Trong hai ngày qua (8,9/7), thế giới chưa hết bàng hoàng về vụ cựu thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản bị ám sát chết khi đang diễn thuyết. Dĩ nhiên, cũng trong khoảng thời gian đó, thế giới đã xảy ra bao cái chết oan nghiệt bởi chiến tranh, hận thù, ghen ghét, cướp bóc, tranh giành…, từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội, từ phố xá, làng mạc, xóm giềng… đến quốc gia, vùng lãnh thổ, châu lục… Nếu có ai hỏi nguyên do thì câu trả lời đó chính là vì con người đã đánh mất lòng nhân hay không còn nhìn nhận “bốn bể là anh em một nhà” (Tứ hải giai huynh đệ). Và nếu phải tìm một nguyên do từ mạc khải Thánh Kinh, thì việc con người ghét nhau, giết nhau, hại nhau… chính là hậu quả của tội lỗi đã xuất hiện ngay từ buổi đầu loài người có mặt trên trái đất mà vụ án “Cain giết em là Abel” (St 4,1-16) như là một chứng từ rõ nét, để tiếp sau đó, máu và nước mắt đã tràn lan khắp địa cầu…
Nhưng, nếu Thiên Chúa đã thất bại khi giao lệnh truyền cho Tổ Tông loài người, và thế giới phải rơi vào gông cùm của tội lỗi và chết chóc, thì Ngài lại kiên nhẫn yêu thương, đã dày công thực thi chương trình cứu độ, để từng bước qua thủ lãnh Môsê, giáo hóa con người tìm lại nẻo chính đường ngay bằng Lời và Thánh luật, như đã khắc ghi trong Kinh Thánh mà trích đoạn sách Đệ Nhị Luật vừa được công bố qua Bài đọc 1: Môsê nói cùng dân chúng rằng: “Nếu các ngươi nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa các ngươi, hãy tuân giữ các giới răn và huấn thị của Người đã được ghi chép trong sách Luật này…”. Và dĩ nhiên, những “giới răn và huấn thị của Chúa” không bao giờ là những “chuyện trên mây trời”, trong sách vở, cách biệt và xa rời cuộc sống…, nhưng là “lời ở sát bên các ngươi, nơi miệng các ngươi, trong lòng các ngươi, để các ngươi thực thi”.
Thế nhưng nhân loại gần như vẫn “chứng nào tật nấy”. Qua những nghìn năm được giáo hóa, dân “ưu tuyển đại diện” là Israel, cho dù được sở hữu “hòm bia Giao ước” với Mười Điều Răn mà tóm gọn với hai giới răn cơ bản “Mến Chúa” (Đnl 6,5) và “Yêu người” (Lv 19,18), phần đông họ đã biến Lời và Luật trở thành những “câu thần chú trên môi mép” mà “lòng dạ thì hoàn toàn xa cách Thiên Chúa lẫn anh em đồng loại (Mt 15,8) ! Đền thờ Giêrusalem tráng lệ vẫn khói hương nghi ngút đó; nhưng là chỉ để dành riêng cho giới tư tế, biệt phái và quan chức tai to mặt lớn trong xã hội lui tới thờ phượng Thiên Chúa; còn ngoài kia, bọn phong cùi vẫn chết dần chết mòn nơi hang sâu hố thẳm; bọn mù què đui điếc vẫn lê lết bên những vệ đường cát bụi; bọn dốt nát nghèo hèn vẫn oằn mình dưới ách nô lệ của ngoại bang hay vương quyền…
Và Đức Kitô đã đến để “kiện toàn Lề Luật”, để đem con người trở về với Thiên Chúa và đến với anh em, để giao hòa đất với trời và nối lại “anh em bốn biển một nhà”. Chân lý nầy đã được Thánh Tông Đồ Phaolô tóm tắt trong bài “Thánh Thi Côlôsê” (Bđ 2) bằng những từ ngữ khá mượt mà như sau: “… Người là đầu thân thể tức là Hội thánh, là nguyên thuỷ và là trưởng tử giữa kẻ chết, để Người làm bá chủ mọi loài. Vì chưng, Thiên Chúa đã muốn đặt tất cả viên mãn nơi Người. và Thiên Chúa đã giao hoà vạn vật nhờ Người và vì Người; nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất…”.
Có thể nói được, chủ đề xuyên suốt của “Tin Mừng Nước Chúa” và chương trình hành động “cứu nhân độ thế” trong ba năm rao giảng của Chúa Giêsu đó chính là khai triển hai giới răn cơ bản: “Mến Chúa, yêu người”; và cái chết thập giá của Ngài chính là sự “đóng ấn chung cuộc” cho hai điều cơ bản đó. Chúng ta hoàn toàn có thể tìm thấy ý nhĩa nầy được Ngài lồng trong dụ ngôn “Người Samari nhân hậu”, nhân dịp Ngài kiến giải cho tay thông luật chất vấn Ngài về “giới răn trọng nhất” và “ai là người thân cận của tôi”.
Thật vậy, với “dụ ngôn nầy”, trước hết, Chúa Giêsu muốn chúng ta luôn ý thức thân phận đang lữ hành trên con đường gian nan dưới thế, những “nẻo về Giêricô lầm lạc, tội lỗi và bị bủa vây bởi những cạm bẫy của thế gian, ma quỷ”; đó cũng là thân phận “bị cướp giật, bị thương tích đầy mình, bị bỏ rơi bên đường…” của chính chúng ta! Và rồi, chính Chúa Giêsu là “Người Samari nhân hậu” đã tìm gặp, cứu thoát và đem chúng ta vào “quán trọ Hội Thánh” để chăm sóc, chữa lành (Charles E. Miller) …! Chúng ta không được quên lãng “hồng ân cứu độ” cao cả nầy. Và một khi đã trở nên “Người Samari nhân lành” theo mẫu gương của Thầy Chí Thánh, chúng ta sẽ nhận ra “ai là người thân cận của mình” để sẵn sàng yêu thương phục vụ.
Như thế, điều cốt yếu mà sứ điệp lời Chúa hôm nay chuyển tải đó chính là: “Thiên Chúa là tình yêu” và vì thế, “Ðạo Chúa là đạo tình yêu”. Chúa Giêsu đã hiện thực hóa tình yêu dành cho Thiên Chúa và cho con người cách trọn hảo qua cuộc nhập thể làm người và nhất là qua cuộc tự hiến trên thập giá: “… nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất…”. Người Kitô hữu mang giáo lý cơ bản đó như hành trang cốt yếu để dấn thân vào thế giới; một thế giới đang có mặt đầy dẫy những thân phận người “bị cướp” và cũng đầy dẫy những hạng người vô cảm, “sợ bị lấm tay”, sợ phải phiền luỵ; trong số đó, không loại trừ những đấng bậc quyền cao chức trọng, những linh mục, tu sĩ trong Giáo Hội chúng ta…
Là Ki-tô hữu, chúng ta hãy để Lời Chúa biến chúng ta thành khí cụ của tình yêu và biến chúng ta thành anh em của mọi người, nhất là của những ai đau khổ, bất hạnh. Và như thế, sứ điệp “trở thành người Samari nhân hậu”, hay bài học “nhận ra người anh em” quả thật, không có điểm dừng. Xin Thánh Thể Chúa Giêsu mà chúng ta sẽ mang theo sau khi tham dự “Bàn Tiệc Thánh” sẽ đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường và đốt nóng trái tim chúng ta để luôn biết sẵn sàng thực thi “mệnh lệnh của chiều Thứ Năm”: “Hãy rửa chân cho nhau” (Ga 13,14). Nên nhớ, khi chấp nhận cúi xuống “rửa chân cho anh em” thì đừng sợ “bị lấm tay” ! Amen.
Trương Đình Hiền