Hôm nay Chúa nhật 31/10/2021, trước hàng nghìn người triệu tập tại quảng trường thánh Phêrô, trong bài huấn dụ, ĐTC Phanxicô mời gọi mọi người siêng năng suy gẫm Lời Chúa. Mỗi người trong chúng ta có thể trở thành một “bản dịch” sống động, khác biệt và nguyên bản. Điều cần thiết là Lời Chúa phải vang dội trong chúng ta, phải được đồng hóa, trở thành tiếng nói của lương tâm.
Sau bài huấn dụ, hôm nay Đức Thánh cha nhắc đến Việt Nam và chia sẻ tâm tình cầu nguyện của ngài dành cho các nạn nhân, gia đình ở những vùng đang phải chống chọi với mưa bão, lũ lụt trong mấy tuần qua.
Anh chị em thân mến,
Trong Phụng vụ hôm nay, Tin mừng kể về chuyện một kinh sư đến gần và hỏi Chúa Giêsu: “Trong các giới răn, đâu là điều răn trọng nhất?” (Mc 12,28). Chúa Giêsu đáp lại bằng cách trích dẫn Kinh thánh và khẳng định rằng điều răn đầu tiên là yêu mến Thiên Chúa; từ điều này sau đó dẫn đến điều răn thứ hai: yêu tha nhân như chính mình (x. c29-31). Nghe xong câu trả lời này, người kinh sư không chỉ nhận ra điều đó đúng mà còn thực hành nó. Khi nhận ra nó đúng, ông lặp lại gần như chính những lời Chúa Giêsu đã nói: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ” (x. c 29-31).
Chúng ta có thể tự hỏi, tại sao người kinh sư đó cảm thấy cần phải lặp lại chính những lời của Chúa Giêsu? Việc lặp lại này dường như còn gây nhiều ngạc nhiên hơn nếu chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang ở trong Tin mừng của Marcô, người có văn phong rất súc tích. Ý nghĩa của việc lặp lại này là gì? Sự lặp lại này là một lời dạy, dành cho chúng ta, những người đang lắng nghe. Bởi vì Lời Chúa không thể được tiếp nhận như bất cứ mục tin tức nào khác. Lời Chúa phải được lặp lại, tạo ra cho riêng mình, phải được bảo vệ. Truyền thống tu viện, các tu sĩ, sử dụng một thuật ngữ táo bạo nhưng rất cụ thể. Nói như thế này: Lời Chúa phải đi “suy đi gẫm lại”. “Suy đi gẫm lại” Lời Chúa. Chúng ta có thể nói rằng Lời ấy rất bổ dưỡng đến nỗi nó phải đạt được trong mọi khía cạnh của cuộc sống: như Chúa Giêsu nói hôm nay, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực (c.30). Lời Chúa phải được vang vọng, vang dội trong lòng chúng ta. Khi tiếng vọng này được lặp lại bên trong, điều đó có nghĩa là Chúa đang ngự trong lòng. Và Ngài nói với chúng ta như đã nói với người kinh sư khôn ngoan đó trong Tin mừng: “Ông không còn xa nước Thiên Chúa nữa” (c. 34).
Anh chị em thân mến, Chúa không tìm kiếm những nhà chú giải Kinh thánh giỏi, Ngài đang tìm kiếm những tâm hồn ngoan ngoãn, biết đón nhận Lời của Ngài, cho phép lòng mình được thay đổi. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải làm quen với Tin mừng, luôn cầm Tin mừng trên tay – ngay cả việc bỏ một cuốn Tin mừng nhỏ trong túi, giỏ xách đọc đi đọc lại và say mê nó. Khi chúng ta làm điều này, Chúa Giêsu, Lời của Cha, bước vào trong tâm hồn chúng ta, trở nên thân thiết với chúng ta và chúng ta sinh hoa kết trái trong Ngài. Hay lấy ví dụ như bài Tin mừng hôm nay: chỉ đọc và hiểu rằng chúng ta cần yêu mến Thiên Chúa và tha nhân thì chưa đủ. Điều cần thiết của điều răn này, “điều răn lớn nhất”, là phải vang dội trong chúng ta, phải được đồng hóa, trở thành tiếng nói của lương tâm chúng ta. Bằng cách này, Tin mừng không còn là bức thư chết, trong ngăn kéo của con tim, vì Chúa Thánh Thần làm cho hạt giống của Lời Chúa nảy mầm trong chúng ta. Và Lời Chúa hoạt động, luôn vận hành, sống động và hữu hiệu (Dt 4, 12). Vì vậy, mỗi người trong chúng ta có thể trở thành một “bản dịch” sống động, khác biệt và nguyên bản. Không phải là một sự lặp lại mà là một “bản dịch” sống động, khác biệt và nguyên mẫu của Lời yêu thương duy nhất mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Chẳng hạn chúng ta đã thấy điều này trong cuộc sống của các thánh: không ai giống ai, tất cả đều khác biệt, nhưng tất cả làm một với Lời của Chúa.
Do đó, hôm nay chúng ta noi gương người kinh sư này. Chúng ta lặp lại những lời của Chúa Giêsu, làm cho Lời ấy vang vọng trong chúng ta: “Yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực cùng yêu thương tha nhân như chính mình”. Và chúng ta tự hỏi: điều răn này có thực sự định hướng cho cuộc đời tôi không? Điều răn này có vang xa trong cuộc sống hằng ngày của tôi không? Sẽ thật tuyệt vời nếu tối nay, trước khi đi ngủ, chúng ta tự vấn lương tâm bằng những Lời này, để xem ngày hôm nay chúng ta có yêu mến Chúa và đã làm điều tốt nào cho những người chúng ta tình cờ gặp được không. Mong rằng mọi cuộc gặp gỡ đều mang lại một chút tốt đẹp, một chút yêu thương đến từ Lời này. Xin Đức Trinh Nữ, nơi Mẹ, Lời đã trở thành xác phàm, dạy cho chúng ta biết đón nhận lời hằng sống của Tin mừng vào trong lòng mình.
Sau khi đọc Kinh Truyền Tin, ĐTC nói:
Anh chị em thân mến,
Tại một số vùng khác nhau ở Việt Nam, những trận mưa lớn kéo dài suốt mấy tuần gần đây đã gây ra lũ lụt trên diện rộng, làm cho hàng nghìn người phải sơ tán. Lời cầu nguyện của tôi và suy tư của tôi gửi đến các gia đình đang chịu đau khổ, cùng với lời động viên của tôi đến với tất cả những người lãnh đạo đất nước và Giáo hội địa phương, những người đang nỗ lực ứng phó với tình huống khẩn cấp. Và tôi cũng gần gũi các cư dân của Sicilia đang bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu.
G. Võ Tá Hoàng