Suy niệm Chúa nhật 2 chay C

 

SUY NIỆM CN 2/ MC/ C (16.03.2025)

(St 15, 5-12. 17-18; Pl 3, 17-4,1; Lc 9, 28b-36)

GẶP GỠ CHÚA KITÔ (tt)

Theo văn mạch của Tin Mừng theo thánh Luca, khi Chúa Giêsu tiên báo cuộc khổ nạn và phục sinh lần thứ nhất, cùng với những đòi hỏi phải từ bỏ mình, thậm chí cả mạng sống để theo Chúa, các môn đệ đã tỏ ra trầm ngâm và buồn bã. Tám ngày sau, Chúa Giêsu đã đưa 3 môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi Tabor. Trên nơi cao này, Chúa đã cho các ông thấy vinh quang của Chúa: “Đang lúc Người cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường, và áo Người trở nên chói lọi, trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi có các ông Ê-li-a và Mô-sê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giê-su…”Qua cảnh tượng này, Chúa muốn cho các ông thấy: Hành trình theo Chúa, dù phải từ bỏ ngay cả mạng sống đời này, thì kết cục sẽ là chiến thắng vinh quang, như thánh Phaolô đã diễn tả: “Tôi nghĩ rằng những đau khổ ở đời này không thể sánh với vinh quang sắp tới sẽ được mạc khải cho chúng ta” (Rm 8, 18).Những người Kitô hữu chúng ta hôm nay đều tin vào hành trình theo Chúa này, nhưng tại sao chúng ta vẫn bị trở ngại và trì trệ, về việc từ bỏ và vác thập giá hàng ngày đi theo Chúa, và sự trầm ngâm buồn bã vẫn vương vấn trên con đường nên thánh của chúng ta.

Vấn đề là như thế này: Qua bí tích Rửa tội, chúng ta đã được tha tội nguyên tổ, nhưng khi còn là những người lữ hành trên đường về Quê Trời, chúng ta vẫn mang trên mình sự mỏng dòn yếu đuối nơi linh hồn và thể xác. Một chút tro được xức trong ngày thứ tư lễ Tro nhắc chúng ta điều đó. Chưa hết, còn những áp lực của ma quỉ, thế gian và xác thịt ngày đêm hằng rình rập, để kéo chúng ta xa Chúa, làm chúng ta ngần ngại từ bỏ và quyết tâm hoán cải. Chỉ khi nhìn nhận sự thật này, chúng ta mới ý thức và quyết tâm biến đổi mỗi ngày, nhờ ơn Chúa giúp.

Chúng ta hãy cộng tác với Ơn Chúa, vì hàng năm có mùa Chay, năm 2025 này lại là Năm Thánh nữa, với sự nhắc nhở của lời Chúa, sự hướng dẫn động viên của Giáo Hội, với những phương thế cụ thể và hữu hiệu, giúp mỗi người nhận ra thực trạng của mình, nắm bắt những hướng đi và quyết tâm hành động.

Điều quan trọng nhất là làm sao đi tìm và gặp gỡ được Chúa Giêsu Kitô, nhân vật chính và là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta, và luôn nhớ khúc quanh chúng ta phải trải qua để gặp gỡ được Chúa là Sám hối và Hòa Giải

Trước hết, chúng ta đừng bao giờ cho phép nghĩ rằng mình vô tội. Khi tôi nghĩ mình vô tội, là vì tôi không biết mình có tội. Khi tôi nghĩ tôi vô tội, là vì tôi không biết thế nào là tội. Tội không phải chỉ là khi được định danh là tội trọng hoặc tội nhẹ, nhưng tội khởi đầu bằng những thiếu xót, khuyết điểm, vô ý và vô tình. Cơn cám dỗ này tinh vi đến độ làm tôi dễ dàng bỏ qua, và an tâm rằng tôi vẫn mạnh mẽ và yên hàn.

Vậy chúng ta thử bắt đầu xét mình từ khung cảnh ở đây và bây giờ:

- Tôi đã từ bỏ được điện thoại và mạng xã hội khi đến Nhà thờ để tham dự Thánh lễ chưa? Hay tôi đã xử dụng điện thoại, nhắn tin, chát chít trong khi tham dự Thánh lễ, và coi đó là tự nhiên không hề hấn gì, chẳng có tội gì không?

- Tôi đã từ bỏ được thói quen đi lễ trễ và về sớm, tìm chỗ ngồi thoáng mát ngoài nhà thờ, không vào sớm để ổn định chỗ ngồi và cầu nguyện riêng tư với Chúa, trước khi cùng cộng đoàn cử hành phụng vụ không?

- Mỗi khi đến Nhà thờ, tôi có cảm thấy Chúa thật gần, có cố gắng gặp gỡ được Chúa, đi tìm cảm nhận thực sự chưa?

- Tôi đã nhận ra những thiếu xót, lơ là, làm tâm hồn tôi vẫn xa Chúa, cuộc đời tôi vẫn trì trệ, lương ương không?

Trong tâm tình khiêm cung và sám hối, chúng ta hãy nài xin: Lạy Chúa, xin giúp con, xin giúp con, xin giúp con, vì con là kẻ yếu đuối và hay lầm lỗi.


Mới hơn Cũ hơn