Trăng Thập Tự
Đang khi rảo tìm những bài viết liên quan đến văn học Công giáo Việt Nam, tôi xúc động nhiều khi đọc đoạn văn ngắn về lễ rửa tội của nhà thơ Nguyên Sa, biết được bài thơ Mật khẩu của ông và càng đọc càng thấy lạ. Có lẽ đã có nhiều bài viết về bài thơ này nhưng tôi chỉ may mắn gặp được hai bài, một của Nguyễn Đức Tuyển[1] và một của tác giả Tuy Hòa[2]. Tôi đọc cả hai bài nhưng chưa được thuyết phục. Rồi bỗng chốc tôi có một trực giác. Xin được ghi lại trực giác ban đầu này để những vị quan tâm và có điều kiện sẽ giúp đào sâu thêm.
Nhà thơ Nguyên Sa và Vợ ở Paris năm 1954.
Vài nét tiểu sử nhà thơ
Nguyên Sa tên thật là Trần Bích Lan, sinh ngày 1 tháng 3 năm 1932 tại Hà Nội, còn có bút danh Hư Trúc. Ông là một nhà thơ lãng mạn Việt Nam nổi tiếng từ thập niên 1950. Năm 1949, ông du học Pháp. Năm 1953, ông đậu tú tài, lên Paris ghi danh học triết tại Đại học Sorbonne. Nhiều bài thơ nổi tiếng của ông được sáng tác trong thời gian này.
Năm 1955, ông lập gia đình với bà Trịnh Thúy Nga ở Paris. Đầu năm 1956, hai ông bà về nước, dạy học tại Sài Gòn, chủ trương Tạp Chí Hiện Đại. Tạp chí này được xem là một trong ba tạp chí sáng tác hàng đầu của Việt Nam, cùng với Sáng Tạo và Thế Kỷ 20.
Năm 1975, ông di tản đi Pháp. Ba năm sau, ông và gia đình qua Hoa Kỳ và ở California.
Ông làm thơ, viết truyện dài, truyện ngắn và biên khảo.
Ông tin theo Kitô giáo và lãnh bí tích Thánh tẩy trên giường bệnh tháng 4 năm 1998 và qua đời ngày 18 tháng 4 năm 1998.[3]
Ơn đức tin
“Trong lễ an táng nhà thơ Nguyên Sa tại thánh đường Polycarp, Orange, California, linh mục Phạm Ngọc Hùng có kể lại đêm ban phép Thánh tẩy cho giáo sư Trần Bích Lan, đại để như sau: Vào một buổi tối đã khuya, một thanh niên đến gõ cửa xin linh mục đi làm phép Thánh tẩy cho một bệnh nhân muốn tin nhận đạo Công giáo. Linh mục lật đật lên xe đi theo người thanh niên, là con trai của Nguyên Sa, cũng là một bác sĩ. Trên đường đi, qua câu truyện trao đổi, linh mục mới được biết bệnh nhân đó là nhà thơ Nguyên Sa. Thật xúc động vì không ngờ được làm phép Thánh tẩy cho một nhà thơ, một giáo sư triết học nổi tiếng lẫy lừng mà linh mục hằng ngưỡng mộ, nhưng chưa một lần gặp mặt. Gặp nhà thơ Nguyên Sa trong một căn phòng của bệnh viện, với sự hiện diện của một số thân hữu của nhà thơ cùng với một số anh chị em thiện chí Công giáo – những người luôn sẵn sàng giúp đỡ những người muốn tìm hiểu Đạo Công giáo - linh mục Phạm Ngọc Hùng nói, ”Thưa bác, bác còn đang đau yếu, xin bác cứ ngồi trên ghế để con cử hành nghi thức Thánh tẩy cho bác.” Nhà thơ trả lời, “ để tỏ sự kính trọng đối với một bí tích, xin cha cứ để con quỳ xuống, không sao.” Một cử chỉ thật đẹp, thật khiêm nhường của nhà thơ Nguyên Sa. Tin theo Đạo Chúa, ông nhận thánh bổn mạng – tên thánh, theo ngôn ngữ Công giáo – là Giuse. Giuse Trần Bích Lan. Người ta cũng đọc thấy phần ghi chú đơn sơ nhưng súc tích dưới tấm ảnh Nguyên Sa đôi mũ casket quen thuôc trong cuốn Thơ Nguyên Sa như sau: “Thi sĩ Nguyên Sa Giuse Trần Bích Lan Sinh ngày 1 tháng 3 năm 1932 tại Hà Nội. Chúa gọi về ngày Thứ Bảy 18 tháng 4, 1998 tại California, Hoa Kỳ.”[4]
Bài thơ Mật khẩu
Bài viết về Nguyên Sa của Nguyễn Đức Tuyển xoay quanh bài thơ Mật khẩu:
Ngày nào Thượng Đế cũng tới,
Giờ khắc bất định,
Nhưng ngày nào ông cũng tới ít nhất một lần,
Ngày nào ông cũng mở banh lồng ngực tôi ra,
Thản nhiên bước vào trong,
…
Mỗi lần Thượng Đế mở toang lồng ngực và bước vào,
Tôi sợ đến nín thở
Tôi sợ ông gọi cửa không được
Tôi sợ ông quên mật khẩu
Tôi sợ ông quay ra hỏi
Tôi sẽ không biết trả lời sao
Vì tôi cũng không nhớ.
Mật khẩu là dấu hiệu để nhận ra nhau là bạn. Trong phim Quo vadis? (Thầy đi đâu thế?), dấu hiệu để các Kitô hữu nhận ra nhau là con cá[5]. Giữa cuộc sống xô bồ, dấu hiệu của người Kitô hữu là yêu thương: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13,34-35). Mật khẩu này vẫn thường được nhắc lại trong các thư của Thánh Phaolô (x. Rm 13,8; 1Cr 12,31-13,13) và của Thánh Gioan (x. 1Ga 2,7-8; 2Ga 1,4). Mật khẩu được nhắc lại mỗi ngày khi cử hành bữa tiệc của Chúa (x. 1Cr 11,17-34).
Câu chuyện cuộc phán xét chung tại Mt 25,31-36 cho thấy lúc ấy mọi người đều đã quên mật khẩu. Tuy nhiên, sẽ xảy ra hai trường hợp (x. Mt 25,31-33) đưa lại kết quả trái nghịch (x. Mt 25,46): Có những người quên hẳn, chẳng còn dấu vết gì (x. Mt 25,41-45), có những người quên mật khẩu nhưng vẫn luôn sống đúng với mật khẩu (x. Mt 25,34-40).
Ta cần để ý rằng trong bài thơ của Nguyên Sa, Thượng Đế đến mỗi ngày. Ngài không bao giờ quên mật khẩu và cũng chưa bao giờ hỏi mật khẩu. Còn nhà thơ, ông đã quên các ký tự của mật khẩu cho nên ông nín thở, sợ bị tra vấn sẽ không nhớ ra. Sở dĩ ông quên là vì những ký tự ấy đã tan thành một thực tế thấm đậm vào con người, tâm hồn và cuộc sống của ông.
Chùm thơ nhập đề cho lịch sử ơn cứu rỗi
Tôi lục lọi tìm nguyên bản mặt mũi của bài thơ. Nó nằm trong một chùm 22 bài thơ, chùm thơ cuối đời, viết đầu năm 1998, ở cuối quyển “Thơ Nguyên Sa toàn tập”[6]. Đọc qua, tôi có trực giác chùm thơ được cảm hứng từ quyển đầu tiên trong bộ Cựu ước.
Trong bài chia sẻ “Kỷ niệm thơ Xuân” tháng 1/1998[7] thi sĩ Nguyên Sa cho biết bài đầu của chùm thơ, “Tết ở Wichita Falls”, là của tháng Mười năm trước, được viết sẵn để đăng báo Xuân. Như vậy, nó không thực sự nằm trong chùm thơ cuối đời. 21 bài còn lại, bắt đầu với bài Thủy Chung, hầu như bài nào cũng có phần tương ứng với một đoạn hay một câu nào đó của 11 chương đầu sách Sáng Thế Ký[8]. Nhà thơ đã dùng ngôn ngữ thơ biểu tượng để nói lên những suy tư triết học (là đường dẫn tiến vào thần học) lồng chuyện đời của cặp đôi Nguyên Sa - Thúy Nga vào chuyện tình cặp đôi Ađam - Evà với cặp đôi Thiên Chúa - nhân loại. Xin thử điểm lại từng bài:
- Thủy Chung đưa hai người về lại thuở ban đầu, tắm hồn nhiên nơi dòng sông tuổi nhỏ, như dòng sông nguyên thủy ở Êđen (x. St 2,9-14), thấm thoắt, nay đã tới hồi chung cuộc, tình vẫn đẹp như xưa (x. Mt 19,5-6). Bài thơ này mở ra chuỗi kỷ niệm ban đầu của lịch sử.
- Kỷ Nguyên Thứ Nhất khởi đi từ hồng hoang. Thiên Chúa cất tiếng gọi và ánh sáng đã xuất hiện (x. St 1,1-5). Ađam lên tiếng gọi khi mở mắt thấy Evà đứng sẵn trước mặt chàng (x. St 2,23-25).
- Mong Manh, trở lại với ngày thứ nhất (x. St 1,1-5) với biến dịch và tiến hóa (x. St 1,6-2,4a).
- Ký Ức, gợi lại hạnh phúc trong sáng thuở ban đầu (x. St 2,4b-25).
- Mùa Xuân, tiếc thay chỉ là một mùa xuân ảo (x. St 3,1-8).
- Mặt Nạ vạch trần sự thật não lòng do chối từ chương trình của Thượng Đế (x. St 3,9-24).
- Văn Tự, giao ước và lời hứa (x. St 3,15) giúp xây dựng lại tương quan với Đấng Sáng Tạo (Mật Khẩu) và người bạn đời (Kết Hợp).
- Mật Khẩu, chương trình của Thiên Chúa trên Ađam được lặp lại trên mỗi chúng ta với những trách nhiệm mỗi ngày và những giới hạn không được vượt qua (St 2,15-17).
- Kết Hợp (x. St 2,23-24).
- Con Sông, thực và mộng, chương trình của Thiên Chúa và ảo vọng của con người (x. Gr 2,13).
- Chiếc Áo, tình thương bao dung của Thiên Chúa (x. St 3,21; Ed 16,8).
- Tiễn Bạn (x. St 3,19-24).
- Kỷ Niệm (Tiếp nối Kết Hợp).
- World Trade Center Building, Lúc ấy là 1998, chưa hề ai nghĩ tới chuyện 11-9 sau này, tại sao Nguyên Sa nằm trên giường bệnh lại viết về tòa tháp đôi, chạy đua với trí tưởng tượng để khám phá ra rằng cười hay lây và chết cũng hay lây? Có phải ông định nói tới tòa tháp đôi của chính ông và của mỗi chúng ta? (x. St 11,1-9, tháp Babel, một công trình chọc trời đầy thách đố, được linh mục Lữ Y Đoan thế kỷ XVI dịch là Hỗn Lầu, hay tháp Bá Biện, trăm người trăm ý [9]).
- Hóa Học Trị Liệu: Sự hỗ trợ của kinh nghiệm nhân loại.
- Thơ Phổ Nhạc: Nhìn từ kinh nghiệm sáng tác, ơn cứu rỗi được thực hiện khi tự do của con người hòa nhập vào tự do của Thiên Chúa như ca từ hòa chung với ý nhạc (x. Hr 10,7).
- Mưa: x. St 3,15 - Is 45,8: “Trời cao hỡi, nào hãy gieo sương, mây hãy đổ mưa, mưa đức công chính; đất mở ra đi cho nẩy mầm ơn cứu độ, đồng thời chính trực sẽ vươn lên.”
- Pho Tượng: Những hy vọng và thỏa mãn nhỏ bé cũng góp phần cho cuộc sống nhưng chỉ là những pho tượng, đừng để biến thành ngẫu tượng (x. Is 45,16; 48,5).
- Bay Đi, Chim Bay Đi: (x. St 8,12) Ơn cứu độ đến từ Đấng chịu đóng đinh trên thập giá - Cả chiếc tàu của ông Nôê cũng là phương tiện tạm gửi. Nó không thay thế được tình yêu thương (x. Mt 9,13). Khi hồng thủy chấm dứt, chim câu ơi, hãy bay vào khung trời của ngươi (x. Gl 5,13-26). Khi xã hội băng hoại, suy đồi thành Babel, chim ơi, hãu bay đi (x. Kh 18,4).
Qua nẻo hôn nhân
Chuyện đời của cặp đôi Nguyên Sa - Thúy Nga hòa vào chuyện tình của cặp đôi Trời và người trong Tân ước: “Khi em cất vào ví những con búp bê, em rất trẻ thơ, khi chúc mừng năm mới em là cô thiếu nữ dậy thì, em chèo thuyền là người thiếu phụ trầm lặng và uy nghi. Anh vẫn nhận ra em, em khác biệt mà vẫn đồng nhất, giấc mơ gián đoạn bao nhiêu em vẫn trở lại, giấc mơ phi lý, em khắng khít bằng những liên tục vuốt ve, liên tục hiền dịu, liên tục chăm sóc. Em liên tục không gian, liên tục thời gian, liên tục luận lý em. Tân ước nói có thế giới ở ngoài thế giới, khác biệt và bao trùm thế giới. Em có phải là giấc mơ ở trong giấc mơ và phủ kính giấc mơ?”[10]. Anh Nguyên Sa ơi, chúng tôi xin phép đỡ lời chị để thưa anh rằng đúng thế, vì anh đã thực hiện nơi cuộc hôn nhân của mình điều Thánh Phaolô quả quyết: “Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh” (Ep 5,32).
Nếu trực giác của tôi là đúng, nếu chùm thơ cuối đời thực sự cảm hứng từ những suy niệm của Nguyên Sa về tình thương sáng tạo và ơn cứu rỗi của Thiên Chúa, có thể nói đây là điểm đến cho toàn bột tập thơ. Ta sẽ cần đọc lại hành trình thơ hơn 40 năm của ông dưới ánh sáng của điểm đến. Nhờ đó, đàng sau những bài thơ tình, những tựa đề mang theo nhiều gợi ý suy tư, tìm kiếm ý nghĩa từ mọi thụ sinh bé nhỏ quanh mình, những rung cảm với lịch sử dân tộc, với những khát vọng, âu lo, trăn trở và đau thương của phận người sẽ lộ dần ra một mật khẩu.
Tôi mở lại từ đầu từng trang của tập thơ. Song song với những bài thơ là những hình ảnh gợi lại lịch sử một gia đình hạnh phúc, một cuộc hôn nhân thành đạt. Ngoài những ảnh rời của một trong hai người và những ảnh chụp chung với con cháu, có ít là 9 tấm ảnh chụp chung cả hai người từ đầu đến cuối cuộc hôn nhân[11]. Ca từ và ý nhạc xoắn xuýt hòa điệu, dệt nên bản tình ca không dứt. Thượng Đế không quên mật khẩu tương quan giữa Ngài với nhà thơ. Nhà thơ và vợ ông cũng không quên mật khẩu của hạnh phúc.
Mật khẩu ấy là một cái gì rất thật, nó kết từ hai nửa. Nửa đầu là tình yêu, vốn lớn hơn biển cả[12]. Nửa sau được giấu trong bút danh của Nguyên Sa, khi ông trả lời Phan Kim Thịnh: “Thành thực mà nói, lúc nào tôi cũng cho tôi là một số không. Tôi không lớn nên tôi tự cho mình vốn dĩ chỉ là hạt cát”[13]. Nguyên Sa đã may mắn tìm ra được “bí mật” mà Đức Giêsu cho biết là chính Chúa Cha đã giấu kín: “Vào lúc ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.” (Mt 11,25-26). “Đức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,2-3). Nguyên Sa biết được bí mật không phải nhờ ông là nhà thơ hoặc nhà giáo dạy triết nhưng nhờ ông đã nhận ra mình bé nhỏ như hạt cát. Hạt cát hết sức vô nghĩa bên biển cả nhưng lại chứa đựng được điều lớn lao hơn biển, là chính tình yêu. Bí mật của cả Nước Trời lẫn tổ ấm: là biết xóa mình cho hòa hợp và hạnh phúc.
Mật khẩu ấy nhiều người trong chúng ta đã say mê khi làm quen với con đường thơ ấu của chị Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu, mà gần đây cha Conrad de Meester trình bày thật rõ trong tác phẩm “Hai bàn tay trắng”[14].
Phút hồi tâm sống theo Lời Chúa
Tác giả Tuy Hòa đã đọc “Những bài thơ cuối cùng của Nguyên Sa” và nói đến “mật khẩu” như một trong những “chột dạ” của nhà thơ trong những ngày tháng cuối đời. Thế nhưng, hai nửa mật khẩu trên đây nằm cuối tập một của Thơ Nguyên Sa, bản in lần thứ sáu tại Sài Gòn năm 1971, chẳng phải mãi cuối đời Nguyên Sa mới băn khoăn về mật khẩu nhưng ông đã ý thức điều ấy ngay từ bước đầu hành trình tìm kiếm, mỗi ngày.
Ngày nào Thượng Đế cũng tới,
Giờ khắc bất định,
Nhưng ngày nào ông cũng tới ít nhất một lần,
Ngày nào ông cũng mở banh lồng ngực tôi ra,
Thản nhiên bước vào trong,
Có đọc cả phần giữa của bài thơ mới hiểu rằng cả một đời, ngày nào nhà thơ cũng có ít là một lần sống phút hồi tâm, để cho Lời Chúa soi thấu mọi ngõ ngách tâm hồn, như Kinh thánh đã nói: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ” (Hr 4,12-13).
Ngày nào ông cũng mở banh lồng ngực tôi ra, Thản nhiên bước vào trong, Tôi không biết ông đi vào tim, Hay ông đi vào phổi, Hay cả hai ? Tôi không biết khi ông đi vào tim, ông dừng lại ở đại động mạch, Hay ông đi tới khu cổ ngữ của tâm thất trái, Hay ông đi tới khu sấm ký của tâm thất phải ? Tôi không biết khi ông đi vào phổi, ông dừng lại ở cuống phổi, Hay ông đi tới từng phế nang, Phế nang có từng chùm, mỗi chum có cửa đưa vào một nội tâm, mỗi chùm hội tụ theo mật khẩu, Có những chùm phế nang mật khẩu tên người, Có những chùm phế nang mật khẩu mang tên sông, Có những chùm phế nang mật khẩu là tên phố, tên làng, tên hoa, tên cỏ… (Nguyên Sa, Mật khẩu).
Rõ ràng là “sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ” (Hr 4,12).
Mãi cuối đời, nhà thơ mới lãnh bí tích Thánh tẩy nhưng nhờ kinh nghiệm sống phút hồi tâm[15], một kinh nghiệm giản đơn mà hữu hiệu trên đường tâm linh Kitô giáo, ông đã giữ vững cho mình một lương tâm ngay thẳng và một tấm lòng trong sạch là điều kiện tuyệt vời để đón nhận được mạc khải về tình yêu Thiên Chúa.
Kết thúc câu chuyện về ơn đức tin của Nguyên Sa, tác giả Nguyễn Đức Tuyển viết: “Trong ngày tang lễ tiễn đưa ông, từ nhà thờ St. Polycarp ra nghĩa trang Peek Family trong một ngày nắng chói chang, đàng sau tang quyến là rất nhiều thân bằng, quyến thuộc. Họ là những giáo chức, nhà thơ, nhà văn, nhà báo và đông đảo cựu học sinh của ông; chắc hẳn nhiều người đã nhân dịp này suy nghĩ về cuộc đời và sự chọn lựa cuối đời của ông. Theo tôi biết thì phu nhân của thi sĩ Nguyên Sa, Gs. Trịnh Thúy Nga, cũng đã tìm về Đạo Chúa cách đây mấy năm trong âm thầm, lặng lẽ, khiêm cung nhưng đầy xác tín.”
Hai vị Trần Bích Lan và Trịnh Thúy Nga đã dìu nhau suốt cuộc sống như đôi bạn đời và đã cùng đến nơi như những người bạn đạo. Xin chúc mừng và cám ơn hai vị đã tiết lộ mật khẩu cho nhiều người và nhiều gia đình, mật khẩu đã giúp cho những mảng rời trong Thơ Nguyên Sa Toàn Tập thành biển và không gian tâm linh lớn hơn biển: yêu thương và hạnh phúc.
------------
[1] Nguyễn Đức Tuyển, Nhà thơ Nguyên Sa và hành trình tâm linh, trong Diễn Đàn Giáo Dân, số 133, tháng 12, 2012, trang 43; 46-49 ; 72.
[2] Tuy Hòa, Những bài thơ cuối cùng của Nguyên Sa, https://vnexpress.net/nhung-bai-tho-cuoi-cung-cua-nguyen-sa-1972706.html.
[3] Lược trích theo Nguyên Sa, Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%C3%AAn_Sa.
[4] Nguyễn Đức Tuyển, bài đã dẫn.
[5] Lm. Daminh Nguyễn Ngọc Long, Hình ảnh con cá trong Kitô giáo, http://giaophanthanhhoa.net/duc-tin/hinh-anh-con-ca-trong-kito-giao-14761.html.
[6] Nguyên Sa, Thơ Nguyên Sa toàn tập, https://online.fliphtml5.com/oimsx/niew/#p=18
[7] Nguyên Sa, Thơ Nguyên Sa toàn tập, trang 540, nơi đã dẫn.
[8] Mời xem bản văn Kinh thánh Cựu ước tại https://augustino.net/kinh-thanh-cuu-uoc/sach-sang-the/, cũng có thể xem bản văn lục bát Sấm Truyền Ca (1670) của Lm. Lữ Y Đoan, tạittps://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/ky-niem-350-nam-sam-truyen-ca--41288
[9] Lê Phụng, Đọc Tạo Đan Kinh, http://www.ninh-hoa.com/Ninh-HoaDOTcom-GSLePhung-DocTAODOANKINH-01.htm
[10] Nguyên Sa, Thơ Nguyên Sa toàn tập, trang 500, nơi đã dẫn.
[11] Nguyên Sa, Thơ Nguyên Sa toàn tập, trang 540, các trang 18, 154, 155, 156. 174, 333, 338, 450, 451, 583. sđd.
[12] Trong Thơ Nguyên Sa toàn tập, cuối tập một, có giới thiệu một trích đoạn của truyện dài “Vài ngày làm việc ở chung sự vụ”. Vợ chồng Hải muốn đặt tên thế nào để con của biển phải lớn hơn biển. Cuối cùng, tên cháu là Đoàn Tình Yêu, chỉ có tình yêu mới lớn hơn biển. Sđd, tr. 158-167.
[13] Nguyên Sa, Thơ Nguyên Sa toàn tập, trang 135, sđd.
[14] Conrad de Meester, Hai bàn tay trắng, Nhà sách Đức Bà Hòa Bình ấn hành, Nxb Đồng Nai, 2020.
[15] Có thể xem quyển chỉ dẫn thực hành của Timothy Gallagher, Phút Hồi Tâm, Giang Trung Kiên chuyển ngữ, Nhà sách Đức Bà Hòa Bình ấn hành, Nxb Đồng Nai, 2020.
Tags:
Văn hóa