SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA THÁNH LỄ GS RẠNG ĐÔNG 2024
TÌM ĐÓN CHÚA GIÁNG SINH VÀO CUỘC ĐỜI
Vào một buổi chiều trong mùa vọng, tôi vào Nhà thờ viếng Chúa, nhìn lên cung thánh, được bao quanh bởi hang đá vĩ đại vừa mới làm xong. Trong khung cảnh mờ mờ ảo ảo, tôi bỗng thấy thánh giá và tượng Chúa chuộc tội như bị chìm vào trong vách đá. Cảnh tượng này làm tôi nhớ lại một câu truyệnđã nghe. Trên một chuyến xe khách bắc nam, khi xe đi ngang qua khu vực Cà Ná (Phan Rang) thì trời đã tối, lúc đó hai bên đường quốc lộ là núi và biển. Trên xe có một bà mẹ ẵm theo đứa con nhỏ. Cháu bé đang bệnh nên khóc suốt… và lịm dần. Cuối cùng cháu đã chết trên tay mẹ. Bác tài đã dừng xe và yêu cầu bà mẹ đem con ra khỏi xe, kẻo chuyến đi gặp xui xẻo. Bà mẹ cuối cùng đã phải xuống xe và đặt đứa con lên một tảng đá to và phẳng bên đường. Bà lâm râm cầu khấn, nói với con rằng ngày mai sẽ quay lại đón con…Chuyến xe tiếp tục hành trình. Sáng sớm hôm sau, bà mẹ vội trở lại tìm con. Nhưng đứa bé không còn đó nữa. Nhìn xuống tảng đá, bà thấy hình đứa con bé bỏng bị chìm sâu vào trong đá. Ngày nay, chỗ tảng đá đó, người ta làm một cái am để tưởng nhớ.
Chúng ta đang chiêm ngắm và suy niệm về mầu nhiệm Chúa Ngôi Hai nhập thể làm người, cùng với Mẹ Maria và thánh cả Giuse bên hang đá đơn nghèo này. Khi chọn cung cách nhập thể làm người, không phải là chuyện tình cờ hay ngẫu hứng. Ngay từ thuở sáng tạo, khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã nói: Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, và Sách Sáng thế kể tiếp: Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. (St 1, 26-27). Khi xuống thế làm người, Chúa Giêsu đã muốn gắn chặt vinh quang của Thiên Chúa vào thân phận của loài người, muốn nên giống và nên một với chúng ta, chỉ trừ tội lỗi. Biến cố Chúa Giáng Sinh được tưởng nhớ hôm nay là chương trình cứu độ đã khởi đầucách đây 2024 năm của kỷ nguyên mới. Để từ đó, Chúa nâng loài người yếu đuối sa ngã lên, cho vào hưởng niềm vui và hạnh phúc của những người con của Thiên Chúa. Cũng để con người thấy Chúa đã yêu thương con người một cách rất con người, cuộc đời của Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta biết bao kỷ niệm sống động, đã được thuật lại trong các sách Tin Mừng. Vì yêu thương chúng ta, Chúa đã xuống thế làm người, sống với con người, đã chết cho con người, và đã sống lại để đưa con người sự sống đời đời. Câu truyện em bé nhập vào tảng đá vừa kể ở trên, không biết thực hư ra sao, nhưng giúp chúng ta dễ hình dung một phần nào, về mầu nhiệm Chúa nhập thểtrong con người chúng ta. Nhìn vào hang đá máng cỏ, chúng ta đang chứng kiến một sự thật, và sự thật này sẽ giải thoát chúng ta.
Khi suy niệm về mầu nhiệm Giáng Sinh, Thánh Augustinô đã muốn tâm sự với chúng ta thế này: Bạn sẽ phải chết muôn đời, nếu Người không sinh ra trong thời gian. Bạn sẽ chẳng bao giờ được giải thoát khỏi xác thịt tội lỗi, nếu Người đã không chấp nhận mang xác thịt tội lỗi giống như bạn. Bạn sẽ phải khốn nạn mãi mãi, nếu Người không rủ lòng thương xót bạn. Bạn sẽ chẳng tìm lại được sự sống, nếu người chẳng chết như bạn. Bạn sẽ ngã quị, nếu Người chẳng đỡ nâng. Bạn đã phải tiêu vong, nếu như Người không đến.
Trong thực tế sống đạo, đây là dịp để chúng ta hãy đón Chúa Giáng Sinh đi vào cuộc đời thực của mỗi người chúng ta. Mỗi dịp lễ Giáng Sinh, tiếng Chúa lại nhắc nhở chúng ta rằng: Chúa đã bước vào cuộc đời trần gian và đang ở giữa chúng ta, và sẽ còn ở với chúng ta cho đến tận thế. Nhiều khi, chúng ta không thấy Chúa vìsự ẩn mình của Chúa, và vì những yếu đuối, những cám dỗ và áp lực của cuộc sống, chúng ta đã không tìm mọi cách để xây dựng và củng cố mối tương quan này. Chúa đã trao cho chúng ta thời gian và không gian, cùng với nhiều phương thế để gìn giữ Chúa trong cuộc đời, chúng ta hãy kiên nhẫn và trung thành Ơn Chúa thương ban.
Khi tiếp tục nhìn lên dãy núi đá bao quanh bàn thờ và cung thánh, thấy Chúa như ẩn vào đá, tôi chợt nghĩ đến một hình tượng khác, khi nhớ lại một cuốn tiểu thuyết, mang tên là “Ngọc trong đá” của tác giả Nguyễn Đông Thức. Nội dung cuốn tiểu thuyết nói về một chủ đề ngoài xã hội, nhưng chúng ta chỉ lấy tựa đề của nó để hình dung về mầu nhiệm Giáng Sinh. Chúa đã nhập thể vào cuộc đời chúng ta, để ở trong khối đá dù đang nhấp nhô và xù sì, nhưng trong đó có viên ngọc quí. Dân Do Thái hãnh diện về lịch sử dân tộc mình, một lịch sử pha lẫn ánh sáng và bóng tối, nhưng được cả thế giới Kitôgiáo trân trọng và yêu mến, là vì trong lịch sử ấy có Thiên Chúa. Đó là cuốn Kinh Thánh, cũng là tình sử của Thiên Chúa và loài người. Khi Lời trong Kinh Thánh vang lên, thì nhắm đến mọi người thiện tâm, trong đó có chúng ta. Chúng ta hãy yêu kính và gần gũi với Lời Chúa khi cầu nguyện và lắng nghe, rồi đáp trả một cách thiết thựcbằng hành động.
Với Bài đọc 1 sáng hôm nay, Thiên Chúa đã nhắc lại lời hứa giải thoát và cứu độ qua miệng tiên tri Isaia: “ Đây là Lời Đức Chúa loan truyền cho khắp cùng cõi đất. Hãy nói với thiếu nữ Xion; Kìa ơn cứu độ ngươi đang tới. Chúng sẽ được gọi là “Dân Thánh”, là những người được Đức Chúa cứu chuộc. Ngươi sẽ được gọi là “cô gái đắt chồng”, là “thành không bị bỏ rơi”. Xion là hình ảnh tượng trưng cho dân Do Thái, được ví như một cô thiếu nữ, ngày hôm nay là Giáo Hội Chúa Kitô. Những lời này đã bắt đầu trở thành hiện thực, qua biến cố Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần làm người.
Trong ngày lễ Giáng Sinh, Thánh Phaolô đã nhắn nhủ chúng ta, như xưa đã nói với ông Titô: Khi Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, biểu lộ lòng từ bi và nhân ái của Người, thì Người đã cứu chúng ta, không phải vì chúng ta đã làm những việc công chính, mà là vì Người thương xót. Người cứu chúng ta nhờ phép Rửa ban ơn tái sinh, và ơn đổi mới do Chúa Thánh Thần thực hiện. Thiên Chúa đã tuôn đổ đầy tràn Thánh Thần trên chúng ta, nhờ Đức Kitô, Đấng cứu độ chúng ta.
Và giờ đây, chúng ta cùng hướng về hang đá, để thấy một dãy núi đá hùng vĩ, bất động và khô khan, như cuộc đời của chúng ta, với những sóng gió, nắng mưa và yếu đuối trong cuộc sống, trong những hoàn cảnh khó khăn vì thiếu niềm tin,yêu và hy vọng. Chúa đã đến và âm thầm nhập vào làn xe và quĩ đạo của con người. Và vì thế, một khung trời mới đã mở ra, xuyên qua vách núi để thấu đến bầu trời cao xanh, thấy được Mặt Trời công chính là Ngôi Hai Thiên Chúa đã giáng sinh làm người. Chúng ta hãy đến quì bên Mẹ Maria, Thánh Giuse, và các mục đồng, những ngườiđầu tiên đến gặp gỡ Thiên Chúa, trong một hình hài khiêm tốn và gần gũi. Đó là những tâm tình và hành động của mỗi người chúng ta trong mùa Giáng Sinh này, rồi cùng nhau ra đi loan báo Tin Mừng, bằng cuộc sống chứng tá, làm trổ sinh hoa trái trong chính mình và mọi người, như chủ đề của Giáo Hội Việt Nam và Giáo phận Qui Nhơn./.
Tags:
Giáng sinh