Có thể Chúa Giêsu đã cử hành Bữa Tiệc Ly, Thánh lễ đầu tiên, bằng ngôn ngữ phổ biến của Ngài.
Bữa Tiệc Ly được người công giáo xem như việc thiết lập Bí tích Thánh Thể chính thức, mở đầu cho việc cử hành phụng vụ Thánh Lễ.
Mặc dù ngày nay Thánh lễ được cử hành bằng nhiều thứ tiếng khác nhau trên thế giới, nhưng có thể Chúa Giêsu đã dùng công thức thiết lập Thánh Thể bằng tiếng mẹ đẻ của mình.
Vào thế kỷ I, ở Palestine, có ba ngôn ngữ được sử dụng trong dân chúng: Tiếng Aram, Hy Lạp và Do Thái. Mỗi ngôn ngữ đều có chức năng riêng của nó và được sử dụng bởi từng nhóm cụ thể.
Tiếng Aram được các học giả chấp nhận rộng rãi xem như ngôn ngữ chính mà Chúa Giêsu đã nói.
Tiếng Do Thái được duy trì bởi các nhà lãnh đạo tôn giáo Palestine ở thế kỷ đầu, nhưng nó không phải là ngôn ngữ phổ biến mà ai cũng biết nói. Chúa Giêsu đã chứng minh rằng Ngài có thể đọc tiếng Do Thái khi cầm được cuộn sách trong hội đường (Lc 4, 16-30), nhưng hầu hết các môn đệ của Ngài đều mù chữ, không biết tiếng Do Thái.
Ngày nay tiếng Aram vẫn được sử dụng trong nghi lễ Maron (thuộc Liban).
Trong số các truyền thống phụng vụ của Giáo hội ngày nay, tiếng Aram vẫn được dùng cho các công thức thiết lập Thánh Thể theo nghi lễ Maron.
Theo Giáo phận thánh Maron [Eparchy of St. Maron], “Phụng vụ Maron là phụng vụ nguyên thủy được phát triển ở Antiôkia bằng tiếng Aram ngay sau thời các Tông đồ… Các ngôn ngữ trong phụng vụ Maron là tiếng Syro-Aram cổ được dùng trong một số phần cố định (Trisagion[1], Qadishat aloho; hai cách đến gần bàn thờ; truyền phép bánh và rượu).
Đó là cách độc nhất vô nhị để trải nghiệm phụng vụ, nghe công thức thiết lập Bí tích Thánh thể bằng ngôn ngữ mà Chúa Giêsu đã dùng.
---------------
[1] Trisagion: Tam Thánh Ca [(a) Lập lại ba lần tán dương Thiên Chúa, như trong sách Isaia 6,3 (b) Một loại ứng đáp hay tán tụng ngắn mà Giáo Hội đông phương thường dùng].
G. Võ Tá Hoàng
Tags:
Kiến thức công giáo