Thị Kim Loan - Phaolô Đà Nẵng

03. Anna Đoàn Thị Tam – Phaolô Đà Nẵng

04. Maria Anna Nguyễn Thị Tiến – Phaolô Đà Nẵng

05. Maria Trần Thị Hưởng – Phaolô Đà Nẵng

06. Maria Đan Thị Minh Tuyết – Phaolô Đà Nẵng

07. Têrê xa Đậu Thị Thiệu – Phaolô Đà Nẵng

08. Maria Phan Đình Thùy Nhiên – Phaolô Đà Nẵng

09. Maria Võ Thị Minh Hòe – MTG Nha Trang

10. Maria Nguyễn Thị Dạ Thảo – MTG Qui Nhơn

11. Maria Nguyễn Thị Diệu Hiền - MTG Qui Nhơn

12. Anna Nguyễn Thị Tinh Tuyền - MTG Qui Nhơn

13. Anna Võ Thị Tuyết Hằng – Phan sinh Thừa sai Đức Mẹ

14. Maria Bùi Thị Lệ –Ánh Sáng Phúc Âm

15. Gioan Lê Huỳnh Thư – Thừa sai Đức tin

16. Isave Hoàng Thị Quỳnh Như – Phaolô Đà nẵng

V. THAY LỜI KẾT:

Hoa Vông một thời vang bóng trong lịch sử truyền giáo Phú Yên, nay Hoa Vông như hạt giống đã mục nát cho Tuy Hòa lớn lên. Xin cám ơn tiền nhân với đức tin dũng cảm, với lòng quảng đại và nhiệt thành vì Hội thánh, vì các linh hồn. Đó là gia sản tinh thần đoàn tín hữu Tuy hòa hôm nay thừa hưởng, trân trọng giữ gìn và nỗ lực phát triển. Nhìn lại để thấy được hành trình đức tin của cha ông, những con người được Chúa sử dụng như những công cụ trong công cuộc loan báo Tin Mừng. Có những người có thể nêu lên được tên gọi như Thầy Toàn, người Quảng Nam, theo giúp cha Phiến mà giáo dân Triều Thủy hay gọi là thầy già – mộ phần hiện ở nghĩa trang Hoa Vông. Thầy Gần, thầy Phái, thầy Tiền, thầy Đạo, thầy Nhì là những thầy dạy Giáo lý, dấu tích của các thầy không chỉ lưu trong tâm hồn của những người được học giáo lý mà còn được lưu trong sổ rửa tội khi các thầy cử hành bí tích Rửa tội thay cho các linh mục khi các linh mục không thể cử hành. Có những chức việc như Ông Xã Dư, Ông Biện Tán, Ông Biện Bồng, Ông Biện Mỹ, Ông Biện Xứng… Có những tín hữu công chức thiện chí quyên cúng cho việc phục vụ Hội Thánh và mở mang nước Chúa tại Tuy Hòa được ban thưởng Huy chương Tòa thánh nhân dịp làm phép ba trái chuông của nhà thờ Tuy Hòa như: Ông Giuse Nguyễn Văn Cẩn, Ông Vinh Sơn Nguyễn Văn Tư, Ông Micae Châu Đình Thịnh, Ông Giuse Lê Văn Rư. Và kể sao cho hết biết bao người hôm qua và mãi cho đến hôm nay hăng say tham gia, cáng đán công việc giáo xứ, những thanh thiếu niên, cụ bà, cụ ông âm thầm sống hiền lành đạo đức… họ là nguồn năng lực góp phần sinh động cho hành trình đức tin của giáo xứ.



[1] ADRIEN LAUNAY, Histoire de La Mission de Cochinchine, Tom II, Paris 2000, trang 191-192. Trong danh sách này có một số địa danh chưa tìm được nên vẫn ghi như trong tài liệu.


[2] Khoảng cách "dặm" được ghi trong thống kê như ức đoán .


[3] Phú Điền là quê của cha Phêrô Huề, sinh năm 1852; thụ phong linh mục năm 1885. Cha là người phụ tá cha Auger dẫn đoàn giải cứu tín hữu ở Cây Da khỏi vòng vây phong trào Văn Thân.


[4] Mémorial Mission de Qui Nhơn 02/1909, p. 26-31.


[5] Cha qua đời tại Hoa Vông vào ngày 14.3.1876 do bị sốt rét.


[6] 27/4/1884


[7] khoảng cuối năm 1860


[8] - Mm. No. 53/1909, p. 86-87.

- Các vị tử đạo: Thầy Trinh, Ông Hứa, Nam, Tân, Giáo được Tòa thánh công nhận Tôi tớ Chúa ngày 13.11.1918. – Mm. No. 147, 20.01.1919, trang 20-25. Phú Cốc là quê ngoại của cha Hiền (Mẹ cha Hiền quê Phú Cốc, có chồng ở Diêm Diền, giáo xứ Tân Quán ngày nay), một linh mục đã được Đức cha Cuênot Thể định chọn làm Giám mục kế vị nhưng cha đã lâm bệnh và qua đời. Cha có người em gái là Nữ tu Anna Soạn tử đạo, được Tòa thánh công nhận Tôi tớ Chúa ngày 13.11.1918.


[9] Mm. 02/1909, p. 32


[10] Mm.no.62/1910/p.13


[11] Notes de voyages – Durand,AMEP, 821 p.3-7


[12] Năm 1747, Nam Bình là một giáo điểm phía Nam sông Bàn Thạch có 06 gia đình thuộc nhà thờ Thạch Thành. Nam Bình là một vùng đất nông nghiệp trù phú, ngày nay thuộc xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa, thuộc giáo xứ Đông Mỹ.


[13] R.A.E. Cp.V / 1890,1891,1898 / Mgr. Van Carmelbeke


[14] 02/1911


[15] 10/1912


[16] phó Mằng Lăng


[17] Mm. 7/1925, p. 106


[18] M.m de Qui Nhơn 4/1927, p,48


[19] Nền nhà thờ Triều Thủy có trước biến cố Văn Thân được hai giáo dân kỳ cựu ở Tuy Hòa : ông Nguyễn Hữu Tề ở Giáo khu 1 và bà Lê Thị Thông ở Giáo khu 2, xác nhận vị trí tọa lạc trong khu vực xí nghiệp điện cao thế Miền Trung, chi nhánh điện cao thế Phú Yên, phía Tây nghĩa trang giáo xứ Tuy Hòa hiện nay.


[20] Mémorial Mission de Qui Nhơn, Sept.- Oct. 1940, trang 3-9.


[21] Các ngôi mộ nầy chưa xác định được danh tánh. Có một ngôi mộ lớn được xây bao bằng đá núi. Có thể các ngôi mô nầy gồm có mộ của các vị tử đạo thời Văn Thân, trong đó có các Nữ tu Mến Thánh Giá và mộ của Cha Pierre Alphonse Perrot, Cha đã làm việc và qua đời tại đây vào ngày 14.3.1876.


[22] M.m 3-4/1942, trang 6


[23] Thông tin Địa phận Qui Nhơn số 20/1961, trang 24


[24] Thông tin số 27/1962, trang 34-35


[25] 1964 – 1975


[26] Tháng 9 năm 1976, nhà nước trưng dụng cơ sở Cô nhi viện. Cơ sở Cô nhi viện nay là nhà trẻ Hướng Dương.


[27] Vị trí nay là nhà trẻ Khai Sáng của các nữ tu Mến Thánh Giá Qui Nhơn.




[28] Phó xứ và tuyên uý ở nhà thờ Đồng Tiến