Theo VaticanNews, trong buổi yết kiến dành cho các tham dự viên Hội Nghị do Văn phòng Giáo lý Quốc gia của Hội đồng Giám mục Ý tổ chức ngày 30.01.2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh tới việc phải dạy giáo lý theo Công Đồng Vatican II.
Sau đây là nguyên văn bài nói chuyện của Đức Thánh Cha, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp.
Anh chị em thân mến,
Tôi chào mừng anh chị em, và tôi cảm ơn Đức Hồng Y Bassetti về những lời tốt đẹp của ngài. Ngài đã phục hồi được sức khỏe của ngài, cảm ơn ngài! Tôi chào mừng tổng thư ký, Đức Giám Mục Russo, và mọi anh chị em vốn hỗ trợ cam kết của Giáo hội Ý trong lĩnh vực dạy giáo lý. Tôi rất vui được chia sẻ với anh chị em lễ kỷ niệm 60 năm ngày ra đời của Văn phòng Giáo lý Quốc gia. Được thành lập ngay cả trước khi Hội đồng Giám mục thành hình, đây là một công cụ không thể thiếu để canh tân việc dạy giáo lý sau Công đồng Vatican II.
Ngày kỷ niệm này là một dịp quý giá để nhớ lại, cảm tạ những ơn phúc đã nhận được và làm mới tinh thần của việc công bố. Để đạt mục đích này, tôi xin chia sẻ ba điểm mà tôi hy vọng sẽ giúp ích cho anh chị em trong việc làm của anh chị em trong vài năm tới.
Đầu tiên: dạy giáo lý và giáo lý sơ truyền (kerygma). Dạy Giáo lý là làm vọng lại Lời Chúa. Trong việc chuyển tải đức tin, Kinh thánh - như Tài liệu Căn bản nhắc nhớ - là “Sách”; không phải trợ khoản, mặc dù nó có thể là trợ khoản đầu hết ”(CEI, Il rinnovamento della catechesi, n. 107). Vì thế, việc dạy Giáo lý là “làn sóng dài” của Lời Chúa, để chuyền tải niềm vui Tin Mừng trong cuộc sống. Nhờ tường thuật khi dạy giáo lý, Sách Thánh trở thành “môi trường” để chúng ta cảm nhận một phần của cùng lịch sử cứu độ, gặp gỡ những chứng nhân đức tin đầu tiên. Dạy Giáo Lý là cầm tay người khác và đồng hành với họ trong lịch sử này. Nó gợi hứng cho một cuộc hành trình, trong đó mỗi người tìm thấy nhịp điệu riêng của mình, vì đời sống Kitô hữu thậm chí không san bằng hay tiêu chuẩn hóa, nhưng đúng hơn, nâng cao tính độc đáo của mỗi con cái Thiên Chúa. Dạy Giáo lý cũng là một hành trình khai tâm mầu nhiệm, diễn tiến trong cuộc đối thoại liên tục với phụng vụ, một môi trường trong đó các biểu tượng tỏa sáng mà không áp đặt, nói với đời sống và ghi dấu ấn nó bằng dấu ấn ơn thánh.
Trọng tâm của mầu nhiệm là giáo lý sơ truyền (kerygma), và giáo lý sơ truyền là một con người: đó là chính Chúa Giêsu Kitô. Dạy Giáo lý là nơi đặc biệt để cổ vũ cuộc gặp gỡ bản thân với Người. Do đó nó phải được đan xen với các mối liên hệ bản thân. Không có việc dạy giáo lý thật sự nếu không có chứng từ của những người nam nữ bằng xương bằng thịt. Ai trong chúng ta không nhớ ít nhất một giáo lý viên của mình? Tôi thì tôi nhớ: Tôi nhớ vị nữ tu đã chuẩn bị cho tôi Rước lễ lần đầu và việc này rất tốt đối với tôi. Họ là những người chủ đạo đầu tiên của việc dạy Giáo lý, những sứ giả của Tin Mừng, thường là những giáo dân, những người đã quảng đại dấn thân để chia sẻ vẻ đẹp của việc đã gặp gỡ Chúa Giêsu. “Giáo lý viên là ai? Họ là những người giữ cho ký ức về Thiên Chúa luôn sống động; họ giữ cho nó sống động trong chính họ”- họ là “những nhà tưởng niệm” lịch sử cứu độ - “và họ có thể hồi sinh nó trong những người khác. …. Giáo lý viên là một Kitô hữu đặt sự tưởng niệm này phục vụ việc rao truyền, không tự tỏ ra quan trọng, không nói về bản thân họ, nhưng nói về Thiên Chúa, về tình yêu và sự trung thành của Người ”(Bài giảng nhân “Ngày dành cho Giáo lý viên” trong Năm Đức tin, ngày 29 tháng 9 năm 2013).
Để làm điều đó, ta nên nhớ rằng “giáo lý sơ truyền kêu gọi phải nhấn mạnh tới các yếu tố cần thiết nhất ngày nay: nó phải phát biểu tình yêu cứu rỗi của Thiên Chúa vốn có trước bất cứ nghĩa vụ luân lý và tôn giáo nào từ phía chúng ta; nó không nên áp đặt sự thật nhưng kêu gọi tự do của người ta, như Chúa Giêsu đã làm; nó phải được đánh dấu bằng niềm vui, sự khích lệ, sự sống động và sự cân bằng hài hòa, vốn không giảm thiểu việc giảng giải một số học thuyết mà đôi khi có tính triết học hơn là truyền giảng tin mừng. Tất cả những điều này đòi hỏi ở phía người rao giảng tin mừng một số thái độ có thể cổ vũ tính cởi mở đối với sứ điệp: sự dễ gần gũi, sự sẵn sàng đối thoại, sự kiên nhẫn, sự nồng nhiệt và chào đón không có tính phán xét ”(Tông huấn Evangelii gaudium, 165). Chúa Giêsu đã có tất cả các điều này. Đó là toàn bộ địa dư nhân tính mà giáo lý sơ truyền, la bàn không thể sai lầm của đức tin, giúp ta khám phá.
Và về điểm này - giáo lý viên - tôi xin quay trở lại một điều cũng nên nói với các cha mẹ, với các ông bà: đức tin nên được truyền “bằng thổ ngữ” (dialect). Một giáo lý viên không biết giải thích bằng “thổ ngữ” của người trẻ, của trẻ em, của những người... Nhưng qua chữ thổ ngữ, tôi không muốn nói đến các thổ ngữ thuộc khoa ngữ học, trong đó tiếng Ý hết sức phong phú, đúng không; Tôi muốn đề cập đến thổ ngữ gần gũi, thổ ngữ có thể được hiểu, thổ ngữ thân mật. Tôi rất cảm kích về đoạn văn ấy của sách Maccabê, về bảy anh em (2 Mcb 7). Trong hai hoặc ba trường hợp, nó nói rằng người mẹ đã hỗ trợ họ bằng cách nói chuyện với họ bằng thổ ngữ [“bằng ngôn ngữ của cha ông”]. Điều này rất quan trọng: đức tin chân chính phải được thông truyền bằng thổ ngữ, tức là ngôn ngữ phát xuất từ trái tim, vốn cố hữu, vốn thân thuộc nhất, gần gũi nhất với mọi người. Nếu không có thổ ngữ, đức tin không được lưu truyền một cách trọn vẹn hoặc tốt đẹp.
Điểm thứ hai: dạy giáo lý và tương lai. Năm ngoái là năm kỷ niệm lần thứ 50 tài liệu Il rinnovamento della catechesi (“Đổi mới việc dạy giáo lý”), mà qua đó, Hội đồng Giám mục Ý đã thừa nhận những định mức của Công đồng. Về phương diện này, tôi xin nhắc lại lời lẽ của Thánh Phaolô VI, ngỏ với Đại hội của Hội Đồng Giám Mục Ý lần đầu tiên sau Công đồng Vatican II: “Chúng ta phải nhìn Công đồng với lòng biết ơn Thiên Chúa và tin tưởng vào tương lai của Giáo hội; đây sẽ là sách giáo lý vĩ đại của thời đại mới” (23 tháng 6 năm 1966). Trở lại với chủ đề này, nhân dịp Đại hội Giáo lý Quốc tế lần thứ nhất, ngài nói thêm: “Đây là một trách vụ luôn được tái sinh và liên tục đổi mới để việc dạy Giáo lý hiểu các vấn đề vốn nảy sinh từ trong lòng con người, ngõ hầu dẫn họ trở lại cội nguồn tiềm ẩn của họ: hồng phúc tình yêu vốn tạo dựng và cứu rỗi” (25 tháng 9 năm 1971).Vì vậy, việc dạy giáo lý được Công đồng gợi hứng luôn biết lắng nghe trái tim con người, luôn biết chú tâm lắng nghe, luôn tìm cách đổi mới chính nó.
Huấn quyền là đây: Công đồng là huấn quyền của Giáo hội. Một là anh chị em sống với Giáo hội và do đó anh chị em vâng theo Công đồng, còn nếu anh chị em không vâng theo Công đồng hoặc anh chị em giải thích nó theo cách riêng của anh chị em, như anh chị em muốn, anh chị em không sống với Giáo hội. Chúng ta phải đòi hỏi và khắt khe về điểm này. Không nên thương lượng để Công đồng phải thêm điều này điều nọ... Không, Công đồng là như thế. Và chúng ta có kinh nghiệm về vấn đề này, về việc lựa lọc đối với Công đồng, một việc vốn được lặp đi lặp lại với các Công đồng khác trong suốt lịch sử. Khiến tôi liên tưởng đến một nhóm giám mục, sau Công đồng Vatican I, đã để cho một nhóm giáo dân, nhiều nhóm, tiếp tục “giáo lý chân chính” không phải của Vatican I: “Chúng tôi mới là những người Công Giáo chân chính”. Ngày nay, họ phong chức cho phụ nữ. Những thái độ nghiêm khắc nhất, để bảo vệ đức tin, nhưng không có Huấn quyền của Giáo hội, sẽ chỉ dẫn anh chị em đến hủy hoại. Xin đừng nhượng bộ những ai cố gắng trình bày một thứ giáo lý không phù hợp với Huấn Quyền của Giáo Hội.
Trong thời hậu Công đồng, Giáo hội Ý đã sẵn sàng và có khả năng đón nhận những dấu chỉ và nhạy cảm của thời đại thế nào, thì ngày nay Giáo hội này cũng được kêu gọi như thế để cung cấp một loại giáo lý mới nhằm gợi hứng cho mọi lĩnh vực chăm sóc mục vụ: bác ái, phụng vụ, gia đình, văn hóa, đời sống xã hội, kinh tế... Từ cội nguồn Lời Chúa, qua thân cây khôn ngoan mục vụ, các cách tiếp cận hữu hiệu đối với các khía cạnh khác nhau của đời sống được nảy nở. Như thế, việc dạy Giáo lý là một cuộc phiêu lưu phi thường: trong tư cách “đội tiên phong của Giáo hội”, giáo lý có nhiệm vụ đọc các dấu chỉ thời đại và chấp nhận các thách thức hiện tại và tương lai. Chúng ta đừng sợ phải nói ngôn ngữ của các người đàn bà và đàn ông ngày nay. Đúng, nói một ngôn ngữ ở bên ngoài Giáo hội, chúng ta phải sợ điều đó. [Nhưng] chúng ta không nên sợ nói ngôn ngữ của người ta. Chúng ta không nên sợ phải lắng nghe các câu hỏi của họ, bất kể các câu hỏi đó là chi, những vấn đề chưa được giải quyết của họ, lắng nghe những yếu đuối, những bất ổn của họ: chúng ta đừng sợ điều đó. Chúng ta đừng sợ phải khai triển những công cụ mới: vào những năm bảy mươi, Sách Giáo lý của Giáo hội Ý rất độc đáo và được đánh giá cao; thời đại ngày nay cũng đòi hỏi trí thông minh và lòng can đảm để khai triển các công cụ được cập nhật hóa, nhằm truyền đạt cho con người ngày nay sự phong phú và niềm vui của giáo lý sơ truyền, cũng như sự phong phú và niềm vui được thuộc về Giáo hội.
Điểm thứ ba: việc dạy giáo lý và cộng đồng. Trong năm được đánh dấu bởi sự cô lập và cảm thức cô đơn do đại dịch gây ra này, chúng ta thường suy gẫm về cảm thức thuộc về vốn là nền tảng của một cộng đồng. Virút đã xâm nhập vào cơ cấu sống của nhiều lãnh thổ chúng ta, đặc biệt là các vùng lãnh thổ hiện sinh của chúng ta, nuôi dưỡng sợ hãi, nghi ngờ, bất tín và bất trắc. Nó đã phá hoại các thực hành và thói quen lâu đời và do đó kích thích chúng ta tái suy nghĩ về cộng đồng của chúng ta. Thực thế, chúng ta đã nhận ra rằng chúng ta không thể sống thoát một mình, và cách duy nhất để thoát khỏi cuộc khủng hoảng mà tốt hơn là cùng nhau thoát ra - không ai được cứu một mình, chúng ta cùng nhau thoát ra khỏi đó – tái dấn thân một cách tin tưởng hơn vào cộng đồng chúng ta đang sống. Vì cộng đồng không phải là sự kết chồng nhiều cá nhân, nhưng là gia đình nơi chúng ta hòa nhập, nơi chúng ta chăm sóc lẫn nhau, trẻ chăm sóc già và già chăm sóc trẻ, chúng ta của hôm nay chăm sóc những người sẽ đến ngày mai. Chỉ bằng cách khám phá lại cảm thức cộng đồng, mỗi người mới có thể tìm thấy phẩm giá của mình một cách trọn vẹn.
Việc dạy giáo lý và việc công bố không thể nào không đặt chiều kích cộng đồng này vào trung tâm. Đây không phải là thời điểm cho các chiến lược của phái duy ưu tú. Cộng đồng lớn: Cộng đồng lớn là gì? Là Dân trung thành thánh thiện của Thiên Chúa. Không thể thăng tiến ở bên ngoài dân trung thành thánh thiện của Thiên Chúa, những người - như Công đồng nói - không thể sai lầm khi tin (in credendo). Luôn luôn với dân thánh Thiên Chúa. Thay vào đó, tìm cách thống thuộc phe duy ưu tú là tách mình ra khỏi dân Thiên Chúa, có thể với những công thức tân kỳ, nhưng anh chị em không còn thuộc về Giáo Hội, vốn là dân trung thành thánh thiện của Thiên Chúa, nữa.
Đây là lúc để trở thành những nghệ nhân của các cộng đồng cởi mở, biết quý trọng tài năng của mỗi người. Đây là thời gian dành cho các cộng đồng truyền giáo tự do và bất vụ lợi, không tìm kiếm sự nổi bật và lợi thế, nhưng bước theo các nẻo đường của người thời nay, biết cúi xuống chăm sóc những người ở bên lề. Đây là thời dành cho các cộng đồng biết nhìn vào mắt những người trẻ thất vọng, biết chào đón những người xa lạ và mang lại hy vọng cho những người ngã lòng. Đây là thời gian dành cho các cộng đồng biết tham gia đối thoại một cách không sợ hãi với những người có ý tưởng khác biệt. Đây là thời dành cho các cộng đồng, giống như Người Samaritanô nhân hậu, biết cách tới gần những người bị cuộc đời gây thương tích, băng bó các vết thương của họ một cách cảm thương. Đừng quên chữ này: cảm thương. Trong Tin Mừng, biết bao lần Chúa Giêsu đã nói về nó: “Và Người có lòng cảm thương”, “Người có lòng cảm thương”? Như tôi đã nói tại hội nghị về giáo hội ở Florence, tôi muốn một Giáo hội “ngày càng gần gũi hơn với những người bị bỏ rơi, những người bị lãng quên, những người không hoàn hảo. Tôi muốn một Giáo hội vui vẻ có khuôn mặt của một người mẹ, luôn thấu hiểu, đồng hành và vuốt ve”. Điều tôi nhắc đến lúc đó như chủ nghĩa nhân bản Kitô giáo cũng áp dụng cho việc dạy giáo lý: nó “khẳng định một cách căn để phẩm giá của mỗi con người như là Con Thiên Chúa, nó thiết lập giữa mọi người một tình huynh đệ căn bản, dạy người ta hiểu việc làm, sống trong sáng thế như ngôi nhà chung, cung cấp các lý do để lạc quan và hài hước, ngay giữa một cuộc sống khó khăn gấp bội” (Diễn văn tại Hội nghị Quốc gia lần thứ V của Giáo hội Ý, Florence, ngày 10 tháng 11 năm 2015).
Tôi đã đề cập đến Công ước Florence. Năm năm sau, Giáo hội Ý phải quay trở lại với Công ước Florence, và phải bắt đầu một diễn trình thượng hội đồng quốc gia, từng cộng đồng một, từng giáo phận một: diễn trình này cũng sẽ là một hình thức dạy giáo lý. Trong Công ước Florence, người ta thấy cần phải tìm ra chính trực giác về đường đi trong Thượng hội đồng này. Giờ đây, anh chị em hãy đi lại con đường đó: đã đến lúc phải làm thế. Và bắt đầu tiến bước.
Anh chị em thân mến, tôi cảm ơn anh chị em vì những gì anh chị em đang làm. Tôi mời gọi anh chị em tiếp tục cầu nguyện và suy nghĩ cách sáng tạo về cách dạy giáo lý tập trung vào giáo lý sơ truyền, một giáo lý biết hướng về tương lai của các cộng đồng chúng ta, để chúng có thể ngày càng bén rễ sâu hơn vào Tin Mừng, như các cộng đồng huynh đệ và hòa nhập. Tôi chúc phúc lành cho anh chị em, tôi đồng hành cùng anh chị em. Còn anh chị em, hãy vui lòng cầu nguyện cho tôi, tôi cần nó. Cảm ơn anh chị em!
Tags:
Giáo hội