LỄ CHÚA BA NGÔI (Năm B)
Khi quán trọ cuộc đời có “BA VỊ KHÁCH QUÍ”
Dẫn nhập đầu lễ :
Kính thưa ông bà anh chị em,Chúng ta đang họp nhau cử hành một mầu nhiệm trọng đại và trung tâm nhất của đức tin Kitô giáo : Mầu nhiệm Một Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhưng cũng là một mầu nhiệm gần gũi và thân thương nhất đi theo chúng ta trên “từng cây số đức tin”, trong từng hành vi nhỏ nhặt đời thường hay trong những biến cố vui buồn trọng đại. Chính vì thế, Dân Chúa tuyên xưng và kính nhớ thường xuyên mầu nhiệm nầy từ cử hành giản đơn “làm dấu Thánh Giá” trên mình cho tới những cử hành phụng vụ long trọng nhân danh Ba Ngôi, từ những bản tuyên xưng đức tin ngắn gọn như kinh Sáng Danh, kinh Tin Thật…cho đến những khảo luận thần học uyên bác của các vị Tiến sĩ lừng danh. Riêng với chúng ta hôm nay, bằng tất cả tâm tình tri ân cảm tạ, chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi là tình yêu muôn thuở và nỗ lực qui hướng cuộc đời theo dấu vết hiệp nhất, sáng tạo và yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Giảng Lời Chúa :
Trong mặc khải Thánh Kinh, có lẽ các bản văn trình bày mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi chiếm một chỗ rất khiêm tốn. Câu văn nổi tiếng nhất nói về Thiên Chúa Ba Ngôi được tìm thấy trong Tin Mừng Matthêô đoạn 28, câu 19 mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng vừa được công bố: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Và Phụng vụ đã không ngần ngại chọn lời chào chúc cuối thư 2 của Thánh Phaolô gởi giáo đoàn Côrintô làm lời chào chúc nhân danh Chúa Ba Ngôi để khởi đầu Thánh lễ : “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần…” (2 Cr 13,13).
Tuy nhiên, trong Tin Mừng, chúng ta lại gặp thấy một hình ảnh rất sống động, giàu ý nghĩa trình bày huyền nhiệm Ba Ngôi trong một khung cảnh thật trang trọng : Quang cảnh mạc khải huyền nhiệm Ba Ngôi bên bờ sông Giođan khi Chúa Giêsu chịu phép rửa : “Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí tựa chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng ; “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về con”.
Trong khi đó, niềm tin của Dân Chúa vào mầu nhiệm Ba Ngôi suốt hai mươi thế kỷ qua, kể từ khi được Đức Kitô mặc khải : “Ai thấy ta là thấy Cha…Cha và Ta là một….Ta sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác để ở cùng anh em luôn mãi”…, niềm tin đó vẫn xuyên suốt tín trung với hai bản Tuyên Xưng đức tin được gọi là Hai Kinh Tin Kính : Kinh Tin Kính Các Tông Đồ và Kinh Tin Kính Nicêa-Constantinopoli.
Dầu cho Thánh Kinh và Thánh Truyền có lên tiếng thế nào đi nữa, dầu cho mặc khải của Thiên Chúa có tích cực và rõ nét đến mấy, thì điều khẳng quyết của nhân loại vẫn là : Thiên Chúa luôn là một Huyền Nhiệm trên mọi huyền nhiệm, một ẩn số của mọi ẩn số. Quả thật, cho đến mãi hôm nay, “tờ lý lịch của Thiên Chúa” vẫn còn “dang dở” để con người mò mẩm tiếp cận trong băn khoăn thao thức tới khi nào “được an nghỉ trong Chúa” (St. Augustinô)…
Tuy nhiên, cái chân lý nhiệm mầu cao cả tưởng đâu cứ “xa tắp trên chín tầng mây” đó lại là một “sự sống đang bao trùm mọi sự sống”, là một tình yêu đang đốt nóng mọi trái tim, là một hiện hữu đang đồng hành và sánh bước với mọi thân phận người trên mọi nẽo đường trần thế. Vâng, đó chính là dung mạo Thiên Chúa của Người kitô hữu, Thiên Chúa được Đức Kitô mạc khải cho nhân loại, Thiên Chúa Ba Ngôi, Cha, Con, Thánh Thần ; vì trong Đức Kitô “Thiên Chúa đã trở thành xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta”.
1. Dung mạo đầu tiên của Thiên Chúa Ba Ngôi : Tình yêu sáng tạo và cứu độ
Không phải đợi cho đến Thánh Gioan Tông Đồ phát biểu : “Thiên Chúa là tình yêu”, mà hàng ngàn năm trước, các tổ phụ, các sứ ngôn cũng đã từng tuyên bố : “Có người mẹ nào không thương con dạ nó mang ? Nhưng nếu có người mẹ nào như thế đi nữa, thì riêng Ta, Ta không bao giờ quên ngươi. Thiên Chúa toàn năng đã phán như thế.” (Isaia). Và bước thể hiện đầu tiên của Thiên Chúa Ba Ngôi đó chính là Thiên Chúa của Tình Yêu sáng tạo và cứu độ.
Trích đoạn ngắn ngủi sách Đệ Nhị Luật trong BĐ 1 vừa được công bố đã dạy chúng ta như Môsê đã dạy dân Ít-ra-en thuở trước rằng : Thiên Chúa Ba Ngôi mà chúng ta tuyên xưng hôm nay chính là Thiên Chúa Toàn năng đã sáng tạo vũ trụ vạn vật và con người, đã thiết lập chương trình cứu độ qua việc chọn lựa và giải thoát Dân Riêng… Đó chính Thiên Chúa độc nhất, chân thật mà không có một ai khác, một thần nào khác sánh bằng.
Vâng, tin vào một Chúa Ba Ngôi có nghĩa là tin vào một Đấng Tạo Hóa, một Thiên Chúa dựng nên ta, một Tình yêu vĩ đại đã tác tạo ta thành người, đã cứu độ ta khỏi kiếp nô lệ tội lỗi và là Đấng đang đồng hành với chúng ta trên mọi nẽo đường cuộc sống.
Tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi đó là tin vào một Thượng Đế có thể cảm thông sự yếu hèn của phận người để khoan dung tha thứ, là tin rằng : “Cha chúng con ở trên trời sẵn sàng ban cho lương thực hằng ngày và tha nợ chúng con”, là tin vào một Đấng Cứu Thế sẵn sàng biết chia sẻ và cho đi, sẵn sàng trở nên nghèo hèn và yếu đuối, sẵn sàng bị đóng đinh để chết vì yêu thương. Tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi đó chính là tin một Thiên Chúa “không nỡ bẻ gãy cây lau bị dập”, một Thiên Chúa quan phòng chăm sóc từng con chim sẻ trên cây, từng cây huệ ngoài đồng. Thiên Chúa Ba Ngôi, đó chính là Chúa Cha trong hình ảnh “Người Cha già nhớ thương đứa con trai hoang đàng, chiều chiều ra ngõ vắng đón đợi, là Chúa Con trong hình ảnh “Vị Mục tử sẵn sàng bỏ chín mươi chín con chiên trong đàn để đi tìm một con chiên lac.” Đó cũng chính là Chúa Thánh Thần mà Thư Rôma trong BĐ 2 hôm nay đã ân cần nhắc bảo chúng ta rằng : “Chúng ta không lãnh nhận Thần Khí để trở thành nô lệ và sợ hải, nhưng là Thần Khí làm cho nên nghĩa tử để thốt lên cách thân thương : Áp-ba ! Cha ơi”.
Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng có được niềm tin như thế. Rất nhiều khi, chúng ta bị cám dỗ rơi vào một khoảng hồ nghi mà ở đó, Chúa như trốn biệt đâu mất. Cũng có khối người, với não trạng thực dụng và duy vật, cứ đòi cho bằng được phải chứng minh cụ thể, phải chứng nghiệm rõ ràng bằng mắt thấy tai nghe tay rờ được thì mới chấp nhận, mới tin sự hiện hữu của Thiên Chúa. Đó là một thách thức điên rồ kiểu Tôma mà một số không nhỏ nhân loại muôn nơi muôn thuở vẫn đặt ra trước huyền nhiệm thẳm sâu về Thiên Chúa.
2. Dung mạo thứ hai của Thiên Chúa Ba Ngôi : Cộng đoàn yêu thương hiệp nhất
Hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi luôn gợi lên một cộng đoàn, một gia đình. Gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa : Cha Con Thánh Thần. Mà không phải chỉ gợi lên, đó chính là căn tính, là bản chất của sự sống bên trong Thiên Chúa. Bởi vì, nếu Thiên Chúa là tình yêu, thì Thiên Chúa phải là sự hiệp nhất. Tình yêu luôn đòi sự nối kết. Và Thiên Chúa Ba Ngôi chính là sự nối kết tuyệt vời nhất, cao sâu nhất, bền vững nhất. Đức Kitô đã bộc lộ sự hiệp nhất đặc biệt nầy trong “lời nguyện tế hiến” trong bữa tiệc ly trước khi đi vào cuộc khổ nạn : “Xin Cha cho chúng được nên một như chúng ta là một”. Tuyên xưng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi chính là sống tình hiệp nhất trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Trong một thế giới còn rạn nứt vì bao vết thương của chia rẽ hận thù, chiến tranh bạo lực, những người tin vào mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi lại phải cố gắng hơn đem lời Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô Assisi vào đời thường cuộc sống : “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm….”. Ước gì mỗi một gia đình Kitô hữu là một cộng đoàn phản ảnh dung mạo Ba Ngôi. Cha Mẹ Con Cái hiệp nhất với nhau trong tình yêu Thiên Chúa và nhờ tình yêu Thiên Chúa thánh hóa và thăng tiến mỗi ngày.
Ngày xưa, đã có lần Tổ phụ Áp-ra-ham và người vợ hiền yêu quí Xa-ra hân hoan và trân trọng đón tiếp “Ba Vị Khách Quí” đến viếng thăm tại cụm sồi Mam-rê, mà theo các nhà chú giải Thánh Kinh, đó chính là hình ảnh tiên báo về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi (St 18,1-15). Sau đó, gia đình nầy đã được chúc phúc và đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử cứu rỗi. Ước gì, mọi gia đình kitô hữu hôm nay cũng mở rộng cánh cửa tâm hồn để trân trọng đón tiếp Ba Ngôi Thiên Chúa như thế. Hãy vững tin rằng, khi “quán trọ cuộc đời được Ba Vị Khách Quí, là chính Thiên Chúa Ba Ngôi viếng thăm, thì sẽ bừng sáng lên tin yêu và hy vọng, niềm vui và hạnh phúc. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta không chỉ tuyên xưng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cách công thức, sáo mòn ngoài miệng lưỡi, mà nhất thiết, phải sống tích cực niềm tin Thiên Chúa Ba Ngôi bằng cuộc dấn thân sáng tạo, yêu thương, truyền giáo và hiệp nhất. Và sự dấn thân đó phải bắt đầu từ trong cộng đoàn gia đình, một cộng đoàn phản ảnh chính cộng đoàn tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. Chính trong ý nghĩa và niềm ước vọng đó, chúng ta hãy thân thưa cùng Thiên Chúa Ba Ngôi :
Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho các kitô hữu chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của thế giới.
Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
biết quảng đại cho đi
và khiêm nhường nhận lãnh.
Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
Lm. Trương Đình Hiền
Tags:
Suy niệm B