BÀI GIẢNG THÁNH LỄ VỌNG PHỤC SINH 2024
“TỰA ĐẦU VÀO NGỰC ĐẤNG PHỤC SINH”
Trong Đêm Canh Thức Vượt Qua này, cộng đoàn đã được nghe Lời Chúa, từ Cựu Ước đến Tân Ước, mô tả công trình cứu độ của Thiên Chúa Tình Yêu, ngang qua thời gian và không gian, và kết thúc với Tin Mừng Phục Sinh của Chúa Giêsu. Biến cố Chúa phục sinh đã khởi đầu bằng hình ảnh ngôi mộ trống, trong cảnh tĩnh lặng của cảnh vật, lúc bình minh của một ngày đầu tuần. Nhưng chính từ sự tĩnh lặng như trống rỗng ấy, Chúa đã Phục Sinh, và muốn gặp lại các môn đệ thân tín của Ngài, rồi đến cả chúng ta hôm nay…Chúng ta mở đầu sứ điệp Lời Chúa đêm nay bằng một câu chuyện minh họa: Hôm ấy, vào mùa gặt lúa tại một thôn trang, ông chủ mướn thợ thu hoạch lúa trên cách đồng mênh mông của mình. Sân đập lúa tràn ngập những người thợ, kẻ đập người vun, từng đống lúa và rơm được chất cao. Bỗng có tiếng ông chủ thông báo: “ Thằng bé nhà tôivừa làm mất chiếc đồng hồ bằng vàng quí giá lắm, khi nó nhảy chơi trên những đống rơm. Yêu cầu bà con ngưng tay đi tìm. Ai tìm được tôi sẽ trọng thưởng”. Thế là mọi người đổ xô đi tìm. Từng đống rơm bị xới tung lên, trong tiếng ồn ào náo nhiệt. Cuộc tìm kiếm kéo dài đến chiều tối, chiếc đồng hồ vẫn bặt vô âm tín. Bà con thất vọng ra về…Sáng hôm sau, một em bé đến gặp ông chủ và trao lại chiếc đồng hồ còn nguyên vẹn.
- Tạo sao cháu lại tìm được nó, trong khi mọi người tìm suốt ngày?
- Thưa ông, con chờ khi mọi người ra về hết. Trong khung cảnh tĩnh lặng, conđi khắp nơi, quì xuống, áp tai xuống đấtđể lắng nghe. Và con đã nghe được tiếng tích tắc nhỏ bé, nhưng rõ ràng của nó.
Đêm nay, đối với người Kitô hữu, biến cố Chúa đã phục sinh không còn là đề tài để phân tích và bàn cãi nữa, mà là thái độ thinh lặng, lắng nghe, để cảm nhận được mầu nhiệm của một sự sống mới, đã xảy ra cách đây hơn 2000 năm, và đến bây giờ, vẫn đang là sức sống và sức mạnh của mọi Kitô hữu. Tôi tin, chúng ta đã tin, nhưng Chúa Phục Sinh đã gần gũi, truyền cảm hứng cho chúng ta như thế nào. Cậu bé trong câu truyện trên là hình ảnh để chúng ta đi tìm, và tiếp tục tìm kiếm Chúa, không phải chỉ là đối tượng của lòng trí, nhưng thực sự hiện diện, và biến đổi cuộc sống đạo của chúng ta mỗi ngày.
Khi tham dự Tam Nhật Vượt Qua, chúng ta thấy Chúa Phục Sinh đã để lại Lời của Ngài, Bí tích Thánh Thể và Giới răn yêu thương, trong lòng Giáo Hội mà Ngài đã thiết lập, để ôm ấp và dẫn dắt chúng ta nơi hành trình dương thế này.
Chúng ta hãy đi tìm Chúa trong thinh lặng của tâm hồn. Cuộc sống bên ngoài có quá nhiều lôi cuốn và áp lực, khiến chúng ta dễ bị quay cuồng, mất thăng bằng và mất phương hướng. Chúng ta dễ bị thúc bách và biện minh cho hoàn cảnh, để không tìm được những giây phút dành cho đời sống thiêng liêng. Chúng ta đã mất nhiều thời gian cho công việc, ngủ nghỉ và giải trí, đến độ không có giờ để thinh lặng, thậm chí sợ thinh lặng, vì thinh lặng dễ đồng nghĩa với sự trống rỗng, khô khan, vô vị. Trong thực tế, khi thinh lặng trong cầu nguyện, chúng ta dễ bị chia trí và lo ra. Nhưng thinh lặng lại chính là nẻo đường để Chúa đi vào tâm hồn chúng ta, đối thoại với chúng ta, tác động thần trí của chúng ta. Chúng ta hãy tập và làm quen với sự thinh lặng nội tâm. Hãy dùng lý trí và ý chí để mở lòng ra với Chúa, nghĩa là với hết tâm hồn, hết trí khôn. Sự thinh lặng bị trống rỗng và vô vị, là vì không có Chúa, hoặc ở ngoài Chúa. Không có Chúa, là vì mình chưa ý thức, chưa cố gắng đủ, hay làm cho qua chuyện. Sự chia trí khi thinh lặng là điều dễ xảy ra, không là lý do để sợ hãi và thôi luyện tập. Chúa sẽ luôn ủng hộ và nâng đỡ chúng ta trong nỗ lực này. Chúng ta hãy trân quí những phút thinh lặng khi cầu nguyện, trong Thánh lễ, và trong cuộc sống hàng ngày. Chỉ với thinh lặng và lắng nghe, mà cậu bé đã tìm được chiếc đồng hồ, với tiếng tích tắc như thì thầm. Hãy cầu nguyện với Lời Chúa, sống hoàn cảnh của biến cố trong Tin Mừng vừa tiếp xúc, rồi thinh lặng, hỏi Chúa, lắng nghe Chúa nói trong thinh lặng, và trả lời với Ngài.
Để gần Chúa Phục Sinh đêm nay, chúng ta hãy làm một cử chỉ thân mật với Chúa. Câu chuyện của thánh Gioan Tông đồ là một minh hoạ thân thương. Hình ảnh Thánh Gioan tựa đầu vào ngực Chúa, như trong bữa tiệc ly, đã làm say đắm bao trái tim của người môn đệ. Chắc chắn thánh Gioan, khi tựa đầu vào ngực Chúa, ông thấy Chúa rất gần, và mọi sự trở nên nhẹ nhàng. Có một bài hát đã viết về Gioan như sau: “Tôi đã tựa đầu vào trái tim Đức Chúa, nghe tiếng thì thầm của muôn yêu thương”. Chúa Giêsu sẵn sàng để cho Gioan làm như thế đối với Ngài, vì đó là một cử chỉ trìu mến và nương tựa. Và đây cũng là một an ủi cho Chúa, trước khi bước vào cuộc khổ nạn. Và Gioan là người đầu tiên trong 11 tông đồ, đã đến ngôi mộ trống, vào buổi sáng đầu tiên ngày Chúa Phục sinh.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, con muốn tựa đầu vào ngực Chúa, trong thinh lặng của tâm hồn, để lắng nghe hơi thở của Chúa, để Chúa cũng nghe được hơi thở của con, để sự sống của Chúa tràn qua con, giúp con được sống đời sống mới, từ đêm nay. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Huy Điệp
Tags:
giáo xứ