Peter J. Leithart
Lòng đạo đức và nghệ thuật Kitô giáo thường chú trọng đến những vết thương thể lý của Đức Giêsu khi bị tra tấn, ra tòa và chết trên thập giá. Thánh Bernard Clairvaux đã viết những vần thơ suy niệm về những phần thân thể bị thương tích của Đức Giêsu, và Dietrich Buxtehude đã phổ nó thành nhạc. Thánh Bridget Thụy Điển đã sáng tác một tập những lời cầu nguyện hằng ngày để tưởng nhớ đến 5.480 thương tích của Đức Giêsu, và những dấu đinh như của Thánh Phanxicô Assisi được cho là đồng hóa trọn vẹn với sự đau khổ của Đức Giêsu khi những vết thương của Ngài xuất hiện trên thân thể các thánh nhân. Grunewald đã vẽ một Đức Kitô vặn vẹo trên thập giá thô kệch và nhiều cây thập giá hiện đại đã phác họa nên cơn hấp hối hết sức đau đớn của Ngài. Những suy niệm này có thể không lành mạnh, nhưng lòng đạo đức này như là những cửa ngõ để ta “chiêm niệm tình yêu của Ngài dành cho bạn, cho tôi và cho mọi người”, theo như lời của Đức thánh cha Phanxicô.
Những suy niệm này có tính giáo dục song không nói lên trọng tâm của các Tin Mừng theo quy điển nhấn mạnh đến nỗi đau về những mối “tương quan” hơn là đau đớn thể lý. Ngài đến với dân Ngài, nhưng họ yêu thích Caesar hơn vua Nước Trời của họ. Trong ba năm, Đức Giêsu và các môn đệ cùng đi với nhau, rao giảng cùng nhau, chữa lành và cùng nhau đuổi quỷ. Họ chia sẻ những bữa ăn và trong chốn riêng tư Đức Giêsu đã dạy họ những bí ẩn của Nước Trời. Nhưng ở cao điểm sứ vụ, các môn đệ đã chạy tán loạn. Giuđa phản bội, Phêrô chối Ngài, và mười môn đệ khác đã nhanh chóng tẩu thoát khi có những dấu hiệu nguy hiểm đầu tiên. Bởi vì họ từ chối lời khuyên “vác thập giá và đi theo” nên Đức Giêsu phải một mình đi đến thập giá.
Cuối cùng, nhóm Mười Một tụ họp nhau lại, sự phân tán và tụ họp lại là chìa khóa cho “thần học đền tội” (atonement theology) của các Tin Mừng. Đức Giêsu chết cho các bạn mình, tức nhóm Mười Hai. Người Rôma không giết hết mọi thành viên trong nhóm phản loạn của người Do Thái nhưng chỉ người cầm đầu. Và Đức Giêsu không chết mãi cho nên các môn đệ đã quay trở lại để tiếp tục sứ vụ. Cuộc đóng đinh và sự phục sinh đồng thời cũng là sự phân tán và tái hợp của tính tông đồ, và cái sau cũng quan trọng như cái trước. Toàn thể Đức Kitô, totus Christus, đã đi qua cái chết đến sự sống. Mặc dù sự cứu rỗi thế gian tùy thuộc vào sự phục sinh của Đức Giêsu, song “Đạo” (Way) sẽ vẫn chết non nếu các tông đồ không chỗi dậy một lần nữa. Không có sự phục sinh của họ, không có Giáo Hội, không có Kitô giáo.
Để nhìn thấy toàn bộ trình tự này, bạn phải đọc cả bốn Tin Mừng. Các Tin Mừng Nhất Lãm (Matthêô, Marcô, Luca) kết thúc với sự lưỡng lự về tương lai của các tông đồ. Nhóm Mười Hai hoàn toàn vắng mặt trong những chương cuối của Tin Mừng Matthêô. Sau khi Giuđa đem trả lại đền thờ những đồng tiền nhuốm máu thì không có người môn đệ nào được gọi tên ra nữa (Mt 27,1–10). Một ông Simon khác, không phải Phêrô, đã vác đỡ thập giá cho Đức Giêsu (Mt. 27,32). Tại sao không phải là Simon Phêrô, Tảng Đá, vác thập giá? Trong Tin Mừng Matthêô, nhóm Mười Hai chỉ trở lại ở đoạn cuối cùng, như một tập thể rút gọn lại, nhóm “Mười Một” (Mt. 28,16). Nếu bạn lấy đoạn kết ngắn của Tin Mừng Marcô, Phêrô được kể tên nhưng không xuất hiện (Mc 16,7). Trong đoạn kết dài, nhóm “Mười Một” lộ diện nhưng không nêu tên ai cả (Mc 16,14). Nếu đoạn gây tranh cãi Luca 24,12 là đúng, Luca chỉ ghi lại hành động của Phêrô sau phục sinh. Nói chung, Luca vẫn bám sát Matthêô và Marcô khi phác họa các môn đệ là nhóm “Mười Một” (Lc 24,33).
Cũng không có vị tông đồ nào lên tiếng trong các chương kết của các Tin Mừng Nhất Lãm. Trong Matthêô, Giuđa nói lên những lời cuối cùng trong nhóm Mười Hai: “Tôi đã phạm tội nộp người vô tội” (Mt 27,4). Trong Luca, lời cuối cùng là lời từ chối của Phêrô: “Tôi không biết anh nói gì” (Lc 22,60). Hai môn đệ trên đường Emmaus thì nói nhiều, nhưng nhóm Mười Một vẫn im lặng (Lc 24,13–36). Hẳn nhiên, Luca có nhiều chuyện để nói hơn, khi câu chuyện của ngài được tiếp tục trong sách Công vụ. Ngay từ đầu sách Tông Đồ Công Vụ, nhóm Mười Một tụ họp lại và được kể tên (Cv 1,13) rồi lại phát biểu, bắt đầu với Phêrô (Cv 1,15–22). Cũng như trong Tin Mừng Luca, nhóm Mười Hai cũng im lặng trong Matthêô và Marcô.
Vài môn đệ của Đức Giêsu hiện diện và được nêu tên dưới chân thập giá ngôi mộ. Hầu hết họ là phụ nữ, những môn đệ vô hình theo Đức Giêsu từ Galilê và bước ra ngoài bóng tối sau cái chết của Ngài (Mt 27,55). Các phụ nữ thấy thiên thần, nhận lấy tường thuật đầu tiên về sự phục sinh, và trở thành sứ giả cho các sứ giả tông đồ. Hai người được nêu tên là “Maria”, Maria Mađalêna và một “Maria khác” (Mt 27,61). Cùng với ông Giuse Arimathea (Mt 27,57), họ chăm sóc xác Đức Giêsu. Dưới chân thập giá, những cái tên “Maria” và “Giuse” xuất hiện cùng nhau, như lúc mở đầu Tin Mừng Matthêô. Không giống như nhóm Mười Hai, những bà “Maria” và ông “Giuse” này chuẩn bị cho cuộc tái sinh của Đức Giêsu từ một ngôi mộ chưa chôn cất ai, một ngôi mộ “trinh nguyên”.
Chỉ có Tin Mừng Gioan là thuật lại nhóm Mười Hai hoạt động lại như thế nào, được hòa giải như thế nào. Gioan là tác giả duy nhất nói cho chúng ta biết rằng một trong nhóm Mười Hai, “người môn đệ được yêu”, đã đứng dưới chân thập giá (19,25–27). Gioan là người duy nhất viết về cuộc chạy đua của Phêrô với người Môn Đệ Được Yêu đến ngôi mộ trống (20,1–10) và sự nghi ngờ của Tôma (20,19–29). Chỉ mình ngài mới ghi lại cảnh tượng yêu thương khó diễn tả khi Đức Giêsu đưa Phêrô trở lại như người đồng bàn ăn và là mục tử chăn chiên mẹ chiên con vào bữa ăn sáng bên bờ hồ quanh bếp than hồng (21,1–17).
Đức Giêsu thinh lặng như con chiên trước những kẻ cáo buộc mình. Qua phiên tòa xét xử, cuộc đóng đinh và sự phục sinh của Đức Giêsu, nhóm Mười Hai cũng trở nên không tên và không lời, và qua ba Tin Mừng, họ vẫn vô danh và giữ quyền thinh lặng cho đến phút cuối. Nhưng họ không giữ mãi thế. Bốn Phúc Âm đều loan báo tin mừng rằng những kẻ phản bội đã trở thành những mục tử, những kẻ vô danh đã nhận được tên, sự thinh lặng nay đã lên tiếng nói. Bốn Tin Mừng đều loan báo không chỉ sự phục sinh của Đức Giêsu mà còn sự phục sinh của các tông đồ, những viên đá nền mà Đức Giêsu xây dựng Giáo Hội Ngài trên đó.
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
Nguồn tin: firstthings.com
Tags:
Thần học