Thiên Chúa chúng ta là vậy đó, bạn ơi!

 


Hôm nay mời bạn cùng tôi chiêm ngắm một bức tranh của hoạ sĩ Marc Chagall. Hoạ sĩ Marc Chagall, sinh năm 1887 tại Belarus (trước đây thuộc Nga), gốc Do-thái. Trong sự nghiệp, Chagall có những thời gian khá lâu sinh sống ở Pháp, vì thế người ta nói rằng: ông là một nghệ sĩ với tâm tình của người Nga, người Pháp và người Do Thái.

Chagall được cho là một trong những nghệ sĩ hiện đại có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20. Ông vừa là người theo chủ nghĩa hiện đại, vừa là một phần quan trọng của truyền thống nghệ thuật Do Thái. Ông sáng tác các hoạ phẩm của mình dựa trên cảm xúc và thơ mộng, hơn là dựa trên các quy tắc lô-gíc trong hội hoạ. Là người Do-thái, nhiều bức hoạ của ông được vẽ dựa trên những câu chuyện trong Thánh Kinh.

Vào khoảng năm 1960 đến 1966, Chagall đã vẽ bức tranh “Mô-sê và bụi cây đang cháy nhưng không bị thiêu rụi” với ba cảnh trong cuộc đời của Mô-sê. Bức tranh hiện được trưng bày trong Musée national Marc Chagall ở Nice, Pháp.

Chiêm ngắm bức tranh, trước hết ta thấy toàn bộ bức tranh được Chargall dùng màu xanh da trời làm màu chủ. Đó là cung cách hội hoạ của riêng ông. Màu xanh da trời là biểu tượng cho trời và biển bao phủ cuộc sống đời người. Trong lòng trời xanh và biển xanh, con người sống và trải nghiệm nhiều điều và luôn tự hỏi rằng: “Điều gì còn tiềm ẩn phía sau trải nghiệm này?” Nhưng câu hỏi của con người không phảng phất mùi vị của thất vọng, mà với màu xanh tràn đầy hy vọng, con người hướng về với Đấng là chủ của trời xanh và biển xanh.

Giờ đây ta chiêm ngắm bức tranh từ phải sang trái. Ở phía góc trên cùng là hình ảnh của chim bồ câu màu trắng với cành Ô-liu là dấu hiệu nạn hồng thuỷ đã qua đi (x.St 8,11). Màu trắng cũng là màu báo hiệu một cuộc sống mới xuất hiện.

Tiếp đến là hình ảnh của chú chim và khuôn mặt của thiên thần được hoà giữa màu trắng và xanh, nhưng ở đây màu xanh nổi hơn. Đó là dấu hiệu của cảnh thiên quốc. Đàng sau là nền màu xanh lá cây diễn tả mảnh đất của trần gian, nơi nhân loại trải nghiệm những sự kiện và biến cố khác nhau.

Ở phía dưới là hình ảnh của một số chiên cừu đang lặng lẽ gặm cỏ diễn tả cuộc sống yên tĩnh trên đồng cỏ Madian, và vị mục tử đang chăn đàn cừu của mình chính là Mô-sê.

Ở phía ngoài cùng (rìa phải) với hình xanh đậm hơn là bóng dáng của Aaron đang cúi nhẹ xuống. Aaron là một người anh em của Mô-sê. Sau này ông đồng hành với Mô-sê trên hành trình cứu dân Do-thái ra khỏi Ai-cập.

Mô-sê “mặc bộ áo trắng sáng chói” với hai tia sáng toả ra trên đầu. Màu trắng sáng chói đó không đến từ Mô-sê, mà đến từ cuộc gặp gỡ giữa Mô-sê và Thiên Chúa trên núi Khô-rép. Tay phải Mô-sê đặt trên ngực như bày tỏ niềm hạnh phúc được gặp gỡ Thiên Chúa trước bụi cây đang bốc cháy. Tay trái buông xuôi như diễn tả sự bất xứng và bất tài của ông trước sứ mạng cao cả và quan trọng Thiên Chúa trao ban cho ông.

Một bàn chân trần của Mô-sê lộ ra như diễn tả huấn lệnh của Chúa dành cho ông, khi ông tới gần đất thánh: “Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh” (Xh 3,5).

Ở trung tâm của bức hình là bụi cây đang bùng cháy với các ngọn lửa thật hồng nhưng cây không bị thiêu rụi. Một hình ảnh vượt trên mọi lô-gíc của cuộc sống. Hình ảnh này phảng phất hương vị siêu nhiên của trời cao và đang tỏ hiện trên mảnh đất thấp hèn.

Bụi cây cháy vươn lên và các lưỡi lửa len vào cả hai vòng tròn giao ước (cây cung trên trời – cầu vồng bảy màu) mà Thiên Chúa đã ký kết với ông Nô-ê (x.St 9,12-17). Trong hai vòng hoà điệu bảy màu, ta thấy hình ảnh thật sống động của Thiên Chúa với đôi cánh thiên thần. Chúa đang ngự giữa hai vòng tròn bảy màu. Ngài là nguồn của ánh sáng, nguồn của mọi sắc màu.

Ngài đang dơ rộng đôi tay và hướng về Mô-sê. Đôi môi Ngài mở ra như là đang đàm đạo với Mô-sê, đang nói với Mô-sê về ý định yêu thương của Ngài là cứu dân Do-thái khỏi ách đô hộ của người Ai-cập: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật.” (Xh 3,7-8).

Chúa còn mặc khải cho Mô-sê Danh Thánh của Ngài, khi ông hỏi Chúa về tên của Chúa. Chúa đáp: “Ta là Đấng Hiện Hữu.” (Xh 3,14).

Như thế, trong cảnh trung tâm của bức tranh, Chagall diễn tả cuộc gặp gỡ rất thân tình, sống động, nhẹ nhàng nhưng cũng thật mạnh mẽ giữa Thiên Chúa và Mô-sê.

Cảnh thứ ba của bức tranh ở phía bên trái ám chỉ cuộc xuất hành từ Ai Cập, cuộc vượt qua Biển Đỏ để tiến về miền đất hữa.

Cái đầu cao của Mô-sê được tô màu vàng rực rỡ. Trước mặt ông là hai viên đá với các điều răn đã được khắc trên đó, mà ông đã nhận được từ Thiên Chúa.

Hai viên đá với điều răn của Chúa luôn “song bước” như muốn nói với ta rằng: Hành trình cuộc sống trên dương thế luôn cần có Chúa hiện diện hướng dẫn, cần có anh chị em cùng đồng hành sẻ chia.

Với chiếc đầu “thật vàng”, màu dành cho những người thuộc về Thiên Quốc, Mô-sê đang ở tư thế người thủ lĩnh tiến bước ở hàng đầu. Ông mang sứ mạng Chúa trao, ông là người của Thiên Chúa, là đồ đệ vâng phục Thiên Chúa, để giải thoát dân Do-thái khỏi ách nô lệ.

Áo choàng của ông là cả dân tộc Do Thái, được tô đậm màu xanh dương tràn đầy hy vọng. Ông và dân tộc ông là một. Máu thịt ông là máu thịt của dân tộc ông. Ông hướng dẫn và che chở dân tộc ông với quyền năng và sứ mạng Thiên Chúa trao ban. Ông đang đưa muôn người vượt qua biển đỏ cách an bình. Hình ảnh đoàn người Do-thái bình tĩnh tiến bước trong trật tự băng qua giữa lòng biển diễn tả sự chở che của Thiên Chúa, Đấng họ tin tưởng và cậy trông. Trong nhóm người, ta cũng nhận ra hình ảnh hai vợ chồng đang bế đứa con thơ trên tay.

Tất cả bước đi trong sự chở che nâng đỡ của Thiên Chúa. Hình ảnh này như muốn nói lên được điều thánh vịnh gia đã nói:

“Tôi vững vàng tin tưởng
sẽ được thấy ân lộc Chúa ban trong cõi đất dành cho kẻ sống.

Hãy cậy trông vào Chúa, mạnh bạo lên, can đảm lên nào!
Hãy cậy trông vào Chúa” (Tv 26,13-14).

Hình ảnh của đoàn dân Do-thái đang vượt qua biển đỏ trong an bình đã được thánh Phao-lô nhắc đến: “Tất cả cha ông chúng ta đều được ở dưới cột mây, tất cả đều vượt qua Biển Đỏ. Tất cả cùng được chịu phép rửa dưới đám mây và trong lòng biển, để theo ông Mô-sê” (2Cr 10,1-2).

Chiêm ngắm tiếp cảnh thứ ba ở phần dưới. Ta thấy ở dưới cùng của tấm áo choàng là một làn sóng màu trắng khá lớn. Hướng “làn sóng đánh” là hướng về phía dưới, nghĩa là về phía đoàn quân của Pha-ra-ô với biết bao chiến mã và kỹ binh. Tất cả đều bị nhấn chìm và bao phủ bởi làn sóng mạnh mẽ này. Màu đỏ tràn ngập ngay giữa lòng biển là màu của máu chảy, màu tang thương dành cho những kẻ chống lại Thiên Chúa.

Tóm lại, bức tranh đã để lại cho ta những sứ điệp thật đẹp:

Thiên Chúa của Ít-ra-en, Ngài là Đấng Hằng Hữu, Đấng hiện diện ở giữa dân Ngài. Ngài là nguồn sáng, nguồn của mọi sắc màu. Ngài yêu thương tạo nên nhân loại và tình yêu của Chúa tiếp tục hiện diện đồng hành với từng phận người trên mọi nẻo đường.

Ngài không bao giờ muốn con người sống trong nô lệ, trong khổ đau do sự dữ và tội lỗi gây nên.

Thiên Chúa yêu thương cứu thoát từng người trong chúng ta, khi chúng ta gặp thử thách khổ đau, khi chúng ta rơi vào trong gông cùm của sự dữ.

Thiên Chúa, Đấng Hằng Hữu không bao giờ ở bên ngoài hay bên trên lịch sử thăng trầm của đời người chúng ta.

Thiên Chúa để cho chính mình mặc lấy phận người mỏng dòn của bạn và của tôi.

Thiên Chúa để mình mang vác mọi gánh nặng ta phải mang.

Thiên Chúa để mình uống trọn chén đắng ta đang uống.

Thiên Chúa để mình dính vào lịch sử của đời ta, dù cho lịch sử đó đang nhuốm màu gì đi nữa.

Thiên Chúa Hằng Hữu, Ngài hiện diện ở nơi bạn và nơi tôi đang sống.

Thiên Chúa chúng ta là vậy đó, bạn ơi!

Tác giả: Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế S.J.
Nguồn: Dòng Tên Việt Nam
Mới hơn Cũ hơn