Harrison Garlick
WGPQN (21.6.2021) – Sách đầu tiên của Kinh Thánh là cuốn nào? Nếu bạn trả lời là Tin Mừng Gioan thì bạn đã không đi quá xa lắm đâu bởi vì Tân Ước có thể được đọc như một cuốn Sáng Thế Ký mới. Đây là trình thuật tạo dựng mới, với Ađam và Evà của riêng mình, vườn địa đàng và cây trái cũng như những dòng nước nguyên thủy của mình.
Mở đầu Tin Mừng Gioan mời gọi chúng ta xem xét sự so sánh này (Ga 1,1-3): Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành.
Lời mở đầu này là một ám chỉ có chủ ý đến mở đầu của Sáng Thế Ký: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất” (Stk 1,1). Bên dưới từ Lời là một từ Hy Lạp: Logos. Từ logos có nghĩa là “lý luận”, “giải thích một điều gì đó” hay “nguyên lý trật tự của một sự việc”. Nếu Socrates tìm cách hiểu sự công bình, thì ông đang tìm kiếm logos của sự công bình. Aristotle dùng từ logos theo nghĩa là một sự hấp dẫn đối với tri thức – đưa ra một lập luận để chứng minh tính phải lẽ của một sự vật. Ở đây Thánh Gioan dùng Logos để diễn tả Ngôi Hai trong Chúa Ba Ngôi. Logos là sự giải thích của mọi sự, nguyên lý trật tự của mọi tạo dựng. Mọi thực tại được sắp xếp trật tự và được tạo thành qua Logos này. Chính Logos này đã nhập thể. Thánh Gioan viết: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Nguyên lý trật tự của mọi tạo dựng đã đến với thụ tạo của mình và trở nên phàm nhân. Thánh Gioan bọc lấy trình thuật nhập thể trong ngôn ngữ khai mở cho một tạo dựng mới.
Rồi Thánh Phaolô so sánh Logos làm người, Đức Giêsu Kitô, với con người đầu tiên là ông Ađam (Rm 5,12-21; 1 Cr 15,20-28, 45-50; Cl 1,15-20). Ngài nói về nhân loại dưới sự cầm đầu của Ađam cũ và những hệ quả của tội nguyên tổ cũng như sự cứu rỗi nằm trong việc chuyển quyền cầm đầu đến Ađam mới là Đức Giêsu Kitô. Trong tiếng Latinh, capit có nghĩa là “đầu”, decapitate có nghĩa là “chặt đầu”, recapitulate có nghĩa là “thay thế đầu” hay thay mới. Tân Ước là câu chuyện của sự thay mới: Ađam mới canh tân mọi sự, một Sáng Thế Ký mới. Ơn cứu rỗi của chúng ta dưới sự cầm đầu của Ađam mới làm sáng lên hiệu quả cứu rỗi của việc là một phần trong thân thể Ngài là Giáo Hội, và lãnh nhận mình, máu, linh hồn và thần tính Ngài trong bí tích Thánh Thể. Cũng như vợ chồng, có sự hòa lẫn nhau ở đây, và cả hai nên một thân xác – Đức Kitô và hôn thê của mình là Giáo Hội. Thánh Phaolô đẩy xa hơn ý niệm về sự thay thế đầu bằng cách sử dụng ngôn ngữ tạo dựng để diễn tả sự tái sinh của chúng ta trong Đức Giêsu Kitô (2 Cr 5,17: “Phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi”). Như Thiên Chúa kéo thụ tạo ra khỏi những dòng nước nguyên thủy trong Sáng Thế Ký, Ngài cũng kéo chúng ta như những thụ tạo mới trong Đức Kitô ra khỏi dòng nước rửa tội.
Cách đọc này được gọi là ẩn dụ (allegorical) và là một phương pháp đọc Kinh Thánh thông dụng nơi các Giáo phụ sơ thời. Phương pháp này vẫn còn được Giáo hội ngày nay dạy, như sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (CCC) giải thích (115-19). Ý nghĩa ẩn dụ làm chúng ta quen thuộc với cách mà một điều này có thể làm mẫu tiên trưng (type) cho một điều khác (CCC số 117)[1].
Nghiên cứu những mẫu tiên trưng được gọi là cách đọc tiên trưng (typology). Chẳng hạn, Đức Kitô mẫu tiên trưng của Ađam, và Ađam là mẫu tiên trưng của Đức Kitô. Sự tiên trưng được thể hiện giữa Ađam và Đức Kitô là ví dụ đặc biệt của mối tương quan ẩn dụ rộng rãi hơn giữa hai Giao Ước. Như Giáo Hội dạy: “Tân Ước được ẩn tàng trong Cựu Ước, còn Cựu Ước được tỏ bày trong Tân Ước” (CCC số 129)[2]. Những khuôn mẫu trong Cựu Ước sẽ tiên trưng cho Tân Ước, và những khuôn mẫu trong Tân Ước sẽ hoàn thiện Cựu Ước.
Theo đuổi nguyên tắc này, chúng ta có thể xem xét những điều tương tự khác giữa trình thuật tạo dựng trong Sáng Thế Ký và Tân Ước.
Như Ađam cũ có bà Eva của mình, Ađam mới cũng có bà Eva của mình. Bà Eva nghe lời của con rắn là Satan, và như thế sự kết án đã đi vào thế gian. Đức Maria lắng nghe lời thần sứ Gabriel, và sự cứu rỗi đã đi vào thế gian. Như Thánh Irênê, giám mục thành Lyon vào thế kỷ II, đã dạy: “Nút thắt của sự bất tuân nơi Eva đã được sự tuân phục của Maria tháo mở” (Contra Haereses 3.22.4). Và “vì trinh nữ Eva đã bị buộc chặt do không tin thì đã được trinh nữ Maria cởi trói qua lòng tin”. Đức thánh nữ trinh Maria đã cung cấp sự cứu chuộc của nữ tính và mẫu tính. Nơi mà Eva được kéo ra khỏi Ađam thì Ađam mới cũng được kéo ra khỏi Maria. Như Ađam cũ và bà Eva được tạo dựng trong ân sủng của Thiên Chúa thì Ađam và Eva mới cũng không có vết nhơ của tội nguyên tổ. Eva là “mẹ của chúng sinh”, nhưng Maria là mẹ của tất cả những ai sống trong Đức Kitô. Trong tất cả những người này, một người nữ là Đức Maria đã được tôn vinh là thụ tạo cao cả nhất trong các loài thụ tạo.
Hiểu về Đức Kitô và Đức Maria như là Ađam và Eva mới cho phép cách đọc so sánh giữa Sáng Thế Ký và Tân Ước để trổ sinh ra nhiều ẩn dụ vững vàng.
Cây biết lành dữ tiên trưng cho cây thập giá. Trong khi Ađam và Eva hái lượm trái ở cây lành dữ, nhân loại sa ngã trong tội, thì Ađam và Eva mới thu hoạch nơi cây thập giá, và nhân loại được cứu rỗi (1 Pr 2,24; Cv 5,30; 10,39; 13,29; cũng xem Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae III q. 46 a. 4). Hơn nữa, có một sự hoàn thiện nào đó nơi cây thập giá như là một khuôn mẫu tiên trưng của cây duy nhất trong việc hiểu biết Đức Kitô – là Logos, chân lý – mà chúng ta được ban cho sự khôn ngoan vượt xa bản tính của chúng ta để biết điều lành và điều dữ. Thêm vào đó, Vườn Địa Đàng – với những con sông chảy ra từ đó – được đặt trên một ngọn núi và được dùng như mẫu tiên trưng cho núi Calvariô hay Golgotha.
Chúng ta cũng so sánh những hoa trái của hai cây này. Ăn trái cây biết lành dữ mang đến sự sa ngã của nhân loại. Ăn trái cây thập giá là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, điều đó mang lại ơn cứu rỗi. Vì bà Elisabét đã loan báo với Đức Maria rằng “Phúc thay hoa trái của bụng dạ em” (Lc 1,42), và Đức Kitô khẳng định chúng ta phải ăn chính hoa trái này để được cứu rỗi (Ga 6,22-71).
Cách đọc tiên trưng về hoa trái đưa chúng ta về lại bài học đầu tiên của ẩn dụ này: ơn cứu rỗi của chúng ta nằm trong việc đặt chính mình dưới quyền thủ lãnh của Ađam mới. Chúng ta được rút ra cách mới mẻ từ dòng nước rửa tội, được nuôi dưỡng bởi hoa trái của Tân Ước và trở thành một phần thân thể của Ađam mới. Chính trong và qua Đức Kitô mà chúng ta tìm thấy ơn cứu rỗi và vị trí của mình trong tạo dựng mới.
Nguồn: gpquinhon.org
Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
--------------------
[1] Nghĩa ẩn dụ: Chúng ta có thể hiểu biết các biến cố một cách sâu xa hơn khi nhận ra ý nghĩa của chúng trong Đức Kitô. Thí dụ cuộc vượt qua Biển Đỏ là dấu chỉ cuộc chiến thắng của Đức Kitô, và do đó cũng là dấu chỉ của bí tích Rửa Tội (CCC số 117).
[2] Do đó các Kitô hữu đọc Cựu Ước dưới ánh sáng của Đức Kitô, Đấng đã chết và sống lại. Cách đọc tiên trưng này làm tỏ hiện nội dung vô tận của Cựu Ước. Tuy nhiên không được quên rằng Cựu Ước vẫn có giá trị riêng của nó trong mạc khải, mà chính Chúa chúng ta đã xác nhận. Đàng khác,Tân Ước cũng cần phải được đọc dưới ánh sáng Cựu Ước. Việc dạy giáo lý Kitô giáo thời sơ khai đã luôn trở về với Cựu Ước. Theo một châm ngôn cổ, Tân Ước được ẩn tàng trong Cựu Ước, còn Cựu Ước được tỏ bày trong Tân Ước: “cái Mới tiềm ẩn trong cái Cũ, còn cái Cũ xuất hiện trong cái Mới” (CCC số 129).
Tags:
Thần học