TÂM TƯ MỤC VỤ CỦA CHA CHÁNH XỨ TUY HÒA

 TÂM TƯ MỤC VỤ CỦA CHA CHÁNH XỨ TUY HÒA

Chúa Nhật Lễ Chúa Chiên Lành, 30/04/2023


           
           

Anh chị em rất thân mến,

Anh chị em đã nghe lá thư của Đức Giám mục giáo phận, nhân ngày cầu nguyện cho Ơn Thiên triệu Linh mục và Tu sĩ, để thấy hình ảnh Người Mục Tử nhân hậu Giêsu, còn được gọi là Chúa Chiên Lành, để thấy một nhu cầu trải qua các thời đại, đó là Giáo Hội luôn cần những mục tử và những cộng tác viên, trong việc hướng dẫn và chăm sóc đoàn Dân Chúa.

Để diễn tả cuộc sống Giáo Hội Chúa Kitô, trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh một đoàn chiên. Nghề chăn chiên (cừu) rất thịnh hành ở xứ Do Thái. Một đoàn chiên luôn phải có người chăn. Người chăn chiên thường là những người độc thân, vì tiện cho cuộc sống nay đây mai đó. Họ dẫn đoàn chiên đi khắp nơi, tìm những nơi có đồng cỏ xanh và giòng nước mát. Họ xem đoàn chiên như gia đình của mình. Họ biết từng con chiên và đoàn chiên chỉ biết họ. Họ gắn bó với đoàn chiên của mình, bảo vệ, chăm sóc và sống chết với chiên. Hình ảnh ấy thân thương và quá đẹp để Chúa chọn cho Giáo Hội, từ khi được chính Chúa thiết lập, cho đến hôm nay và mãi mãi.

Những Chủ chiên trong Giáo Hội là Đức Thánh Cha với Giáo Hội hoàn vũ , Đức Giám mục trong các giáo phận, và Linh mục quản xứ nơi các giáo xứ. Tất cả các đấng bậc trong Giáo Hội, khác nhau theo chức vụ và bổn phận, nhưng đều giống nhau ở hình ảnh của Người Mục Tử. Để cụ thể, gần gũi và dễ hiểu, chúng ta cùng nhìn vào Giáo hội địa phương là giáo xứ chúng ta.

Giáo xứ là một đoàn chiên và có một chủ chiên. Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay, và xuyên suốt trong tuần này, hướng về hình ảnh mục tử và đoàn chiên, giúp chúng ta hiểu sâu hơn về hình ảnh người mục tử trong Giáo Hội. Hình ảnh Mục tử và đoàn chiên rất phong phú, tôi chỉ xin chia sẻ một đôi nét chính, để mỗi người chúng ta hiểu và cảm thấy được niềm vui và hạnh phúc, khi được sống trong đoàn chiên của Chúa chúng ta. Chúng ta cùng suy niệm về hình ảnh Giáo xứ (đoàn chiên) và Cha xứ (mục tử):

“Giáo xứ là một cộng đoàn Kitô hữu nhất định, được thiết lập cách bền vững trong Giáo Hội địa phương, mà trách nhiệm mục vụ được ủy thác cho Cha xứ như là chủ chăn riêng của giáo xứ ấy, dưới quyền Giám mục Giáo phận” (GL 515*1).

“Cha xứ là chủ chăn riêng của giáo xứ được trao phó cho ngài, và ngài thi hành trách nhiệm mục vụ đối với cộng đoàn được ủy thác cho ngài, dưới quyền Giám mục Giáo phận, mà ngài được kêu gọi để chia sẻ thừa tác vụ của Đức Kitô, ngõ hầu thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, thánh hóa, và lãnh đạo đối với cộng đoàn ấy, với sự cộng tác của các linh mục hoặc các phó tế khác, và với sự giúp đỡ của các giáo dân, chiếu theo qui tắc của luật” (GL 519).

Đó là hình ảnh theo Giáo luật, còn nội dung và ý nghĩa sâu sắc là những gì mà Lời Chúa hôm nay gợi lên:

Trước hết, cha xứ là người phải sống hình ảnh của người mục tử như Chúa mong đợi. Qua Đức Giám mục, Cha xứ được sai đến chăm sóc đoàn chiên, ngài coi giáo xứ như gia đình của mình, một gia đình gồm nhiều thành phần trong xã hội, không chỉ người Kitô hữu, mà còn là tất cả mọi người không Công giáo đang sống trong địa bàn của giáo xứ. Cha xứ, từ đây gọi là mục tử, phải hiểu biết đoàn chiên của mình, thậm chí từng người, để yêu thương, đồng cảm và nâng đỡ. Vì ý thức mình là người chính thức có bổn phận và trách nhiệm với giáo xứ, nên tôi luôn ưu tư và suy nghĩ, với sự cầu nguyện và Ơn Chúa, với sự cộng tác của các cha phó, Hội đồng Giáo xứ, các tu sĩ và nhiều người khác, để nhận ra và cố gắng làm tất cả những gì có thể làm được, vì lợi ích phần hồn và phần xác của giáo dân. Giáo xứ Tuy Hòa, trải qua các đời Cha xứ tiền nhiệm mà tôi được biết, đều là những mục tử tài giỏi và đạo đức, là những người cha và người thầy của tôi. Tôi đang mang trọng trách tiếp nối sứ vụ và công trình của các ngài. Người chủ chiên có bổn phận bảo vệ đoàn chiên, khỏi sự tấn công của ma quỉ, thế gian và xác thịt, là điều mà thời nào và nơi nào cũng có, nên tôi đã linh cảm, như đón thấy, tôi đã quyết tâm gìn giữ và giúp thăng tiến đoàn chiên của tôi hết sức có thể. Cũng chính vì thế, nhiệt huyết và sự quyết tâm đã làm tôi nôn nóng mà trở nên nóng nảy, thậm chí có lúc quá đáng. Tôi thành thật nhận lỗi và quyết tâm sửa mình. Trong tôi vẫn là con người của ông thầy xứ và cha phó Tuy Hòa ngày xưa thời Cha cố Văn… Đây chỉ là vài điều tôi có thể nói lúc này. Hình ảnh người mục tử như lòng Chúa mong ước, vẫn còn là đích điểm và phấn đấu của tôi trong hiện tại và tương lai.

Còn với anh chị em, những giáo dân trong đoàn chiên của tôi, tôi cầu nguyện cho anh chị em sống như đoàn chiên mà Chúa ước mong. Anh em hãy yêu thương, nghe tiếng chủ chăn, đi theo chủ chăn, hiệp nhất với chủ chăn, đừng nghe ai khác, đừng theo ai khác, để phân hóa đoàn chiên, tạo kẽ hở cho sự yếu đuối và lợi dụng của ma quỉ, là tên cám dỗ, kéo chúng ta ra khỏi tình yêu và sự hiệp nhất, trong Thân Thể nhiệm mầu của Chúa Kitô là Giáo hội.

Xin anh chị em cũng cầu nguyện cho tôi, tích cực hổ trợ những cộng tác viên của tôi, là các Cha phó, các Tu sĩ, Hội đồng Giáo xứ, các đoàn thể, và những người đang nhiệt tâm xây dựng giáo xứ Tuy Hòa thân thương của chúng ta. Tôi xác tín rằng: Giáo xứ của chúng ta, nếu được hăng hái xây dựng theo mô hình Đoàn Chiên Chúa như trên, và sống theo Lời Chúa trong Tin Mừng, chắc chắc sẽ được Chúa chúc phúc. Ngài sẽ biến nỗi hoài mong, cũng như lời cầu nguyện của chúng ta trở thành hiện thực.

Khi chúng ta lắng nghe và suy niệm Lời Chúa, hiểu hơn về hình ảnh của Mục tử và đoàn chiên trong Giáo Hội, cụ thể là qua giáo xứ, thấy được nhu cầu cần thiết của Ơn Thiên triệu Linh mục và Tu sĩ, thì lời cầu nguyện và hành động của chúng ta sẽ trở nên thiết thực. Mỗi người sẽ thấy mình phải làm điều gì đó, để nâng đỡ cho nhu cầu tinh thần và vật chất của Giáo Hội.

Nguyện xin Chúa thương ghé mắt nhìn, gìn giữ Chủ chiên và Đoàn chiên Chúa, tại đây và khắp nơi trên toàn cõi địa cầu, để Danh Chúa được cả sáng. Amen.

Mới hơn Cũ hơn