CHUYỆN NGƯỜI PHỤ NỮ XỨ CANAAN

 CHUYỆN NGƯỜI PHỤ NỮ XỨ CANAAN
(Mt 15, 21-28)

Bà là một người nghèo, vô danh, sống bên ngoại thành Tyrô và Siđôn. Bà là một người không có kiến thức, không có vai trò gì trong xã hội. Chính trong thân phận ấy, bà không biết bám víu vào đâu khi con gái bà lâm bệnh. Bà là một người mẹ, mẹ nào không thương con. Chính tình thương ấy, chính thận phận ấy, bà tìm đến ông Thầy Giêsu của bà.

Bà đã làm gì khiến ông Thầy Giêsu khen ngợi đức tin của bà? Bà chỉ đến tìm gặp Thầy Giêsu và trình nhu cầu của mình. Nhưng ngặt một nỗi, bà phải vượt qua làn ranh của một vùng đất khác, làn ranh địa lý đã đành, nhất là làn ranh thành kiến của dân tộc bà đối với con người làng Nazaret này. Bà phải bước vào một xứ sở mà từ con người đến quan điểm đều bị phân cách với dân tộc bà bằng cả một hố sâu. Chưa hết, chuyến đi của bà còn mang tính chất rủi may, liều mạng. Bà chỉ nghe đồn đãi về ông Thầy này, có thể lời đồn đãi kia là không thực. Bà phải chấp nhận điều có thể xảy ra là việc làm của bà chỉ là vô vọng luống công, không những thế mà còn mở đường cho người ta chỉ trích.

Mình đến với Chúa Giêsu ngay cả khi có thể bị vỡ mộng. Tuy nhiên, nếu người đàn bà nầy đã ở nhà, không dám vượt qua mọi làn ranh ngăn cách, thì Giêsu vẫn là Đấng Kitô, nhưng bà sẽ không bao giờ được bước vào cõi ơn phước của Đấng Kitô, vẫn muôn đời chìm đắm trong cô đơn và vô vọng.

Điều này cũng đúng với mình, mình phải bước qua ranh giới ngăn cách của bao thế kỷ để đến cùng con người Nazaret này. Mình phải bước vào vòng thành của một xứ sở xa lạ. Mình phải luôn luôn vượt qua những biến động to lớn vây quanh mình để bước vào sự yên tĩnh bao quanh Chúa Giêsu. Người phụ nữ ngoại giáo này còn gặp phải sự Im lặng, từ chối, ngừng nghỉ, chấp nhận. Mỗi động từ được Thánh sử dùng đều có ý nghĩa trong cuộc gặp gỡ này.

Trước lời van xin của bà, Thầy Giêsu làm thinh. “Thầy chẳng đáp một lời”. Sự im lặng của Thiên Chúa là một thách đố lớn nhất đối với Đức tin của mình. Mình biết điều này. Mình đã từng cảm nghiệm sự thinh lặng này trong đời sống. “Tại sao, tại sao xảy ra cho tôi, cho cha mẹ, cho anh chị em tôi những điều nầy?...

Người phụ nữ đã hướng đến Chúa Giêsu làm thinh hơn là hướng đến vẻ bề ngoài của con người. Rõ ràng sự im lặng của Thiên Chúa được đánh giá bằng một tiêu chuẩn khác hơn là sự im lặng của loài người. Người phụ nữ Canaan dò dẫm tìm kiếm bên trong của sự im lặng đó. Cho dù bà phải nán lại thật khuya hoặc sáng hôm sau, lòng bà cũng không hề thất vọng về quyền năng của Thiên Chúa.

Sau sự im lặng là những ý nghĩ thiên thượng của Cha nhân lành. Cha nhân lành đang xếp, đặt từng viên đá trong chương trình của Cha cho thế giới và cho mỗi đời sống của vạn vật. Mình chỉ có thể thấy một đống đá gạch hỗn độn và vô nghĩa chồng chất lên nhau dưới bầu trời mưa nắng. Biết bao cơn lốc vô nghĩa của cuộc đời, cuộc sống khốn khổ, bất công, chết chóc, tàn sát, phá huỷ, tất cả diễn ra dưới một bầu trời không có lời nào. Thập giá là sự im lặng vĩ đại củaThiên Chúa. Thiên Chúa không có gì để nói, chỉ có tiếng kêu của Đấng chịu chết vang lên trong cõi im lặng, "Cha ơi, sao Cha bỏ Con". Thiên Chúa vẫn còn im lặng ngay cả khi thiên nhiên vô tri vô giác cũng phải thốt lên cử chỉ kinh hoàng, mặt trời chìm trong bóng tối, màn đền thờ xé ra, trăng sao gào khóc và Thiên Chúa vẫn im lặng.

Sự im lặng của Chúa Cha và của ông Thầy Giêsu không là sự im lặng lãnh đạm. Nhưng đó là sự im lặng của tình yêu lớn lao, của tư tưởng vĩ đại, đó không phải là sự im lặng của thua cuộc, của định mệnh. Người phụ nữ cảm nhận điều này, vì thế bà không ngừng van xin Thầy Giêsu, mặc dầu Thầy Giêsu im lặng, bàn tay bà vẫn ngửa ra, không chịu buông xuống.

Tiếp theo đó là nhát búa thứ hai, và cũng là lần thứ hai đức tin được thử thách. Sự im lặng thình lình bị phá tan. Ông Thầy Giêsu nói hai câu, trước hết là “Ta được sai đến đây chỉ vì các con chiên lạc của nhà Israel mà thôi”, và sau đó: “không nên lấy bánh của con cái mà quăng cho chó ăn”.

Giữa hai câu từ chối thật nặng như lửa thiêu rụi công tình chịu khó chịu khổ của bà đó, lại thêm mấy ông môn đệ cũng đầu đen máu đỏ như bà, cũng có con có cái như bà, nhưng mấy ổng châm dầu vào lửa: "Thầy ơi, đuổi bà ấy về đi, vì bà ấy cứ đi theo, lãi nhãi mãi". Đối diện với Chúa chưa đủ, còn phải đối diện với với anh em đồng loại nữa. Phải vượt qua sự chướng ngại từ anh em đồng loại không nhẹ nhàng hơn sự thinh lặng của Thiên Chúa đâu.

 Giữa những nhát búa thật nặng đó, chỉ có tiếng kêu xin: “Lạy Chúa xin giúp tôi”, lời kêu xin bật lên như tên lửa, rồi bị vây trong quyền lực của sự im lặng tối thượng, rồi tắt lịm mất.

Cuộc đối thoại tiếp tục đến cực điểm. Người phụ nữ này sẽ phản ứng thế nào trước lời của Thầy Giêsu nói là có bức tường phân cách giữa bà với Ổng? Bà sẽ nhấn mạnh nhu cầu của bà? hay bà sẽ bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối của bà? bà sẽ hành động như người què bên đường không? hay là bà sẽ lợi dụng lòng thương hại của Thiên Chúa? Bà bắt đầu rên rỉ kêu khóc chăng? Không, không, không, vạn lần không. Sự việc diễn ra vô cùng lạ lùng và không ngờ được, bà nói: “Lạy Chúa, thật như vậy” điều này có nghĩa là tôi chấp nhận công lý sự im lặng của Thầy, chấp nhận việc Thầy không thèm nhận tôi. Điều này có nghĩa là Thầy không bó buộc phải giúp tôi. Thầy không phải đếm xỉa đến tôi, hỡi Giêsu người Nazareth. Tôi không có quyền đòi hỏi gì nơi Thầy cả.

Ý nghĩa vĩ đại nằm trong tư tưởng này. Việc Chúa tiếp nhận tôi không phải là một đặc quyền của tôi. Việc Chúa chết thế tôi trên thập giá không phải là bổn phận Chúa Giêsu phải làm cho tôi. Nhưng đó là tình yêu, chỉ vì Chúa Giêsu thương ta. Tất cả những điều đó ngầm chứa trong câu: “Lạy Chúa, thật như vậy”

Kết cuộc của câu chuyện này: Người phụ nữ tiếp tục tấn công “song mấy con chó con ăn miếng bánh vụn trên bàn chủ nó rớt xuống” song - ở đây có phải là sự tương phản với sự thừa nhận vô điều kiện của bà không? phải chăng bà đã rút lại hết lý sự và trở nên buông bỏ rồi không?

Dù khi bắt bớ xảy ra, khi kinh hoàng bao phủ, khi Thiên Chúa im lặng bà vẫn kiên trì, không trốn chạy. Bởi vậy bây giờ bà hiểu được rằng Thiên Chúa có những hành động cao hơn cho nhân loại. Và sự bình an đang được tái lập. Bởi vì bà đã can đảm thưa: “Thật vậy, Thưa Chúa” nên bà có thể vui mừng tiếp tục xin “song” chữ song này bao hàm ý nghĩa là tôi không được chọn để thuộc về Thầy, tôi không có quyền đòi hỏi chi ở Thầy.

Thầy có thể bỏ qua một người đã dốc tất cả nỗ lực của mình, tấm lòng của mình? Thầy có thể bỏ qua người đã gạt bỏ cả mọi sự qua một bên, chỉ còn mong mỏi nơi tình yêu thương và sự rộng lượng của Thầy? Thầy có thể làm những điều đó không? Hỡi Giêsu người Nazareth.

Giêsu Nazareth không làm điều đó được. Người phụ nữ này đã theo sát ông Thầy Giêsu trong từng lời nói. Bà đã làm một việc mà nhiều người khác không thể làm, bà đã tấn công Đấng cứu độ trong từng lời nói, bà đã tung đòn thế của bà khiến ông Thầy Giêsu không thể bước qua.

Bà đắc thắng bởi vì bà bám sát những lời Chúa nói. Bà đã làm tấm lòng của Thiên Chúa mở ra, thay vì im lặng. Điều này giải thích tại sao đức tin của bà được ngợi khen là lớn, và điều này giải thích tại sao bà không phải là người nhỏ nhất trong nước trời.

Câu chuyện Tin Mừng này cũng thường hiện thực trong đời sống của mình. Như người phụ nữ Canaan, mình phải vật lộn với sự thinh lặng của Cha nhân lành. Mình không để cho Cha nhân lành bước qua khi Cha chưa chúc lành cho mình. Mình phải giơ cho Cha thấy bàn tay trống rỗng của mình trước đòi hỏi của sứ vụ. Và Cha đã cho con mình bánh thay vì đá. Cha đã tuôn tràn ơn lành cho một phụ nữ khốn khổ mặc dù bà không phải là một nữ nhân sáng giá, bà chỉ là một người mẹ đơn thuần đúng nghĩa mẹ, một sứ vụ bà đã nhận lãnh.

 Trong môi trường xã hội, những vật dụng hằng ngày được sản xuất có thời hạn, từ chiếc tivi, đôi giày, chiếc điện thoại, chiếc quạt, áo quần, mẫu mã thời trang…dễ làm mình dán mắt, để lòng để tâm vào những cái, những hình thức hoành tráng nhưng mau qua, những "sắc hoa" sớm nở chiều tàn… Câu chuyện người phụ nữ Canaan nhắc mình phải nỗ lực tìm những giá trị bền vững cho mình và cho dân Chúa.

“Lạy Chúa, thật như vậy” và “Xin thương xót con”!


Tác giả: Lm. Gioan Võ Đình Đệ


Mới hơn Cũ hơn