Phép lạ Thánh Thể cổ xưa tại Lanciano

Một phép lạ cổ xưa

Một trong những Phép lạ Thánh Thể cổ xưa nhất mà các thánh tích vẫn còn được lưu giữ đã diễn ra tại Lanciano. Phép lạ này cổ xưa đến nỗi một tài liệu lịch sử xác thực liên quan đến sự kiện ban đầu đã bị thất lạc qua nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, cư dân của Lanciano đã cố gắng để không đánh mất nguồn gốc của phép lạ này cho đến thời hiện đại thông qua truyền miệng và lòng sùng kính rất mạnh mẽ không ngừng.

Chính xác thì điều gì đã xảy ra? Rất có thể, phép lạ đã diễn ra khi một tu sĩ Dòng Thánh Basiliô đang cử hành Thánh lễ ở Lanciano tại nhà thờ Các thánh Legonziano và Domiziano trong khoảng thời gian từ năm 700 đến năm 750 sau Công Nguyên. Ở Hy Lạp và Đông Byzantine, các tu sĩ Dòng Thánh Basiliô đã tuân theo Tu luật của Thánh Basiliô, kết hợp với linh đạo của các Tổ phụ Sa mạc và Thánh Antôn. Trong khoảng thời gian từ năm 600 đến 700 sau Công Nguyên, nhiều tu sĩ Dòng Thánh Basiliô đã chạy trốn khỏi các cuộc bách hại và tìm nơi ẩn náu ở Ý. Ở Lanciano, một trong những tu sĩ này với danh xưng không được tiết lộ đang cử hành Thánh lễ thì phép lạ xảy ra. Sau đây, tôi sẽ dẫn lại một bản thảo vào năm 1631:

Vì vậy, vào một buổi sáng, trong khi cử hành Hy Tế Thánh, sau lúc đọc lời truyền phép trong tình trạng vẫn còn vướng mắc những lỗi lầm chưa được tha thứ, thì vị tu sĩ này đã thấy (Ôi ân huệ lạ lùng và độc nhất!) Bánh đã hóa thành Thịt và Rượu đã hóa thành Máu...

Đó chính là Thịt và Máu của Đức Kitô mà chúng ta rất mực yêu quý.

Khi sự việc xảy ra, mọi người đều vội vàng chạy đến trước Bàn thờ với lòng sùng kính và bàng hoàng, những giọt nước mắt đã rơi, những lời kêu xin lòng thương xót bắt đầu vang lên.
Ảnh: Phép lạ Thánh Thể ở Lanciano Junior, Public domain, via Wikimedia Commons



Sau nhiều thế kỷ mà không trải qua bất kỳ quá trình phân hủy nào – bản thân việc này cũng đã rõ ràng là một điều mầu nhiệm – thì một thánh tích kép đã được truyền lại cho chúng ta, vốn được cấu thành từ:

- một mô thịt tròn, màu nâu sẫm và hơi vàng, đường kính khoảng 6 cm, dày hơn ở mép và mỏng dần về trung tâm làm thành một khoang lớn ở giữa.
- năm mảnh rời thuần nhất có thể tích không bằng nhau, màu vàng nâu, do máu đông lại có trọng lượng tổng cộng 16 gam.

Hiện tại, các thánh tích đang được lưu giữ và niêm phong trong một hòm đôi bằng bạc trang nhã được chế tác vào năm 1713, cho phép nhìn thấy toàn bộ những thánh tích quý giá bên trong qua một ô cửa sổ và một chén thánh bằng pha lê. Các thánh tích này được cất giữ trong một hộp bằng đá cẩm thạch trên bàn thờ chính trong nhà thờ Thánh Phanxicô, dưới sự trông coi của các tu sĩ Dòng Anh Em Hèn Mọn.

8 thế kỷ im lìm

Hiện vẫn chưa có tài liệu lịch sử đáng tin cậy nào về nguồn gốc của các thánh tích này. Bản ghi chép đầu tiên đề cập cách rõ ràng đến một Phép lạ Thánh Thể được lưu giữ ở Lanciano mới chỉ có từ năm 1574.

Lời truyền miệng về sự kiện thời xa xưa đã được viết ra vào năm 1631, nhưng tám thế kỷ đầu tiên kể từ ngày phép lạ xảy ra ở Lanciano vẫn là một “hố đen” đối với các nhà sử học. Thật ra, nhờ tài liệu lưu trữ, hố đen này vẫn có được một điểm sáng hiếm hoi.

Phép lạ của Lanfranc (khoảng năm 1073)

Một đóng góp quan trọng về thần học đã được đưa ra vào năm 1073 bởi Guitmund xứ Aversa, một tu sĩ người Norman, ông đã viết cuốn De corporis et sanguinis Christi veritate in Eucharistia (Bàn về sự thật của Mình và Máu Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể). Trong một đoạn văn, ông đã nhớ lại một phép lạ mà mình đã được một người thầy và người bạn của mình là Lanfranc xứ Pavia kể lại.

Khi còn thơ ấu, Lanfranc đã nghe nói rằng ở Ý “có một phép lạ đã xảy ra trong tay của một linh mục, trong khi cử hành Thánh lễ, người ta đã nhìn thấy Thịt thật trên bàn thờ và Máu thật trong chén thánh. Vị linh mục lo sợ không dám rước lấy nên đã báo tin cho vị giám mục của mình để xin lời khuyên. Vị giám mục này cùng với các giám mục thân quen khác đã cùng đến để chứng kiến sự kiện, lấy chén thánh chứa đựng Thịt và Máu, rồi niêm phong cẩn thận, và đặt ở chính giữa bàn thờ nhằm lưu giữ vĩnh viễn thánh tích này giữa những thánh tích quan trọng nhất khác.” Cha Nicola Petrone, người gần đây đã nghiên cứu về lịch sử của phép lạ trên, tin rằng phép lạ mà Lanfranc đã đề cập đến chính là phép lạ ở Lanciano, một phép lạ không giống bất kỳ phép lạ nào khác mà chúng ta đã biết từ đầu thời Trung cổ ở Ý vì phép lạ này vốn hoàn toàn trọn vẹn và đã tồn tại qua rất nhiều thế kỷ.

Cuộc kiểm tra năm 1574

Kể từ năm 1574, các phần mô của phép lạ đã trải qua nhiều cuộc kiểm tra diễn ra gần như hàng thế kỷ. Cuộc kiểm tra đầu tiên vào năm 1574 chắc chắn đáng được lưu ý: các hòm đựng thánh tích được mở ra trước mặt mọi người, và các thánh tích đã được kiểm tra và cân trọng. Vào dịp này, một sự kiện bí nhiệm đáng nhớ đã diễn ra: năm tảng máu đông, có kích thước khác nhau cách rõ ràng khi được nhìn bằng mắt thường, hóa ra lại có trọng lượng giống hệt nhau trên bàn cân. Không chỉ vậy, khi cân đồng thời tất cả các tảng máu đông lại với nhau, thì trọng lượng vẫn giống như khi cân từng tảng riêng rẽ.

Trong những lần kiểm tra sau đó, điều kỳ diệu như vậy đã không còn diễn ra nữa. Ví dụ, vào năm 1886, trọng lượng của năm tảng máu đông lần lượt là 8.00, 2.45, 2.85, 2.05 và 1.15 gam, bên cạnh 5 miligam các mảnh vụn.

Năm 1809, luật lệ của vua Napoléon vươn tầm ảnh hưởng đến vùng Lanciano: tu viện Thánh Phanxicô bị biến thành doanh trại, các tu sĩ biến mất, và phòng ăn trở thành tòa thị chính. Trong một số thời điểm, một phần của tu viện cũ thậm chí còn là nơi họp mặt của Hội Tam Điểm. Nhà thờ thánh Phanxicô trở thành nhà thờ giáo xứ. Các tu sĩ Dòng Phanxicô đã trở lại đây vào năm 1952.

Cuộc kiểm tra năm 1970

Sáng ngày 18 tháng 11 năm 1970, lúc 10 giờ 15 tại cung thánh của nhà thờ Thánh Phanxicô, vị tổng giám mục đã phá niêm phong năm 1886 và trước sự chứng kiến ​​của nhiều người, ngài đã mở hòm đựng thánh tích trên một chiếc bàn phủ “vải lanh trắng. ” Trong một nghi lễ cảm động, giáo sư Linoli đã xin vị tổng giám mục “được phép động đến” phần Thịt của phép lạ, và vị giám mục này đã đồng ý. Bên ngoài, phần Thịt này có kết cấu cứng gần như được bằng gỗ. Hộp đựng phần Thịt rõ ràng không kín khí: mô của phần Thị đã bị phủ một lớp màu trắng, khô, dễ tách rời.

Sau khi trở về Arezzo, Gs. Linoli đã thực hiện một loạt các xét nghiệm cơ bản kéo dài trong khoảng một trăm ngày sau đó: các cuộc xét nghiệm này có thể là điều thú vị nhất trong cuộc đời ông.

Công việc không hề dễ dàng. Cấu trúc mô học cần được giải thích: nhân tế bào không bị biến chất bởi thuốc nhuộm thông thường, cũng như không có thêm bất kỳ bất kỳ khoảng vân ngang nào (mặc dù điều này đúng là phải có một phần mô được bảo quản lâu năm). Vì vậy, Gs. Linoli đã nhờ thêm sự trợ giúp từ Gs. Ruggero Bertelli để xác nhận rằng phần mô cơ này có nguồn gốc từ tim.

Tuy nhiên, từng bước một, với sự kiên nhẫn và bền bỉ, một kết quả đầy đủ và đáng kinh ngạc đã bắt đầu hình thành, có lẽ nằm ngoài sự mong đợi của mọi người. Trong hai lần, Gs. Linoli cảm thấy cần phải báo tin và chia sẻ sự hài lòng của ông về kết quả sơ bộ của mình với các tu sĩ ở Lanciano. Do đó, ông đã viết hai thư báo. Vào ngày 11 tháng 12 năm 1970, ông đã viết: “In Principio erat Verbum, et Verbum caro factum est,” trích dẫn từ phần mở đầu của Phúc Âm theo Thánh Gioan: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể.” Một lần nữa, vào ngày 11 tháng 02 năm 1971, ông viết: “Nghiên cứu sâu hơn cho phép xác nhận sự hiện diện của cơ vân tim. Alleluia. ”

Vào ngày 04 tháng 3 năm 1971 – một trong những ngày lạnh nhất thế kỷ ở Ý – Gs. Linoli đã hoàn thành một báo cáo khoa học ở vùng Lanciano phủ đầy tuyết. Bài báo cáo tóm kết những điểm sau:

1. Máu của phép lạ thánh thể là máu thật và Thịt là thịt thật.
2. Thịt được cấu thành từ mô cơ tim.
3. Máu và Thịt thuộc về loài người.
4. Máu và Thịt giống hệt nhau về nhóm máu, là AB: do đó, rất có thể, cả hai đều thuộc về cùng một Người.
5. Protein trong máu có thể được phân đoạn theo tỷ lệ của máu tươi bình thường.
6. Các khoáng chất clorua, phốt pho, magiê, kali và natri được phát hiện với số lượng giảm trong máu, trong khi canxi lại dư thừa.

Ngoài những kết luận nêu trên, Gs. Linoli còn đề cập đến những điều sau:

- Cấu trúc của phần Thịt không phù hợp với giả thuyết về một mẫu vật “giả” được làm thủ công một cách có chủ ý trong những thế kỷ trước: chỉ một bàn tay rất thành thạo trong việc giải phẫu cơ thể người mới có thể cắt theo phương tiếp tuyến bề mặt của một cơ quan rỗng đến mức khéo léo như vậy để đạt đến một mặt cắt hoặc “lát cắt” từ trái tim của xác người (giống như được rút ra theo chiều dài của các bó sợi cơ thường thấy trong các mẫu mô học).
- Các mẫu vật - cụ thể là Máu - sẽ nhanh chóng bị biến chất nếu có nguồn gốc từ một xác chết.
- Tuy nhiên, muối của chất bảo quản không được phát hiện trong các mẫu mô.

Ba mươi năm sau, Linoli thẳng thắn thừa nhận rằng sau thời điểm thu được những kết quả này, “trong vài tháng [ông ấy] cảm thấy như thể [mình] đang đi cách mặt đất 30cm vậy”.

Cuộc kiểm tra bổ sung năm 1981

Khoảng một thập kỷ sau cuộc kiểm tra năm 1970, các sư huynh Dòng Phanxicô đã yêu cầu Gs. Linoli kiểm tra thêm về phần Thịt của phép lạ, cả về phương diện bên ngoài lẫn dưới kính hiển vi. Do đó, một mảnh nhỏ được lưu giữ ở Lanciano chưa qua kiểm tra vào năm 1970 đã mang lại một kết quả mô học mới.

Trong các hình chiếu mới từ kính hiển vi, cấu trúc cơ tim của các sợi cơ thậm chí còn được mô tả rõ ràng hơn. Hơn nữa, các chi tiết cấu trúc mới và nguyên sơ đã được nhìn thấy: nội tâm mạc, màng trong của tim, các vùng mô mỡ cũng có thể được nhìn thấy rõ ràng; các mạch máu động mạch và tĩnh mạch và thậm chí các bó sợi thần kinh phế vị có thể được đánh giá chính xác hơn. Đó là một loạt các phát hiện từ kính hiển vi - được chụp một cách tổng thể - đã giúp phác thảo bức tranh về một trái tim hoàn chỉnh của con người.

Nghiên cứu bên ngoài cũng gây ngạc nhiên. Trọng tâm của Linoli là mười bốn lỗ tròn nhỏ được đục dọc theo toàn bộ cạnh bên ngoài của thánh tích, như thể, trong quá khứ xa xưa, cần phải cố định phần Thịt bằng mười bốn chiếc đinh vào một giá đỡ bằng gỗ để chống lại hiện tượng co rút và đông cứng của xác người. Do đó, phần Thịt sẽ rút lại về phía các cây đinh bên ngoài, làm phát sinh khoang rỗng hiện có ở giữa. Tuy nhiên, theo giáo sư, khoang này cũng đã có từ trước một phần. Do đó, cho đến ngày nay, về phương diện bên ngoài, thánh tích này giống như một mặt cắt hoàn chỉnh của trái tim, hoặc có thể là một mặt cắt chỉ qua tâm thất trái.

GS. Linoli còn ghi nhận thêm một nhận xét sâu sắc cuối cùng: nếu phần Thịt mà chúng ta tôn kính ngày nay đã trải qua quá trình đông cứng, thì rõ ràng là vào thời điểm phép lạ ban đầu, phần Thịt này vẫn còn sống. Trên thực tế, quá trình đông cứng xác người bắt đầu từ một đến ba giờ sau khi chết và kết thúc từ ba mươi sáu đến bốn mươi tám giờ sau đó.

Vị giáo sư này đã luôn suy tư về điều này trong những năm tiếp theo và, vào dịp kỷ niệm 20 năm cuộc kiểm tra, ông đã cảm thấy bị thôi thúc cần phải tiết lộ một khía cạnh bên ngoài của phần Thịt mà ông đã bỏ qua trước đó: Một phần cắt ngang trái tim trọn vẹn có thể được nhận ra trong tổng thể bản chất từ phần Thịt của phép lạ. Phần còn lại của tâm thất trái có thể được nhìn thấy trong phần dưới dày hơn, trong khi phần trên mỏng hơn là tâm thất phải. Thời gian làm mất đi các bộ phận giải phẫu như vách liên thất, nơi phân chia chức năng sinh lý của hai tâm thất, do đó dẫn đến việc còn lại một khoang duy nhất. Sự mất nước và quá trình lưu giữ xác tự nhiên đã gây ra sự suy giảm kích thước, vì kích thước hiện tại nhỏ hơn một trái tim sống.

Do đó, phần Thịt của phép lạ thánh thể ở Lanciano lại trở nên giống với hình ảnh mà bác sĩ tim mạch nhìn thấy trên màn hình siêu âm.



Ghi chú của người biên tập: Bài viết này được chuyển thể từ một chương trong cuốn sách của Tiến sĩ Serafini, “Một Bác sĩ tim mạch nghiên cứu về Chúa Giêsu: Khoa học tuyệt vời đằng sau phép lạ Thánh Thể.”


Tác giả: Ts. Franco Serafini - Nguồn: Catholic Exchange (01/02/2022)


Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
Mới hơn Cũ hơn