Tại sao bảo vệ thai nhi là giải pháp để đổi mới xã hội?

 

shutterstock1902169432
 Sheila Fitzgerald | Shutterstock



Thánh Gioan Phaolô II tin chắc rằng tất cả các quyền khác của con người đều dựa trên quyền cơ bản là được sống.

Thông thường, chúng ta có thể nhìn vào tình trạng đáng buồn trong thế giới của chúng ta và than phiền rằng nó đã hư hoại ra sao và cũng đơn giản là ước mong rằng xã hội sẽ thay đổi.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng có những suy nghĩ tương tự, vì lòng ngài đau đớn khi thấy thế giới đang có quá nhiều xáo trộn. Hơn nữa, ngài vốn nhận ra giải pháp chính yếu có thể mở đường cho việc đổi mới xã hội.

Thánh Gioan Phaolô II giải thích trong thông điệp Evangelium Vitae (Tin Mừng về Sự sống) của mình rằng việc hỗ trợ các bà mẹ và bảo vệ thai nhi sẽ dẫn đến một công cuộc đổi mới đối với nền văn hóa của chúng ta.

Tin Mừng về sự sống được dành tặng cho toàn thể xã hội loài người. Tích cực bảo vệ sự sống là góp phần vào việc đổi mới xã hội thông qua việc thúc đẩy công ích. Không thể nào có thể thực hiện công ích mà không nhìn nhận và bảo vệ quyền sống, trên đó tất cả các quyền bất khả xâm phạm khác của con người được thiết lập và phát triển. Một xã hội thiếu vắng những nền tảng vững chắc khi mà một mặt khẳng định các giá trị như phẩm giá con người, công lý và hoà bình, nhưng mặt khác hoàn toàn hành động ngược lại bằng cách cho phép hoặc dung túng nhiều cách khác nhau để khinh dễ hay xâm phạm chính sự sống con người, nhất là khi sự sống ấy còn non yếu hay bị gạt ra bên lề. Chỉ có lòng tôn trọng sự sống mới có thể thiết lập và bảo đảm cho những thiện hảo quý báu nhất và cần thiết nhất của xã hội, như nền dân chủ và hoà bình. (số 101)

Thánh Gioan Phaolô II kiên định với niềm tin của mình rằng một xã hội huỷ hoại những đứa trẻ chưa được sinh ra thì sẽ không thể thực sự tiến bộ về phương diện công ích.

Ngài thậm chí còn đi xa hơn khi nói rằng, “Không thể có nền dân chủ thực sự nếu không có sự nhìn nhận phẩm giá của mỗi người và không có sự tôn trọng đối với các quyền của họ.” (số 101)

Điều này không có nghĩa là mọi vấn đề về công bằng xã hội khác cần phải bị vứt bỏ. Ngược lại, điều này chỉ đơn giản là chỉ ra rằng chúng ta phải có một quan điểm nhất quán về “toàn bộ đời sống” trong việc thúc đẩy công ích.

Chúng ta phải làm việc vì người nghèo, nhưng cũng vì những đứa trẻ chưa được sinh ra. Quan trọng hơn nữa, chúng ta nên làm mọi cách để hỗ trợ và khích lệ các bà mẹ khi họ phải đối mặt với khó khăn, cần phải làm cho nhu cầu về phá thai hoàn toàn biến mất.

Đó là một cái nhìn hoàn chỉnh về vấn đề, một cái nhìn công nhận và ưu tiên cho việc bảo vệ thai nhi. Nếu chúng ta không tôn trọng quyền sống cơ bản của con người thì làm sao chúng ta có thể tôn trọng người nghèo hay người già?

Trước hết, chúng ta hãy quyết tâm làm tất cả những gì có thể để bảo vệ thai nhi, nhưng cũng không được quên phẩm giá con người nơi mỗi người, từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên.

Tác giả: Philip Kosloski - Nguồn: Aleteia (22/01/2022)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
Mới hơn Cũ hơn