SUY NIỆM LỜI CHÚA – CHÚA NHẬT 15/TN B
(Am 7, 12-15; Eph 1, 3-10a; Mc 6,7-13)
Sứ điệp củaLời Chúatuần này quá đỗi rõ ràng: Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng. Trong Giáo Hội hôm nay, qua bí tích Rửa tội, tất cả các thành phần dân Chúa đều được Chúa Giêsu cho thông phần vào sứ vụ thứ hai của Người: Đó là Sứ vụ Ngôn Sứ và Chứng Nhân.
Trong Hiến chế về
Giáo Hội, thánh Công Đồng Vatican 2 đã dạy: Nhờ Bí Tích Rửa Tội, người Giáo dân tham dự cùng với hàng tư
tế phẩm trật vào sứ vụ ngôn sứ của Chúa Kitô, nhưng với cách thế khác nhau do
bởi địa vị của họ trong Giáo Hội.
Thật vậy, hàng
giáo sĩ phẩm trật (Giám mục, Linh mục) rao giảng lời Chúa, dạy
dỗ và cử hành các Bí tích trong phạm vi thánh đường.
Ngược lại,
Giáo dân được mời gọi rao giảng Lời Chúa và giáo lý bằng chính đời sống chứng
nhân của mình trong các môi trường sống. Nghĩa là được mời gọi và có bổn phận
làm tông đồ cho Chúa bằng cách chu toàn các bổn phận ở gia đình, trong vai trò
vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em.
Bên ngoài xã
hội, người Giáo dân làm tông đồ cho Chúa qua đời sống chứng tá, bằng cách nêu
cao những giá trị của Tin Mừng, trong khi sống và làm việc chung với những
người không cùng tín ngưỡng với mình, để giúp họ nhận ra Chúa và tin yêu Người
như Chúa Giêsu đã dạy: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian… ánh
sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ nhìn thấy những công
việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt
5:16).
Đây là sứ vụ
ngôn sứ của người tín hữu Chúa Kitô, tức là sứ mạng góp phần phúc âm hóa thế
giới cùng với hàng giáo sĩ. Vì sống giữa đời, nên người Giáo dân có nhiều cơ
hội thuận tiện để rao giảng lời Chúa bằng chính đời sống của mình. Nếu họ can
đảm sống trung thực với những giáo huấn của Chúa về công bằng, bác ái, yêu
thương, tha thứ, tôn trọng danh dự, tính mạng và quyền lợi của người khác cách
phải lẽ, thì chắc chắn họ sẽ phúc âm hóa hữu hiệu những môi trường có mặt họ,
khi họ sống chung với những người khác.
Trong viễn ảnh
này, đời sống chứng tá của họ có giá trị thuyết phục người khác mạnh hơn cả
những lời giảng thuyết hùng hồn trong nhà thờ của hàng giáo sĩ. Vì thế, Thánh
Công Đồng Vatican II đã nói: “Giáo dân được đặc biệt kêu mời làm cho
Giáo Hội hiện diện và hoạt động trong những nơi và hoàn cảnh, mà nếu không có
họ, Giáo Hội sẽ không trở thành muối của thế gian...”.
Ngược lại, nếu
người tín hữu Chúa Kitô “thỏa hiệp” với thế gian, chấp nhận
những lối sống đi ngược với mọi giá trị của Tin Mừng, thì họ đã chối Chúa Kitô
cách hữu hiệu trước mặt người đời. Nói khác đi, nếu người tín hữu Công Giáo
cũng ăn gian, nói dối, cờ bạc, ly dị, phá thai, nói hành, lăng mạ người khác,
hay mê tín dị đoan, tôn thờ của cải vật chất hơn những giá trị tinh thần, và
chấp nhận những lối sống vô luân, phi nhân bản, thì chắc chắn không thể rao
giảng hữu hiệu Tin Mừng của công bình, bác ái, thánh thiện, yêu thương, và tha
thứ của Đức Giêsu Kitô cho ai được, vì không ai có thể cho người khác cái chính
mình không có. Cũng vậy, không ai có thể thuyết phục người khác tin và làm
những điều, mà chính mình không tin và không thực hành trong đời sống. Nhiệm vụ
ngôn sứ của người Giáo dân được mong đợi cụ thể trong hai lãnh vực chính sau
đây:
a. Trong lãnh vực xã hội trần thế
Những môi
trường hoạt động chính của người Giáo dân là các môi trường xã hội, chính trị,
kinh tế, thương mại, công nghiệp, văn học, nghệ thuật, giáo dục, truyền
thông,v.v… Như mọi công dân sống trong cộng đồng xã hội, người Giáo dân tham
gia vào các môi trường trên vì nhu cầu sinh sống, vì nghề nghiệp chọn lựa, hay
chuyên môn đòi hỏi sự dấn thân hoạt động của họ. Chính ở những môi trường này,
họ có cơ hội tốt để thi hành sứ vụ ngôn sứ và chứng nhân của mình trước tha
nhân. Trong mục đích này, người Giáo dân đặc biệt được mời gọi và mong đợi,
dùng hiểu biết và khả năng chuyên môn của mình để cải tạo thế giới, lành mạnh
hóa xã hội, chống lại mọi khuynh hướng tha hóa, lối sống phi luân, suy tôn vật
chất làm băng hoại tinh thần con người trong mọi môi trường xã hội ngày nay. Cụ
thể, họ có bổn phận phải tận dụng những phương tiện truyền thông hữu hiệu như:
sách báo, truyền thanh, truyền hình, website, facebook, twitter,… để chống lại
những ảnh hưởng khốc hại của “văn hóa sự chết” đang xâm nhập mọi
lãnh vực sống hiện nay ở khắp mọi nơi. Họ phải can đảm lên tiếng chống lại
những tệ nạn xã hội, chủ nghĩa hưởng thụ và tôn thờ vật chất vô luân, như
phim ảnh, sách báo khiêu dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em. Phải chống lại mọi
hình thức khuyến khích bạo động, ly dị và hôn nhân đồng tính, một suy thoái
nghiêm trọng về giá trị và mục đích của hôn nhân, đang được cổ võ và hợp thức
hóa ở nhiều nơi trên thế giới.
b. Trong phạm vi Giáo Hội
Giáo dân được
mời gọi cũng như có bổn phận xây dựng Giáo Hội bằng những đóng góp tích cực và
thích đáng, để làm cho Giáo Hội ngày thêm vững mạnh về lượng, nhất là về phẩm
chất thánh thiện theo gương Chúa Kitô.
Cụ thể, Giáo
dân hãy can đảm sống đức tin Công Giáo, không những trong lãnh vực tinh thần
bằng việc chu toàn mọi bổn phận thiêng liêng, như cầu nguyện, tham dự việc cử
hành bí tích nhất là bí tích Thánh Thể, là đỉnh cao của phụng
vụ thánh và đời sống của Giáo Hội. Việc siêng năng tham dự Thánh lễ và
rước Mình Máu Chúa Kitô, là phương thế hữu hiệu nhất để được trở nên giống Chúa
Kitô, là khuôn mẫu tuyệt vời của mọi sự thánh thiện và hoàn hảo.
Nhưng bổn phận
và trách nhiệm của người Giáo dân, không chỉ giới hạn vào việc chu toàn những
bổn phận thiêng liêng này, mà còn đòi hỏi tích cực tham gia vào việc xây dựng
và phục vụ tích cực cho Giáo Hội hoàn vũ, cũng như Giáo Hội địa phương, trong
những công việc thích hợp với vai trò và khả năng chuyên môn của họ.
Ơn gọi làm
ngôn sứ của tiên tri Amos ngày xưa nơi Bài đọc 1, được áp dụng cho tất cả các thành phần trong Giáo Hội hôm nay.
Thánh Phaolô cũng đã xác quyết ý định của Thiên Chúa là muốn qui tụ muôn loài
trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Giêsu Kitô, khi Chúa sai chúng ta
đi làm tiên tri và chứng nhân cho Người.
Chúng ta cùng
cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã sai chúng con đi rao giảng Tin Mừng và làm chứng
nhân cho Chúa giữa dòng thời gian và dòng đời. Xin cho chúng con, các Linh mục,
Tu sĩ và Giáo dân trong giáo xứ Tuy Hòa, mỗi người trong vị trí và chức năng
của mình, tích cực tham gia vào sứ vụ này, để làm vinh danh Chúa và lợi ích cho
các linh hồn, của chính chúng con, và của cả những ai
chưa nhận biết Chúa là Cha nhân ái và giàu lòng xót thương. Amen