Trước đây, khi đứa trẻ kêu khóc, người mẹ sẽ cho nó bú mớm, người bố sẽ vỗ về và trò chuyện với nó. Ngày nay, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, dường như con trẻ không còn cần đến bầu sữa mẹ và cũng thờ ơ với những màn nhào lộn của người cha. Nó chỉ khóc khi người ta lấy khỏi tay nó chiếc điện thoại và chỉ chịu ăn uống khi bị bố mẹ quát nạt hoặc nài nỉ, hoặc với một lời hứa là: ăn xong, con sẽ tiếp tục được dùng điện thoại. Bởi đó, khi đứa trẻ lớn lên, tình trạng ‘nghiện điện thoại’ của chúng cũng lớn lên theo.
Trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19, phần lớn trẻ em phải học qua Zoom hoặc Google Meeting. Đây có lẽ là một cơ hội không thể tuyệt vời hơn để đứa trẻ hợp thức hóa việc sử dụng điện thoại cả ngày của nó. Tuy nhiên, nếu cha mẹ và đứa trẻ không tạo lập một kế hoạch rõ ràng cho việc học online của trẻ, thì e rằng lợi bất cập hại. Đến đây, bài toán giáo dục không chỉ là chuyện của nhà trường và thầy cô nữa, nhưng trước hết và trên hết, đó là trách nhiệm của cha mẹ. Hẳn nhiên, trước nay gia đình vẫn là trường học đầu tiên, có điều đôi khi vì nhiều lý do khác nhau mà người ta đã lãng quên điều đó.
Nhà giáo dục và cũng là một triết gia – John Locke cho rằng, con người ta tốt hay xấu, tài giỏi hay dốt nát phần nhiều đều do giáo dục mà ra. Vì thế, theo ông, ta phải rất thận trọng trong việc rèn luyện trí óc của con trẻ. Nếu sức mạnh thể lý giúp ta chịu đựng gian khổ, thì sức mạnh tinh thần giúp ta chống lại các cám dỗ. Đức hạnh của con người hệ tại ở khả năng từ chối các ham muốn, chống lại các cám dỗ, và hoàn toàn theo con đường tốt nhất mà lý trí dẫn dắt, dù cho các ham muốn kéo ta đi theo những con đường khác.[1] Cũng vậy, cha mẹ cần đồng hành và giúp con trẻ sử dụng điện thoại/máy tính như một người có đức hạnh, nghĩa là chỉ xem chúng như phương tiện để học tập, chứ không phải để chơi game hoặc xem những chương trình độc hại trong đó. Ngay cả trong việc học, không phải cứ học cả ngày đã là tốt, nhưng là học đúng lúc, đúng thời lượng và đúng đối tượng.
Cũng theo John Locke, cha mẹ yêu thương con cái mình là điều tự nhiên, thậm chí là bổn phận của họ, nhưng nếu yêu thương không đúng cách thì nó có thể biến thành sự nuông chiều, vì họ cũng yêu thương cả các tật xấu của chúng nữa. Thật lạ là ngày nay, có nhiều bậc cha mẹ vẫn tự hào khoe với hàng xóm rằng con cái của họ rất rành về điện thoại/máy tính, nhưng chẳng mấy người khoe con cái mình rất biết yêu thương anh chị em, bạn bè; yêu thương động vật và thiên nhiên.
Theo đó, vị triết gia người Anh quả quyết: khi cha mẹ nuông chiều con cái lúc chúng còn thơ ấu, hẳn là họ đã làm hư hỏng các thiên hướng tự nhiên của chúng. Vậy mà họ lại ngạc nhiên vì phải uống nước đắng, trong khi chính họ đã đầu độc giếng nước đó. Khi ấy, họ than vãn rằng: con cái họ thật cứng đầu và hư hỏng. Nhưng nếu đứa trẻ đã được tập thói quen muốn gì được nấy khi còn mặc bỉm, thì tại sao nó lại phải từ bỏ điều đó khi nó đã biết mặc quần? Nó đã điều khiển cha mẹ nó từ khi còn thơ dại. Nay nó đã lớn khôn, khỏe mạnh hơn và thông minh hơn, nó lại chẳng tiếp tục điều khiển họ nữa hay sao? Sau khi đã biến chúng thành những đứa trẻ xấu, cha mẹ lại có ý nghĩ điên rồ là muốn chúng trở nên những con người tốt. Sự khác biệt không phải ở chỗ có hay không có những đam mê, nhưng là có hoặc không có khả năng làm chủ lấy mình và khước từ các đam mê đó. Khi còn trẻ mà đã không tập thói quen để ý chí của mình phục tùng lý trí của người khác, thì sẽ gặp khó khăn khi đến tuổi tự mình buộc ý muốn tuân theo lý trí của mình.[2]
Đến đây, vấn đề hẳn là không chỉ dừng lại ở chuyện sử dụng điện thoại nữa, nhưng còn nhiều khía cạnh khác liên quan đến việc giáo dục con cái mà chúng ta có thể học hỏi từ tư tưởng của John Locke. Ông nói: chúng ta mặc áo quần để khỏi bị xấu hổ, để được ấm áp và để che thân thể, nhưng có một số cha mẹ vì thói xấu hay vì điên rồ mà gán cho quần áo những mục tiêu khác. Họ biến quần áo thành những đồ vật để khiêu gợi lòng kiêu căng, đua đòi. Người ta làm cho một đứa trẻ say mê một bộ y phục vì bộ y phục ấy mới và đẹp. Khi một cô bé được mặc cho một chiếc áo mới và tóc được cắt theo đúng thời trang, có khác gì bà mẹ đã dạy cho nó tự ngưỡng mộ bằng cách gọi nó là “hoàng hậu của mẹ,” “công chúa của mẹ.” Như vậy, trẻ con đã học thói quen hãnh diện về quần áo của mình trước khi chúng có thể tự mặc lấy áo quần.[3]
Thêm vào đó, nếu cậu chủ nhỏ của ta tỏ ra buồn chán, câu hỏi đầu tiên mà cha mẹ thường hỏi cậu là: “Con ơi, con muốn ăn gì? Cha (mẹ) có thể làm gì cho con đây?” Người ta luôn thúc giục chúng ăn uống, cố gắng để tìm ra một món ăn ngon lành để đứa trẻ khỏi biếng ăn. Thế nhưng, họ quên mất rằng tự nhiên đã tạo ra sự biếng ăn với mục đích giúp cho bao tử không bị nặng nề vì làm việc quá sức, để nó có đủ thời gian để điều tiết và tránh bệnh tật.[4]
Tiếp đến, nếu ta muốn đứa trẻ kính trọng ta thì hãy dạy nó việc này từ khi nó còn thơ ấu; và nó càng lớn dần đến tuổi thành niên thì ta cho nó gần gũi, thân mật với ta. Làm như vậy, ta sẽ có một đứa con biết vâng lời khi còn nhỏ và một người bạn thân thiết khi đứa trẻ đã lớn khôn. Bởi vì, sẽ là sai lầm nếu ta khoan dung và thân mật với trẻ khi chúng còn nhỏ và ngược lại nghiêm khắc và xa cách lúc chúng trưởng thành. Tự do không hẳn đã tốt cho trẻ em: vì chúng chưa đủ trí phán đoán, nên chúng cần được hướng dẫn và kỷ luật. Ngược lại, nghiêm khắc, độc đoán không phải là cách đối xử tốt với người lớn: họ có đủ lý trí để tự biết xử sự. Nếu giáo dục không đúng cách, thì rất có thể, một ngày nào đó, những đứa con mà khi lớn lên chúng sẽ chán ngán quý vị và nói thầm với nhau rằng: “Lúc nào thì bố (mẹ) mới chết đây?”[5]
Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là Locke yêu cầu các bậc cha mẹ không nên nuông chiều đứa trẻ một chút nào, hay là hy vọng nó xử sự khôn ngoan như một quan toà. Chúng ta hãy cứ xem nó như là một đứa trẻ, một đứa trẻ mà ta phải đối xử một cách dịu dàng, nó phải được chơi đùa và phải có đồ chơi. Cái mà Locke muốn nói là, mỗi khi nó muốn một cái gì hay muốn làm một điều gì không thích hợp với nó, thì ta không nên cho nó thỏa mãn; đừng nghĩ rằng vì nó còn nhỏ nên nó muốn như thế. Không phải vậy, ngược lại, mỗi khi nó nhõng nhẽo đòi hỏi một cái gì, thì ta phải làm cho đứa trẻ hiểu rằng: cũng vì nó nhõng nhẽo đòi hỏi mà ta từ chối.[6]
Vì vậy, tình thương mà cha mẹ dành cho con cái, phải là một tình thương có sự suy xét và cân nhắc cẩn trọng của lý trí. Tình thương mà không có lý trí là mù quáng, lý trí mà không có tình thương thì khô cứng. Mà giáo dục thì cần cả hai chiều kích ấy. Vì thế, thời gian dịch bệnh, con trẻ học online, cũng là một dịp để các gia đình cùng nhìn lại “triết lý giáo dục trong ngôi trường đầu tiên” này. Điện thoại/máy tính chỉ là phương tiện để đạt được mục đích học tập, chứ đừng để con trẻ biến việc học tập thành phương tiện để đạt được mục đích sử dụng điện thoại/máy tính. Cũng vậy, quần áo là để bảo vệ thân thể, chứ không phải thân thể là quầy hàng để trưng bày quần áo; thức ăn là để nuôi dưỡng cơ thể, chứ không phải cơ thể là nơi để nhồi nhét thức ăn. Tóm lại, nói theo cách nói của John Locke, hãy đối xử với con trẻ, sao cho chúng ta “có một đứa con biết vâng lời khi còn nhỏ và một người bạn thân thiết khi đứa trẻ đã lớn khôn”, đừng chỉ là cái máy đáp ứng nhu cầu khi chúng cần đến và chỉ là pho tượng khi chúng đang chơi!
Hv. Văn Tài, S.J.
dongten.net
[1] John Locke, Vài suy nghĩ về giáo dục, tran. Dương Văn Hóa, (Hà Nội: NXB Tri Thức, 2017).
[2] Ibid.
[3] John Locke, Vài suy nghĩ về giáo dục, tran. Dương Văn Hóa, (Hà Nội: NXB Tri Thức, 2017).
[4] Cf. Ibid.
[5] Ibid.
[6] Ibid.
Tags:
Gia đình