CỦA ÍT LÒNG NHIỀU
(CN 32 TN B 2021)
Kể từ Chúa Nhật I Mùa Vọng, dân Công Giáo chúng ta đã cử hành “Mầu nhiệm đức tin” với hơn 50 Chúa Nhật rồi. Thế nhưng, như thánh Tông đồ Giacôbê dạy: “Đức tin không việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17), cho nên, cuộc “hành trình Phụng vụ” càng gần đoạn cuối, sứ điệp Lời Chúa càng mở ra những gợi ý để Dân Chúa xét mình, hồi tâm về việc thực hành sống đạo, về việc sống Lời Chúa, về việc “hiện thực hóa mầu nhiệm Chúa Kitô” ở giũa đời thường.
Thật vậy, nếu Chúa Nhật vừa qua (31 TN B, Lời Chúa gọi mời chúng ta “xét mình” về hai giới răn “Mến Chúa – Yêu Người”, thì Chúa Nhật hôm nay (32 TN B, Lời Chúa nhấn mạnh đến việc chia sẻ bác ái, thực hành việc “biết cho đi” bằng cõi lòng vị tha; như “tấm lòng lớn trong chút xíu bột của bà góa Sarepta thời Cựu ước” hay như “bàn tay rộng với đồng xu ten của bà góa nghèo” thời Chúa Giêsu.
Và đây đâu phải là điều mới lạ !
Thánh vịnh đáp ca mà chúng ta vừa hát với nhau đã khẳng định rằng: chia sẻ, cho đi… với tình yêu chính là bài học xuất phát từ Thiên Chúa, một “Thiên Chúa trả lại quyền lợi cho người bị áp bức, và ban cho những kẻ đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội. Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù, Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục, Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân, Thiên Chúa che chở những khách kiều cư. Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ…” (Tv 145,7-9).
Và trong chương trình cứu độ, việc chia sẻ, cho đi đã đạt tới đỉnh điểm khi “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến đổi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Và “Người Con Một” đó, một khi cất bước vào đời thực thi thánh ý Chúa Cha, đã đẩy việc chia sẻ, cho đi tới ý nghĩa trọn vẹn, tới biên giới cuối cùng khi “vác thập giá lên đồi Sọ và chịu chết để trơ nên Hy tế”; một sự cho đi, chia sẻ trọn vẹn để trở thành một danh hiệu mới đó là “tình yêu cao cả”, “tình yêu lớn”: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13).
Là con cái của Thiên Chúa, anh em với Đức Kitô, người Kitô hữu chỉ có thể giữ được căn tính của mình, phẩm giá tối hảo của mình, khi biết sống cho đi, chia sẻ trong tình bác ái yêu thương, trong vị tha quảng đại: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn sinh của Thầy đó là anh em yêu thương nhau” (Ga 13,35).
Và lịch sử 2000 năm của Giáo Hội đã minh chứng hùng hồn cho điều khẳng định trên của Chúa Kitô. Thật vậy, các tôn giáo khác, các tổ chức khác có thể xây dựng những đền đài, những công trình đồ sộ hơn “Đền thờ Thánh Phêrô”, những tác phẩm thần học lừng danh hơn “Bộ Tổng luận thần học của Thánh Tôma”…, nhưng di sản độc đáo, dấu chỉ đặc trưng của Tin Mừng Kitô mà khó có tổ chức trần tục nào có được đó chính là những “tượng đài” bằng xương bằng thịt như Mẹ thánh Têrêsa Calcutta, như linh mục Maxilmilien Kolbe…, những con người đã sống hết mình cái chân lý sống động về sự cho đi, về chia sẻ bằng một tình yêu lớn !
Trong một xã hội, một thế giới đang nghèo nàn các giá trị về tình yêu sẻ chia bác ái, về lòng quảng đại, vị tha biết cho đi, sứ điệp “chút bột bà góa Sarepta” hay “đồng tiền kẻm của bà góa nghèo trong Tân ước” đã trở thành những viên ngọc lấp lánh, những bài học đầy thuyết phục và mang tính giáo dục tuyệt vời. Riêng đối với những người Kitô hữu, sứ điệp “Bà Góa” hôm nay lại là một lời cảnh báo, một nhắc nhở thật cần thiết để uốn nắn cuộc đời. Bởi vì, rất có thể, chúng ta đang ứng xử đức tin theo kiểu:
- Vài chục ngàn để làm từ thiện hay bỏ quả cho nhà thờ sao quá lớn (trong khi lại quá nhỏ để đi nhà hàng, để ăn nhậu, để đi shopping !)
- Một giờ để cầu nguyện hay dâng Thánh lễ sao quá lâu (trong khi lại quá mau để hát karaoke hay xem phim Hàn quốc nhiều tập…)
- Một đoạn Lời Chúa để đọc và suy niệm sao quá dài (trong khi có thể miệt mài chát chít không biết mệt trên facebook, trên điện thoại, hay để tán gẫu, để tám chuyện bậy bạ, để nói hành…)
- Bỏ một buổi để làm việc tông đồ, phục vụ giáo xứ sao mà không cách nào thu xếp được (nhưng chỉ cần một cuộc điện thoại rũ đi nhậu, hay một dịch vụ kiếm tiền thì tức tốc cỡ nào cũng giải quyết xong…)…
Trong thời đại dịch này, sứ điệp “bà góa” lại cần thiết biết bao; như câu chuyện “chiếc trâm cài tóc của góa phụ Lộc Nương” đã góp phần làm nên tiếng chuông trừ tà kỳ diệu, trong truyền thuyết của giáo lý Phật giáo. Vâng, thế giới muôn nơi muôn thuở luôn cần “chút xíu bột của bà góa Sarepta” hay “đồng xu ten của bà góa nghèo Tân ước”, những “chút xíu mang hương vị tình yêu sẻ chia”, để nhờ đó, Thiên Chúa thể hiện quyền năng qua những phép mầu tái tạo niềm tin nơi ngôn sứ Êlia (Bđ 1), hay qua “lễ tế đền tội mang hồng ân cứu độ của Vị Thượng Tế Kitô” (Bđ 2).
Chúng ta đừng quên, sở dĩ thế giới hôm nay vẫn còn nhiều đau thương đói khổ, bất công, lầm than…, không phải vì thế giới không có những đồng xu ten để cho đi, nhưng vì thế giới đang thiếu những tấm lòng bà góa đầy vị tha quảng đại ! Vâng, Thiên Chúa chỉ cần nơi chúng ta “của ít nhưng lòng nhiều” hiến dâng cho Ngài, còn “phép mầu” sẽ hiện thực làm sao Ngài sẽ lo liệu ! Amen.
Trương Đình Hiền
Tags:
Phụng vụ