BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT CHÚA THĂNG THIÊN (21.05.2023)

Anh chị em thân mến,

Có một câu chuyện minh họa về ngày Chúa lên trời: Hôm Chúa Giêsu khải hoàn về với Chúa Cha, các tầng trời mở ra, có vô số đạo binh thần thánh trên trời, hân hoan dàn hàng ra đón trước cổng trời.  Các thiên thần phóng viên vây quanh Chúa và hỏi: “Kính thưa Chúa Giêsu, hôm nay Chúa hoàn tất sứ mạng Chúa Cha đã giao phó và về trời. Vậy Chúa có để lại điều gì ở trần gian không?”. Chúa Giêsu trả lời: “Có chứ! Ta đã để lại trần gian Ơn Cứu độ của Ta, và một Giáo Hội”.

Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay đã dọi sáng cho chúng ta về Chúa Giêsu, về những gì Chúa đã thực hiện và để lại ở trần gian, hôm qua, hôm nay và cho đến tận thế:

1-CHÚA GIÊSU KITÔ LÀ ĐẤNG CỨU THẾ:

Chúa Cha đã mạc khải về Chúa Giêsu, Con của Người, và là Ngôi Hai Thiên Chúa, qua trích đoạn thư Êphêsô trong bài đọc 2: Chúa Cha là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực, Người đã biểu dương nơi Đức Ki-tô, khi làm cho Đức Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời. Như vậy, Người đã tôn Đức Ki-tô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai. Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Ki-tô, và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh, mà Hội Thánh là thân thể Đức Ki-tô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn. (Eph 1, 19b - 23).

Vâng theo Chúa Cha, Chúa Giêsu đã xuống thế làm người, để chia sẻ thân phận và đồng hành với con người. Ngài đã chịu chết để chuộc tội cho nhân loại, và đã sống lại vinh quang. Sách Khải huyền đã mô tả vẻ đẹp vinh quang của Chúa Giêsu, Chiên Thiên Chúa: “Tôi thấy và tôi nghe tiếng muôn vàn thiên thần ở chung quanh ngai, các Con Vật và các Kỳ Mục. Số các thiên thần có tới ức ức triệu triệu. Các vị lớn tiếng hô : "Con Chiên đã bị giết, nay xứng đáng lãnh nhận phú quý và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang, và muôn lời cung chúc." (Kh 6, 11 – 12).

Sách Tông đồ Công vụ đã mô tả Chúa Giêsu về trời: Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói : "Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời." (Cv 1, 9 -11).

 

2- CHÚA GIÊSU ĐÃ ĐỂ LẠI CHO TRẦN GIAN ƠN CỨU ĐỘ CỦA NGÀI:

Với cuộc khổ nạn và phục sinh, Chúa Giêsu đã hoàn tất chương trình cứu độ, chiến thắng tội lỗi và sự chết, giải thoát loài người ra khỏi tình trạng nô lệ, đưa vào miền đất của tự do, ánh sáng, và sự sống mới. Sự giải thoát và sự sống mới của Ơn Cứu độ, được người Kitô hữu đón nhận khi lãnh nhận các Bí Tích. Chúa Giêsu đã lập 7 Bí Tích để tái sinh, nuôi dưỡng, và giúp thăng tiến đời sống tâm linh của chúng ta, tương ứng với những nhu cầu của con người nơi đời sống thể xác. Chúng ta có một so sánh như sau:

Về thể xác: Để làm người, con người phải được sinh ra bởi mẹ cha. Về phần linh hồn: Để làm con Thiên Chúa, người Kitô hữu được tái sinh qua Bí tích Rửa tội.

Về thể xác: Để lớn lên, con người cần phải được tăng sức. Về linh hồn: người Kitô hữu được lớn lên và trưởng thành nhờ Bí tích Thêm sức.

Về thể xác: thân xác con người phải ăn uống mỗi ngày. Về linh hồn: người Kitô hữu được Chúa dưỡng nuôi bằng Mình và Máu Ngài qua Bí tích Thánh Thể.

Về thể xác: con người khi bệnh tật, muốn mau lành phải uống thuốc. Về linh hồn: bệnh tật của linh hồn là tội lỗi, sẽ được tha thứ và chữa lành qua Bí tích Hòa giải.

Về thể xác: người yếu liệt cần được nâng đỡ, ủi an vỗ về. Về linh hồn: được Ơn Chúa trợ giúp qua Bí tích xức dầu.

Về đời sống gia đình: con người phải có tình yêu và cố gắng chân thành để xây dựng một gia đình hạnh phúc. Với Bí tích Hôn phối, Chúa chúc lành, thánh hóa, và ban ân sủng cho hai người Kitô hữu, để vợ chồng xây dựng một gia đình Công giáo ấm êm, một gia đình đạo đức, như một Hội Thánh tại gia.

Và để Giáo Hội luôn được ơn chữa lành, có sức sống mới, và không ngừng được thánh hóa nhờ các Bí tích, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích truyền chức thánh.

Bảy Bí tích trên đây được diễn nghĩa bằng một sự so sánh tổng quát và đơn sơ, để chúng ta đễ hiểu và đón nhận trong thực hành.

Trong thực tế, có 2 Bí tích chúng ta có thể lãnh nhận nhiều lần, để thông hiệp vào sự sống của Chúa. Đó là Bí tích Hòa giải và Bí tích Thánh Thể, người ta thường gọi là “Xưng tội rước lễ”. Nói cụ thể là khi chúng ta tham dự Thánh Lễ và rước lễ, khi chúng ta đến tòa giải tội đề xin ơn tha thứ, bình an và sức mạnh, trước sức mạnh của ma quỉ và sự yếu đuối nơi con người. Chúng ta hãy thường xuyên kiểm điểm, để cố gắng siêng năng tham dự Thánh Lễ một cách trang nghiêm sốt sắng. Xét mình cẩn thận, thật lòng sám hối, và dốc lòng chừa vững vàng,  khi đến với Chúa qua Bí tích Hòa giải.

 

3- CHÚA GIÊSU ĐÃ ĐỂ LẠI MỘT GIÁO HỘI:

Giáo Hội là phương thế cứu độ, là con tàu đưa chúng ta đến bến bờ an vui. Bến bờ ấy chính là Nước Trời, nơi Thiên Chúa ngự trị, và đang chờ đón chúng ta. Người muốn ôm chúng ta vào lòng , và cho hưởng hạnh phúc vinh quang. Anh chị em có đồng ý và mong ước như thế không? Vậy, chúng ta hãy cùng nhau xây dựng một Giáo Hội Nước Trời, đang được khởi đầu từ Giáo Hội trần gian hôm nay do Chúa Giêsu thiết lập. Một Giáo Hội như một đoàn chiên và một Chủ Chiên, một Giáo Hội hiệp hành giữa lòng nhân loại, một Giáo Hội đang ôm ấp sứ vụ rao giảng Tin Mừng, một Giáo Hội như chúng ta đã suy niệm trong ngày lễ Chúa Chiên Lành vừa qua. Và cuối cùng, một Giáo hội đang hân hoan mừng Lễ Chúa về Trời, như đang lắng nghe và đón nhận những lời cuối cùng của Chúa trước khi lên Trời, theo Tin Mừng Thánh Matthêô hôm nay: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”( Mt 28, 19 – 20)./.

                                                                                Lm. Antôn Nguyễn Huy Điệp


Mới hơn Cũ hơn