Thiên chức làm cha mẹ (3) – Phương cách điều khiển con cái
Thật là cần thiết để thiết lập vài nguyên tắc cho việc ảnh hưởng con trẻ. Bố mẹ cần sự cố vấn vì mẫu mực sống của họ không bảo đảm sự phát triển đứa trẻ. Ở đây không bàn thảo chi tiết về những phương cách giáo dục gia đình. Một ít nguyên tắc trong chương Cùng Chung Sống cống hiến một loạt phương pháp thích hợp. Nguyên tắc đầu tiên là hiểu biết và kính trọng phẩm giá con người. Trong việc ứng phó với con trẻ, người lớn phải kính trọng phẩm giá của đứa trẻ cũng như phẩm giá của chính mình. Quên phẩm giá riêng của một người có nghĩa là ban cho. Quên phẩm giá của đứa trẻ có nghĩa là đàn áp. Cả hai đều tiêu hủy sự cộng tác. Cả hai thiết lập những bạo chúa và nô lệ. Nguyên tắc thứ hai là không chống mà cũng không nhường. Vì mục đích của giáo dục gia đình, người ta phải thêm những xác tín: thuyết phục trẻ và khuyến khích trẻ. Và đây là ba nguyên tắc: không giao chiến, tuân giữ trật tự, và khích lệ. Không thể có cái nầy mà không có hai cái kia. Nếu giao chiến, chúng ta không bao giờ có thể làm cho đứa trẻ chấp nhận trật tự và sẽ làm đứa trẻ thất vọng. Không nhấn mạnh đứa trẻ phải giữ trật tự sẽ đưa đến chiến tranh. Một đứa trẻ không sống phù hợp với luật lệ, bắt buộc bố mẹ phải phạt nó.
Đối với nhiều cha mẹ, không thể tin rằng con cái có thể được nuôi dưỡng lớn lên mà không dùng sức mạnh. Quan niệm không đánh là làm hư trẻ là một quan niệm không tin vào bản tính con người, là bản tính được xem là thuần thục nhưng không bao giờ được thực hiện với tính cách xã hội mà không có cưỡng chế. Những bố mẹ như thế cần được thuyết phục rằng khi họ phải dùng đến phương cách đánh đập trẻ là lúc chính họ là những người thua cuộc. Đứa trẻ có nhiều điều lợi trong hành động của nó: nó biết cách điều khiển bố mẹ tốt hơn bố mẹ biết cách điều khiển nó, và với sự tận dụng hết thời gian để quan sát môi trường, nó biết rõ từng điểm dễ bị làm tổn thương của bố mẹ. Nó giàu tưởng tượng và sáng chế hàng trăm cách giao chiến trong khi người lớn chỉ quanh quẩn ba hoặc bốn cách không hiệu quả mấy. Con trẻ biết chính xác cách thực hành phương cách của nó, và bố mẹ dẫu có giao chiến cũng chỉ nhường nhịn.
Rõ ràng là giao chiến thì vô ích. Mọi phương cách như nhục mạ, la hét, quở trách, và phát đít chỉ thành công trong một lúc nếu chúng có hiệu quả. Đứa trẻ đánh trả lại ở cơ hội đầu tiên, và sẵn sàng đáp trả với mỗi chiến thắng của bố mẹ. Dĩ nhiên, sự bất phục tùng là một kết quả đương nhiên. Nhưng ở đâu có sự liên hệ thân mật với sự hiểu biết thiết thực giữa bố mẹ và con cái thì việc giải quyết những điều đó quá là dễ dàng. Mỗi đứa trẻ đều nhạy cảm đối với sự tử tế cũng như sự cứng rắn của bố mẹ. Những đứa trẻ không đáp lại là những đứa đã được dạy qua kinh nghiệm rằng chỉ có sức mạnh là quan trọng.
Quỳnh Liên đang chơi với bạn bè ở sân trước thì bà mẹ gọi: “Liên ơi! Đến đây!” Cô bé vẫn tiếp tục chơi, không tỏ dấu gì đã nghe thấy. Bà mẹ gọi nữa, gọi nữa. Cô bé vẫn không đáp trả. Một đứa bạn đi ngang qua, nghe tiếng gọi nhiều lần, mới đến gần và hỏi nó có nghe tiếng mẹ gọi không? Cô bé đáp “Có” nhưng rồi lại tiếp tục chơi. Cô bạn hơi giận dữ nói: “Vậy tại sao mầy không về nhà?” Quỳnh Liên trả lời: “Ơ, tao còn có giờ. Mẹ tao chưa la.”
Nhiều bố mẹ không nhận thấy sự quan trọng của trật tự. Họ yêu trẻ cách chân thành. Họ muốn cứu đứa trẻ khỏi thất vọng và thương đau. Vì muốn đời sống con cái mình được hạnh phúc nên họ loại bỏ qui luật của trật tự. Ước muốn của đứa trẻ là lệnh truyền của họ. Họ hy vọng rằng từ đây về sau con cái mình sẽ học hiểu biết hơn và nhạy cảm hơn. Họ sai lầm biết bao! Một khi đứa trẻ nhận biết rằng ước muốn của nó là toàn năng, nó sẽ coi bất cứ sự từ chối nào từ bố mẹ hoặc thầy cô như một sự bất công, như một sự tước khỏi nó những đặc ân được nó xem như là quyền tự nhiên của nó và sẽ cắt nghĩa như là dấu hiệu của sự từ khước và nhục mạ. Bảo vệ quá đáng cũng như ban cho không bao giờ khắc phục được đứa trẻ, không bao giờ làm cho nó biết cộng tác và dũng cảm. Họ tước đoạt nó khỏi việc vui hưởng giữ gìn trật tự, khỏi việc cảm nghiệm sức mạnh riêng của nó trong việc tự vươn lên, và cảm nghiệm sự hữu ích của chính mình đối với người khác. Thay vì ngăn ngừa những cảm nghiệm không vừa ý, sự ban cho bỏ rơi đứa trẻ ngày càng thêm đau khổ và tồi tệ hơn. Thay vì giúp nó, điều đó càng làm nguy hiểm hơn, và rồi sự đụng độ và chiến tranh trở thành điều không thể tránh khỏi.
Sự ban cho thường đặt căn bản trên ý tưởng sai lầm về tự do. Cho con trẻ tự do và tự biểu lộ là cần thiết, nhưng tự do mà không có trật tự thì không thể. Trái lại không có trật tự nào lâu bền mà không có tự do. Trong một vài văn hóa, ý tưởng về trật tự được đề cao thái quá đến nỗi con trẻ bị tước đoạt mất sự tự diễn tả. Luật lệ nghiêm khắc và sự tuân phục ngay tức khắc là mục đích chính của việc giáo dục của họ. Kết quả thì giống với kết quả được sản xuất bởi sự đàn áp và nhục mạ. Sự cứng nhắc, sức mạnh, và thành công có thể được hoàn thành trong cách đó, nhưng là sự liên hệ của con người đau khổ. Trái lại, tương quan nhân bản thì gặp nhiều nguy hiểm bởi sự thường xuyên hiểu lầm về sự tự do. Tự do thì không phải là làm cái gì mình muốn vì tự do như thế có nghĩa là áp đặt lên người khác cũng chính những đặc quyền mà chúng ta từ chối cho họ. Nếu mỗi người hành động như họ thích, coi thường những ước muốn của đồng bạn, bấy giờ không ai có thể hưởng được tự do mà chỉ hưởng những kết quả của tình trạng vô trật tự. Tự do và đặc quyền dành cho một người thì không thể được gọi là tự do. Đó là một sự độc tài và bạo chúa. Dưới chiêu bài ban cho tự do, bố mẹ làm cho con cái thành những bạo chúa bất hạnh, những người không thể nào phù hợp với người khác và cảm thấy bị khước từ bởi mọi người.
Nhiều con trẻ lớn lên với một quan niệm sai lầm về trật tự. Đối với chúng, trật tự là cái chúng không muốn thực hiện. Chúng phải học nhận biết rằng trật tự thì có lợi cho chúng. Không có gì khó để dạy cho chúng điều nầy. Khi một đứa trẻ từ chối phục tùng tập tục là cái điều khiển đời sống gia đình, chúng ta có thể giúp nó hiểu rõ ràng hơn trật tự có nghĩa là gì? Có nhiều cách để gây ấn tượng cho đứa trẻ với ý nghĩa thật sự của trật tự. Chẳng hạn, nó có thể đồng ý rằng thật là tốt đẹp nếu mỗi phần tử của gia đình thực hiện. Rất sớm, đứa trẻ sẽ khám phá ra rằng nó sẽ chiếm được rất ít và sẽ mất rất nhiều nếu cha mẹ cũng chỉ làm những điều họ thích nhất ở bất cứ lúc nào được phép. Không có bữa ăn được chuẩn bị, không có giường chiếu được thu xếp, không có áo quần sạch sẽ. Rõ ràng trật tự phục vụ không chỉ ích lợi của bất cứ một người nào nhưng là của tất cả chung nhau. Sự tự do chỉ là sự tự do hành động cách độc lập bao lâu một người không dẫm lên sự tự do của một người nào khác.
Và bây giờ qui luật thứ ba và quan trọng nhất là đứa trẻ cần sự khích lệ ngay tức khắc. Nó cần sự khích lệ như cây cần nước. Trái lại, phương cách nuôi dưỡng con cái của chúng ta thì đầy sự thiếu khích lệ. Ban cho và đàn áp tạo nên vô số những kinh nghiệm thiếu khích lệ. Bố mẹ xem ra quá nhúc nhát. Họ thấy nguy hiểm ở mọi nơi. Họ thấy mình giống như con họ, họ không tin vào chính mình, họ khó tin rằng đứa trẻ có thể lo cho chính nó. Thay vì nhận thấy khả năng của một đứa trẻ, họ so sánh hình vóc và thể lực với chính họ và kết luận rằng nó phải kém hơn họ biết bao nhiêu lần. Thật ra đứa trẻ nói chung có khả năng thể lý và tinh thần nhiều hơn bố mẹ tin nó có. Sự nghi ngờ cái khả thể của đứa trẻ được mang từ thế hệ nầy sang thế hệ khác, là một trong những lý do tại sao người lớn bỏ nhiều trong số những khả năng của họ không làm phát triển, không bao giờ đạt tới kết quả như khả năng của họ có thể.
Bất cứ tiến trình giáo dục nào cũng có thể được đánh giá theo mực độ của sự khuyến khích. Cái gì làm tăng tinh thần can đảm của đứa trẻ đều có ích. Bất cứ cái gì làm xuống tinh thần đều có hại. Không có trẻ nào là thật sự xấu. Mọi đứa trẻ đều thích nên tốt, ước ao được thành công, yêu chuộng sự tử tế. Nếu mất hy vọng, mất sự tự tin, bấy giờ nó sẽ hành động sai lầm. Kỷ thuật của khuyến khích thì chưa được nhận thức đầy đủ. Rất ít người có chương trình khuyến khích và ngay cả những người nầy cũng không biết làm cách nào. Một vài người cố gắng ngọt ngào. Trẻ con ghét điều đó biết bao vì sự ca ngợi không chân thành không thể khích lệ ai. Sự ca tụng không đáng được thì hoặc là vô nghĩa hoặc là dối trá. Ngay cả sự ngưỡng phục được diễn tả cách chân thành có thể làm đứa bé mất can đảm, mặc dầu nó thích, nếu nó cảm thấy rằng nó không thể thỏa đáp sự quí mến cao cả đó.
Hai yếu tố nầy xem ra là thiết yếu cho sự khích lệ: chân thành và nhận thấy nhu cầu cá nhân của đứa trẻ. Mỗi đứa trẻ đều có khả năng đáng được ca tụng và mỗi đứa đều có những vết thương đau đáng được xoa dịu. Tuy nhiên, nếu không có niềm tin vào đứa trẻ, không ai có thể đặt vào trong nó một ý kiến tốt đẹp về chính nó. Tự tin, nhận biết sức mạnh của những khả năng riêng mình là can đảm. Bất cứ ai có thể cung cấp điều đó có thể làm tăng hiệu quả và làm dễ dàng hơn những sự thích nghi xã hội cần thiết với bất cứ ai mà nó gặp, đặc biệt với đứa trẻ đang khát mong loại giúp đỡ nầy.
Sự khích lệ chỉ có trong bầu không khí thân thiện, không thể có nơi sự giận dữ chế ngự. Khi chồng và vợ bất đồng, khi bố mẹ và con cái chống đối nhau, mỗi bên cố gắng làm mất tinh thần đối thủ của mình trong lúc đó. Phương pháp thì rất nhiều và rất tinh vi mà qua đó bố mẹ bóp chết những khả năng khác biệt và tự nhiên của con trẻ, làm thất đảm những cố gắng của nó, và ngăn cản sự phát triển cảm giác tin tưởng vào giá trị và sức sáng tạo của nó.
Mỗi lỗi lầm và sai trái của đứa trẻ phản chiếu sự thiếu khích lệ mà nó phải hứng chịu trong gia đình. Nếu không, có lẽ nó đã tìm ra một câu trả lời tốt hơn cho vấn đề của nó. Một đứa trẻ được lớn lên trong bầu khí đầy yêu thương và cảm thông thì sốt sắng muốn chia xẻ. Được nuôi dưỡng trong sự thân thiện và ích lợi thật, đứa trẻ phát triển cách hạnh phúc và mau mắn đáp trả những đòi hỏi của xã hội. Nhưng có biết bao bố mẹ và thầy cô, chính họ là nguồn sản xuất bầu khí cạnh tranh và đụng độ, họ không cung cấp một sự hướng dẫn thích hợp cho đứa trẻ. Họ quên mất cảm giác đáng sợ của bất an, của chia lìa và không được yêu mà chính họ đã từng cảm nghiệm. Họ ít chịu học hỏi từ tâm lý trẻ. Không chịu khám phá những khả thể của đứa trẻ, họ chống điều nó làm và ngăn cản nó. Họ đã làm hại một cá tính. Họ không hiểu tại sao đứa trẻ cảm thấy mình bị lạc lõng. Họ hoàn toàn không ý thức về cái tại sao đứa trẻ hành xử một cách bướng bỉnh như vậy?
Thiên chức làm cha mẹ (4) – Hiểu con
HIỂU ĐỨA TRẺ
Để cảm thông được đứa trẻ, người ta cần biết đầy đủ những điều kiện cho sự phát triển của nó. Có những đặc nét đáng chú ý như đứa trẻ cố gắng để có một chỗ đứng trong gia đình hoặc tìm cách mang lại nhận thức và chứng tỏ là có hiệu quả trong bối cảnh đặc biệt của môi trường. Nếu không có khích lệ và hướng dẫn, đứa trẻ mất thời giờ trong việc tìm những phương cách được xã hội chấp nhận để đối đầu với những người khác. Thái độ sai lầm và gặp nhiều rắc rối là một kết quả đương nhiên.
Bốn đối tượng chính có thể được xem như động lực thúc đẩy đứa trẻ đến hành động sai lầm. Chúng ta phải hiểu những mục đích nầy trước khi chúng ta hy vọng có thể thay đổi nhân cách của đứa trẻ.
Rất thường là đứa trẻ muốn lôi kéo sự chú ý. Ước muốn đặc biệt nầy rất phổ thông nơi những đứa con nít. Trong hoàn cảnh các gia đình hôm nay, trẻ con có ít cơ hội để trở thành người hữu ích, để có được nhận thức về xã hội bằng cách đóng góp vào mục đích chung. Vì thế, chúng tin vào sự quan trọng của việc nhận những món quà, tình cảm, và ít nhất là sự chú ý. Cái đồ chơi mà ông bố mang về nhà thì ít được thích thú như là đồ chơi cho bằng nó là dấu chỉ của tình yêu ông bố. Không có sự chú ý, đứa bé cảm thấy bị quên lãng. Nếu nó không thể chiếm được sự chú ý một cách thỏa mãn, nó sẽ quay sang cách bất đồng và cố ý gây nên sự rầy rà và hình phạt. Làm như thế ít ra là có sự chú ý còn hơn là không được chú ý tới. Không bị phạt là từ khước hoàn toàn, tệ hại nhất là không được biết tới. Trẻ con cố gắng cho sự chú ý nên cần phải được dạy rằng chúng có thể nên hữu dụng, rằng sự nhận thức xã hội không có nghĩa là nhận nhưng đóng góp.
Đối tượng thứ hai của bất cứ rối loạn nào là: tỏ uy quyền và thế thượng phong. Trẻ con đã từng bị bạo lực thích học cách phản kháng. Người ta càng đòi hỏi chúng, chúng càng ít có hành động phù hợp. Trẻ con rất có nhiều sáng kiến trong việc âm mưu làm bố mẹ thất vọng và chiến thắng cách dễ dàng trong khi đối thủ của chúng thì lúng túng và khờ khạo.
Sự hận thù nầy cuối cùng dẫn đến đối tượng thứ ba gọi là hình phạt. Được thuyết phục rằng không ai thích nó, đứa trẻ bỏ mọi cố gắng làm vui lòng. Sự đền bù cho sự nhục nhã của nó là làm tổn thương người khác như nó bị làm tổn thương. Một khi không còn cảm giác trách nhiệm về xã hội người ta không còn muốn cho mình bất cứ điều gì xem ra là thỏa mãn. Hành vi hung hăng nầy biểu lộ một sự thất vọng hoàn toàn về mặt xã hội.
Đối tượng thứ tư được cho thấy trong sự thụ động của đứa trẻ. Nó diễn tả một niềm tin vào sự bất khả năng cá nhân. Đó là một cố gắng làm vô dụng những tình cảnh mà ở đó sự thiếu khả năng cá nhân được cho thấy một cách rõ ràng.
Để hiểu những chức năng sai lầm, chúng ta phải biết cái nào trong bốn cái nầy nằm đàng sau chúng. Nhiều người tin rằng họ có thể hiểu được cách hành xử chắc chắn nào đó nếu họ tìm thấy một lời thích hợp để diễn tả điều đó. Nhưng lời nói không cắt nghĩa phẩm giá mà chỉ diễn tả. Chẳng hạn danh từ lười biếng không cắt nghĩa được tư cách xác định vì theo tâm lý mẫu lười biếng nầy thì khác biệt với những cái khác. Đứa trẻ nầy lười để được chú ý, bà mẹ phải ngồi gần để nhắc nhở và giúp đỡ, nếu không, bài tập sẽ không được hoàn thành. Nhưng sự lười có thể có nghĩa là quyền hành và vị thế của cấp chỉ huy. Chống lại tất cả mọi đe dọa và hình phạt của bố mẹ và thầy cô, đứa trẻ bình thản chối từ làm bài. Đôi khi sự lười biếng là một sự trả thù tệ hại nhất của đứa trẻ muốn chống lại sự tham vọng quá đáng của bố mẹ cũng như hình phạt của bố mẹ. Trong nhiều trường hợp có nghĩa là thái độ chán nản của sự đầu hàng. Cố gắng để làm gì nếu người ta không hy vọng được thăng tiến một cách nào đó?
Bố mẹ phải học để hiểu những khuynh hướng như thế. Họ phải biết tại sao đứa trẻ hành động như nó đang hành động. Nó hướng sự tấn công hoặc khiếm khuyết của nó để chống lại ai hoặc chống cái gì? Bố mẹ nên biết nhiều hơn dầu họ ít khi biết. Cha mẹ nên thâu thập tin tức về những tư tưởng và ước muốn của đứa trẻ, về quan niệm của nó về cuộc đời cũng như về chính nó, về những cố gắng thực hiện và những kết luận mà nó rút ra từ những kinh nghiệm của nó.
LỐI SỐNG
Dưới ảnh hưởng của những kinh nghiệm của nó, đứa trẻ phát triển sớm – trong 4 tới 6 năm đầu của đời nó – một ý tưởng rõ ràng về chính nó và chỗ đứng của nó trong cuộc đời. Theo sự cắt nghĩa về những quan sát và sự hiểu biết của nó về cuộc sống xã hội, nó phát triển những phương cách ứng phó đối với những vấn đề trục trặc của cuộc đời, nhờ những học hỏi từ sự quan sát những thành công cũng như thất bại của bố mẹ và anh chị em nó. Mỗi cá nhân phát triển những cách ứng phó có nét đặc thù khác nhau tạo nên nền tảng của cá tính độc đáo của nó. Nó có thể thay đổi kỷ thuật theo tình thế mà nó đối phó, nhưng ý tưởng căn bản về chính mình vẫn như thế. Nếu đứa trẻ đi đến kết luận rằng nó luôn cần đến người khác để dựa vào, bấy giờ nó sẽ hành động cách khác khi nó tìm được sự nâng đỡ. Trong lúc đầu, nó có thể rất cộng tác và rõ ràng là thích nghi rất tốt đẹp, nhưng nó sẽ bỏ hoặc rút lui nếu nó tìm được nguồn nâng đỡ và muốn phó mặc. Lý do đằng sau hai mẫu hành vi trái ngược nầy thì giống nhau.
Đứa trẻ không ý thức về những quan niệm riêng của nó nhưng đáp trả lại sự mạc khải của những quan niệm đó. Nếu chúng không được làm sáng tỏ đối với nó, nó mang những quan niệm sai lầm vào cuộc đời và chỉ có thể thay đổi chúng để có một hướng đi tốt đẹp hơn nhờ tâm lý trị liệu. Bố mẹ được huấn luyện để nhận ra ý tưởng căn bản của đứa trẻ sẽ giúp rất nhiều để ngăn ngừa sự tạo thành một quan niệm sai lầm, là cái có thể đưa đến sự thiếu thích nghi xã hội, thất bại, và bất hạnh.
Thiên chức làm cha mẹ (5) – Những vì sao trong gia đình
NHỮNG VÌ SAO TRONG GIA ĐÌNH
Những quan niệm của một đứa trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi vị thế của nó trong gia đình. Trong cuộc đời của đứa con, khuôn mặt bố mẹ là những nét quan trọng nhất trong suốt những năm đầu của cuộc sống. Phản ứng của bố mẹ đối với những cố gắng thực nghiệm của đứa trẻ điều khiển hành vi của đứa trẻ mặc dầu không luôn luôn trong cách thế được ước muốn vì ý tưởng của đứa trẻ về thành công không luôn phù hợp với ý tưởng của bố mẹ. Nó có thể nghĩ rằng họ phải phục vụ nó. Hơn nữa, cá tính của bố mẹ và cách xử sự riêng của họ cung cấp cho nó những đường nét hướng dẫn trong việc phát triển những cách ứng phó riêng của nó. Phán đoán từ cái nhìn riêng của nó, nó chấp nhận những phương pháp và hành động mà nó xem là có hiệu quả.
Không may, ý kiến của nó không luôn phù hợp với của bố mẹ, chẳng hạn, nó thấy rằng sợ hãi khiến nó có được sự quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, khi đứa trẻ có các em, chúng thường trở nên quan trọng cho sự phát triển của nó hơn là bố mẹ, dẫu bố mẹ là những người đóng vai trò trong gia đình, xếp đặt vị trí mà mỗi đứa phải theo. Bằng cách nhấn mạnh những nét đặc biệt và khả năng của mỗi đứa trẻ, họ góp phần vào việc cạnh tranh giữa các đứa trẻ và thường có sức mạnh sau hậu trường, không ý thức về việc giật giây và bị lúng túng bởi những hậu quả. Sự cạnh tranh giữa các anh chị em là một trong những ảnh hưởng mạnh nhất trong việc phát triển của mọi đứa trẻ. Những kết quả của nó thì rõ ràng, nếu những đứa trẻ biết sống cho nhau, không đánh nhau và cãi nhau công khai. Những dấu hiệu của sự cạnh tranh có thể được nhận ra cách dễ dàng nếu người ta quen với chúng.
Sự cạnh tranh giữa các anh chị em bắt đầu với sự liên hệ đặc biệt giữa đứa thứ nhất và đứa thứ hai. Yếu tố căn bản cho sự cạnh tranh được cung cấp bởi sự không có khả năng hiểu tâm lý của từng lứa tuổi. Đối với đứa trẻ, đối thủ của nó chỉ đơn giản là mạnh hơn hay yếu hơn, nhiều hay ít khả năng hơn, tuổi tác không phải là cái gì đáng kính. Những câu nói để xoa dịu như: “Con cũng có thể làm điều đó khi con lớn lên” thật là vô nghĩa đối với đứa trẻ. Trong hai năm nữa nó có thể làm điều mà anh nó có thể làm bây giờ, nhưng lúc bấy giờ anh nó một lần nữa vẫn còn dẫn đầu hai năm. Hai năm nầy làm nên sự khác biệt, không phải về năm tháng, nhưng là hậu quả của năm tháng như kích thước, khéo léo, khả năng, quyền bính. Cái tuổi đi đôi với cái đặc quyền đó trở thành yếu tố căn bản để đứa nầy chống lại đứa kia. Chúng ta đã thấy những đứa trẻ mà những đặc quyền tuổi tác của chúng được căn cứ trên một sự cách biệt rất nhỏ. Trong một số trường hợp như sinh đôi, sinh ba, chỉ có cách nhau mấy phút cũng được xếp như là già hơn với những đặc quyền rõ rệt ở cấp đàn anh chị.
Vì sự cạnh tranh giữa đứa thứ nhất và thứ hai rất phổ thông, những đứa con như thế cho thấy sự biểu lộ ý nghĩa của nó. Đứa đầu đã một lần là đứa con một, nhìn đứa thứ nhì như một sự đe dọa cái vị trí độc quyền của nó. Nó thấy mình bị cưỡng bách chia xẻ không chỉ thời gian và sự chú ý mà còn tình cảm của cha mẹ, đặc biệt của mẹ nó. Sự sinh đứa em luôn là một khủng hoảng đối với đứa con một, là kẻ thấy mình bị xuống ngôi. Ngay cả nếu nó đã được chuẩn bị cho biến cố nầy, nó cũng khó thấy trước được hậu quả của một tình thế không bao giờ được nếm mùi trước đây. Trong những trường hợp như vậy, tốt nhất nó nên được bảo đảm về ưu thế của nó như là một đứa trẻ lớn tuổi hơn và sẵn sàng chấp nhận sự đến của một người đồng bạn như một cứu thoát khỏi sự cô đơn.
Tuy nhiên, thông thường đứa con đầu với sự hiểu biết lớn dần quan sát sự phát triển của đứa bé mới sinh. Nó nhận thấy rằng cái lợi của nó trong khả năng và chức năng rất to lớn ở lúc đầu lại giảm dần với năm tháng. Nó phải sợ sẽ đến lúc mà kẻ đến sau sẽ bằng nó và sẽ vượt nó. Nhưng bố mẹ không hoàn toàn ý thức về vấn đề nầy nên một cách ngông cuồng bày đứa bé chống lại đứa lớn và làm căng thẳng sự cạnh tranh tự nhiên với những hậu quả tai hại. Khi đứa trẻ dùng hành động rối loạn để lôi kéo sự chú ý trước đây, bố mẹ trở nên giận dữ. Sự phấn khởi của họ đối với đứa bé dễ thương trái ngược với sự tỏ lộ buồn chán và đáng ghét với đứa lớn, càng tỏ cho nó thấy rằng những sự sợ hãi của nó là đúng biết bao.
Cái nan giải của đứa lớn càng xem ra phức tạp hơn bởi sự ước muốn được bù đắp của đứa nhỏ hơn cho những khó khăn riêng của nó. Nó có một đứa khác đi trước nó, biết đi biết nói, biết xếp đặt cho nó, biết đi đến trường, biết đọc, biết viết trong lúc đó nó thì không. Nó cố gắng hết sức để củng cố vị thế của nó, điều đó không có gì lạ. Không bao lâu đứa bé khám phá ra khuyết điểm của đứa lớn và nó sẽ chộp lấy cơ hội nầy. Sự lưu ý tình cờ của mẹ nó rằng đứa lớn có thể học lấy tấm gương sạch sẽ của đứa bé, câu đó cống hiến một cơ hội: nó có thể trổi vượt. Đứa lớn đến phiên nó nhận thức ra cái nguy hiểm trước mặt. Cảm thấy mình cách xa trong việc thăng tiến, không như bà mẹ đã hy vọng nó nên nó có khuynh hướng đầu hàng. Đứa em nó nhỏ hơn và kém hơn nhiều đã có thể làm một cái gì tốt hơn nó. Vậy nó cố gắng để làm gì?
Đây là một tình thế tiêu biểu. Một đứa trẻ bị làm thất vọng bởi sự thành công của một đứa khác nên quyết định cách vô thức rằng sức mạnh của nó nằm ở một chỗ nào khác, bỏ lãnh vực đăc biệt nầy lại cho kẻ cạnh tranh thành công hơn. Một khi ý tưởng đã có rễ, có một cái gì đó sẽ phát sinh. Đứa trẻ nầy đầu hàng, đứa khác càng cố gắng thiết lập một ưu thế trong lãnh vực đặc biệt đó, và đứa nầy càng thành công, đứa khác càng ít hy vọng. Đèn xanh cho đứa nầy là đèn đỏ cho đứa khác. Bố mẹ thay vì phá vỡ vòng đai khi nó còn dễ dàng phá vỡ, họ lại làm căng thẳng hơn bởi nghiên về phía thành công hơn. Hai đứa trẻ chia thế giới làm hai – một dựa vào cái thông minh – một cố gắng phát triển sự dễ thương, dễ mến của nó. Nếu đứa nầy thích học, đứa kia thích nổi bậc trong lĩnh vực thể dục thể thao. Đứa nầy giỏi ngôn ngữ, đứa kia sẽ thích toán. Đứa thì lệ thuộc và vô dụng, đứa kia có thể tin được và dựa được.
Sự thành công có thể được hoàn thành bởi đứa đầu hoặc đứa thứ hai, điều kiện và thái độ của bố mẹ quyết định kết quả. Chung chung, đứa nầy càng được cưng chìu hay bị đàn áp, đứa khác sẽ có cơ hội tốt hơn. Trong hầu hết mọi trường hợp, cơ hội là cái gì được phân chia để không ai thất bại cũng không ai thành công hoàn toàn. Dưới điều kiện may mắn, sự cạnh tranh không dẫn tới sự thất bại trong bất cứ nghĩa nào, nhưng dễ thành công hơn trong những lãnh vực trái ngược nhau. Trường hợp sau đây cho thấy rất rõ những phản ứng tự nhiên và những biểu lộ cạnh tranh giữa các trẻ: Quốc Tiến, 9 tuổi là một đứa trẻ tuyệt vời. Nó mất cha cách đây 4 năm và biết cách xếp đặt để trở thành một niềm an ủi và giúp đỡ lớn lao cho mẹ nó. Từ nhỏ nó đã giúp mẹ nó không chỉ trong việc nhà mà còn giúp mẹ lo cho đứa em Quỳnh Hoa mới 6 tuổi. Tuy ở tuổi còn thơ dại nhưng mẹ có thể bàn thảo mọi vấn đề với nó, và thật ra nó gánh vác chức vụ của người nam trong gia đình. Chỉ một điều cậu bé không thể làm hoàn hảo, đó là học đường. Nó có ít bạn bè và không thích thú công việc ở trường mấy. Không có gì ngạc nhiên khi chúng ta thấy rằng ở trường cậu bé không có một vị thế nào đặc biệt mà nó có và thích thú như ở nhà. Người ta có thể dễ dàng tưởng tượng em bé Quỳnh Hoa của nó thuộc loại con gái nào? Cô bé không chịu nghe lời đến nỗi bà mẹ không biết phải làm gì với nó nữa và kêu gọi sự giúp đỡ. Cô bé không gọn gàng, không đáng tin, ồn ào, quậy phá, và chọc tức. Bà mẹ không thể hiểu tại sao trong thế giới hai đứa quá khác nhau như vậy. Thật khó cho bà để hiểu sự nối kết giữa cái tốt của đứa trai và những khó khăn của đứa gái.
Chúng tôi có cuộc thảo luận chung với cả hai đứa. Thoạt đầu chúng tôi hỏi Quỳnh Hoa có nghĩ rằng mẹ thích nó không? Câu trả lời của nó như được mong đợi là một cái lắc đầu. Đoạn chúng tôi cắt nghĩa cho nó rằng chúng tôi bảo đảm là mẹ yêu nó rất nhiều nhưng vì nó không tin điều đó nên nó đã hành động trong một cách thế như để chọc giận mẹ nó. Như một kết quả, bà mẹ chú ý tới nó chỉ khi nó hành động không tốt và điều đó làm cho cô bé cảm thấy càng bị ghét hơn. Nếu nó cố gắng hành động cách khác nó sẽ thấy ra rằng bà mẹ cũng yêu nó.
Một cuộc thảo luận khác xảy ra với sự tham dự của Quốc Tiến. Bấy giờ, chúng tôi hỏi cậu bé có phải nó muốn em nó trở thành đứa con gái tốt và tử tế không? Cậu bé trả lời ngay: “Không”. Chúng tôi hỏi nó tại sao nó không muốn. Nó trở nên lúng túng và cuối cùng nó nói: “Dẫu sao, nó sẽ không tốt”. Bấy giờ, chúng tôi cắt nghĩa cho nó rằng chúng tôi sẽ giúp cô bé và nó cũng có thể giúp cô bé nữa và như thế chúng ta có thể thành công trong việc làm cho cô bé trở nên cô gái tốt. Quốc Tiến có thích không? Nó trả lời: “Vâng, thích!” nhưng có cái gì không chắc chắn. Tôi nhìn nó và nói với nó một cách thành thật rằng tôi không tin nó nói điều đó một cách đứng đắn. Tôi bảo đảm rằng tiếng “không” đầu tiên của nó chân thành và chính xác hơn. Nhưng tại sao nó không muốn em nó nên tốt? Nó có thể nói cho tôi. Nó nghĩ một lúc, rồi nói: “Vì cháu muốn nên tốt hơn!”
Một khi sự cạnh tranh giữa đứa thứ nhất và đứa thứ hai được thiết lập, đứa thứ ba có thể được nhận như một đồng minh bởi một trong hai. Rất ít khi đứa thứ ba cạnh tranh với cả hai để rồi bắt buộc đứa một và hai vào đồng minh với nhau, một tình thế có thể xảy ra nếu hai đứa lớn là con gái và đứa nhỏ nhất là con trai. Đứa thứ tư có thể về phía với bất cứ đứa nào trong những đứa lớn hơn tùy theo hoàn cảnh. Cách thế đã được dùng để phân chia sức mạnh có thể được nhận thấy cách dễ dàng bởi sự phát triển đặc tính của mỗi đứa. Hai chị em xung khắc nhau hẳn trong bản tính, sở thích, tình cảm là những đứa hay cạnh tranh nhau lúc còn trẻ. Sự kiện nầy mặc khải cho thấy rằng gia đình nào có tranh chấp, sự nhận thức về điều đó là cần thiết để có thể hiểu cá tính của mỗi đứa.
Tương quan gia đình thì rất quan trọng cho sự phát triển của cá tính hơn bất cứ yếu tố đơn thuần nào khác. Sau đây là một ví dụ: Bố mẹ và sáu đứa con làm thành một gia đình. Sự cạnh tranh bắt nguồn trong tương quan giữa một người bố thống trị thích văn chương và chính trị, và người mẹ, một mẫu người nội trợ tiêu biểu, thiếu khả năng về xã hội và kiến thức nên thích thống trị mọi việc trong nhà và điều khiển con cái. Đứa con đầu Hồng Liên, con gái được người bố dùng để chống lại người mẹ. Bà mẹ tìm được một đồng minh với đứa gái thứ hai là Hồng Lan. Hồng Liên là một học sinh tốt, coi thường việc nhà và đối nghịch với mẹ nó. Hồng Lan trái lại là một học sinh trung bình, thích việc nhà và thích những yêu sách của phụ nữ.
Một ít năm sau, hai đứa gái sinh đôi được sinh ra. Vì giống nhau nên chúng cần được mang những quần áo khác nhau để được nhận ra dễ dàng. Trẻ sinh đôi thường có tương quan tâm lý đặc biệt. Chúng giống nhau đến độ khó có thể phân biệt được ngay cả trong cách sống cũng như cá tính và chính điều đó mang lại sự giống nhau lạ lùng trong số phận của chúng. Tuy nhiên, trong trường hợp ở đây có cái gì bất thường xảy ra. Sự cạnh tranh giữa hai người chị tạo nên sự phân rẽ giữa hai đứa trẻ sinh đôi nầy. Hồng Quyên đứa lớn hơn mười ba phút là đồng minh của Hồng Liên trong khi Hồng Vân lại đứng về phía Hồng Lan. Như một kết quả, Hồng Quyên phát triển giống như chị Hồng Liên thành một đứa học sinh giỏi và dở trong việc gia đình, trong khi Hồng Vân trở thành một học sinh bình thường, giỏi việc nhà và thích ăn diện. Cặp thứ ba là một đứa gái và một đứa trai. Đứa trai là Tuyên không chỉ là đứa lớn trong hai mà còn là trai nên muốn ở thế thượng phong.
Cả gia đình phân làm hai nhóm theo đặc tính, sở thích, và phẩm hạnh. Người bố, Hồng Liên, Hồng Quyên, và cu Tuyên đối nghịch lại người mẹ, Hồng Vân, Hồng Lan, và cô bé út. Tuyên được nâng đỡ bỡi người chị cả và ông bố, thách thức uy thế với chị Hồng Lan. Hồng Quyên cố gắng loại bỏ Hồng Vân, không cho nó liên hệ với các cô gái khác. Sự tranh chấp, đụng độ, bất đồng làm khổ cuộc đời của những con người có khả năng và sở thích khác nhau trong cùng một gia đình.
Tags:
Gia đình