Việc lớn lên trong khiêm nhường có thể giúp chúng ta đạt được bình an và tự do nội tâm đích thực.
Một số rối loạn nhân cách thường bắt nguồn từ việc không có khả năng suy nghĩ tích cực về người khác.
Những ai trong chúng ta theo đuổi ngành tâm lý trị liệu đều nhận ra điều này khi chúng ta lắng nghe ai đó nói về vấn đề của họ; một lúc nào đó, khi tôi gợi ý cho họ về đức tính khiêm nhường như một cách thức để chữa lành mọi mâu thuẫn của họ từ gốc rễ, họ liền hỏi tôi rằng: “Vâng, nhưng… khiêm nhường? Đó là loại trị liệu nào vậy?”
Tôi trả lời rằng khiêm nhường có nghĩa là, trên tất cả, bước đi trong sự thật với lòng trân trọng những gì là tốt đẹp - vì điều này là đúng đắn và hữu ích cho chúng ta.
Làm thế nào để tôi có thể giải thích về điều này rõ ràng hơn?
Những gì chúng ta nghĩ về bản thân, người khác và thế giới xung quanh ảnh hưởng cách tích cực hoặc tiêu cực đến chúng ta. Chúng ta có thể học cách xác định những suy nghĩ tiêu cực của mình để sửa đổi chúng, vì vậy chúng ta có thể điều chỉnh hành động của mình theo một cách sống tích cực hơn, nhằm thúc đẩy hòa bình và tự do.
Có thể nói, đó là cả một quá trình của việc lớn lên đến mức trưởng thành, một quá trình mà trong đó hạnh phúc của chính chúng ta cũng như của những người khác đang bị đe dọa. Điều quan trọng là khi đối mặt với khó khăn, bạn nên xin lời khuyên và nên để cho bản thân được giúp đỡ bởi những người phù hợp.
Bằng cách này, chúng ta có thể nuôi dưỡng thiện chí cần thiết để thông hiểu, bào chữa, tha thứ, chào đón và yêu thương người khác, để làm cho nhiều vấn đề tan biến hoặc được giải quyết hay được khắc phục một cách tốt nhất.
Điều này có nghĩa là học cách để trở nên đơn sơ và không quá coi trọng bản thân mình, thay vào đó là chinh phục bản thân bằng cách làm cho người khác hạnh phúc.
Một bệnh nhân nói với tôi rằng anh ta đã bắt đầu được chữa lành khỏi nhiều xung đột nội tâm bằng cách cầu nguyện trước hình ảnh Hài Nhi Giêsu nơi máng cỏ. Anh ta đã chiêm ngắm về sự khiêm nhường nơi sự ra đời của Người, Đấng là Chủ và là Chúa của mọi tạo vật lại cần được chăm sóc như mọi đứa trẻ sơ sinh khác để có thể tồn tại.
Bài học đã được khai sáng.
Thiên Chúa, Đấng là vua của tạo vật vốn có thể được sinh ra trong một ngàn hoàn cảnh khác nhau, lại được tình yêu vô biên thúc đẩy khi chọn trải qua cảnh nghèo hèn và sự thờ ơ của nhân loại, nhằm cho chúng ta thấy sự cần thiết phải trở nên khiêm nhường để lớn lên trong việc đáp lại tình yêu của Người. Đây là điều chúng ta phải học đi học lại trong suốt cuộc đời mình.
Thế nên, chúng ta cần xem xét tầm quan trọng của việc học cách để bản thân mình trở khiêm nhường trước mọi sự của thế gian này mà không biến nó trở nên phức tạp, điều này có thể khiến chúng ta cảm thấy khó chịu khi nó xâm chiếm toàn bộ tâm trí và con tim của chúng ta.
Biết bao cơ hội đã được trao cho chúng ta trong cuộc sống thường ngày để chúng ta tự mình trải nghiệm được sự tủi nhục và trở nên mạnh mẽ hơn! Thay vì trách móc bản thân vì đã thất bại hoặc vì người khác không đánh giá chúng ta đúng mức, thì chúng ta có thể coi đó là cơ hội để lớn lên trong khiêm nhường và đạt được sức khỏe về thể lý, tâm lý, tâm cảm và tinh thần. Sự thật sâu xa là những khiếm khuyết và hạn chế (của chúng ta và của những người khác) không làm suy giảm điều quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta, đó là tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta.
Đây là cách chúng ta có thể đạt được bình an và tự do nội tâm đích thực.
Nếu chúng ta không thực hành đức tính khiêm nhường, thì chúng ta sẽ phải chịu nhiều nỗi bất hạnh và các chứng rối loạn khác như tình yêu vị kỷ, tính chiếm hữu, các vấn đề trong hôn nhân, việc tự lừa dối bản thân, tính nhạy cảm, cảm giác bất an, những chứng bệnh rối loạn thần kinh và nhiều chứng nghiện ngập khác nữa.
Chúng ta cần có đức tính khiêm nhường để sống trong sự khôn ngoan bằng cách chịu đựng người khác mà không phản kháng lại (hành động “đưa cả má bên kia” như trong Mt 5,39). Điều này không có nghĩa là thiếu đi nghị lực hay là để mặc cho sự bất công xảy ra, mà đó chính là sức mạnh nội tâm thực sự để hành động bằng sức mạnh của tình yêu.
Đó là sức mạnh để chúng ta lại được trở nên giống như trẻ thơ, đó không phải là tính trẻ con, mà là sự trưởng thành để đạt đến sự đơn sơ trong tâm hồn và sự thanh thoát trong suy nghĩ, để nói năng và hành động theo sự thật, để chúng ta có thể mỉm cười với linh hồn mình.
Tác giả: Orfa Astorga - Nguồn: Aleteia (14/01/2022)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
Tags:
Chia sẻ