Khi chúng ta nghe rằng Maria “đã đính hôn” với Giuse, thì đó là một bản dịch kém chất lượng - đúng hơn, họ đã kết hôn hợp luật.
Hai bản văn Kinh thánh quan trọng nhất vào thời gian này trong năm chính là Luca 1,26-38 và Mátthêu 1,18-25, chúng tuần tự thuật lại thông điệp của thiên thần về mầu nhiệm Nhập thể dành cho Trinh nữ Maria và Giuse. Dù những đoạn văn này quen thuộc với hầu hết chúng ta, nhưng nhiều người có thể vẫn còn chưa hiểu được điều đang xảy ra trong cả hai bản văn.
Chẳng hạn, Maria và Giuse đã kết hôn vào thời điểm Truyền tin hay chưa? Tại sao Mátthêu xem Giuse là “chồng” của Maria, còn những bản dịch phổ biến của Luca lại có đoạn Maria nói với thiên thần rằng “Tôi chưa có chồng” (Mt 1,19; Lc 1,34)? Việc Giuse “đón vợ mình”, hay “không biết bà cho đến khi bà sinh một con trai” (Mt 1,24-25) có nghĩa gì?
Để trả lời những câu hỏi ấy, như một sự suy gẫm tiếp tục của chúng ta về những mầu nhiệm của Lễ Giáng sinh cho đến khi kết thúc mùa vui này, chúng ta cần học hỏi cách đọc những bản văn Kinh thánh kể trên qua nhãn quan của người Do Thái.
Hôn lễ của người Do Thái có hai giai đoạn phân biệt: kiddushin và nisuin. Sau giai đoạn đầu tiên, đã có một cuộc hôn nhân hợp luật mà chỉ cái chết hoặc việc ly dị mới có thể cắt đứt. Ngày nay, hai giai đoạn diễn ra mang tính biểu trưng trong một buổi lễ duy nhất, nhưng bởi vì “nhà của đàn ông độc thân” không thực sự tồn tại vào thời xưa, những người chồng ở thế kỷ thứ nhất có một thời gian ngắn (hơn một năm) sau hôn lễ để chuẩn bị nhà ở cho người vợ mới. Bằng việc đưa vợ mình về nhà và bắt đầu đời sống hôn nhân cùng nhau (nisuin), tiến trình hôn nhân được hoàn tất.
Bởi thế, khi chúng ta nghe Đức Giêsu nói rằng: “Trong nhà Cha Ta, có nhiều chỗ ở - chẳng vậy, Ta đâu có nói với các ngươi là Ta đi dọn chỗ cho các ngươi. Và nếu Ta ra đi dọn chỗ cho các ngươi, thì Ta sẽ đến lại và đem các ngươi theo Ta, để Ta ở đâu, các ngươi cũng ở đó” (Ga 14,2-3), chúng ta cần nhận ra một hình ảnh về hôn nhân. Đức Giêsu đang nói với Giáo hội rằng Giáo hội đã là vị hôn thê của Ngài, và rằng đời sống này là một khoảng ngắn ngủi giữa kiddushin và nisuin - giữa lễ cưới và rước dâu về nhà.
Khoảng thời gian đó cũng là nơi chúng ta gặp gỡ Maria và Giuse trong hành trình hướng đến lễ Giáng sinh. Khi chúng ta nghe rằng Maria “đã đính hôn” với Giuse (Mt 1,18; Lc 1,27), đây là một bản dịch kém chất lượng. Họ không “đính hôn” theo nghĩa của sự “hứa hôn” hiện đại. Họ đã kết hôn cách hợp luật, và được phép phát sinh quan hệ tình dục. Đó là lý do tại sao Giuse dự tính việc ly hôn kín đáo: vì ông “không muốn đặt bà vào tình thế xấu hổ” (Mt 1,19). Chẳng có gì xấu hổ, vì mọi người sẽ cho rằng con trẻ của Maria là con của Giuse (Lc 3,23), và việc mang thai bởi người chồng trong thời gian giữa kiddushin và nisuin là hoàn toàn được phép.
Và như vậy, điều trước hết chúng ta cần lưu ý là Maria và Giuse đã kết hôn cách hợp luật, và được tự do phát sinh quan hệ tình dục. Điều thứ hai đó là, vì một số lý do, họ đã không làm chuyện ấy. Chúng ta gặp thấy điều này trong những câu trả lời của cả Maria và Giuse. Đúng vậy, bản dịch Kinh thánh RSVCE[1] ghi lại lời Maria hỏi sứ thần Gabriel, “Điều này sao có thể, vì tôi không có chồng? (Lc 1,34). Nhưng như chúng ta đã thấy, cô có một người chồng. Điều mà cô thực sự nói là, “Điều này sẽ xảy ra thế nào, vì tôi chưa biết người nam?”.
Nói cách khác, cô không nói rằng mình không có chồng. Cô nói rằng cô không quan hệ tình dục với người chồng mà cô có. Đó là một câu trả lời rất kỳ lạ, nhưng nó phù hợp với câu trả lời của chính Giuse. Hãy nhớ rằng ông đã biết cả hai điều a) mọi người sẽ cho rằng đứa trẻ Maria sinh ra là con ông, bởi vì họ đã kết hôn, và b) đứa trẻ không có khả năng là con ông. Lý do duy nhất để ông không cho rằng mình là cha đứa trẻ là vì ông chưa từng phát sinh quan hệ tình dục với vợ mình (ngược lại với giả định của mọi người).
Các bản văn Kitô giáo sơ thời tuyên bố rằng Maria đã khấn lời hứa khiết trinh trọn đời trong đền thờ. Dù điều đó có chính xác hay không, chúng ta vẫn biết chắc điều này: Maria và Giuse được tự do để thực hiện các quan hệ hôn nhân theo luật, nhưng họ đã không làm. Họ không làm điều ấy ở thời điểm sứ thần Gabriel xuất hiện, và họ cũng không làm sau nisuin, khi họ bắt đầu chung sống cùng nhau.
Ở đây có những điểm thực sự kỳ lạ: Matthêu nói cho chúng ta biết Giuse “đón vợ mình, nhưng không ăn ở với bà cho đến khi bà sinh một con trai; và ông đặt tên cho trẻ là Giêsu” (Mt 1,24-25). Khi vào tai chúng ta, “đón vợ mình” mang hơi hướng về tình dục. Nhưng không phải vậy. Điều đó là một sự qui chiếu đến nisuin: Giuse đã đưa Maria về nhà của ông, và tiến trình hôn nhân hoàn tất. Nhưng “không biết bà” lại liên quan đến chuyện tình dục (x. St 4,1). Vậy nên chúng ta có thể chất vấn, tại sao Giuse và Maria vẫn không ăn ở với nhau? Không có bằng chứng nào cho thấy thiên thần yêu cầu cả hai phải tiếp tục độc thân, nhưng họ vẫn giữ, ngay cả khi cùng sống dưới một mái nhà.
Những người Tin Lành thường bỏ qua tất cả chuyện này, bởi vì họ chỉ chú trọng vào một từ duy nhất: cho đến khi. Từ này có ngụ ý rằng hai người đã quan hệ tình dục sau khi Đức Giêsu ra đời?
Một định kiến như thế hoàn toàn chệch khỏi quan điểm của Matthêu. Như thánh Giêrônimô chỉ ra, Kinh thánh chứa đầy những tuyên bố kiểu như “cho đến khi ngươi già nua tuổi tác thì Ta vẫn là Ta, và cho đến khi ngươi da mồi tóc bạc thì Ta vẫn sẽ cưu mang ngươi” (Is 46,4) và “Ngài [Đức Kitô] phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Ngài” (1Cr 15,25). Tuy nhiên những ý này không có nghĩa Thiên Chúa không còn là Thiên Chúa khi bạn đến tuổi già, hay Đức Kitô chấm dứt việc nắm vương quyền sau chiến thắng chung cục của Ngài. Các tác giả được linh hứng đơn thuần sử dụng từ “cho đến khi” để nhấn mạnh một khoảng thời gian quan trọng.
Mátthêu cũng thực hiện cùng một cách như thế. Quan điểm của ngài là dù sau giai đoạn nisuin, Maria và Giuse vẫn tiếp tục không phát sinh quan hệ tình dục. Vậy tại sao lại có chuyện kể trên? Vì dự ngôn về Đấng Mêsia trong Isaia 7,14 nói rằng một trinh nữ sẽ “thụ thai và sinh hạ” một người con.
[1] RSVCE: Revised Standard Version Catholic Edition. Có thể xem phiên bản này tại: https://www.biblegateway.com/
Tác giả bài viết: Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ
Nguồn tin: https://www.catholic.com
Tags:
Thần học