Thánh Helena đã đối diện với cuộc hôn nhân trắc trở như thế nào

Tác giả: Leila Miller
Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ



Chúng ta đang ở trong thời điểm mà nhiều người Công giáo không còn tin rằng có thể sống theo giáo huấn về hôn nhân của Giáo hội… nhưng thực ra đó là điều có thể

Trong hoạt động ngăn chặn việc ly dị, và ủng hộ hôn nhân bền vững theo như ý muốn của Đức Kitô, tôi thường xuyên liên lạc với những người nam và người nữ bị suy sụp, họ là những người bị vợ hoặc chồng ruồng bỏ. Khi chúng ta mừng lễ thánh Helena – vị nữ hoàng, mẹ của vua Constantinô, và quan thầy của những người phụ nữ đã ly dị - tôi bị đánh động bởi sự khác biệt trong cách những người Công giáo đối xử với những người vợ bị bỏ rơi hiện nay và quá khứ.

Chồng của Nữ hoàng Helena, một hoàng đế của Đế quốc Rôma Tây phương, đã ruồng bỏ và ly dị bà rồi kết hôn với người khác. Helena sống độc thân trong khoảng đời còn lại, nhắc nhớ đến lời dạy của thánh Phaolô: “Còn với những người đã kết hôn, tôi ra lệnh này, không phải tôi, mà là Chúa: vợ không được bỏ chồng, mà nếu đã bỏ chồng, thì phải ở độc thân hoặc phải làm hoà với chồng; và chồng cũng không được rẫy vợ” (1Cr 7,10-11).

Vì không bao giờ có cơ hội hòa giải với người chồng ương ngạnh, nên Helena đã kiên định sống cuộc sống của mình như một “người chung thủy” – một người, trong trường hợp này là người vợ, giữ vững lời thề hứa hôn nhân, bất chấp lựa chọn và hành động của người bạn đời bỏ rơi mình.

Chúng ta không thích nói về những người chung thủy trong chính nền văn hóa của mình, vì điều này khiến chúng ta khó chịu khi nghĩ đến việc những người thân yêu của chúng ta phải chịu sự cô đơn lẽ bóng trong suốt phần đời còn lại. Sự bất an lớn hơn nữa có lẽ đến từ một nỗi sợ ẩn khuất của khoảng thời gian chúng ta sống trung thành cho đến chết như đã hứa nếu người bạn đời ra đi. Việc này dẫn đến sự ủng hộ rộng rãi và thậm chí thúc ép việc ly dị, tiêu hôn, và “tiến tới” cuộc tình kế tiếp trong thời đại hôm nay.

Nhưng đâu là chỗ đứng của “những người chung thủy” trong tâm trí của Giáo hội? Sự khôn ngoan xưa cũ của Giáo hội ngày nay vẫn còn đúng đắn như vào thời mà Đức Giêsu và thánh Phaolô khuyên dạy rằng những người phối ngẫu hãy trung thành cho đến cùng, dù bị lìa bỏ. Trong Familiaris Consortio, Thánh Gioan Phaolô II tuyên bố:

“Cộng đồng Giáo hội phải nâng đỡ người ấy hơn bao giờ, phải đem lại cho người ấy sự quí mến, liên đới cảm thông và giúp đỡ cụ thể để người ấy có thể trung thành ngay cả trong tình cảnh khó khăn của mình; phải giúp người ấy biết vun trồng sự tha thứ mà tình yêu thương Kitô giáo đòi hỏi và biết luôn luôn sẵn sàng nối lại cuộc sống vợ chồng trước kia.

Trường hợp một người phối ngẫu bị bó buộc phải chịu ly dị cũng tương tự như thế khi, vì ý thức rõ tính cách bất khả phân ly của dây hôn phối thành sự, người ấy không để mình bị lôi cuốn vào một sự kết hợp mới, nhưng chỉ ra sức chu toàn các bổn phận gia đình và các trách nhiệm Kitô hữu của mình. Lúc đó, chứng tích của họ về sự trung thành và về sự ăn khớp của mình với đời sống Kitô hữu có một giá trị thật đặc thù đối với thế giới và Giáo hội” (FC 83).

Đáng tiếc là trong những ngày này, thánh Helena, cùng với các thánh nữ khác, những người đã giữ vững lời thề hứa hôn nhân dù bị bỏ rơi hay ngược đãi, đang bị xem nhẹ (thậm chí là khinh thường) vì chứng từ anh hùng của mình. Lấy thánh Mônica và Rita làm ví dụ, cả hai là bổn mạng của những người phối ngẫu bị ngược đãi và những người gặp khủng hoảng hôn nhân. Đối với người chồng ngoại giáo có tình tình nóng nảy, thánh Mônica đã cư xử bằng “sự nhẫn nại tuyệt vời và những lời cầu nguyện liên lỉ cùng với hình mẫu về lòng bao dung”. Tương tự như vậy, thánh Rita “đón nhận sự hung bạo [của người chồng] với sự bao dung và nhẫn nại” cùng nhiều năm cầu nguyện và tin cậy vào Chúa. Cuối cùng, cả hai người phụ nữ đã chinh phục được người chồng sắt đá, giúp cho phần rỗi linh hồn của họ (và của cả những đứa con trai ngỗ nghịch).

Hai châm ngôn kể trên là một niềm an ủi cho nhiều độc giả Công giáo trong bất kỳ thời đại nào trước đây. Tuy nhiên, những mẫu gương thánh này lại khó đánh động thế giới đương đại, một thế giới ngày càng mang cảm thức thế tục. Quả đáng buồn khi tôi thậm chí đã chứng kiến một số người Công giáo lên án những vị thánh này, xem họ là những chứng nhân hết sức vô trách nhiệm và cực kỳ nguy hiểm.

Nếu chúng ta cảm thấy khó chịu vì đời sống và lựa chọn của những phụ nữ thánh thiện này, có vẻ chúng ta có ba lựa chọn để ứng xử: xem thường, tha thứ, hoặc viết lại câu chuyện lịch sử.

Việc xem thường cách công khai thường ít gặp, dù không phải chưa từng nghe đến. Một số sẽ tha thứ cho những người phụ nữ này khi một mực cho rằng Helena, Monica và Rita chắc chắn sẽ không hành động như vậy trong thời đại khai sáng ngày nay. Họ cho rằng văn hóa thời đó còn lạc hậu và phụ nữ chịu áp bức, như thế, họ không phải là những hình mẫu chuẩn mực cho phụ nữ hiện đại, dù cho họ có “thánh thiện về mặt cá nhân” đi nữa. Còn một số sẽ viết lại hạnh tích, biến những người phụ nữ vui lòng nhận chịu thập giá nặng nề trong hoàn cảnh sống của họ trở thành nét đặc trưng của phong trào nữ quyền: “Cô ấy là một phụ nữ mạnh mẽ và gan dạ!”.

Giờ đây, chúng ta cùng làm rõ vấn đề này! Giáo hội không đòi hỏi người phối ngẫu bị ngược đãi phải ở lại và chịu ngược đãi thêm. Theo giáo luật, trong các trường hợp ngoại tình ngoan cố, “gặp nguy hiểm nghiêm trọng về tinh thần hay thể xác”, hoặc những hoàn cảnh không thể cứu vãn, việc ly thân của cặp phối ngẫu được chấp nhận với phép của giám mục, nhưng “trong tất cả mọi trường hợp, khi hết lý do ly thân thì phải lập lại cuộc sống chung vợ chồng” (Giáo luật 1151-1155). Việc ly thân này cũng không phải được cho phép bằng mọi giá như cách hiểu hiện nay – thông điệp Arcanum Divinae của Đức Giáo hoàng Lêô XIII ban hành năm 1880 là một ví dụ. Và dù ly dị dân sự có thể được “cho phép” trong các tình huống được hạn định, nhưng dây hôn phối vẫn còn nguyên vẹn (ly dị dân sự không làm cho một người trở nên “độc thân”), và điều mà Giáo hội – và cả Đức Kitô – hy vọng luôn là sự tái hợp.

Nhưng sự thật đáng tiếc là quan điểm của Giáo hội về vấn đề này – cặp phối ngẫu phải tích cực hướng tới sự tái hợp, ngay cả trong những hoàn cảnh có vẻ bất khả thi – đã bị thời hiện đại cự tuyệt. Chúng ta đang sống trong một môi trường mà khi các linh mục hay bạn bè khuyên người khác chiến đấu cho cuộc hôn nhân của mình hay ở lại khi gặp khó khăn, thì những người Công giáo lại xem đó là chuyện mà những người phụ nữ như thánh Mônica hay Rita mới làm được. Và một số phụ nữ, những người được thôi thúc cứu vãn cuộc hôn nhân đầy tranh cãi hay bất ổn, phải đối diện với thứ được mô tả là “sự ở lại nhục nhã” – tức bị bỏ rơi trong một cuộc hôn nhân mà mình không muốn lìa bỏ là một điều nhục nhã.

Tiến sĩ Ronda Chervin, trong cuốn Avoiding Bitterness in Suffering, đồng tình với sự tế nhị mà ít người Công giáo đương đại dám làm theo:

“Đôi khi người phụ nữ, nghĩ rằng Chúa Thánh Thần đang kêu gọi họ phản kháng lại sự ngược đãi hoặc tố cáo những người chồng của mình, cảm thấy mình phải phê phán những người phụ nữ bất hạnh trong hôn nhân khác, những người chọn… con đường nương náu trong tình yêu của Đức Kitô và dâng lên nỗi đau khổ vì chồng con và những ý hướng tốt đẹp khác. Đôi khi những nữ [chọn ở lại] sẽ bị sự dữ dội của những phụ nữ hung hăng làm cho sợ hãi” (tr. 158).

Tôi tán thành với cách xử lý của Chervin trong đề tài nhạy cảm này. Không một phụ nữ nào phải chịu sỉ nhục vì lựa chọn ở lại với người chồng hay trung thành với lời thề hứa của mình. Việc công kích bằng cụm từ “sự ở lại nhục nhã” thường giống như một sự bắt nạt, và nó không có chỗ đứng trong đời sống Kitô giáo.

Bạn của tôi, tiến sĩ Hilary Towers từng lưu ý: “Giáo hội có vẻ đang thực sự phải vật lộn với vấn đề liệu có nên tiếp tục lập trường về tình yêu để đòi hỏi sự chung thủy trọn đời của tất cả - chứ không chỉ phần lớn - các cặp hôn phối”. Cô ấy cho rằng việc rời bỏ thập giá nặng nề trong hôn nhân “có vẻ làm cho những người thân yêu của chúng ta cảm thấy hạnh phúc trở lại, do đó, chúng ta khuyến khích họ” thực hiện điều đó. Về mặt mục vụ, cô nghĩ rằng Giáo hội có vẻ quay lưng với việc hướng tới sự tái hợp (quan niệm truyền thống của Giáo hội) và hướng đến việc tìm kiếm những cách thức để miễn trừ cho các cặp đôi khỏi những nghĩa vụ mà họ thề hứa.

Xin nhắc lại vấn đề mà nhiều người còn chưa chắc chắn: Có còn ổn thỏa hay không khi noi gương và bắt chước thánh Helena cùng những vị thánh nữ thời xưa khác, những người mà đời sống và sự lựa chọn của họ có vẻ không phù hợp với tiếng nói của nền văn hóa chúng ta? Tốt đẹp lắm chứ! Đức tin của chúng ta không thay đổi. Nhân đức không thay đổi. Đức Kitô không bao giờ thay đổi. Tôn vinh thánh Helena, vị bảo trợ cho những người phụ nữ đã ly hôn, vì sự kiên vững trong đức tin của ngài sau khi bị bỏ rơi, vẫn còn và luôn luôn chính đáng. Cũng tương tự như vậy đối với thánh Mônica và Rita, những vị bảo trợ của những người phối ngẫu bị ngược đãi và những người gặp khủng hoảng hôn nhân; các ngài, nhờ sự thánh thiện mình, đã yêu thương người chồng như cách mà Đức Kitô yêu thương chúng ta.

Chúng ta đang ở trong thời điểm mà nhiều người Công giáo không còn tin rằng có thể sống theo giáo huấn của Giáo hội về hôn nhân, tính dục, và sự chung thủy trọn đời. Nhưng thực ra là điều có thể. Đó là điều có thể thực hiện, đã được thực hiện, và phải được thực hiện nếu chúng ta muốn tránh cho một thế hệ nữa chịu sự đánh dấu của hỗn loạn và tan vỡ nơi gia đình.

Mới hơn Cũ hơn