Thứ sáu Tuần Thánh 2024 tại giáo xứ Tuy Hoà

 


BÀI GIẢNG CHIỀU THỨ SÁU TUẦN THÁNH 2024

“CHIỀU THỨ SÁU TUẦN THÁNH TRONG TÔI”

Khi lắng nghe các bài đọc Lời Chúa, đặc biệt là Bài Thương khó, rồi hòa mình vào cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu chiều nay,chúng ta sẽ dễ bị xúc động vì khuôn mặt và hoàn cảnh bi thảm của Chúa, từ đókhông hài lòng, thậm chí oán ghét những người đã gây ra cái chết thương tâm cho Chúa, như Hội đồng cộng tọa Do Thái, quân lính, dân chúng, người La mã v.v…Chúng ta dễ đóng vai làmkhán giả bàng quan và vô tình, coi đây là chuyện của người khác. Không! Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu rất liên quan với mỗi người Kitô hữu chúngta hôm nay, vì chúng ta đang hưởng nhờ Ơn Cứu độ qua cuộc khổ nạn này. Hưởng nhờ như thế nào, là tùy theo thái độ sống đạo của mỗi người Kitô hữu,với Chúa và trong Giáo Hội. Có nghĩa là chúng ta thấy mình đang làm gì trong tương quan của mình với Chúa, để lãnh nhận được ân sủng của Chúa, Đấng đã chết thay cho chúng ta.



Chúng ta không bàn đến những nhân vật xa xôi, như dân Do Thái…, nhưng nhìn vào những con người rất thân tín và gần gũi với Chúa Giêsu. Đó là 12 môn đệ, được Chúa chọn gọi, được sống với Chúa suốt ba năm trời. Đặc biệt là 2 khuôn mặt tiêu biểu: Phêrô và Giuđa Iscariô. Mỗi người chúng ta có thể sống với Chúa, giống một trong hai con người này. Chúng ta thử điểm qua 2 nhân vật:

1.Điểm tích cực của Phêrô và Giuđa Iscariô: Sau một đêm canh thức cầu nguyện, Chúa Giêsu đã tuyển chọn các môn đệ, mà Ngài gọi là tông đồ, với bản danh sách 12, khởi đầu là Phêrô…và kết thúc là Giuđa Iscariô ( Lc 6,12-16). Chắc chắn Chúa đã không lầm khi chọn các ông. Hai ông là những con người tốt và nhiệt tình đáp lại tiếng Chúa gọi. Phêrô được Chúa tín nhiệm đặt làm thủ lãnh các tông đồ, vì ông hăng hái, nhanh nhẩu, và có tinh thần trách nhiệm. Còn Giuđa Iscariô thì được chọn làm thủ quỹ của đoàn, vì ông lanh lợi và giỏi làm kinh tế.

2. Điểm khác nhau về tính cách của hai ông: Phêrô là người nóng bỏng, hăng say, tích cực, đôi khi cực đoan, thích hướng ngoại, lời nói và hành vi có vẻ đao to búa lớn, nhưng tâm hồn ông nhạy cảm, chân thành biết rõ lòng mình, khiêm tốn nhìn nhận sự yếu đuối của mình, nên ông luôn lắng nghe và vâng lời Chúa lúc Chúa khiển trách ông, như khi Chúa bảo ông thả lưới, sau khi đã ông mỏi mệt suốt đêm mà không được gì, nhưng ông vâng lời ngay, hay lúc Chúa nhìn ông, sau khi ông chối Chúa ba lần, ông chấp nhận, gục đầu ăn năn…Còn Giuđa Iscariô, ông theo Chúa, nhưng có ý đồ của mình, sống hai mặt, bảo thủ với những quan điểm và suy nghĩ có lợi cho mình, sống mặc cảm và cách biệt với anh em…

3. Kết quả của cách sống: Ông Phêrô là một người khiêm nhường, nhờ đó ông học hỏi được nhiều nơi Chúa, vì ơn Chúa chỉ ban cho những kẻ khiêm nhường. Người nào khiêm nhường vì nhớ tới bản chất tội lỗi của mình, người đó sẽ được Chúa làm cho nên vững mạnh, biết thinh lặng và lắng nghe. Đây chính là con đường làm cho Phêrô trở nên Đá Tảng: “ Anh là Phêrô, nghĩa là Đá, trên Đá này, Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy, và quyền lực âm phủ sẽ không thắng được” (Mt 16,10). Còn Giuđa Iscariô, ông theo Chúa, nhưng là một kẻ có ý đồ. Ông tỏ ra yêu thương kẻ nghèo, nhưng bên trong là vụ lợi. Ông đưa ra bên ngoài là một khuôn mặt yêu thương, để che dấu lòng ganh tị. Trên môi ông là lời lẽ vị tha, nhưng trong tâm tư là nguyên do vị kỷ. Một người phục vụ chính mình, thay vì phục vụ Chúa Kitô. Và hôm nay, đã đến lúc phản bội, ông đã đóng cửa tâm hồn, dù Chúa đã nói thẳng: Kẻ phản bội là chính anh đó, anh ơi!



Đối với chúng ta hôm nay: Khi suy gẫm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, đây là lúc mỗi người chúng ta suy nghĩ lại cung cách sống đạo của mình, để thấy mình đang hưởng nhờ ơn Cứu Độ của Chúa ra sao. Cụ thể là trong cung cách của Phêrô, hay, rất đáng tiếc, lại là một Giuđa Iscariô khác. Nhìn lại bản thân và cách sống đạo của tôi, thật ra, tôi có thể đang sánh vai với Giuđa trong đám đông, tôi có thể đang bàn bạc với Giuđa trong mọi kế hoạch của đời tôi, tôi có thể vẫn quì bên cạnh Giuđa trong Nhà thờ, vì nghĩ rằng: Giuđa cũng là một Tông Đồ cơ mà!…Hãy hồi tâm và cầu nguyện bên Chúa Giêsu đang bất động trên Thánh Giá. Ngài đã chết, chết thật sự, vì tội lỗi của nhân loại, trong đó có tôi. Tôi sẽ gặp được những suy nghĩ và tự kiểm điểm:

- Là một Kitô hữu, tôi có xác tín vào Ơn gọi của tôi, vào Cứu Độ của Chúa Giêsu, và phải sống niềm tin ấy bằng hành động cụ thể không?

- Tôi có thực sự khát khao gặp gỡ Chúa Giêsu, mỗi ngày, qua đời sống cầu nguyện, trân quí sự thinh lặng không?

- Tôi có thái độ trang nhiêm sốt sắng, mỗi khi cử hành việc tưởng niệm cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa trong Thánh Lễ không?

- Tôi có suy phục, lắng nghe và thực hành Lời Chúa, vâng phục quyền giáo huấn, thánh hóa, và lãnh đạo của các vị chủ chăn của Giáo Hội, đặc biệt trong đời sống đức tin và luân lý không?

- Tôi có hiệp thông và hiệp nhất với giáo xứ, tham gia tích cực và cụ thểvào các sinh hoạtcủa giáo xứ, để phát huy đời sống đạo không?

- Và…tôi sẽ phải làm gì nữa, để sống đạo tích cực, để Chúa tươi nét mặt khi nhìn vào cuộc sống đạo tôi, để Ơn Cứu Độ của Chúa Giêsu không trở nên vô ích?./.

Lm. Antôn Nguyễn Huy Điệp       











   

Mới hơn Cũ hơn