Tòa thánh đã huy động giúp đỡ những người bị ảnh hưởng nhiều nhất do đại dịch bằng nhiều cách khác nhau: từ việc tiêm ngừa cho người nghèo, người vô gia cư đến việc quyên góp ngân quỹ và thiết bị y tế. Gần đây nhất, vào ngày 24/08/2021, qua Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã gửi tặng Việt Nam 100.000 EU để giúp nước này chống lại đại dịch cũng như những tác động của nó đối với nền kinh tế xã hội.
I. Media đã có cuộc phỏng vấn Đức ông Segundo Tejado Muñoz, Phó tổng Thư ký của Bộ, để biết rõ hơn về cách phân bổ và sử dụng những khoản đóng góp này cũng như cách Giáo hội cùng hướng về Đức Giáo hoàng để giúp các quốc gia chống lại đại dịch.
Các nguồn vốn này đã được phân bổ như thế nào để giúp các quốc gia đối phó với đại dịch?
Chúng tôi thường nhận được những yêu cầu này từ các Giáo hội địa phương, cho nên chính họ là người quyết định số tiền này sẽ đi đâu. Liên quan đến Việt Nam, Giáo hội ở đó đã nói với chúng tôi rằng tình hình rất khó khăn và họ đang nỗ lực bằng mọi phương tiện của mình để giúp đỡ mọi người.
Giáo hội Việt Nam đã gửi cho chúng tôi một dự án nhỏ và chúng tôi luôn dựa vào Giáo hội địa phương để thực hiện những loại hình can thiệp này. Tiếp theo họ gửi cho chúng tôi một bản báo cáo về việc sử dụng các khoản tiền này như thế nào.
Sự giúp đỡ này của Đức Giáo hoàng là một khích lệ, nhưng hoạt động của Giáo hội quy mô hơn nhiều.
Nghĩa là thế nào?
Nhiều người bị nhầm lẫn, chúng tôi gửi cho Việt Nam 100.000 EU và đây dường như là tất cả những gì Giáo hội có thể làm được, không phải thế. Đây là một dấu hiệu cho thấy rằng Đức Giáo hoàng thực hiện bằng tiền của mình. Nhưng hoạt động của Giáo hội thì quy mô hơn nhiều: Caritas, các Giáo phận, các tổ chức công giáo, những người đang trợ giúp trong thời điểm này.
Đó là một thế giới rộng lớn mà chúng đang quan tâm đến. Ví dụ, với trận động đất ở Haiti, có một số lượng người đông đảo đang vận động để đi giúp đỡ: từ các giáo phận, giáo xứ, các cộng đoàn dòng tu và tổ chức phi chính phủ lấy cảm hứng từ công giáo. Giáo hội là như vậy đó, cùng nhau hướng về Đức Giáo hoàng. Ngài đã thực hiện một dấu chỉ để khích lệ các tín hữu tiếp bước chứ không dừng lại ở đây, tại Việt Nam, Haiti hay một tình trạng khẩn cấp nào khác, với sự trợ giúp của Giáo hội.
Thực tế, chúng tôi không bao giờ dừng lại, vì có rất nhiều bệnh dịch trên thế giới không ngừng phát sinh. Đức Giáo hoàng luôn có nhạy cảm này: nơi nào phát sinh ra những tai ương thì ngài đến đó xức một ít dầu của mình, để khích lệ Giáo hội tiếp bước giúp đỡ mọi anh chị em đang gặp khó khăn.
Các ngân quỹ này sẽ được sử dụng tại địa phương như thế nào?
Sự trợ giúp này của Đức Thánh Cha dành cho các cơ cấu của Giáo hội, nhưng không chỉ vậy, nhiều lần chúng tôi cũng trợ giúp các cơ cấu dân sự đang phải đối phó với đại dịch này. Các biện pháp can thiệp mà chúng tôi thường thực hiện là cung cấp thiết bị bảo hộ cho các y tá và bác sĩ, hoặc giúp mua các thiết bị có thể tìm thấy tại địa phương, chẳng hạn như khẩu trang. Tuy nhiên, mọi việc đều được trao cho Giáo hội địa phương để phân phối và mua thiết bị. Tùy thuộc vào từng khu vực. Có nơi Giáo hội ở đó không có cơ sở y tế, Giáo hội địa phương đối thoại với chính quyền dân sự, còn tùy thuộc vào rất nhiều điều.
Giáo hội Việt Nam đang hoạt động rất tích cực và hiệu quả. Họ có những hoạt động tuyệt vời và tràn đầy sức sống, tôi tin rằng chắc chắn họ sẽ tìm ra cách tốt nhất để có thể sử dụng ngân quỹ. Ở Việt Nam chỉ có một vài cơ sở y tế nhỏ, tuy vậy, chắc chắn chúng sẽ được bén rễ tốt trong khu vực. Đây là một Giáo hội rất bình dân, không có nhiều những công trình kiến trúc lớn, tuy nhiên rất hòa mình vào đời sống của xã hội.
Tại sao Đức Giáo hoàng quyết định gửi tiền thay vì thiết bị y tế hoặc máy thở như ngài đã từng làm trước đây?
Đôi khi chi phí vận chuyển thiết bị y tế lại cao hơn chính nó. Nếu Đức Giáo hoàng nhận được máy thở, ngài sẽ gửi chúng, nhưng đôi khi gửi tiền lại tốt hơn để hỗ trợ nền kinh tế địa phương. Trường hợp của Việt Nam, Đức Giáo hoàng muốn gửi tiền, vì vận chuyển vật tư về Việt Nam chắc chắn phải chi trả một khoản tiền đáng kể.
Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
Tags:
Giáo hội