Chúa Giêsu đối diện với cái chết của mình


G. Võ Tá Hoàng

CHÚA GIÊSU KITÔ ĐỐI DIỆN VỚI CÁI CHẾT CỦA MÌNH 

Hình ảnh của Chúa Giêsu trong lịch sử không phải là rõ ràng, thậm chí mơ hồ, khó hiểu và đôi khi đặt vào ranh giới của sự điên rồ. 

Thực vậy, Đức Maria mẹ của Người đã không hiểu được Người, khi đối diện với những lời công bố kỳ quặc của con và những điều người ta nói về Người (Lc 2, 18.49). Những người thân thuộc nhất của Người và chính mẹ Người cũng không hiểu được Người, họ liền đi bắt Người, muốn đưa Người về nhà “vì họ nói rằng Người đã mất trí” (Mc 3,21). Các môn đệ không hiểu Người và nhiều người trong số họ đã bỏ đi (Ga 6, 60.66), chẳng vậy họ còn nghi ngờ về Người (Mt 28, 17b). Chính những người đồng hương cũng đang tìm cách để xô Người xuống vực (Lc 4,28). Và cuối cùng sứ mạng trần thế của Chúa Giêsu dường như bị thất bại, như thánh Gioan đã viết “Người đã làm ngần ấy dấu lạ trước mặt họ, thế mà họ vẫn không tin vào Người” (Ga 12, 37). 

Chúa Giêsu là một con người kỳ quặc, bởi những lời giảng dạy rất lạ lùng: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống” (Ga 6. 54-55); “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy…Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao ước, đổ ra cho muôn người được tha tội...” (Mt, 26.27b). Có lần Người đã tự cho mình là vua và khẳng định vương quyền của mình trước quan tổng trấn Philatô (Ga 18,37) và đã không từ chối tước hiệu Con Thiên Chúa (Mt 26, 63-64). Sau nữa Người tuyên bố phá hủy Đền thờ và sẽ dựng lại nó nội trong ba ngày (Ga 2, 19); một cách cứng rắn, Người khiển trách và chống lại những người lãnh đạo của Israel (Mt 23). 

Cuối cùng Người giữ những cách cư xử rất kỳ cục đối với truyền thống, thậm chí đôi khi xúc phạm đến nó. Chẳng hạn khi vào trong đền thờ, Người gây ra tình trạng hỗn loạn, lộn xộn, ồn ào khi đánh đuổi những người buôn bán và đổi tiền (Mt 21,12-17; Mc 11,15-17; Lc 19,45-46; Ga 2,13-19); nhiều lần xúc phạm đến ngày Sabat và ngồi ăn với những người thu thuế, tội lỗi, không miệt thị những người thấp bé và không ngần ngại để hạng người đĩ điếm đến gần; Người cũng không tôn trọng sự trong sạch của nghi lễ (Mc 7,1-7). 

Chúa Giêsu là một nhân vật khó hiểu. Chính Chúa Cha là Đấng mà Người luôn nói rằng mình sống trong Cha, nhưng thực ra, Cha đã bỏ rơi Người trên thánh giá, trong giờ phút đau thương nhất của cuộc sống. 

Thật khó để có thể hiểu được một con người như thế, đặc biệt khi đặt niềm tin vào Người, trong khi chính những hành vi của Người dẫn đến kết thúc bi thảm trên thánh giá, nơi đó Người bị chính Chúa Cha, là Cha của Người từ bỏ. 

Thật vậy, Chúa Giêsu đã bước vào trong cuộc xung đột với môi trường tôn giáo và chính trị-xã hội, được xem như kẻ gây rối và xúc phạm đến các truyền thống của cha ông và của chính lề luật, khi thách thức cả Môsê (Mt 5, 17-48). 

1. Xung đột với môi trường tôn giáo 

Việc loan báo về Nước Thiên Chúa, không chỉ dẫn đến vấn đề giải thích lại lề luật Môsê, nhưng còn là thái độ ứng xử, xúc phạm đến những các nguyên tắc đạo đức căn bản của tôn giáo này. 

· Lặp lại nhiều lần việc vi phạm ngày Sabát. 

· Tự nhận mình người có quyền trên cả Môsê, và xem ra đối lập với Môsê. 

· Đặt mình trong mối quan hệ gần gũi với Thiên Chúa và đôi khi tự đồng hóa mình với Thiên Chúa, không phủ nhận tình trạng đó trước hội đồng các tư tế và kỳ mục Do thái. 

· Ngồi đồng bàn với những người thu thuế và tội lỗi; tự để cho những hạng người đĩ điếm đến gần và đụng chạm đến mình. 

· Tự cho mình cái quyền tha thứ tội lỗi. 

· Đe dọa phá hủy đền thờ và đánh đuổi những người buôn bán đổi tiền; 

· Cuối cùng, hình ảnh cứu thế của Người, mong mỏi việc cứu thế không tương hợp hoàn toàn với truyền thống. 

2. Xung đột với quyền bính chính trị 

Đóng đinh, một kiểu nhục hình nhà cầm quyền Rôma đã dùng để kết tội Chúa Giêsu. Dù cho những nhà lãnh đạo tôn giáo Do thái gào thét cho rằng Người là kẻ mưu đồ và xúi dục dân nổi loạn, thế nhưng “tước hiệu” đặt trên thánh giá đã tháo gỡ mọi nghi ngờ (Mt 27, 33-38; Mc 15, 22-26; Lc 23, 33-38). 

Đó là kết cục dành cho một trong những vị cứu tinh mà những người Rôma đã gây ra trong những cuộc trấn áp đẫm máu tại Palestine. Thế nhưng không giống với những vị cứu tinh đến trước và sau Chúa Giêsu, có điều gì đó khác biệt xảy ra : vị cứu tinh tự xưng này, con người này thật sự kỳ lạ khi bị xem như người điên, ngay cả những người thân thuộc nhất, như chính mẹ Người cũng thấy vậy. 

Thật thế, chính điều này làm thay đổi tất cả mọi thứ, nó bắt buộc tất cả những ai đã biết Người phải xem xét lại những cái “kỳ dị” của Người, và bắt đầu hiểu được, nhìn thấy được nơi Người sự biểu lộ sức mạnh, quyền năng của Thiên Chúa, hầu tránh khỏi những suy luận hẹp hòi nhân loại. Lịch sử đã không còn như trước nữa và con người cũng không thể giả vờ như không có gì xảy ra nữa. Chúng ta phải nhận ra rằng Người chính là sự phán xét của Thiên Chúa trên nhân loại, như giọt nước phân đôi: "Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán (Lc 11,23; Mt 12, 30). Đây là lúc con người cảm thấy được kêu gọi để đưa ra câu trả lời cho chính mình, nó ảnh hưởng đến ơn cứu rỗi của chính mình. 

3. Sự từ bỏ của Thiên Chúa 

Cái chết của Chúa Giêsu trên thánh giá là cái chết của sự tuyệt vọng, khi các đồ đệ trung thành của Người bỏ đi và xung quanh Người kẻ thù chế nhạo, họ trách mắng về những tham vọng của Người (Mc 15: 29 -32; Lc 23: 35; Mt 27: 37 -44). Trên thánh giá Chúa Giêsu đã trải nghiệm được sự thất bại về sứ mạng và về cuộc đời của mình, giờ đây còn thêm sự từ bỏ của chính Thiên Chúa, Đấng đã sai Người đến giữa thế gian: “Lạy Cha, lạy Cha, sao Cha bỏ con?” (Mc 15,34; Mt 27, 46). Đau khổ và thất vọng khôn cùng đã bùng lên trong tiếng thét lặng câm, giống như thú vật, phát ra trong khoảnh khắc trước khi chết, được xem như một thứ nguyền rủa chống lại tất cả mọi người và mọi sự. 

Kinh nghiệm bỏ rơi cho thấy Chúa Giêsu đang ở mức độ tột cùng của mọi nỗi cô đơn. Một vị Thiên Chúa mà Người đã sống; một người Cha mà Người nhân danh khi làm việc; một vị Thiên Chúa mà qua đó Người được nhận biết, nhận nơi mình sức mạnh và quyền năng của Chúa, nay cũng bỏ mặc Người trong nỗi cô đơn. Thánh Gioan Thánh giá đã viết: “Đó là tình trạng bỏ rơi thê thảm nhất mà Chúa Giêsu cảm nghiệm trong cuộc sống trần thế của Ngài… Theo thể thức ấy, Chúa Kitô bị hủy diệt và hầu như trở nên hư không”. 

4. Khủng hoảng của các môn đệ trước cái chết của Chúa Giêsu 

Ta có thể nói rằng Chúa Giêsu đã rao giảng thật tốt, nhưng kết thúc lại xấu, nếu không muốn nói là rất tệ. Không còn gì tệ hơn thế nữa. Một kết thúc như vậy đã loại bỏ tất cả hình ảnh và việc rao giảng của Người. Trong suy nghĩ của người Do thái, một cái chết như thế rõ ràng là bị khai trừ và chính thức bị Thiên Chúa từ bỏ, không chỉ riêng con người Giêsu mà toàn thể sứ mạng cũng như mọi tham vọng hảo huyền của Người: “người bị treo là đồ bị Thiên Chúa nguyền rủa” (Đnl 21,23). 

Thật vậy, trên thập giá Chúa Giêsu bị lột trần như một tiên tri giả. Cái chết của Người làm sụp đổ mọi hy vọng của các môn đệ, mọi thứ trở nên tối tăm và chua xót. Hai môn đệ trên đường Emmau mặt buồn rũ rượi, thất vọng đong đầy, họ trở về từ Giêrusalem, nơi họ đã từng đặt trọn niềm hy vọng: “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel” (Lc 24, 21). Tảng đá lấp cửa mộ đã biến hy vọng của họ thành thất vọng cay đắng. Tất cả đã kết thúc. 

Họ đã diễn tả rất tốt tâm trạng mà Giáo hội thời sơ khai phải gánh chịu nặng nề, một Giáo hội vẫn còn mơ hồ và đang dò dẫm trong bóng đêm của sự chết và của sự thất bại. Tất cả đã kết thúc thực sự. 

Thế nhưng có phải tất cả đã kết thúc? “Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy Thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống” (Lc 24,23).

Trong suốt những ngày trong Tuần Thánh này, chúng ta cùng bước theo Chúa Giêsu trên thập giá. Cùng với ông Simon thành Cyrene chúng ta vác một phần thập giá của Chúa, để cảm nhận được sức nặng của tội lỗi đã làm cho Chúa phải đau khổ đến dường nào.

G. Võ Tá Hoàng
Mới hơn Cũ hơn