SUY NIỆM CHÚA NHẬT 4/ MC/ C

 SUY NIỆM CHÚA NHẬT 4/ MC/ C (30. 04. 2025)

(Gs 5.9a. 10-12; Cr 5, 17-21; Lc,15. 11-32)

GẶP GỠ ĐỨC KITÔ (tt) 


Phúc Âm theo thánh Luca đặc biệt đề cao Lòng thương xót của Thiên Chúa. Dụ ngôn hôm nay là “đặc sản” của Tin Mừng thứ ba, vì chỉ mình thánh Luca thuật lại câu chuyện này. Hai nhân vật trong Dụ ngôn thật nổi bật: Người cha đầy lòng nhân ái và đứa con thứ lang bạt kỳ hồ. Dụ ngôn đã mang tên “Người cha nhân hậu”. Nơi đây, chúng ta gặp được khuôn mặt biểu tượng của Thiên Chúa Cha, là Tình yêu và giàu Lòng thương xót. Ngài đã có sẵn, không biết tự bao giờ, sự khoan dung tha thứ cho người tội lỗi, khi họ trở về với Ngài, dù tội có chất cao như núi, lỗi có ngút ngàn hơn đại dương. Trong Bài đọc 2, trích thư 2 Cô-rinh-tô, thánh Phaolô cho thấy vai trò trung gian của Chúa Con: Thiên Chúa đã cho chúng ta được hòa giải với Người nhờ Đức Kitô. Đến lượt Chúa Kitô trao quyền hòa giải lại cho Giáo Hội. Trong tòa giải tội, hối nhân lắng nghe linh mục đọc công thức xá giải như sau: “Thiên Chúa là Cha hay thương xót, đã dùng sự chết và sống lại của Con Chúa, mà giao hòa thế gian với Chúa, và ban Thánh Thần để tha tội. Xin Chúa dùng tác vụ của Hội Thánh, mà ban cho con ơn tha thứ và bình an. Vậy Cha tha tội cho con. Nhân Danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Hối nhân thưa: Amen”.

Nhân vật thứ hai trong dụ ngôn là người con trai hoang đàng, là biểu tượng cho những tội nhân. Nhưng anh không là hình mẫu cho lòng sám hối đúng nghĩa. Anh ta đã trở về sau những tháng ngày đắm chìm trong tội lỗi. Anh ta hầu như chẳng ăn năn sám hối, anh chỉ đành phải trở về khi không còn gì để hy vọng. Trong cơn túng đói, anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng cũng chẳng ai cho. Hay nói cách khác, bụng đói thì đầu gối cũng phải bò. Và kèm theo là nỗi sợ: Sợ đói khát, sợ khổ đau, sợ chết chóc…

Nhiều khi chúng ta cũng đã trở về với Chúa như thế, khi chúng ta đi xưng tội mà xét mình không kỹ lưỡng, chỉ xét tội mà không nghĩ đến những điều thiếu xót, chỉ xét mình qua loa, phỏng chừng, bình quân, không rõ ràng, không đi vào ngóc ngách của tình trạng và thời gian lỗi phạm. Còn lòng sám hối thì tượng trưng, không sâu lắng, không dừng chân. Có khi bị ảnh hưởng những nỗi sợ: Sợ hình phạt, sợ bị chê là khô khan, sợ người thân buồn (ăn năn tội không trọn). Hoặc thiếu lòng yêu mến Chúa, sợ Chúa không tươi nét mặt, không muốn uổng phí công ơn cứu độ (ăn năn tội cách trọn). Và vì thế, cuộc sống của chúng ta không biến đổi, không sống tốt hơn, hoặc không dứt khoát được với tình trạng cũ…

Bài đọc 1 cho thấy khi dân Do Thái đã vào miền đất hứa, họ không còn ăn man-na nữa, nhưng dùng hoa màu của đất Ca-na-an. Chúng ta đã bước vào Năm Thánh, hãy dùng hoa màu của Năm Thánh, với những Ân xá, những cơ hội tích cực mà Năm Thánh cung cấp: Hành hương, thăm viếng các địa điểm Năm Thánh, sám hối và  hòa giải, siêng năng tham dự Thánh lễ, xưng tội rước lễ, thực hiện những công việc của lòng thương xót thể xác và thiêng liêng trong “Kinh mười bốn mối”. Cũng như hoa màu của ruộng đất, hoa màu của Năm Thánh đòi hỏi chúng cộng tác bằng sự cố gắng, từ bỏ, ăn chay, cầu nguyện, sống bác ái. Tất cả  đưa chúng ta đến sự gặp gỡ Đức Kitô, nguồn Ơn thiêng cứu độ của mỗi người Kitô hữu chúng ta./.

Mới hơn Cũ hơn