Thời nay, chẳng cha mẹ nào muốn để con mình phải thiếu thốn hay thiệt thòi. Người giàu có cách chăm lo của người giàu. Người nghèo có cách chăm lo kiểu người nghèo. Nhưng đều có điểm chung: nhất thiết phải cho con những điều tốt nhất trong cuộc sống thực tại.
Từ xuất phát điểm này, các bậc cha mẹ nỗ lực trao tặng cho con cái những giá trị thực tế về mặt tiện nghi, chẳng hạn cho học trường quốc tế, cho Ipad để chơi games, cho điện thoại thông minh để tiện việc liên lạc,.. vì họ đều mong muốn rằng “con tôi là nhất” hoặc “chí ít cũng phải bằng bạn bằng bè”.
Ngày nay, lối suy nghĩ và cách hành xử này đã trở nên phổ biến và ‘mẫu mực hóa’ đến mức được xem là biểu hiện của tình yêu vô điều kiện của người làm cha làm mẹ. Nhưng thực tế lại cho thấy việc cha mẹ “luôn đặt con cái ở trong trạng thái đủ đầy nhất có thể” lại sinh ra những hệ quả “nhãn tiền” mà chính con cái họ phải gánh chịu.
Một cuộc sống sung túc quá mức có thể làm con trẻ đánh mất nhiều thứ quý giá:
Không biết trân trọng những gì mình đang có
Có lẽ, ban đầu trẻ chưa có nhu cầu nhiều nhưng chính người lớn lại tự nguyện trao cho trẻ rất nhiều thứ. Vô tình người lớn tự biến sự yêu thương của mình thành “thông lệ mặc định” một chiều. Hệ quả là, nếu trẻ nhận được những gì chúng muốn, chúng sẽ cho đó là đương nhiên; nếu trẻ không nhận được thứ chúng muốn, chúng cho rằng cha mẹ không yêu thương chúng hoặc không đủ giỏi như cha mẹ của các bạn.
Dù ở tình huống thứ nhất hay tình huống thứ hai, chúng đều không còn biết quý trọng những gì mình đang có. Sự hạnh phúc của con cái vì thế bị phụ thuộc vào khả năng cha mẹ có thể cung cấp cho chúng nhiều như thế nào.
Phát triển sự ganh tị và đua đòi
Quen nhận được sự chăm bẵm tuyệt đối từ cha mẹ, trẻ thản nhiên hình thành suy nghĩ “bạn có cái gì thì mình phải có thứ đó”, khi thấy bạn có gì hơn mình thì cảm thấy ganh tị, phải có cho bằng được. Vì yêu thương con sai cách, nhiều bậc phụ huynh lại cổ xuý cho sự đua đòi và những yêu sách vô luận của con cái mình. Lẽ dĩ nhiên, đây là cuộc leo thang không có điểm dừng bởi con người vốn chỉ muốn “cộng” thêm vào chứ không muốn “trừ” bỏ bớt đi những nhu cầu của mình, cha mẹ sẽ luôn phải chạy theo đáp ứng những đòi hỏi của con trẻ.
Chỉ muốn hưởng thụ, mất khả năng tự lập
Cái gì cũng có, thậm chí là phủ phê trong đời sống tiện ích, những đứa trẻ này sẽ phát triển tâm lý an nhàn, thụ hưởng, không muốn làm gì cả. Sự chăm lo quá mức của người lớn tạo ra một cái vỏ vô hình bao bọc những ‘tâm hồn bé nhỏ’, khiến chúng phát triển thói ỉ lại và hoàn toàn mất đi khả năng tự lập – một trong những kỹ năng quan trọng làm tiền đề cho sự phát triển của trẻ sau này.
Trí tưởng tượng nghèo nàn và những ước mơ bị đánh cắp
Thực tế rõ ràng cho thấy, khi no nê vật chất sẽ bị khiếm khuyết về tâm hồn. Con trẻ làm sao có thể biết ước mơ của mình là gì nếu điều gì cũng có thể dễ dàng sở hữu? Làm sao có thể khơi mở trí tưởng tượng nếu đầu óc trẻ đã bị hạn định bởi những giá trị thực dụng?
Vậy mới nói, để con trẻ được thiếu thốn đi một chút lại là điều hay; để con trẻ thua thiệt đi một chút lại là cơ hội để giáo dục chúng về giá trị cuộc sống, lòng biết ơn, đức hi sinh, sự hoán đổi công bằng giữa được và mất.
Minh Nguyên
https://trithucvn.org/doi-song/hay-de-con-tre-duoc-thieu-thon-2.html
Tags:
Đời sống