Suy niệm Chúa Giêsu chịu phép rửa Năm C


 
SUY NIỆM CN LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA (12. 01. 2025)

(Is 40,1-5.9-11; Tt 2, 11-14;3, 4-7; Lc 3, 15-16.21-22)

CHÚA BA NGÔI TỎA SÁNG

Nếu trong biến cố Hiển Linh tuần trước, Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế, Vua các vua, đã tỏ mình cho muôn dân, thì hôm nay, với biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa, cả Ba Ngôi Thiên Chúa đã tỏ mình.

Không phải chỉ riêng thánh sử Luca, mà cả bốn Tin Mừng đều đã tường thuật ( Mt 3,13-17; Mc 1, 9-11; cf. Ga 1, 33-34): Khi toàn dân (đến với thánh Gioan để) chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa; rồi đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Và có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về con”.

Trong biến cố Hiển Linh, Ngôi Hai Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho muôn dân cách chung, thì với biến cố hôm nay, cả Ba Ngôi Thiên Chúa tỏ mình ra cho các Kitô hữu, những người đã chịu Phép Rửa bởi Chúa Thánh Thần.

Chúng ta cùng hòa mình vào biến cố này, để thấy sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa:

-CHÚA CHA: Qua Bài đọc 1 trích sách Isaia, có thể nói Kinh Thánh Cựu Ước là thời đại của Thiên Chúa Cha. Dân Do Thái là chứng nhân đầy thuyết phục cho hình ảnh cụ thể, của một Thiên Chúa vinh quang, quyền năng, yêu thương và trung tín, dọc dài xuyên suốt lịch sửcủa dân được tuyển chọn. Ngay sau khi Thiên Chúa tạo dựng vạn vật, những con người đầu tiên đã phá vỡ tương quan với Người. Chúa Cha đã hứa phục hồi, không chỉ bằng một phán quyết, mà với một chương trình rất Thiên Chúa, rất con người, và rất nhân bản, qua Con của Người, là Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể làm người.Bên bờ sông Gio-đan, khi Chúa Cha tỏ ý hài lòng về Chúa Con, không phải lúc đó mới hài lòng, mà từ thủa đời đời, nhưng chjo hôm nay, khi Ngôi Hai Thiên Chúa đã mang lấy bản tính nhân loại, kéo theo cả loài người nhập cuộc vào bản thân Ngài. Vậy, Chúa Cha cũng đang nói với chúng ta đấy. Trong Chúa Giêsu, chúng ta đã trở thành con yêu dấu của Người, và Người rất hài lòng về chúng ta.

-CHÚA THÁNH THẦN: Bên bờ sông Gio-đan, Chúa Thánh Thầnlà Thần Khí của Thiên Chúa, đã ngự xuống trên Chúa Giêsu, chứng nhận Ngài là Đấng đã được Chúa Cha xức dầu bởi ThầnKhí, và được sai đi thực hiện Ơn Cứu Độ.Cũng như ở trên, Chúa Giêsu không lãnh nhận Thần Khí cho chính mình, vì Thần Khí đã thuộc về Ngài, và vốn đã ở trong Ngài từ muôn thủa, nhưng giờ được ban cho chúng ta. Khi làm người, Ngài mang trong mình bản tính nhân loại, nên lúc này Ngài nhận Thần Khí để canh tân và phục hồi trọn vẹn bản tính ấy, cho chúng ta, vì chúng ta, vì chúng ta đang ở trong và nên một với Ngài.

-CHÚA CON YÊU DẤU CỦA CHÚA CHA: Chúa Giêsu là nhân vật trọng tâm trong biến cố hôm nay. Thánh Gioan Tiền hô đã làm chứng: Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần”. Tôi đã thấy, xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn. Và đến hôm nay, với bản tính nhân loại, Chúa Giêsu vẫn đang ở giữa loài người, tiếp tục giúp chúng ta hoàn thiện công trình cứu chuộc, giúp chúng ta nên thánh mỗi ngày, và còn ở với chúng ta cho đến tận thế. Hãy sống sao để Chúa Cha tươi nét mặt khi nhìn xuống chúng ta, hãy cộng tác với Chúa Thánh Thần đang ngự trên mỗi người chúng ta, đang soi sáng , hướng dẫn , dạy dỗ chúng ta với Lời Chúa và trong Giáo Hội. Để có thể sống niềm tin này, Thần Khí Chúa ban cho chúng ta niềm hy vọng của Đức trông cậy.

Qua Bí tích Rửa tội, Thiên Chúa Ba Ngôi đã tỏa sáng và hoạt động trong cuộc đời các Kitô hữu chúng ta, không rõ ràng như bên bờ sông Gio-đan, hay vinh quang như trên núi Ta-bo khi xưa, nhưng hôm nay vẫn rất thật và hiệu quả, nhờ Ơn Chúa, niềm tin và hy vọng nơi mỗi người. Trong tông sắc mở Năm Thánh 2025, với chủ đề “ Những người hành hương của hy vọng”, ĐTC Phanxicô đã nói đến một Đức trông cậy không làm thất vọng: Mọi người hãy hy vọng. Niềm hy vọng nơi tâm hồn mỗi ngườinhư nỗi khát khao những điều tốt đẹp sẽ đến, dù chúng ta không biết ngày mai sẽ ra sao. Dù vậy, tính bấp bênh của tương lai lại gây ra những cảm xúc đôi khi trái ngược: từ tin tưởng đến lo sợ, từ thanh thản đến chán nản, từ xác tín đến nghi ngờ. Chúng ta thường gặp những người chán nản, họ nhìn về tương lai với thái độ hoài nghi và bi quan, như thể chẳng có điều gì mang lại hạnh phúc cho họ. Mong sao Năm Thánh là cơ hội cho mỗi người nhen nhúm lại niềm hy vọng. ( “Spes non confundit”, 1)./.
Mới hơn Cũ hơn