Suy niệm Chúa nhật 17B (28/7/2024)




SUY NIỆM LỜI CHÚA CN 17/TN

( Ga6, 1 – 15 )

Trong Tin Mừng CN tuần trước, Chúa Giêsu đã xót thương và dạy dỗ đoàn người theo Chúa.Còn Tin Mừng tuần này, Chúa nuôi dưỡng đoàn dân của Người.

Ngước mắt lên, nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình, Người hỏi ông Philipphê: Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây? Người hỏi thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. Phép lạ bánh hóa nhiều trong Tin Mừng này là hình ảnh cho một phép lạ còn vĩ đại hơn nhiều.Đó là trong Bữa Tiệc Ly chiều Thứ Năm, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, trao cho các môn đệ và nói: “Anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy”. Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạơn, trao cho các môn đệ và nói: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là Máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mat 26, 26 – 28). Với phép lạ này, Chúa đã thiết lập Bí tích Thánh Thể, và cùng với Bí tích Thánh Thể , Chúa khởi sự bước vào cuộc khổ nạncủa Người. Thật thế, hôm nay, Bí tích Thánh Thể được cử hành trong mỗi Thánh Lễ mà Giáo Hội dâng trên Bàn thờ mỗi ngày. Thánh Lễ đã trở thành trung tâm của đời sống Kitô hữu, là đỉnh cao của việc tôn thờThiên Chúa, là điểm hẹn Tình Yêu với Đức Kitô, là nơi phát xuất Ơn Cứu Độ cho nhân loại. Giáo xứ chúng ta đang nỗ lực cử hành Thánh Lễ một cách sốt sắng nhất. Vì trong mỗi Thánh Lễ, qua hiện thân của Người là các Giám mục và Linh mục, Chúa lại tái diễn phép lạ Thánh Thể trên Bàn thờ, để chúng ta được tiếp xúc với Chúa và thưởng thức lương thực thần linh từ trời ban xuống.

Ngày xưa khi còn ở trần gian, Chúa Giêsu đã đích thân làm những việc, mà hôm nay trong Giáo Hội, Chúa vẫn tiếp tục thực hiện qua các Bí tích. Chúng ta hãy vui mừng và hãnh diện, vì tin vào Chúa và được sống trong Giáo Hội của Người. Trong Tin Mừng của thánh Gioan Tông Đồ, thánh nhân đã dùng một từ khác để diễn tả các phép lạ Chúa Giêsu đã làm, đó là từ “Dấu Lạ”. Dấu lạ là phép lạ tạo được dấu ấn nơi con người. Chúng ta có thể đã nghe biết, chứng kiến, hoặc tin vào nhiều phép lạ của Chúa, nhưng như khách bàng quan, như người chỉ chiêm ngắm và thán phục, chứ tâm hồn không bị đánh động, và cuộc sống của chúng takhông biến đổi. Nhưng khi tin và để ý đến dấu lạ có thật đang diễn ra trong Thánh Lễ, chúng ta sẽ đặt mình vào vị trí của người hưởng thụ trực triếp, với hết trí khôn, hết linh hồn, hết sức lực, chúng ta sẽ thấy Chúa đang đứng sau chủ động, tâm hồn và cử chỉ của chúng ta sẽ mở ra, hòa mình vào, và đón nhận với cả lý trí, ý chí, và hồn xác chúng ta. Và kết quả sẽ như Chúa đã nói: Sự thật sẽ biến đổi chúng ta.

Trong giáo xứ Tuy Hòa, có những dấu lạ, bên ngoài có vẻ bình thường, nhiều người chưa nhận ra, nhưng đang âm thầm biến đổi nhiều người. Tại giáo khu 1, sau hiện tượng một người lương đã tìm đến với Chúa, nhờ tấm gương sống đạo của một người Công giáo, thì mới đây, tại giáo khu 2, sau một cái chết có vẻ bất ngờ và đau thương, đã mở rộng tâm hồn của nhiều người khác.Từng người thân trong gia đình và dòng họ, đã đáp lại lời mời gọi đầy yêu thương của Chúa.

Trở lại với phép lạ trong Thánh Lễ, nếu có ai đó cảm thấy lạnh nhạt, thiếu cảm hứng, và thậm chí nhàm chán khi tham dự, là bởi vì đã thiếu chú ý và chủ ý ngay từ đầu. Trong một bài đăng của Dòng Tên việt nam với tiêu đề: Thấy thánh lễ nhàm chán? - Phương pháp 7 bước giúp khắc phục điều đó. Bài này sẽ đăng trên trang Web của giáo xứ Tuy Hòa, và dán trên bảng thông báo. Ở đây chỉ xin trích vài bước:

Bước 1: Đến Nhà Thờ Đúng Giờ

Đến nhà thờ ít nhất 10 phút trước Thánh lễ, sẽ tạo ra sự khác biệt lớn. Nó giúp tâm trí bạn có thời gian giảm bớt các hoạt động nhịp độ nhanh mà bạn vừa trải qua. Việc để cho những bận tâm thường ngày lởn vởn trong đầu, sẽ thường xuyên khiến bạn mất tập trung, và vì những Bài đọc trong phần Phụng vụ Lời Chúa diễn ra sát đầu Thánh lễ, bạn sẽ bỏ lỡ và ít chú ý hơn. Hãy dùng thời gian trước Thánh lễ để quỳ gối và nói chuyện với Chúa từ tận đáy lòng. Hãy dâng lên Ngài tất cả những niềm vui và thử thách mà bạn đang gặp phải, và bạn sẽ cảm nhận được Chúa trò chuyện với bạn trong Bí tích Thánh Thể.

Bước 3: Chọn chỗ cầu nguyện “Hạng Thương Gia”

Tại sao mọi người lại muốn ngồi ở hàng ghế đầu trong một buổi hòa nhạc hoặc một trận đấu, nhưng lại chọn những ghế cuối cùng trong nhà thờ? Tránh tìm chỗ ở những dãy ghế cuối cùng của nhà thờ ngay phía sau, đặc biệt là khi có nhiều chỗ trống ở phía trước. Người ta nói rằng, những dãy ghế phía trước nhận được nhiều ơn phúc hơn! Nghiêm túc mà nói, ngồi ở phía trước sẽ giúp bạn tránh được những thứ gây mất tập trung. Muốn thử thách hơn? Hãy cân nhắc việc lịch sự xin phép bạn bè để bản thân tách khỏi họ và ngồi riêng – tức là một mình – trong suốt Thánh lễ, đặc biệt nếu bạn bè bạn thường xuyên khiến bạn mất tập trung. Bạn luôn có thể tham gia cùng họ sau Thánh lễ mà! Lúc đầu, bạn bè bạn có thể trêu chọc bạn, nhưng cuối cùng họ sẽ tôn trọng bạn. Hãy cầu nguyện cho bạn bè của bạn!

Bước 5: Bài tập Tweet bài giảng

“Bài giảng thật tẻ nhạt!” Tôi đã nghe điều này bao nhiêu lần rồi? Đúng vậy, đôi khi linh mục có thể lan man một chút, nhưng bài giảng thực sự khá thú vị, nếu bạn thực sự lắng nghe chúng, và linh mục có lẽ đã bỏ nhiều công sức để chuẩn bị. Nếu bạn cảm thấy nhàm chán trong các bài giảng ở trường hoặc đại học, hoặc khi xem tin tức buổi tối, hoặc lướt tin trên Facebook của mình, hãy tự hỏi liệu vấn đề có nằm ở bạn không. Hãy tự thử thách bản thân: Lắng nghe bài giảng và cố gắng nắm bắt nội dung của nó trong 140 ký tự trở xuống. Sau đó, sau Thánh Lễ, hãy đăng tweet về nó. Nó khó hơn bạn nghĩ đấy.

Bước 6: Tỷ lệ là 167/1

Hãy nhớ rằng Thánh lễ là lễ Tạ ơn, và nếu bạn chỉ là người đi lễ Chúa nhật, thì bạn chỉ dành cho Chúa sự chú ý hoàn toàn của mình trong 1 giờ hoặc ít hơn. Chúa ban cho bạn 167 giờ còn lại trong mỗi tuần như một món quà, và không can thiệp vào việc của bạn. Hãy tự hỏi bản thân bạn đã nhận được bao điều tốt lành từ Chúa. Chẳng lẽ, khi chúng ta dành 1 giờ mỗi tuần để thờ phượng Đấng Tạo Hóa bằng cả tấm lòng, lại không chính đáng và phải đạo sao. Chúng ta cùng cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trong Thánh Lễ, Chúa muốn tái diễn và hiện tại hóa Hy tế Cứu Độ ngày xưa của Chúa trên Bàn thờ, để tiếp tục ban ơn sủng cho nhân loại. Thử hỏi có thần linh nào cao cả, khiêm cung và đầy lòng yêu thương như Chúa chúng con. Chúa mời gọi và mong gặp gỡ từng người. Chúa thực hiện phép lạ còn hơn phép lạ bánh hóa nhiều gấp bội. Thế mà con vẫn thờ ơ, bạc bẽo, vô tình. Quả thật con đắc tội với Chúa. Ước gì phép lạ của Chúa tạo dấu ấn trong con, tác động tâm hồn con, làm con bồi hồi xúc động, và biến đổi cuộc sống của con. Giúp con được không? Chúa của con ơi. Amen./.
Mới hơn Cũ hơn