"Trong ngày Sabbat được cứu sống hay là giết chết?"
Mc 3, 1-6
“Khi ấy, Chúa Giêsu lại vào hội đường và ở đó có một người khô bại một tay. Người ta để ý quan sát xem Chúa có chữa bệnh trong ngày Sabat không, để tố cáo Người. Chúa bảo người có tay khô bại rằng: "Ngươi hãy đứng ra giữa đây". Rồi Người bảo họ: "Trong ngày Sabat được làm sự lành hay sự dữ? Được cứu sống hay là giết chết?" Nhưng họ thinh lặng. Bấy giờ Người thịnh nộ đưa mắt nhìn họ và buồn phiền vì lòng họ chai đá, Người bảo bệnh nhân rằng: "Hãy giơ tay ra". Người đó giơ tay ra và tay anh ta được lành. Lập tức, những người biệt phái đi ra bàn tính với những kẻ thuộc phái Hêrôđê chống đối Người và tìm cách hại Người”. (Mc 3, 1-6)
Tội lỗi làm thiệt hại mối quan hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa. Thế nhưng tâm hồn chai đá thậm chí còn gây tổn hại hơn nhiều vì nó làm sống lại thiệt hại do tội lỗi gây ra. Con tim càng cứng rắn, tổn thương càng nhiều và vĩnh viễn.
Trong Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu đã nổi giận với người Pharisiêu. Cơn giận dữ thường là do tội lỗi, kết quả của sự thiếu kiên nhẫn và thiếu bác ái. Nhưng có những lúc, cơn giận có thể tốt khi nó được thúc đẩy bởi tình yêu của người khác và lòng căm thù vì tội lỗi của chính họ. Trong trường hợp này Chúa Giêsu thực sự đau buồn trước sự cứng lòng của người Pharisiêu, và chính điều đó đã làm cho Chúa nổi giận. Có thể gọi đây là cơn giận thánh thiện. Sự tức giận “thánh thiện” của Chúa Giêsu đã không gây ra những lời chỉ trích vô lý, nhưng đúng hơn nó đã thúc đẩy Chúa Giêsu chữa lành cho người "khô bại một tay" này trước sự chứng kiến của những người Pharisiêu, để hy vọng họ thay đổi tâm tư và tin vào Chúa Giêsu. Nhưng đáng buồn thay, điều đó không mang lại kết quả. Ngược lại, Tin mừng cho biết “Lập tức, những người biệt phái đi ra bàn tính với những kẻ thuộc phái Hêrôđê chống đối Người và tìm cách hại Người” ( Mc 3,6).
Sự cứng lòng là thứ cần phải tránh xa. Vấn đề là những người cứng lòng thường không cởi mở để nhận ra rằng họ đang thực sự cứng lòng. Họ cố chấp và bướng bỉnh, đôi khi tự cho mình là đúng. Vì vậy, khi con người mắc phải căn bệnh này, họ rất khó thay đổi, nhất là trong những trường hợp phải đối đầu.
Đoạn Tin mừng hôm nay cho bạn một cơ hội quan trọng để nhìn vào tâm hồn mình với sự trung thực. Chỉ một mình bạn với Chúa trong cuộc suy xét và trò chuyện nội tâm. Bắt đầu bằng cách suy gẫm về những người Pharisiêu và cách cư xử quá nghèo nàn mà họ đã thể hiện trước Chúa Giêsu. Từ đó bạn cố gắng nhìn lại bản thân mình cách trung thực nhất. Bạn có cố chấp không? Tâm hồn bạn có cứng cỏi đến mức nghĩ rằng mình không thể sai? Có bao nhiêu cuộc xung đột, bất hòa đã xảy ra giữa bạn với người khác, cho đến giờ này vẫn còn âm ỉ, chưa đến hồi kết thúc trong hòa bình? Nếu như vẫn còn những gì đã gợi ý trên trong tâm hồn bạn thì rõ ràng con tim bạn đang mắc chứng bệnh chai đá.
Và giờ đây chúng ta cùng chữa lành tâm hồn chai đá của chúng ta sau những phút giây suy gẫm. Đừng để mất cảnh giác và cởi mở đón nhận những gì Thiên Chúa muốn nói với bạn qua những điều tốt đẹp. Nếu bạn còn cảm thấy mình khô khan, cứng cỏi trước mọi người, dù là nhỏ xíu, thì hãy xin Chúa bước vào lòng mình và xin Ngài làm cho con tim chai đá của bạn trở nên mềm mại. Thay đổi một thói quen cố hữu thật khó, nhưng không có gì là không thể. Đừng ngần ngại, hãy can đảm.
Lạy Chúa, xin cho con biết mở lòng để kiểm điểm tâm hồn con và xin Chúa biến đổi con. Xin chạm vào trái tim con để con được biến đổi, vượt qua mọi cố chấp, bước bỉnh và qui ngã. Xin cho con nhận biết khiêm nhường là cần thiết, là điều con luôn phải nắm giữ và thi hành để trở nên giống Chúa hơn.
CÂU CHUYỆN ĐỪNG VỘI XÉT ĐOÁN
Vừa nhận được điện thoại, vị bác sĩ vội vã tới bệnh viện. Ông khoác vội trang phục phẫu thuật và tiến ngay tới phòng mổ. Lúc đó, người cha của cậu bé sắp sửa phẫu thuật đang ngồi đợi tại cửa phòng.
Vừa nhìn thấy bóng bác sĩ, người cha nói ngay: “Tại sao giờ này ông mới đến? Ông không hay biết con trai tôi rất nguy kịch sao? Thực lòng ông có trách nhiệm nghề nghiệp không vậy?”
Bác sĩ điềm tĩnh trả lời: “Thật xin lỗi, lúc này không phải ca tôi trực nên tôi không có mặt tại bệnh viện. Thế nhưng vừa nhận được điện báo tôi đến ngay đây… Và lúc này tôi muốn tịnh tâm một chút để chuẩn bị phẫu thuật”.
Người cha giận dữ: “Tịnh tâm à?! Giả như con của ông đang nằm trong phòng cấp cứu thì ông có tịnh tâm được không? Nếu như con trai ông sắp chết, ông sẽ làm gì?”
Vị bác sĩ lại mỉm cười trả lời:
“Tôi sẽ nói điều mà ông Gióp đã nói trong Kinh Thánh: ‘Thân trần truồng sinh từ bụi đất, tôi sẽ trở về bụi đất thân trần truồng. Chúa đã sinh ra, Chúa lại lấy đi, xin chúc tụng Chúa’. Những bác sĩ không có khả năng giữ lại mạng sống. Ông hãy đi và cầu nguyện cho con trai ông. Chúng ta sẽ nỗ lực hết mình và cậy trông vào ân sủng Thiên Chúa”.
“Khuyên lơn người khác khi mà bản thân mình chẳng dính dáng gì xem ra quá dễ dàng”. Người cha phàn nàn.
Cửa buồng phẫu thuật đóng lại. Vị bác sĩ miệt mài vài giờ liền trong buồng mổ. Và ông rời khỏi buồng phẫu thuật trong niềm hạnh phúc: “Cảm tạ Chúa. Con trai ông đã được cứu. Nếu muốn biết thêm chi tiết, hãy hỏi cô ý tá vừa giúp tôi”. Không chờ câu trả lời của người cha, vị bác sĩ tiến thẳng ra cổng và rời khỏi bệnh viện.
Ngay khi nhìn thấy dáng dấp cô y tá xuất hiện, người cha nói ngay:
“Loại người gì mà lại cao ngạo đến như thế kia chứ! Thậm chí ông ta không thèm dành vài giây trả lời cho tôi biết hiện trạng con trai tôi”.
Cô y tá cúi xuống, tuôn trào nước mắt. Trong xúc động, cô chậm rãi trả lời: “Con trai duy nhất của bác ấy mới qua đời hôm qua do một tai nạn. Hôm nay bác ấy đang lo tang sự cho cậu. Thế nhưng vừa nhận được điện báo bác ấy tới ngay để cứu con trai ông. Bây giờ thì bác ấy trở về tiếp tục lo hậu sự cho đứa con yêu quý của mình”.
Đừng vội kết án ai. Vì bạn không biết cuộc sống của họ thế nào cũng như điều gì đang diễn ra trong tâm hồn họ và những gì họ đang phải nỗ lực vượt qua.
G. Võ Tá Hoàng
Tags:
Suy niệm