Nếu ngay từ thuở ban sơ, Thiên Chúa và loài người đã từng “chuyện vãn” với nhau như những “kẻ thân tình”, cho dù con người đã phạm tội bất tuân lệnh Chúa (Như chuyện kể Ađam và Eva của sách Sáng Thế: St 3, 8-13), thì qua suốt dòng lịch sử, cuộc đối thoại thân tình như thế vẫn luôn hiện hữu muôn nơi, muôn thuở. Phải chăng chính trong cái mối “tương quan đối thoại” đó giữa Thượng Đế và con người đã dệt nên một “mạng lưới” tín ngưỡng, tôn giáo mà bản chất đó chính là những bổn phận, nghĩa vụ, lễ nghi, tế tự, cầu nguyện… nối kết giữa con người với Đấng Toàn năng, giữa nhân sinh với thế giới thần linh (Religio = Religare – Religere…).
Cách riêng, trong niềm tin của Do Thái giáo hay Kitô giáo, cuộc đối thoại “Chúa – người” luôn mang chiều kích “Cứu Độ”: Thiên Chúa mạc khải lòng thương xót cứu độ và con người nài xin lòng thương xót cứu độ đến từ Thiên Chúa. Và điều nầy, quả thật, đã được diễn tả cách cụ thể và sinh động qua sứ điệp Lời Chúa Chúa Nhật 17 thường niên, năm C mà cộng đoàn chúng ta vừa được nghe công bố.
Trước hết, với trình thuật sinh động của đoạn sách Sáng thế, cuộc đối thoại, hay đúng hơn, lời khẩn nguyện của cụ tổ Apraham dâng lên Thiên Chúa để khẩn xin cho thành Sôđôma khỏi bị tiêu diệt, đã cho chúng ta một cách biểu lộ niềm tin đơn sơ, chân tình, dễ thương; một cách cầu nguyện trong kiên trì và tin tưởng phó thác: Sau năm lần “mặc cả để thử thách lòng bao dung của Thiên Chúa”, cuối cùng Apraham đã thân thưa và Chúa đã đáp lời: “Lạy Chúa, xin đừng nổi giận, con chỉ xin thưa lần này nữa thôi: Nếu tìm được mười người công chính ở đó thì sao?” Chúa phán: “Vì mười người đó, Ta sẽ không tàn phá” (Bđ 1).
Như Lời Chúa được mạc khải từ Cựu sang Tân ước, Thiên Chúa đâu là “Đấng khó thưa chuyện”, hay là vị thần xa xôi cách biệt chỉ để “kính nhi viễn chi”, mà là “Đấng tối thấp” để con người có thể tiếp chuyện và lắng nghe, để ban ơn và giải cứu. Và đây, chính là giáo lý, là trong tâm của sứ điệp Tin Mừng Nước Chúa được chính Đức Kitô mang đến trần gian: Thiên Chúa trong gương mặt, trong dáng đứng của một người Cha giàu lòng thương xót: “Khi các con cầu nguyện, hãy nói: ‘Lạy Cha… Vậy, nếu các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người”.
Sở dĩ ngày hôm nay rất nhiều người đã đánh mất cảm thức tôn giáo, cảm thức đức tin vào một Thiên Chúa là Cha, để không còn cảm thấy nhu cầu để mở lòng ra với Thiên Chúa, để ngỏ lời thân thưa cầu nguyện với Ngài, thường là vì hai lý do nầy: một là cảm thấy mình quá đầy đủ, dư thừa, hay bận bịu… đâu cần gì nơi Thiên Chúa để Ngài trợ giúp… Hai là, Thiên Chúa chỉ là một hình tượng ảo, một khái niệm mơ hồ, hay một Đấng Toàn Năng nào đó ở xa tít trong cõi vô biên…; và khi đánh mất mối tương quan “thắm đượm tình Chúa”, thì con người bỗng rối tung lên trong tương quan “tình người”. Vâng, khi người ta vất bỏ các biểu tượng về Thiên Chúa ra khỏi các trường học, khi người ta loại trừ các lời dạy và luật lệ của Kinh Thánh khỏi các pháp đình, khi người ta chọn lựa các hiệp ước, các cuộc đàm phán chính trị thay vì các nguyên tắc của Lời Chúa… thì thế giới đã rối beng với những cuộc đại chiến, với những cuộc khủng bố long trời lỡ đất như vụ “9/11”, những cuộc huynh đệ tương tàn như cuộc chiến Ukraina đang diễn ra, những cuộc thanh trừng đàn áp sắc tộc, tôn giáo khắp nơi, cùng với hàng triệu thai nhi bị tiêu diệt mỗi ngày do nạn phá thai… Vâng, phải chăng vì con người đã quay mặt lại với Thiên Chúa khi “không có cả mười người thiện lương”, nên đã có biết bao “Sôđôma đã bị tiêu diệt” !
Thế nhưng, sứ điệp Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay lại không dừng lại ở khía cạnh “mang hơi hám tiêu cực” đó, mà là niềm hy vọng trước lòng bao dung của một Người Cha nhân lành đầy quyền năng khi con người biết mở lòng như lời khẳng định của Đức Kitô trong Tin Mừng Luca: “Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho”.
Và Thánh Phaolô, với trải nghiệm từ niềm tin và trông cậy của chính mình, đã củng cố thêm cho chúng ta về lý do để can đảm mà “xin… tìm… gõ…” nơi lòng thương xót của Thiên Chúa qua những chia sẻ của ngài nơi bức thư gởi tín hữu Côrintô: “… Thiên Chúa đã cho anh em được chung sống với Người, Người đã ân xá mọi tội lỗi chúng ta, đã huỷ bỏ bản văn tự bất lợi cho chúng ta, vì làm cho chúng ta bị kết án; Người đã huỷ bỏ bản văn tự đó bằng cách đóng đinh nó vào thập giá…”.
Như vậy, điều cần thiết nhất cho thế giới hôm nay, cho cuộc hoán cải hằng ngày của người Kitô hữu, chính là hãy mở lòng ra với Thiên Chúa với tấm lòng của một người con. Bởi chỉ có thái độ đó, tâm tình đó, tư cách đó, “chiếc tàu mới quay đầu vào bờ sau tiếng kêu”, như câu chuyện trên dòng sông Mississippi: Một cậu bé đứng trên bờ sông Mississippi vẫy tay và hét vào một chiếc tàu hơi nước đang đi qua. Cậu ta ra hiệu cho chiếc tàu chạy vào bờ. Một người lạ đi ngang qua và nói: “Anh bạn trẻ ngốc nghếch ơi, thuyền sẽ không bao giờ vào bờ vì yêu cầu của bạn. Thuyền trưởng quá bận nên không nhận thấy cái vẫy tay và tiếng la hét của bạn đâu”. Vừa lúc đó con thuyền quay đầu và hướng vào bờ. Cậu bé cười toe toét và nói với người lạ: “Thuyền trưởng là bố của tôi.”…
Vâng, thế giới sẽ tốt đẹp khi nhân loại vững tin rằng “thuyền trưởng của con tàu thế giới” chính là “Vị Cha chung Thượng Đế”, và mỗi một cuộc đời sẽ tươi đẹp khi “thuyền trưởng của cuộc sống mỗi cuộc đời” chính là “Cha tôi”, Người Cha giàu thương thương xót và luôn nhận ra tiếng “Abba” thân thương của “người con bé nhỏ”. Amen.
Trương Đình Hiền
Tags:
Suy niệm C