Trước khi đọc Kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha đã chia sẻ với các tín hữu đang tập trung tại quảng trường thánh Phêrô về bài Tin mừng Chúa nhật 28 Thường niên. Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với người thanh niên giàu có là một thử thách đối với niềm tin của chúng ta. Thường trong đời sống, chúng ta sống niềm tin của mình cách lạnh nhạt và máy móc, một niềm tin thương mại và đổi chác. Qua hình ảnh của người thanh niên giàu có, ĐTC mời gọi chúng ta hãy tự vấn : đối với tôi, niềm tin là gì? Tôi có sống niềm tin của mình như một cái gì đó máy móc, như mối tương quan về bổn phận hay quyền lợi với Chúa?
Anh chị em thân mến
Phụng vụ hôm nay gợi ra cho chúng ta cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và một người “sở hữu rất nhiều của cải” (Mc 10,22), và người này đã đi vào lịch sử như là “người thanh niên giàu có” (x. Mt 19,20-22). Chúng ta không biết tên của anh ấy. Thực ra, Tin mừng Marcô nói về người này với tư cách là “người thanh niên giàu có”, mà không đề cập đến tên tuổi của anh ta. Qua đó cho chúng ta thấy rằng tất cả chúng ta đều có thể nhìn thấy chính mình qua con người đó, nó giống như một tấm gương soi. Thật vậy, trong cuộc gặp gỡ của anh ta với Chúa Giêsu, nó cho phép chúng ta kiểm tra lại niềm tin của mình. Đọc lại đoạn này Tin mừng này, tôi kiểm tra lại niềm tin của tôi.
Người thanh niên đó bắt đầu bằng một câu hỏi: “Tôi phải làm gì để được sống đời đời?” (c.17). Chúng ta lưu ý đến những động từ mà anh ta sử dụng: ‘phải làm’ – ‘để có’. Đây là lòng đạo của anh ta: một bổn phận, một việc phải làm để thừa hưởng; “Tôi làm điều gì đó để có được thứ mình cần”. Nhưng đây lại là một mối tương quan thương mại với Thiên Chúa, tương quan đổi chác [a quid pro quo]. Trái lại, niềm tin không phải là một nghi thức lạnh nhạt và máy móc, là một thứ “tôi phải làm”. Đó là vấn đề về tự do và tình yêu. Niềm tin là vấn đề của tự do, của tình yêu. Đây là bài kiểm tra đầu tiên: đối với tôi, niềm tin là gì? Nếu xem niềm tin chủ yếu là một bổn phận hay tiền bạc để đổi chác, chúng ta bị chệch đường rồi. Bởi vì ơn cứu rỗi là một món quà chứ không phải là một bổn phận, đó là ơn nhưng không và không thể mua bán. Điều đầu tiên cần phải làm là giải phóng chúng ta khỏi niềm tin thương mại và máy móc, ám chỉ đến hình ảnh sai lạc về một Thiên Chúa kế toán và kiểm soát chứ không phải là người Cha. Và nhiều lần trong cuộc sống, có thể chúng ta sống mối tương quan niềm tin “thương mại” như thế: Tôi làm việc này để Chúa ban cho tôi điều kia.
Bước thứ hai, Chúa Giêsu giúp người thanh niên này bằng cách cung cấp cho anh ta khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa. Thật vậy, Tin mừng kể: “Chúa Giêsu ngước nhìn anh” và “đem lòng yêu mến” (c. 21): đây là Thiên Chúa! Đây là nơi phát sinh và tái sinh niềm tin: chứ không phải từ bổn phận, không phải từ cái gì phải làm hay phải trả, nhưng từ một cái nhìn đón nhận yêu thương. Bằng cách này, đời sống Kitô hữu trở nên tươi đẹp, nó không dựa trên khả năng và những dự định của chúng ta, mà dựa trên cái nhìn của Thiên Chúa. Niềm tin của bạn và của tôi đã mệt mỏi chưa? Bạn có muốn phục hồi nó không? Hãy cố nhìn lên Chúa: đặt mình trong sự thờ phượng, để cho mình được tha thứ nơi Bí tích Hòa giải, đứng trước Đấng chịu đóng đinh. Tóm lại, hãy để Chúa yêu thương. Đây là khởi đầu của niềm tin: hãy để mình được Chúa yêu thương, Ngài là một người Cha.
Bước thứ ba, bước cuối cùng. Sau câu hỏi và cái nhìn là lời mời gọi của Chúa Giêsu, Ngài nói: “Anh còn thiếu chỉ một điều”. Người thanh niên giàu có ấy còn thiếu gì nữa? Sự cho đi, vô vị lợi: “Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo” (c. 21). Có lẽ đây cũng là những gì chúng ta đang thiếu. Thường chúng ta làm trong mức cần thiết tối thiểu, trong khi Chúa Giêsu mời gọi chúng ta làm hết sức có thể. Nhiều lần chúng ta bằng lòng với những bổn phận, luật lệ, một số lời nguyện và nhiều điều tương tự; trong khi Chúa, Đấng ban cho chúng ta sự sống, đòi hỏi chúng ta có bước nhảy vọt trong cuộc sống. Trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta có thể thấy rõ đoạn văn này, từ bổn phận đến cho đi; Chúa Giêsu bắt đầu nhắc đến các giới răn: “Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp...” (c.19) và đưa đến đề nghị tích cực: “hãy đi, hãy bán, cho, rồi theo Ta” (x. c 21). Niềm tin không bị giới hạn bởi từ không, vì cuộc đời của người tín hữu là thưa vâng, tiếng thưa vâng của tình yêu.
Anh chị em thân mến, một niềm tin không biết cho đi, vô vị lợi, là một niềm tin không trọn vẹn, đó là một niềm tin yếu ớt, một niềm tin bệnh hoạn. Chúng ta có thể sánh nó với một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng lại thiếu hương vị, hoặc có thể sánh nó với một trận đấu ít nhiều gì cũng chơi tốt, nhưng không có bàn thắng: không, nó không hoạt động, thiếu “vị mặn”. Một niềm tin không biết cho đi cách vô vị lợi, không hoạt động vì bác ái dẫn đến kết cục buồn chán: giống như người thanh niên giàu có, đã được chính Chúa Giêsu đoái nhìn bằng tình yêu thương, nhưng trở về nhà với khuôn mặt “buồn rầu” và “tối sầm” (c. 22). Giờ đây chúng ta có thể tự hỏi: “Niềm tin của tôi đang ở vị trí nào? Tôi có sống niềm tin của mình như một cái gì đó máy móc, như mối tương quan về bổn phận hay quyền lợi với Chúa? Tôi có nhớ nuôi dưỡng niềm tin của mình bằng cách để cho Chúa Giêsu nhìn đến và yêu thương không? Hãy để mình được Chúa đoái nhìn và yêu thương; hãy để Chúa nhìn chúng ta và yêu thương chúng ta. “Và tôi có để Chúa lôi cuốn mình, có đáp lại cách vô vị lợi, quảng đại, với trọn vẹn con tim không?
Nguyện xin Đức Trinh nữ Maria, đấng đã nói lời xin vâng trọn vẹn với Chúa, một lời thưa vâng, không có chữ nhưng (không dễ để thưa vâng mà không có chữ nhưng : Đức Mẹ đã làm điều đó, thưa vâng không chữ nhưng) cho chúng ta biết cảm nếm được vẻ đẹp của việc biến cuộc sống thành một món quà.
Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh cha nói:
Anh chị em thân mến ,
Hôm nay tôi vui mừng loan báo về việc công bố các chân phước mới. Hôm qua, tại Naples, Maria Lorenza Longo, một người vợ và là mẹ của một gia đình ở thế kỷ XVI, đã được phong chân phước. Maria Lorenza Longo là một góa phụ, đã thành lập ở Napoli, Bệnh viện dành cho những người mắc bệnh hiểm nghèo và Dòng thánh Clara ở Naples. Là một phụ nữ có đức tin cao cả và một đời sống cầu nguyện mãnh liệt, ngài đã làm tất cả những gì có thể cho những nhu cầu của người nghèo và những người đau khổ.
Cũng trong ngày hôm nay, tại Tropea, ở Calabria, Cha Francesco Mottola, sáng lập Dòng Thánh Tâm, qua đời năm 1969, được phong chân phước. Ngài là một mục tử nhiệt thành và là người loan báo Tin mừng không mỏi mệt, đã trở thành chứng nhân gương mẫu của chức linh mục trong đời sống bác ái và chiêm niệm.
Hôm nay, nhân Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới, tôi muốn tưởng nhớ những anh chị em bị rối loạn tâm thần và cả những nạn nhân của tự tử, thường là người trẻ. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ và gia đình của họ, để ai không bị bỏ lại một mình hoặc bị phân biệt đối xử, nhưng được đón nhận và hỗ trợ.
Chúc mọi người một ngày Chúa nhật vui vẻ. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi.
G. Võ Tá Hoàng
Tags:
Đức Thánh cha