Giây phút nào cũng là "Giờ Chúa đến"

 


GIÂY PHÚT NÀO CŨNG LÀ “GIỜ CHÚA ĐANG ĐẾN”

(Chúa Nhật 2 TN năm C 2022)

Hàng nghìn năm trước, triết gia Hy Lạp là Thales đã luận giải rằng: Nước chính là “nguyên lý của vạn vật”[1]; và nếu không quá lời, “Nước” cũng là thực tại mang “chiều kích cứu độ” mà cả Cựu Ước lẫn Tân Ước đều đồng thanh sử dụng để chuyển tải mầu nhiệm giải thoát và thanh tẩy của Thiên Chúa trong lịch sử cứu rỗi loài người.

Thật vậy, từ dòng nước thanh tẩy địa cầu của cơn Hồng thủy thời Noe (St 7,17-24), tới dòng nước Biển Đỏ dựng đứng như tường thành để Dân Chúa chọn vượt qua đời nô lệ khi Môsê đưa dân về Đất hứa (Xh 14,15-31); cho đến “dòng nước chảy ra từ bên phải đền thờ” của ngôn sứ Êdêkiel (Ed 47, 1-12… tất cả “thực tại nước” được Cựu Ước nói tới đó phải chăng đều dẫn “dòng nước sông Giođan được chính Đấng Thiên sai thánh hóa khi dìm mình cho ông Gioan thanh tẩy” (Mc 1,9-11); và cũng dẫn tới cái “Giờ” nước hóa thành rượu ngon nơi “tiệc cưới Cana”; để cuối cùng đạt tới cái “Giờ” đỉnh điểm khi “Nước và Máu chảy ra từ cạnh sườn Đấng bị đâm thâu” trên thập giá ! Cái “Giờ” mà ngay từ những bước chân đầu tiên công khai rao giảng Đức Kitô đã úp mở nhắc tới khi thỏ thẻ với Đức Mẹ: “Hỡi bà, Con với bà có can chi đâu, giờ Con chưa đến” !

Sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật thứ hai Thường niên muốn dừng lại “câu chuyện nước tại tiệc cưới Cana” mà Thánh sử Gioan đã chọn như “dấu lạ đầu tiên” người thợ mộc đến từ Nadarét “biểu tỏ quyền năng” của Đấng Thiên Sai hầu thuyết phục niềm tin của các môn sinh: Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa, và đã tỏ vinh quang Người và các môn đệ Người tin Người.

Thì ra, trong “ngôn ngữ thần học” của Thánh sử Gioan, dấu lạ “nước hóa thành rượu ngon” nơi tiệc cưới Cana không dừng lại ở cái chuyện “cứu một bàn thua trông thấy” dành cho đám cưới của một đôi bạn trẻ trong không gian nhỏ hẹp một gia đình, mà là hướng tới câu chuyện vĩ đại hơn, quan trọng hơn, liên quan đến toàn nhân loại; đến một “Tiệc cưới Nước Trời”, “Tiệc cưới của Con Chiên”, một “tiệc cưới” có khả năng biến “gia đình nhân loại” vốn bẽ bàng, đổ vỡ, dang dở, thất bại… sau tội nguyên tổ sẽ được tràn ngập niềm vui và hạnh phúc như dự kiến ngày nào của ngôn sứ Isaia: “Chẳng còn ai réo tên ngươi: ‘Đồ bị ruồng bỏ !’ Xứ sở ngươi hết bị tiếng là ‘Phận bạc duyên đơn’. Nhưng ngươi được gọi: ‘Ái khanh lòng ta hỡi !’ Xứ sở ngươi nức tiếng là ‘Duyên thắm chỉ hồng’. Vì ngươi sẽ được Chúa đem lòng sủng ái, và Chúa lập hôn ước cùng xứ sở ngươi. Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về…” (Bđ 1: Is 62,1-5).

Chắc chắn mọi Kitô hữu đều hiểu và tin như thế; nhưng oái ăm thay ! Nhân loại muôn nơi và muôn thuở vẫn tràn lan những đám cưới bẽ bàng, nhưng cuộc hôn nhân dang dở, những gia đình “muôn năm thiếu rượu”: rượu tình yêu chung thủy; rượu tha thứ khoan dung; rượu khiêm nhường phục vụ; rượu tin cậy mến; rượu Bát phúc, rượu Tin Mừng…

Trước khi tường thuật dấu lạ đầy niềm vui và an ủi nầy, Thánh sử Gioan đã từng lên tiếng không mấy bằng lòng trước đó nơi bài tựa: “Người đã đến nơi nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11). Đôi bạn trẻ Cana thật may mắn vì họ đã mời không những chỉ có thầy Giêsu mà cả Mẹ và các môn sinh của Ngài cùng tham dự tiệc cưới: Khi ấy, có tiệc cưới tại Cana xứ Galilêa. Và có mẹ của Chúa Giêsu ở đó. Chúa Giêsu và các môn đệ Người cũng được mời dự tiệc cưới; và kết quả như chúng ta đã biết: nước đã hoá thành rượu; không phải chỉ “vài xị hay vài lít đở xài” mà là sáu chum đá, dùng vào việc thanh tẩy của người Do-thái, mỗi chum đựng được hai hoặc ba thùng nước…; thì ra “nhà đám” hôm ấy được dịp uống thả giàn, niềm vui được kéo dài liên tu bất tận ! Đúng là “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa” (Lc 14,15); và những “khách mời diễm phúc” đó đã mang một “căn cước mới”, một “danh phận mới”: “Còn những ai đón nhận, tức những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12).

Và nếu đọc lại toàn bộ Tin Mừng, chúng ta hoàn toàn có thể nhận thấy những “khách mời diễm phúc” trong “tiệc cưới Nước Trời” đó nào chẳng phải là các anh dân chài Galilê bỏ lưới bỏ thuyền theo Thầy; Lêvi bỏ bàn thu thuế chọn kiếp Tông đồ; Giakê được Thầy thăm nhà và chén thù chén tạc; anh chàng mù Bartimê nhảy cửng lên vì được sáng mắt; bà góa Naim nhận lại đứa con trai đã chết; người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang và suýt nữa bị ném đá được giải thoát; những anh phung cùi bỗng dưng được lành sạch; người phụ nữ Canaan vừa chạm gấu áo đã lành bệnh; và người trộm lành sắp tắt hơi trên thập giá nhận được tin vui: “Hôm nay anh sẽ ở trên thiên đàng với tôi”… Vâng, đó là những con người nhận ra và thuộc đúng cái “Giờ” của Thiên Chúa; cái “Giờ quyền lực của thế gian bị ném ra ngoài” (Ga 12,31) cái “Giờ Thiên Chúa được tôn vinh” (Ga 12,23), cái “Giờ Con Người được treo lên để kéo tất cả nhân loại lên với Ngài” (Ga 12,32)…

Thật ra, Thiên Chúa đã bắt đầu cái “Giờ” của Ngài từ lâu lắm rồi; Ngài đã bắt đầu sau tiếng “Xin Vâng” của người Trinh Nữ Maria; hay cụ thể hơn, Ngài đã bắt đầu khi Đức Kitô, Người Con Một, bước lên từ dòng sông Giođan với Thánh Thần ngự xuống để bắt đầu “loan báo Tin Mừng cho người nghèo…”; để rồi sau đó bước tới đồi Canvê đón nhận thập giá với trái tim bị đâm thâu để nước và máu tuôn đổ, dấu chỉ của sự tuôn đổ Thánh Thần sau khi từ cõi chết sống lại… Vâng, “Giờ” Thiên Chúa đã bắt đầu nhưng “giờ” của nhân loại hình như chưa khởi động. Còn biết bao con người, biết bao gia đình vẫn chưa kịp nhận ra cái “Giờ” của Thiên Chúa; hay vẫn đóng cửa cài then để mặc Ngài đi qua, cho dù nơi căn hộ đó, nơi những tâm hồn đó đang “hết rượu trầm trọng” hay chỉ còn là “nước lã nhạt nhòa”. Vâng, “Thiên Chúa là tình yêu”, nên nơi nào, tâm hồn nào, cộng đoàn nào thiếu vắng Thiên Chúa thì chẳng khác gì:

Em ơi lửa tắt bình khô rượu,

Đời vắng em rồi vui với ai. (Vũ Hoàng Chương)

Chính vì thế, sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật 2 Thường niên đối với mỗi người Kitô hữu, mỗi gia đình hay mỗi cộng đoàn Công Giáo là một gợi ý để hoán cải và bắt đầu lại; một tiếng gọi để cất bước lên đường loan báo và làm chứng. Làm chứng về hạnh phúc của những người được Thiên Chúa gọi mời vào Tiệc Cưới Con Chiên; hạnh phúc của những đôi bạn trẻ được Đức Mẹ ưu ái hỗ trợ cầu hay nguyện giúp; hạnh phúc vì được chính Đức Kitô Phục Sinh ban tràn ngập rượu Thánh Thần…

Và một khi đã lãnh nhận tràn trào ơn huệ Thánh Thần, nhất là “đoàn sủng” đi kèm với sứ vụ được sai đi như Thánh Phaolô quả quyết: “có những hồng ân khác nhau, nhưng vẫn là một Thánh Thần; có nhiều chức vụ khác nhau, nhưng chính là một Chúa; và có những hành động khác nhau, nhưng chính là một Thiên Chúa, Người thực hiện hết mọi cái trong mọi người. Ơn Thánh Thần ban cho mỗi người mỗi khác, cốt để mưu cầu công ích…” (Bđ 2: 1 Cr 12,4-11), thì điều quan trọng còn lại đó là “Hễ Người bảo gì, thì phải làm theo” và “đổ đầy tới miệng”.

Nếu thế giới nầy, Giáo Hội nầy, cộng đoàn nầy, gia đình nầy… và nếu tôi đây nhất mực “mời Chúa đến thăm”, “làm theo Lời dạy của Chúa” và “làm đến nơi đến chốn” thì cho dẫu có ngập tràn đắng cay, có bần hàn cơ cực, có tủi cực đọa đày, có gian nan chết chóc… vẫn đầy ắp rượu mừng, chan hòa rượu yêu thương, ngập tràn rượu hy vọng…. Bởi lẽ, kể từ buổi chiều Thứ Sáu trên đồi Sọ cách đây 2000 năm, khi Đức Kitô nói lời sau hết với Chúa Cha và “trao Thần Khí” (Ga 19,30), thì bất cứ giây phút nào trên trái đất nầy cũng là “Giờ Chúa đang đến” ! Amen.

Giuse Trương Đình Hiền






[1] JOHANNES HIRSCHBERGER, Lịch sử triết học Tập I, chủ trương và hiệu đính Bùi Nam Sơn, tập thể dịch giả: Dương Anh Xuân, Thánh Pháp, nxb Tri Thức 2020, tr. 36.
Mới hơn Cũ hơn