(Chúa Nhật III Thường Niên B 2021)
Lại một lần nữa cả thế giới chứng kiến một vị Tổng Thống Hoa Kỳ đặt tay lên cuốn Kinh Thánh để chính thức tuyên thệ nhậm chức (như nghi lễ nhậm chức ngày 20.01 vừa qua của ngài Joe Biden, vị Tổng thống thứ 46 của Mỹ quốc).
Có thể nói được rằng: đất nước Mỹ, xã hội Mỹ, nền chính trị Mỹ được xây dựng trên nền tảng Thánh Kinh, như niềm xác tín của nguyên Tổng Thống Donald Trump, vị Tổng Thống thứ 45 của Hoa Kỳ mới vừa mãn nhiệm: “Tôi đã thề nguyện trên quyển Kinh Thánh mà mẹ tôi đã dùng để dạy dỗ chúng tôi khi còn nhỏ, và niềm tin đó sống mãi trong trái tim tôi mỗi ngày”. Và chúng ta cũng đừng quên, một trong những điều ấn tượng nhất của Nội Các Tổng Thống D. Trump, đó là “Vào mỗi thứ Tư hằng tuần, tại một căn phòng ở Nhà Trắng, có một nhóm người quyền lực nhất nước Mỹ gặp nhau để cùng học Kinh thánh. Đây có thể nói là sự kiện hy hữu trong vòng 100 năm trở lại đây…. Sở Mật vụ Mỹ không tiết lộ danh tính, nhưng người ta có thể đoán được các thành viên tham gia với những cái tên đầy quyền lực như Phó Tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Mike Pompeo, Bộ trưởng Giáo dục Betsy DeVos. Bộ trưởng Năng lượng Rick Perry…”.
Thế nhưng, Tổng Thống Trump và chính quyền của ông đã bị “loại khỏi vòng chiến” trong cuộc đua vào Nhà Trắng từ ngày 3.11.2020 và kết quả chung cuộc đó là ngày 20.01.2021 vừa qua. Người ta bảo: đây là cuộc bầu cử Tổng Thống phức tạp và tai tiếng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Thật vậy, trong sự kiện “bầu cử Tổng Thống Mỹ” vừa qua, hình như đất nước và xã hội Mỹ đã bộc lộ một “mặt trái đầy nham nhở” khiến nhiều người không khỏi thất vọng và lo lắng, giống như tâm trạng của nhiều người khi chứng kiến thảm hoạ “khủng bố tháp đôi ngày 11.9.2001”. Và cũng đã có không ít người đã tự hỏi: “Tại sao Thiên Chúa lại có thể để xảy ra một thảm họa khủng khiếp như vậy?”. Và một nữ tín hữu Tin Lành đã có câu trả lời thật dài, với nhiều nguyên do, trong đó phải kể đến nguyên do nầy: “… có ý kiến là chúng ta không nên đọc Kinh Thánh nơi trường học, cũng chính quyển Kinh Thánh trong đó dạy chúng ta: 'Chớ giết người, chớ trộm cắp, yêu thương tha nhân như chính bản thân mình, v.v..., Và chúng ta đã đồng ý !... Điều Kỳ Lạ... là chúng ta lại có thể tin những gì báo chí nói mà lại nghi ngờ những gì Kinh Thánh nói…”.
Riêng diễn viên Kevin Sorbo, 57 tuổi, được biết đến trong vai diễn những bộ phim bom tấn như “Thiên Chúa không chết” (God’s Not Dead), “Thần Hercules”, “Hành trình huyền thoại” (The Legendary Journey)”… đã nhận định rằng: lý do một nước Mỹ bị tục hoá, bạo lực, khủng bố (do các phong trào BLM, Antifa…)… và xuống dốc trầm trọng về luân lý, đạo đức bởi vì đã đánh mất những “quy chuẩn Kinh Thánh”.
Sở dĩ nêu lên những sự kiện thời sự có liên quan đến Kinh Thánh ở trên vì Chúa Nhật hôm nay được Giáo Hội đặt làm “Chúa Nhật Lời Chúa”; và trong Tự sắc Aperuit Illis (Người mở trí cho các ông), chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã từng cảnh báo rằng: “Vì vậy, chúng ta cần phải gắn bó mật thiết với Kinh Thánh, nếu không, trái tim chúng ta sẽ băng giá, đôi mắt sẽ khép lại, và vô số hình thức đui mù sẽ tấn công chúng ta”.
Và để đào sâu thêm vai trò của Lời Chúa, Kinh Thánh, Tin Mừng trong nhịp sống đức tin, chúng ta cùng lắng nghe sứ điệp được chuyển tải qua các Bài Đọc vừa được công bố.
Trước hết, trọng tâm của sứ điệp Lời Chúa hôm nay có thể được quy chiếu vào những lời đầu tiên của Tin Mừng Máccô mà chúng ta vừa nghe: Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.
Nhưng trước khi đi sâu vào sứ điệp của Lời Chúa mà Tin Mừng Máccô hôm nay khơi gợi, chúng ta lại phải đi qua, phải đón nhận một “TIN KHÁC”, một tin mà theo sách tiên tri Giona (Bđ 1), đã làm cho “người đưa tin” bực dọc chối từ, và làm cho dân thành Ninivê xôn xao sợ hãi…!.
Thật vậy, chúng ta vừa nghe bài đọc 1 công bố với trích đoạn sách Giona, tường thuật về vị tiên tri mang cùng tên gọi, cứng đầu, bất đắc dĩ đã loan báo một “tin buồn dữ dội”: “còn 40 ngày nữa Ninivê sẽ bị phá huỷ”. Trước “bản tin giật gân động trời nầy”, toàn dân Ni-ni-vê đồng loạt đứng lên cùng nhau khiêm hạ ăn năn sám hối; và rồi “mùa đông băng giá của lắng lo đau buồn, của án phạt, đổ vỡ đã đi qua” để nhường chỗ cho một “mùa xuân của thứ tha và xót thương chợt đến”. “Chúa thấy việc họ làm, vì họ bỏ đời sống xấu xa, Chúa bỏ ý định phạt họ, và Người không thực hiện điều đó”. Như vậy, chúng ta có thể nói được rằng: Bản tin chết người của Giona hóa ra lại là một TIN MỪNG. Nếu không nhờ cái “tin chết người” nầy, thì làm sao dân Ninivê chuyển đổi, ăn năn sám hối, làm sao họ được thứ tha. Chắc chắn, cũng chính trong ý nghĩa “tin vui về sám hối và thứ tha nầy”, mà khi Đức Ki-tô khi loan báo về “Tin mừng Nước Thiên Chúa”, thì đồng thời Ngài đã kêu gọi một động thái tinh thần cơ bản kèm theo đó là “Sám Hối”: “Thời kỳ đã mãn, và Nước Thiên Chúa đã đến. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.
Nếu đem sứ điệp Tin Mừng nầy mà soi vào cuộc sống đời thường, thì quả thật, mỗi người Kitô hữu đều đã chứng kiến bao nhiêu lần “tin mừng đã đi qua cuộc đời”. Vâng, mỗi một lần từ tòa cáo giải đi ra, không phải là một “Tin Mừng tha thứ” vừa đi qua cõi lòng chúng ta đó sao? Mỗi một lần được đón nhận Mình Thánh Chúa, lại không là một lần đón nhận “Tin Mừng Chúa ngự đến viếng thăm trọng đại” đó sao? Rồi xa hơn một chút, ngày chúng ta lãnh nhận Chúa Thánh Thần khi chịu phép Thêm Sức, ngày chúng ta cử hành bí tích hôn phối để nên duyên vợ chồng, ngày linh mục bước lên bàn thánh, ngày người nữ tu lần đầu tiên cam kết khấn dòng…, nào tất cả không là những “mùa xuân của ân thánh”, những tin mừng ngút ngàn được trao ban? Mà chẳng tìm kiếm đâu xa, mỗi ngày, mỗi giây phút của cuộc sống, nếu chúng ta biết nhận ra ánh mắt nhân từ của Thiên Chúa, biết nhận thấy bóng dáng của hồng ân, biết tìm gặp bàn tay nhân ái và quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa chạm đến cuộc đời yếu đuối, tội lỗi, nghèo hèn của chúng ta….thì quả thật “Tin Mừng đã dàn trải cả cuộc đời chúng ta, Tin Mừng đã giăng mắc khắp đường đi lối bước của chúng ta. Một đức tin đúng nghĩa là một đức tin luôn tìm thấy “Tin mừng xuyên qua cuộc sống”. Và đó chính là điều Đức Kitô mang đến, là chính “Tin mừng về Nước Thiên Chúa” mà Đức Kitô đã công bố cách đây 2000 năm và Ngài truyền cho Giáo Hội tiếp tục chuyển tải cho thế giới, cho nhân loại. Vâng, Nước Thiên Chúa không ở đâu xa, đang ở đây, giây phút nầy, khi ta mở rộng cõi lòng đón nhận sự hiện diện ắp đầy của Thiên Chúa, tình thương cứu độ của Đức Kitô.
Thế nhưng, để có thể biết được Thiên Chúa, để có thể nhận ra Đức Kitô thì không có con đường chắc chắn nào khác ngoài con đường THÁNH KINH, như trải nghiệm của thánh Giáo phụ Giêrônimô mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc lại trong Tông thư Scripturae Sacrae Affectus (Lòng yêu mến Kinh Thánh): “chỉ vì Kinh Thánh đã dẫn dắt ngài học biết Đức Kitô, bởi lẽ, không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô”.
Nói cách khác, cuộc hành trình đức tin của người Kitô hữu, hay cuộc lữ hành miên viễn của nhân loại trên trái đất nầy chỉ có thể được định hướng, dẫn dắt, và tìm thấy ý nghĩa cũng như cùng đích cuối cùng khi biết mở lòng ra đón nhận Lời Chúa, đón nhận Kinh Thánh, như lời Đức Phanxicô lưu ý trong Tông thư Aperuit Illis: “Chúng ta là Kitô hữu, như một dân đang lữ hành trong lịch sử, được nâng đỡ nhờ sự diện của Thiên Chúa ở giữa chúng ta, Đấng đang nói với chúng ta và nuôi dưỡng chúng ta. Ngày dành riêng cho Kinh Thánh không phải là ‘mỗi năm một lần’, nhưng là một lần cho cả năm, vì chúng ta rất khẩn thiết cần phải trở nên gần gũi, mật thiết với Sách Thánh và với Chúa Giêsu phục sinh, Đấng không ngừng bẻ bánh Lời Chúa và bánh Thánh Thể giữa cộng đoàn tín hữu. Vì vậy, chúng ta cần phải gắn bó mật thiết với Kinh Thánh, nếu không, trái tim chúng ta sẽ băng giá, đôi mắt sẽ khép lại, và vô số hình thức đui mù sẽ tấn công chúng ta” (Aperuit Illis số 8).
Và chính vì lẽ đó mà tất cả những ai đã nhận được “mật ngọt dịu dàng của Lời Chúa”, những ai đã từng cảm nghiệm “Tin Mừng xuyên qua chính cuộc đời mình”…, thì phải có trách nhiệm “ra đi”, “chia sẻ”: “Hiệu quả dịu dàng của Lời Chúa thúc đẩy chúng ta chia sẻ với những người mà chúng ta gặp gỡ trong đời sống thường ngày để diễn tả cho họ sự chắc chắn về niềm hy vọng mà Lời Chúa chứa đựng” (cf. 1 P 3, 15-16) (Apruit Illis số 12).
Tin Mừng chúng ta vừa nghe đã minh định rằng: Chính thái độ nhiệt tình, quảng đại mau mắn bỏ thuyền, bỏ lưới, bỏ cả người thân để lên đường theo Chúa Kitô, đã biến những anh dân chài quê mùa dốt nát xứ Galilê trở nên những Vị Đại Tông đồ ngàn năm bất tử. Thật vậy, nếu 2000 năm trước, những con người như Phêrô, Anrê, Giacôbê, Gioan, Philipphê…không cảm nhận được vẽ đẹp tuyệt vời của Tin Mừng Nước Chúa, của sứ mệnh cao quý và khẩn thiết “đi chài lưới người”… thì làm gì có Giáo Hội Công Giáo hôm nay? Cũng vậy, chính tại quê hương Việt Nam thân yêu nầy, nếu không có những thừa sai như Stêphanô, Gagelin, Anrê Phú Yên, Anrê Kim Thông, bao nhiêu vị chứng nhân anh hùng, đã dám liều mình chấp nhận mọi đắng cay, thua thiệt, cho đến cả mạng sống, thì làm gì có Giáo Hội Việt Nam, giáo phận Qui Nhơn ! Cái giá cao quý đó không là một chứng từ rõ nét để mỗi người chúng ta hôm nay noi dấu hay sao?
Sứ điệp Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay lại vang lên trong những ngày cuối năm Âm lịch, những ngày mà nhiều người đang tất bật xôn xao bận bịu đủ thứ chuyện trên đời. Trong một thế giới đang bị cám dỗ để chạy theo tiền tài, vật chất và những giá trị trần tục chóng qua, thì một lần nữa, lời Thánh Phaolô hôm nay trong Bđ 2, đã vang lên như một lời cảnh báo cần thiết: “bộ mặt thế gian đang qua đi”.
Chắc chắn, đó không là một lời nói “mị dân, phĩnh gạt” để chúng ta sao nhãng những trách nhiệm trần thế; nhưng cốt yếu, để luôn tỉnh táo và xác tín rằng: Chỉ có một điều mãi mãi tồn tại và mỗi ngày đang phát triển, đó chính là Nước Trời, là Đức Kitô, là Thiên Chúa tình yêu vĩnh cửu. Và vì thế, ưu tiên số một mãi mãi vẫn là “tìm kiếm Nước Thiên Chúa”, là loan báo “Tin Mừng Cứu độ của Chúa Giêsu”; hay như ước nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô trong ngày Chúa Nhật Lời Chúa nầy: “Ước gì Chúa nhật Lời Chúa có thể làm lớn lên trong dân Chúa lòng sùng đạo và sự chăm chỉ quen thuộc với Thánh Kinh, như tác giả thánh đã dạy trong thời xưa “Lời này ở gần ngươi, Lời ở trong miệng ngươi và trong tim ngươi, để ngươi đem ra thực hành” (Tl 30, 14) (Aperuit Illis số 15). Amen.
LM. Trương Đình Hiền
Tags:
Suy niệm B