“Ông Anania vào nhà đặt tay trên ông Saolô và nói: "Anh Saun, Chúa đã sai tôi đến đây, Người là Đức Giêsu, Đấng đã hiện ra với anh trên đường anh tới đây. Người sai tôi đến để anh lại thấy được và để anh được đầy Thánh Thần." Lập tức có những cái gì như vảy bong ra khỏi mắt ông Saolô, và ông lại thấy được.” (Cv 9, 1-12)
Thánh Phaolô (tiếng Dothái gọi là Saolô thành Tarsô) là một người Do thái Pharisiêu nhiệt thành, mạnh mẽ bảo vệ luật pháp. Chính Phaolô đã nói với mọi người về bản thân của mình như sau: “Tôi là người Do-thái, sinh tại Tarsô xứ Cilicia, đã được nuôi nấng trong thành này, đã được đào tạo theo chân lý lề luật cha ông dưới chân ông Gamaliel. Tôi nhiệt thành với lề luật cũng như hết thảy quý vị hôm nay.” (Cv 22, 3-4).
Sau khi Chúa Giêsu về trời, niềm tin Kitô giáo bắt đầu phát triển cách mạnh mẽ, gây tiếng vang không nhỏ trong xã hội thời bấy giờ. Do đó, Saolô thành Tarsô cố gắng chấm dứt sự phát triển của tôn giáo mới mà ông cho là sai lầm. Saolô đi tìm những người theo Chúa Giêsu để ra tay. Sách Tông đồ Công vụ kể rằng, Saolô là một trong những người đồng ý để ném đá thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi. Tuy nhiên, trong chuyến lên Damas để truy lùng các Kitô hữu, Saolô đã nhìn thấy Đấng phục sinh. Saolô đã nghe được tiếng gọi của Ngài: “Saolô, Saolô sao ngươi lại bắt bớ ta” (Cv 9,4). Sau cuộc gặp gỡ đó Saolô phải sống trong bóng đêm mất ba ngày, vì mắt ông bị mù.
Đoạn trích sách Tông đồ Công vụ trên là lời của Anania, một đồ đệ của Chúa Giêsu. Anania nhận được lời chỉ dạy của Chúa Giêsu, sai ông đến gặp Saolô, đặt tay trên Saolô để ông được chữa lành. Anania cũng được cho biết rằng Saolô “là công cụ được Thiên Chúa chọn” để qua đó Tin mừng rao giảng cho dân ngoại và cho toàn thể con cái Israel.
Dù có nhiều khía cạnh hấp dẫn liên quan đến câu chuyện của thánh Phaolô và sự trở lại của ngài, nhưng những câu chuyện đó là nguồn cảm hứng để chúng ta suy gẫm về cách mà Thiên Chúa đã làm cho thánh nhân hoán cải. Chúa Giêsu không khe khắt, cũng không lên án Phaolô. Trái lại, Ngài nhìn thấy nơi Phaolô là một con người tốt và mạnh mẽ, biết rằng ngài sẽ đáp lại lời mời gọi của Chúa khi có cơ hội. Mặc dù Chúa khiến ông phải mù, nhưng đó là cách để Phaolô nhận ra được quyền năng của Thiên Chúa, nhận ra được ân sủng đặc biệt mà Thiên Chúa ban cho ngài.
Sau cuộc gặp gỡ với Chúa, thánh Phaolô đã biến đổi cuộc đời, bước ra khỏi bóng tối mờ mịt như chú gà con vừa chui ra khỏi lớp vỏ cứng nhiều ngày bao bọc nó, chạy nhảy tung tăng dưới ánh sáng chói chang của ngày đầu tiên. Sau cuộc gặp gỡ với Chúa, thánh Phaolô đã để lại quá khứ đầy nhiệt thành, nhưng cũng không kém phần lầm lạc dưới chân, để bước đi trong một ánh sáng mới, ánh sáng của Đấng Phục sinh. Sau cuộc gặp gỡ đó Phaolô đã đáp trả một cách nhiệt tình để rồi chấp nhận chết đi cho những gì mình rao giảng.
Câu chuyện của thánh Phaolô cũng là câu chuyện của cuộc đời mỗi người chúng ta. Chúa biết rõ nơi chúng ta có điều gì, và Ngài đã mời gọi chúng ta theo cách thức của Ngài, theo khả năng của từng người chúng ta. Ngài luôn mời gọi chúng ta chia sẻ sứ mạng cứu rỗi của Ngài như đã mời Phaolô, hay các tông đồ sau khi sống lại. Vấn đề là liệu chúng ta có sẵn sàng đáp lại lời mời gọi đó để phụng sự Ngài hay không.
Tin mừng Marcô hôm nay thuật lại lời kêu gọi của Chúa Giêsu: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin mừng cho mọi tạo vật”, đó cũng chính là lời kêu gọi của Chúa Giêsu dành cho mỗi người chúng ta.
Bạn đã sẵn sàng chưa.
Chuột sa hũ gạoMột con chuột rơi vào trong lu gạo, số gạo trong lu vẫn còn một nửa, sự cố ngoài ý muốn này khiến nó vui mừng không sao tả được. Sau khi xác định là không có nguy hiểm gì, nó liền bắt đầu cuộc sống ăn rồi lại ngủ, ngủ rồi lại ăn trong cái lu gạo.Rất mau, lu gạo sắp cạn kiệt, nhưng nó rốt cuộc vẫn không thoát khỏi sự cám dỗ của những hạt gạo, nên tiếp tục ở lại trong lu. Cuối cùng, gạo đã ăn hết, chuột ta mới phát hiện rằng mình không thể nhảy ra ngoài được nữa, lực bất tòng tâm.
Cuộc đời của chúng ta đôi khi có vẻ rất bình yên nhưng xung quanh chúng ta đều là vực thẳm. Biết nhìn xa trông rộng, vươn ra khỏi bóng đêm và vực thẳm để được tự do và biến đổi đó là thành công của cuộc đời. Suy nghĩ cố chấp và thiển cận một lúc nào đó xung quanh chúng ta chẳng còn ai, và chúng ta sẽ chìm lỉm, chết ngợp trong vũng lầy do chính mình tạo ra.
G. Võ Tá Hoàng
Tags:
Suy niệm