Bảo vệ môi trường là điều đáng khen ngợi, nhưng không được lơ là trong tiến trình bảo vệ thai nhi và dễ tổn thương.
Trong vài thập kỷ qua, Giáo hội đã nhấn mạnh sự cần thiết phải chăm sóc công trình tạo dựng của Thiên Chúa và làm tất cả những gì có thể để bảo vệ thế giới tự nhiên cho các thế hệ tương lai.
Chúng ta có thể nhìn thấy rõ ràng các mô hình hoạt động môi trường này trong thông điệp Laudato Sì của Đức Giáo hoàng Phanxicô.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một sự tách rời giữa việc bảo vệ môi trường và bảo vệ sự sống con người trong thế giới hiện đại.
Đối với một số nhà hoạt động môi trường, con người được coi như một tai họa cho trái đất, và các biện pháp tránh thai khác nhau được ủng hộ mạnh mẽ để hạn chế dân số.
Cả hai Giáo hoàng Bênêđictô XVI và Phanxicô đều lên tiếng chống lại sự mất kết nối này, đồng thời kêu gọi mọi người tôn trọng môi trường và sự sống con người trong tất cả các giai đoạn của nó.
Trong thông điệp Caritas in veritate, Đức Bênêđictô XVI đã nói rất rõ điều này.
“Để bảo vệ thiên nhiên, thật sự không đủ khi đưa ra những tiêu chuẩn cổ vũ hay ngăn cản, cả việc giáo dục thích ứng cũng không đủ. Đó là những phương thế trợ lực quan trọng, nhưng vấn đề quyết định là thái độ luân lý của toàn thể xã hội. Khi quyền được sống và quyền được chết một cách tự nhiên không được tôn trọng, khi việc thụ thai, mang thai và sinh hạ của con người chỉ được thực hiện theo kỹ thuật, khi các phôi người dành cho việc khảo sát tìm tòi, cuối cùng ý niệm môi sinh nhân bản sẽ bị chao đảo và cùng với nó, ý niệm về môi sinh môi trường cũng bị loại ra khỏi ý thức chung của con người. Thật là một điều nghịch lý khi đòi hỏi các thế hệ mới phải tôn trọng môi trường tự nhiên, trong khi giáo dục và luật lệ không giúp gì để họ tự tôn trọng chính mình” (số 51).
Chúng ta cần có một cái nhìn tổng thể khi bảo vệ thế giới tự nhiên, không đứng về phía nào mà bảo vệ cả thiên nhiên lẫn con người.
Đức Thánh Cha Phanxicô thậm chí còn rõ ràng hơn, chống lại việc phá thai khi đề cập trong thông điệp về môi trường Laudato Si của ngài.
“Vì mọi sự đều có liên hệ với nhau, cho nên việc quan tâm bảo vệ thiên nhiên cũng hoàn toàn không thể chấp nhận được khi biện minh cho việc phá thai. Làm sao chúng ta có thể giáo dục sự quan tâm đến những hữu thể yếu đuối trong hoàn cảnh phiền toái hay bất tiện, nếu chúng ta không bảo vệ một phôi thai người, ngay cả khi sự hiện hữu của nó gây khó chịu và tạo ra nhiều khó khăn? “Nếu mất đi sự nhạy bén của cá nhân và xã hội trong việc đón nhận một sự sống mới, thì tất cả hình thức tiếp nhận những thứ giá trị khác của xã hội cũng trở nên héo khô” (120).
Chúng ta được thử thách để lựa chọn cuộc sống bằng mọi cách, khi trở thành những người quản lý có trách nhiệm của trái đất, nhưng không phải trả giá bằng mạng sống của con người.
G. Võ Tá Hoàng
Tags:
Đời sống