SUY NIỆM CN 3/ MC/ C (23.03.2025)
(Xh 3, 4-8a. 13-15; 1Cor 1-6. 10-12; Lc 13, 1-9)
GẶP GỠ CHÚA KITÔ (tt)
Bài trích sách Xuất Hành hôm nay tường thuật việc ông Môi-sen được diện kiến Thiên Chúa trên núi Khô-rếp. Một khung cảnh hết sức linh thiêng và trang trọng. Lần đầu tiên, Môi-sen thấy một bụi cây cháy bừng, nhưng không hề tàn lụi. Ông tò mò bước tới. Chúa gọi ông, ông mạnh dạn đáp lời và hăng hái tiến đến. Nhưng Thiên Chúa gọi giật ông lại: “Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh”. Sau đó là một cuộc đàm thoại thân mật, giữa một bên là Thiên Chúa, Đấng quyền năng và đầy lòng thương xót, và bên kia, đại diện cho một dân tộc đang đau khổ trong thân phận nô lệ. Thiên Chúa trao cho Môi-sen sứ mạng giải thoát dân tộc của mình. Môi-sen ngần ngại và hỏi tên của tên Chúa. Thiên Chúa trả lời: “Ta là Đấng Hiện Hữu”. Hiện hữu không phải là một cái tên, nhưng là một thuộc tính của Thiên Chúa. Thiên Chúa không có tên, nhưng Ngài là tất cả, vô thủy vô chung, vĩ đại khôn cùng, cao vời khôn sánh, con người không sao hiểu thấu…
Đến hôm nay, Thiên Chúa vẫn là thế, nhưng thật gần, qua việc nhập thể của Ngôi Hai Thiên Chúa, qua cuộc đời trần gian của Ngài, qua Tin Mừng được rao giảng, qua Giáo Hội, qua các Bí tích làm linh dược chữa trị tâm hồn. Hiện tại vẫn đang diễn tả một Thiên Chúa quyền năng và giàu lòng thương xót, một khung cảnh linh thiêng và trang trọng, một cuộc đàm thoại thân tình giữa Thiên Chúa và con người. Đó chính là Chúa Giêsu trong Nhà tạm, trên Bàn thờ, nơi của lễ của Chúa Giêsu, trong đó có của lễ của chúng ta, đang dâng lên Chúa Cha trong Thánh lễ, hàng ngày, và đặc biệt ngày Chúa Nhật, ngày của Chúa và dành riêng cho Thiên Chúa.
Núi Khô-rếp ngày xưa là những Đền thờ hôm nay. Bụi cây bốc cháy mà không lụi tàn là Nhà tạm, nơi Chúa Giêsu hiện diện ngày đêm. Ngọn lửa ngày xưa thu lại trong ngọn đèn nhỏ bé bên Nhà tạm. Và nơi đây, vẫn có những cuộc chuyện trò thân mật giữa Chúa và từng người trong chúng ta, như Thiên Chúa và ông Môi-sen. Vì thế, mỗi khi đến Nhà thờ, chúng ta hãy hình dung lại khung cảnh của núi Khô-rếp, để dễ cảm nghiệm một sự thật vẫn đang hiện hữu, như Thiên Chúa là Đấng Hiện Hữu, đang ôm trọn lấy con người và cuộc đời của mỗi người chúng ta, là những người con trong Dân thánh của Ngài. Đặc biệt mỗi khi tham dự Thánh lễ, Chúa Giêsu đang tái diễn và hiện tại hóa công cuộc cứu độ, qua Lời Chúa, qua phép lạ Thánh Thể, qua việc tưởng niệm cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài. Cuộc đời mỗi người chúng ta được hòa nhập vào của lễ của Chúa Giêsu trên Bàn thờ, chúng ta được nên một với Chúa, được thấm nhuần Ơn Cứu độ, được bồi dưỡng bằng lương thực thần linh, được tăng thêm sức mạnh, để làm chủ bản thân, chiến thắng tội lỗi, và trung thành bước theo Chúa, trong Giáo Hội Hiệp Hành, trong Mùa Chay và Năm Thánh 2025 này.
Đây là những suy nghĩ và phân định để chúng ta sám hối, về cung cách và thái độ của mỗi người chúng ta, khi cầu nguyện bất cứ ở nơi đâu, đặc biệt khi tham dự Thánh lễ. Chúng ta có trân trọng nơi thánh và những giây phút linh thiêng, có dành cho Chúa sự tôn thờ, kính trọng, trang nghiêm, qua sự tập trung tâm trí, qua những cử chỉ tôn thờ, qua tình bác ái với anh chị em đang cùng cử hành phụng vụ với chúng ta không? Chúng ta có giống như những người Do thái bạc tình trong bài đọc 2, như những người vô tâm với tình trạng tội của mình, những kẻ không sinh hoa kết trái, đang được Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi để thứ tha, như trong Tin Mừng hôm nay không?
Chúng ta cùng cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con, xin giúp con gặp gỡ được Chúa. Amen./.
Tags:
Mùa Chay