Suy niệm Chúa nhật 22 thường niên B

 


SUY NIỆM LỜI CHÚA CN 22/TN B

(Đnl 4, 1-2.6-8; Gc 1, 17-18b.21b-22.27;Mc 7, 1-8a.14-15. 21-23)

LẮNG NGHE VÀ THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Khi đọc kinh Tin kính trong các Thánh lễ Chúa Nhật và Lễ trọng, chúng ta đã tuyên xưng rằng: “Tôi tin có Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”. Hội Thánh ấy chính là Giáo Hội Công giáo, mà qua Bí tích Rửa tội, những Kitô hữu chúng ta đang thuộc về.

Từ thời Cựu ước, nơi tiền thân của Giáo Hội hôm nay là dân Israel , Thiên Chúa đã hiện diện thật gần gũi giữa dân của Người, như sách Đệ Nhị luật đã nói: “Có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như Đức Chúa, Thiên Chúa Chúa chúng ta,ở gần chúng ta, mỗi khi chúng ta kêu cầu người” (Đnl 4, 7).

Sang thời Tân Ước, Chúa Giêsu đã thiết lập Giáo Hội, là dân Israel mới, bao gồm toàn thể các dân các nước, thì sự hiện diện của Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu Kitô, càng trở nên cụ thể hơn nữa, qua một Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Đặc tính tông truyền sẽ gìn giữ tính duy nhất, thánh thiện và công giáo của Giáo Hội Chúa Ki tô. Giáo hội tông truyền là Giáo hội do Chúa Giêsu Kitô thiết lập. Trước khi lên trời, Chúa trao lại cho thánh Phêrô và các Tông đồ, để lãnh đạo, chăn dắt và hướng dẫn, rồi được tiếp tục do các Đấng kế vị. Đến hôm nay, Đấng kế vị thánh Phêrô là Đức Thánh Cha Phanxicô, kế vị các Tông Đồ là các Đức Giám mục. Tại giáo hội địa phương giáo phận Qui Nhơn là Đức Cha Matthêô. Ngài đã bổ nhiệm các mục tử tại các giáo xứ là các Linh mục quản xứ. Như thế, Chúa Giêsu vẫn hiện diện, gặp gỡ, lắng nghe, và đối thoại với dân Chúa qua các mục tử của Ngài. Đức Thánh Cha, các Đức Giám mục hợp nhất với ngài, các Linh mục quản xứ được Đức Giám mục sai đi, có sứ mạng phải  bảo vệ, giải thích, và rao truyền Lời Chúa, và ý định của Chúa một cách chân thành, chính xác, và nhiệt tâm.

Trong đời sống đạo của Giáo Hội, các việc đạo đức như đọc kinh, lần chuỗi, gẫm đàng thánh giá,các việc phụng vụ như tham dự Thánh lễ, xưng tội , rước lễ, lãnh nhận các Bí tíchv.v…, là những việc rất tốt đẹp, để giúp chúng ta ý thức sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời, đó là việc cầu nguyện, dâng những tâm tình, suy nghĩ, hoài mong của mình lên Chúa, Đức Mẹ, và các thánh. Nhưng chúng ta phải đi sâu hơn nữa vào sự gặp gỡ Chúa, trong việc lắng nghe Lời Chúa, suy niệm trong thinh lặng, đối thoại, và trả lời những yêu cầu, và ước mong của Chúa đặt ra cho mỗi người, để biến đổi đời sống theo thánh ý Chúa. Trong lãnh vực này, vai trò của các mục tử rất quan trọng, để giúp cho mọi người hiểu được ý định của Chúa và chương trình của Ngài. Vì thế, để cho những công việc đạo đức của chúng ta không rơi vào hình thức bên ngoài, phát sinh tự mãnvà tự an tâm, nhưng không thay đổi đời sống, chúng ta phải tìm cách học hỏi Kinh Thánh, giáo huấn của Giáo Hội, và những hướng dẫn của các mục tử. Chính vì thiếu hiểu biết, nên có lúc chúng ta tìm sự giải thích ngoài Chúa, hoặc hiểu theo ý mình, ứng xử một cách thiếu chín chắn và khôn ngoan, rồi một cách vô tình, gây chia rẽ và hiểu lầm trong cộng đoàn, làm mất đi sự hiệp nhất, thánh thiện của Giáo Hội. Trong Giáo Hội, nếu có những suy nghĩ và muốn góp ý cho đời sống đạo của cộng đoàn, chúng ta nên gặp gỡ và góp ý trực tiếp với những người có trách nhiệm, hoặc với mục tử của mình, không nên tự giải thích theo phe nhóm, hoặc theo ý mình, rồi công khai phê bình chỉ trích Giáo Hội của mình, như những biệt phái và Pharisêu ngày xưa.

Chúa Giêsu khiển trách và lên án các biệt phái và Pharisiêu, là vì họ đã chạy theo nhưng hình thức bên ngoài, có vẻ tốt đẹp đấy, nhưng tâm hồn thì xa Chúa, và cuộc sống lại thiếu tình thương với người đồng loại. Lạy Chúa, xin biến đổi lòng con, như con phải biến đổi. Amen


Mới hơn Cũ hơn