Tôi đã gặp Giovanni Antonucci vài tháng trước trong buổi giới thiệu cuốn sách "Bàn tay của Chúa", của tác giả Bernard Nathanson, cuốn tự truyện của nhà phá thai nổi tiếng người Mỹ, sau khi thực hiện hơn 70.000 ca phá thai, đã nhận ra sự gớm ghiếc của những gì ông đã làm và đã dành những năm còn lại của mình để làm chứng cho giá trị của cuộc sống.
Tôi phát hiện ra rằng Nathanson chính là viên đá vấp[1], duyên cớ cho Giovanni. Vào năm 1986, Giovanni đã xem "The Silent Scream - Tiếng thét im lặng", bộ phim tài liệu do cùng một bác sĩ quay, đoạn băng ghi lại cảnh phá thai: Đứa bé, sau nhiều lần cố gắng trốn vào tử cung không thành công, người ta đã tìm đến một cái ống hút – một công cụ phổ biến được sử dụng trong việc phá thai khi được ba tháng – đưa vào và cắt thai nhi ra, khiến thai nhi nổ tung trong tiếng thét im lặng trước khi chết, khiến bộ phim mang lấy tên này.
Đối với Nathanson, đoạn video này cũng thay đổi cuộc đời của Giovanni. Vào thời điểm đó, Giovanni đang ở Aquila, sinh quán của ông, và đang dạy ở trường. Với sự cộng tác của các giáo viên tôn giáo, ông đưa bộ phim tài liệu vào các lớp học, được gần 5.000 bạn nhỏ xem. Nhưng có những phản ứng xảy ra không lâu sau đó. Đoạn video bị giáo viên và phụ huynh cho là "quá mạnh, quá bạo lực". Như thể nói phá thai là có thể được, nhưng không thể trình chiếu được, bởi vì nếu người ta thấy sự thật như vậy thì không ai có thể chấp nhận nó nữa.
5 năm đã trôi qua kể từ cuộc trưng cầu dân ý dẫn đến hợp pháp hóa việc phá thai ở Ý, và phong trào vì sự sống bị vùi dập, trở nên yếu ớt, lê lết và thiếu đi rường cột. Giovanni tiếp quản làm người hướng dẫn, và tại Aquila, ông quảng bá một sáng kiến mà ông gọi là "Tuần Vì Sự Sống", cuối cùng là đi hành hương đến Roio, đến thánh địa Thánh Maria Thánh Giá. Trong khi đi bộ và lần chuỗi Mân côi, hết mầu nhiệm 5 sự thương và bắt đầu 5 sự Mừng, Giovanni vấp phải một viên đá khác, lần này là thật, dưới hình dạng chính xác của một bào thai: ngay lúc đó, Giovanni đọc nhanh Kinh Kính Mừng và cầu nguyện cho các thai nhi bị phá bỏ, như một sự mặc khải thiêng liêng: "Cuộc chiến về phá thai đạt được sau khi chết".
Nghĩa trang dành cho những đứa trẻ chưa chào đời
Khởi đi từ trực giác này, trọng tâm của cuộc đấu tranh được chuyển sang cuộc sống vĩnh cửu, và Giovanni bắt đầu nuôi dưỡng trong lòng mong muốn chôn cất các thai nhi bị phá ở thành phố Aquila. Có những vấn đề ở cấp độ luật pháp và y tế, nhưng cuối cùng mọi thứ đều được giải quyết: ASL đưa ra câu trả lời dứt khoát là "đồng ý", thêm sự trợ giúp bao gồm cả một nhà tang lễ cung cấp dịch vụ miễn phí để hỗ trợ việc chôn cất, và bật đèn xanh cho sứ mệnh này.
Những ngày đầu thật xúc động qua lời kể của Giovanni
“Có lần tôi đến khoa giải phẩu để lo hậu sự cho các phần chi thể nhặt được, theo nghi thức. Thật là đau lòng khi nhìn thấy tất cả những cơ thể bé nhỏ này bị xé nát thành từng mảnh. Chúng tôi đặt chúng vào trong những chiếc hộp nhỏ rồi chôn cất. Chúng tôi đã làm điều đó trong hai năm. Trên thực tế, các chính quyền thành phố của Ý có trách nhiệm phải phân bổ một khu vực riêng biệt để chôn cất các trẻ sơ sinh đã chết trong nghĩa trang của họ. Người bảo vệ nghĩa trang là một tu sĩ đã chọn một vị trí để cung cấp cho chúng tôi. Hai năm sau chúng tôi dựng lên một đài kỷ niệm, do Zeffirelli khánh thành và ông nói rằng, ông rất cảm động trước sáng kiến này.
Đài tưởng niệm được đặt ở một số thành phố khác nhau của Ý, ở nước ngoài cũng như ở cổng ra vào trại tập trung Treblinka, ở Ba Lan, trại đầu tiên thử nghiệm các phòng hơi ngạt, như thể nhắc nhớ đến một vụ tàn sát khác đang diễn ra trong lịch sử nhân loại. Đó là năm 1989, lần đầu tiên các thai nhi bị phá, mà lúc đó được coi là chất thải đặc biệt của bệnh viện, được công nhận phẩm giá để được chôn cất tương tự như đối với bất kỳ đứa trẻ nào khác chưa được chào đời.
Đây là bước đầu tiên, nhưng chúng tôi muốn tiến xa hơn nữa, bởi vì chúng tôi biết rằng cần phải làm nhiều hơn nữa, để những đứa trẻ này được công nhận không chỉ ở phẩm giá làm người trên thế gian mà còn là những vị thánh tử đạo trên thiên đàng. Đức Giám mục của Guayaquil, ở Ecuador, cũng đã chuẩn nhận một kinh nguyện, bắt đầu như thế này: “Việc Chúa Giêsu bị đóng đinh được lặp lại trong bạn ...', bởi vì điều này thực sự có ý nghĩa”.
Giovanni tiếp tục kể
“Chẳng hạn như việc chôn cất được rất nhiều chính quyền thành phố khác của Ý noi theo và thực tế là cả thế giới cũng đang chuyển động theo hướng này. Trong nhiều năm qua, Thiên Chúa đã gửi đến nhiều dấu hiệu, một trong số đó là được tham gia vào khóa Cáo thỉnh viên phong thánh ở Vatican, năm 2018. Dựa trên cơ sở này, tôi đã thành lập Hiệp hội để thỉnh nguyện phúc tử đạo cho các thai nhi chưa chào đời. Mục đích là chuẩn bị tài liệu để sau đó trình lên Giám mục, là người thực sự có thể mở ra một vụ án ở cấp độ chính thức trong Giáo hội. Thiên Chúa đã mở ra nhiều cách cửa, rất nhiều lời chứng đến từ khắp nơi trên thế giới, đã gửi cho chúng tôi những câu chuyện về các dấu chỉ, phép lạ, đặc biệt là vùng châu Mỹ Latinh”.
Ngoài những lần hiện ra riêng tư khác nhau, như trường hợp của thị nhân Mirjana Dragičević, ở Mễ Du, người được Đức Mẹ nói trong một thông điệp: “Các thai nhi bị phá đang ở với ta trên thiên đàng”. Trên trang web của hiệp hội đã góp nhặt những chứng từ khác nhau. Ví dụ, câu chuyện của Stefania ở Colombia, sau khi phá thai ở tuổi 13 và có ý định tự tử nhiều lần, cô đã cầu xin con trai của mình trên thiên đàng cầu bầu, giúp cô cứu chuộc cuộc sống của mình khỏi ma túy và mại dâm. Stefania không chỉ được cứu mà cả chị gái của cô, cũng trong hoàn cảnh sống tương tự và đang mang thai, đã tìm được sức mạnh để không phá thai và bắt đầu lại cuộc sống trong ánh sáng.
Hay câu chuyện của một người phụ nữ đến từ Medellin, mắc bệnh ung thư máu , đã cầu xin sự cầu bầu của những đứa trẻ chưa chào đời trên thiên đàng để có thể được ghép tủy, điều mà tưởng chừng như không thể xảy ra, nhưng trái lại, Chúa đã thực hiện và đã ban cho cô một cuộc sống mới vào đúng ngày 15 tháng 8, ngày lễ Mẹ Maria hồn xác lên trời.
Một phép lạ chữa lành thể xác có lẽ cũng đã xảy ra ở Mêxicô. Linh mục Jesus Salgado, cha sở giáo xứ Divino Niño và Santa Croce, ở Puebla, bị nhồi máu cơ tim vào tháng 6 năm ngoái. Trái tim của ngài đúng là đã ngừng đập trong vài giây. Các giáo dân đã cầu nguyện nhờ lời chuyển cầu của các thai nhi bị phá bỏ, và cha Jesus Salgado đã được cứu. Sau đó ít lâu ngài được đưa vào bệnh viện. Đối với các bác sĩ thì không còn hy vọng: phổi và tim của ngài chứa đầy nước. Anh chị em giáo dân lại cầu nguyện: chỉ sau chưa đầy 24 giờ, cha xứ Jesus Salgado đã tự ăn uống, và sau vài ngày ngài xuất viện, trước sự ngạc nhiên của các bác sĩ, những người đã tuyên bố rằng không có lời giải thích khoa học nào về những gì đã xảy ra.
Tất cả các tài liệu rõ ràng này sẽ được đệ trình lên Giáo hội và sẽ được sàn lọc cách cẩn thận. Giovanni trình bày: “Có hai điều kiện cần thiết để mở ra một án tử đạo: “khả năng về các dấu chỉ và phép lạ, vì hận thù đức tin [Odium Fidei], điều tôi tìm thấy trong chủ thuyết tương đối, men gốc của tất cả các hệ tư tưởng. Chúa Giêsu là chân lý, các ý thức hệ là sai lầm: con người xa rời Thiên Chúa, đặt mình ở vị trí trung tâm và nói rằng “Tôi không cần Ngài”, tạo ra những xung đột và chống lại Thiên Chúa”.
Trở lại với Nathanson, ở những năm 1980 đã khẳng định với sự chắc chắn tuyệt đối về mặt khoa học rằng con người mới được hình thành ngay từ giây phút đầu tiên của việc thụ thai. Khoa học không tin gì vào việc phá thai có hiệu lực là giết một con người: nên nó hợp pháp, được phép, kể cả được khuyến khích. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến cuối tháng 7 năm 2021, trên thế giới đã có gần 25 triệu ca nạo phá thai. Một con số đáng kinh sợ và khủng khiếp, là điều không thể so sánh với bất kỳ cuộc diệt chủng nào trong lịch sử nhân loại, hoặc trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào khác.
Giáo hội sẽ tùy thuộc và những thẩm định liệu những đứa trẻ chưa bao giờ được sinh ra có phải là tử đạo hay không, nhưng chắc chắn chúng là những linh hồn vô tội, hiện đang hiện diện trước ánh sáng ngập tràn của Chúa Cha, đang cầu bầu với tình yêu thương và lòng thương xót vô biên, giống như mọi kẻ đã qua đời khác trong ân sủng, cho sự hoán cải của chúng ta, đặc biệt và trước hết, cho sự hoán cải cha mẹ của chúng.
-------------------------
[1] [ND]: Trong tiếng Ý, viên đá vấp [pietra d’inciampo] là một thành ngữ mang tính biểu tượng. Thực tế, đây là một tấm bảng đồng khổ 10 x 10 cm được đặt trên một viên đá cuội để tưởng nhớ đến những người bị đưa đến các trại tập trung của Đức Quốc Xã, đặt trước những ngôi nhà mà các tù nhân ở. Đây là một sáng kiến của nghệ sĩ người Đức Gunter Demnig, hiện đã phổ biến ở 17 quốc gia châu Âu. Công việc này bắt đầu ở Cologne vào năm 1992 và dẫn đến việc lắp đặt hơn 71.000 "viên đá" vào đầu năm 2019. Thành ngữ này được vay mượn từ trong Kinh thánh, từ thư thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma: “Này đây Ta đặt tại Sion một hòn đá làm cho vấp, một tảng đá làm cho ngã” (Rm 9, 33).
G. Võ Tá Hoàng
Aleteia
Tags:
Kiến thức công giáo