Chúa nhật V Thường niên B
G 7, 1-4. 6-7; 1 Cr 9, 16-19. 22-23; Mc 1, 29-39
Dù mất đi tất cả nhưng đừng mất niềm tin vào Thiên Chúa
Một điều rất thú vị đó là sau khi bài đọc kết thúc với câu xướng của thừa tác viên “Đó là lời Chúa”, toàn thể cộng đoàn đáp “Tạ ơn Chúa!”. Thật vậy sao? Bài đọc I của Chúa nhật hôm nay có đáng để tạ ơn Chúa không? Chúng ta có thực sự muốn tạ ơn Chúa vì một biểu hiện đau đớn như vậy không? Chắc chắn chúng ta phải làm!.
Ông Gióp rõ ràng đã bày tỏ những cảm xúc mà đôi khi chúng ta phải đối mặt. Ông nói về một đêm không ngủ, một cảm giác mất hết niềm hy vọng. Những ngày tháng thật khốn nạn trong đời ông. Hy vọng rằng những cảm giác này của ông Gióp không xảy ra cho chúng ta thường xuyên. Nhưng chúng có thật, và chúng ta hầu hết, hơn một lần đã trải nghiệm về nó.
Chìa khóa để hiểu được đoạn thánh thư này là nhìn vào toàn bộ cuộc đời của ông Gióp. Mặc dù ông cảm thấy như vậy, nhưng nó không hề ảnh hưởng đến quyết định của ông. Gióp không đầu hàng số phận với sự tuyệt vọng đến tột cùng. Ông không bỏ cuộc nhưng ngược lại ông đã trung thành, kiên trì đến cùng. Đọc hết sách của Gióp chúng ta thấy ông đã chiến thắng và được Thiên Chúa bù đắp thật nhiều. Ông luôn trung thành với Chúa qua bi kịch cuộc đời: dù cho mất đi mọi thứ quý giá nhất của mình nhưng ông không bao giờ mất đi niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa. Trong giờ phút bi đát nhất của đời ông, ngay cả những người thân và bạn bè cũng chê cười, bỉu môi bảo rằng: Thiên Chúa đã trừng phạt ông, nhưng ông biết đó là thử thách Chúa gửi đến cho ông. Ông tin rằng Chúa sẽ không rời bỏ ông đời đời.
Chúng ta hãy nhớ lời đầy tin tưởng của Gióp: “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. ĐỨC CHÚA đã ban cho, ĐỨC CHÚA lại lấy đi: xin chúc tụng danh ĐỨC CHÚA!” (Giop 1, 21). Ông luôn ca ngợi Chúa vì những điều tốt đẹp mà ông đã nhận được trong cuộc sống của mình, dù có mất đi ông vẫn ca ngợi Chúa. Ông không hề nhượng bộ, không để sự tuyệt vọng cám dỗ, ngăn cản ông ca ngợi Thiên Chúa.
Trong cuộc sống, không ít lần những biến cố đau thương của cuộc đời – thất bại, bệnh đau, mất đi người thân… - làm chúng ta thất vọng, thậm chí nghi ngờ về quyền năng và sự hiện hữu của Thiên Chúa. Thiên Chúa có thật sự hiện hữu trong thế giới này không, hay Ngài chỉ là một sản phẩm do trí tưởng tượng của con người dựng lên, như các triết gia vô thần đã nói?. Và cuộc sống chỉ là một gánh nặng mà con người phải chấp nhận như một tai nạn xảy ra cho mình. Biết bao đau khổ chồng chất đè xé con tim đến ngộp thở lấy đâu ra lời để ca ngợi và cám ơn. Cuộc “đời trôi qua thật bi quan và buồn thảm, qua nhanh hơn chiếc thoi đưa, nó tàn lụn đi mà không mang lại tia hy vọng nào”. Khốn cho kiếp làm người đầy những đau buồn và thất vọng.
Khác với những gì đã nói trên, trong Tin mừng hôm nay thánh sử Marcô đã trình bày một hình ảnh đầy sức sống và hy vọng sau khi con người đã trải qua những thời khắc đen tối, đớn đau vì bệnh tật, như thể sau cơn mưa trời lại sáng.
“Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám: và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ”.
“Chiều đến, lúc mặt trời lặn”: Khi màn đêm buông xuống, lúc con người bắt đầu sống trong bóng đêm, sương lạnh; lúc không thể còn nhìn thấy rõ ràng mọi vật, sắc màu; thời điểm mà muôn vật chui mình vào một chỗ để mặc cho bóng đêm bao phủ, hiểm nguy rình rập.
“Người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám… Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ”. Bóng đêm, biểu tượng của tội lỗi, khổ đau và thất vọng, và chỉ có một nơi có thể lấp đầy tất cả mọi sự đó chính là Chúa Giêsu, là Ánh sáng của trần gian. Bất kể không gian và thời gian thế nào dân chúng cũng chạy đến với Chúa Giêsu, vì họ đã thấy và tin rằng chỉ có Ngài mới có thể đem lại cho họ điều mình mong muốn. Sức mạnh và quyền năng của Đấng đã chữa lành mọi bệnh tật thể xác và tâm hồn, đã khử trừ được sự u ám của ma quỷ cũng sẽ đem lại cho chúng ta niềm vui và hy vọng mới mẻ nếu chúng ta hoàn toàn tin tưởng và chạy đến cùng Ngài.
Câu chuyện của ông Gióp và trình thuật về chữa lành của Chúa Giêsu là một bài học đáng giá cho mỗi người chúng ta. Dù cuộc sống thế nào đi nữa, niềm tin vào tình yêu của Thiên Chúa, Đấng không bao giờ bỏ rơi chúng ta, phải tuyệt đối kiên trì. Nếu cuộc sống đang nặng trĩu bởi những khốn khổ và đau thương, hãy tin tưởng và hãy tạ ơn Chúa. Như thánh Phaolô đã nói: “Anh em hãy tạ ơn Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, vì đó là điều Thiên Chúa muốn” (Tx 5, 18). Hãy chia sẻ cùng Ngài để gánh nặng được vơi đi. Thiên Chúa, Đấng dựng nên chúng ta, sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Thánh vịnh 146 của Chúa nhật hôm nay đã xác minh điều đó: “Chính Ngài cứu chữa những kẻ giập nát tâm can, và băng bó vết thương của lòng họ… Chúa chúng ta cao cả và mãnh liệt quyền năng, sự khôn ngoan của Người thực là vô lượng”.
G. Võ Tá Hoàng
Tin vui sau giờ tuyệt vọng : 70 ngày mê man, 2 lần tim ngừng đập
Tháng 3 năm 2020, sau khi đã phục vụ trong gần một phần tư thế kỷ với tư cách là tuyên úy tại bốn bệnh viện lớn trong tổng giáo phận Birmingham, Anh quốc, Cha Michael Stack được bổ nhiệm đến một giáo xứ ở Coventry, miền trung nước Anh. Ngài cảm thấy mệt nên để tìm thời gian nghỉ ngơi, ngài đến thăm em gái của mình ở Dereham, thuộc hạt Norfolk, cách nhiệm sở mới khoảng 2 giờ lái xe. Khi đến nhà người em gái, ngài đang gánh chịu những cơn ho dai dẳng. Điều tiếp theo ngài biết, là ngài đang nằm trên giường bệnh.
“Các nhân viên y tá nói với tôi rằng khi tôi đến Bệnh viện Queen Elizabeth ở King's Lynn, tim tôi đã ngừng đập trong xe cứu thương và được hai nhân viên y tế hồi sức”, ngài nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, trong một cuộc phỏng vấn.
“Tôi đã được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt, và ở đó tôi suýt mất mạng một lần nữa. Tim tôi đã ngừng đập trong tình trạng nguy kịch nên họ đã hồi sức cho tôi”.
Cha Michael Stack, 70 tuổi, đã nói chuyện với CNA vài ngày trước khi Vương quốc Anh báo cáo đã có hơn 100,000 ca tử vong vì coronavirus, con số cao nhất ở Âu châu.
Đức Hồng Y Vincent Nichols người Anh đã mô tả cột mốc ảm đạm này là “một ngày đau buồn lớn trên khắp đất nước”.
“Rất nhiều người, nhiều gia đình, cộng đồng, đang tưởng nhớ những người đã chết trong những tháng khủng khiếp của đại dịch. Mỗi người đều để tang. Mỗi người đều phải được cầu nguyện”, ngài nói.
Cha Stack nói với CNA rằng ngài có thể đã dễ dàng nằm trong số 100,000 người đó.
Tất nhiên, Cha Stack từng đến bệnh viện, nhưng với tư cách là tuyên úy chứ không phải bệnh nhân. Ngài ước tính rằng ngài đã ban các bí tích sau cùng cho khoảng 5,000 người đã chết trong bệnh viện. Ngoài việc phục vụ tại một số bệnh viện bận rộn nhất của Vương quốc Anh, ngài còn là tuyên úy quốc gia của Hiệp hội Y tá Công Giáo ở Anh và xứ Wales.
Một vài năm trước, ngài đã xuất bản một cuốn sách về sứ vụ chữa lành của Giáo hội. “Lạy Chúa, Chúng Tôi Thấy Ngài Bị Bệnh Khi Nào?” Cha đã kể lại trong cuốn sách này 12 câu chuyện về ân sủng các bệnh nhân đã nhận được mà ngài đã chứng kiến trong sứ vụ tuyên uý nhà thương của mình. Trong lời tựa, Đức Hồng Y Nichols đã mô tả cuốn sách như là “một bằng chứng cảm động về sức mạnh chữa lành của sự đồng hành cầu nguyện của chúng ta với những người bệnh và sắp chết”.
Sau khi bình phục, ngài đã cử hành thánh lễ tại nhà thờ Christ the King. Trong thánh lễ ngài cho biết như sau về 70 ngày nằm bệnh viện, 36 ngày nguy kịch, 21 ngày thở máy, tim ngừng đập 2 lần. Mở đầu, Cha Stack nói:
Tôi từng nói với anh chị em những chiếc mặt nạ này tuyệt vời phải không nào. Tôi chưa bao giờ đeo một chiếc như thế trong thời gian làm tuyên uý bệnh viện, nhưng bây giờ tôi phải làm quen với nó.
Từ biết ơn là một từ rất quan trọng đối với một người tràn đầy lòng biết ơn đối với người khác. Và tôi vô cùng biết ơn anh chị em vì những lời cầu nguyện của anh chị em đã dành cho tôi, từ các em ở trường Christ the King, các em từ trường Saint Augustine và chính anh chị em, đang ở đây và cũng như không có ở đây, và đang theo dõi chúng ta trên webcam. Tôi đang ở đây và xin chào tất cả mọi người trên webcam. Cảm ơn lời cầu nguyện của tất cả anh chị em đã tạo nên một sự thay đổi to lớn cho cuộc đời tôi. Tôi đã gần được Chúa gọi về đến hai lần và vì một số lý do mà Chúa đã quyết định vẫn chưa đến lúc và quá trình chữa bệnh là một phần của nghề y trong NHS đã cứu sống tôi trong cả hai lần. Vì vậy, tôi biết ơn, vô cùng biết ơn NHS, các nhân viên, bác sĩ, y tá.
Tôi sẽ không cầu mong cho ai phải nằm bệnh viện trong 10 tuần. 10 phút là đủ. Trong tư cách là một tuyên úy bệnh viện, tôi nhìn thấy cảm giác thật tuyệt của nhiều người sau khi đến thăm người bệnh, anh chị em có thể đứng dậy và đi ra ngoài và về nhà. Nhưng tình hình hoàn toàn khác đối với cuộc sống của một bệnh nhân 36 ngày được chăm sóc nguy kịch, 21 ngày phải dùng máy thở và sau đó gần giống như một thây ma khi được chuyển đến một khu bình thường, nơi các phương cách điều trị cũng hoàn toàn khác với trước đó. Tôi cảm ơn tất cả mọi người và đặc biệt là Cha Tom, người đã đề nghị thay tôi chăm sóc mục vụ cho anh chị em. Tôi cũng cám ơn em gái tôi Madeleine và em rể tôi John liên tục kiểm tra để tìm hiểu xem tôi thế nào, chuyện gì đang xảy ra.
Hãy tưởng tượng tình cảnh một bệnh nhân không ai đến thăm, không nhìn thấy bất kỳ ai. Tôi chỉ thấy tất cả như những người điên đi xung quanh với mặt nạ. Họ chào và kêu tên tôi nhưng tôi không thể nhận ra ai là ai.
Tại bệnh viện Queen Elizabeth ở King's Lynn lần đầu tiên tôi thấy các y tá và bác sĩ trong các trang phục. Họ đeo một chiếc túi sau lưng và cũng có một trong những tấm che mặt mà Cha Tom đang đang đeo. Đó là lúc tôi nhận ra chúng ta đã rơi vào một đại dịch kinh hoàng.
Tôi muốn cảm ơn tất cả anh chị em vì đã dành thời gian, nỗ lực, cũng như những tấm thiệp, những lời chúc tốt đẹp nhất của anh chị em, những lời cầu nguyện của anh chị em, những chuỗi mân côi mà Cha Tom và anh chị em đã cùng nhau cử hành và cầu nguyện cho tôi. Tôi tràn đầy lòng biết ơn. (Trích Vietcatholic News)
Tags:
Suy niệm B