Hải Miên
Hoàng hôn buông mình xuống lòng sông, từng vạt nắng óng ánh đuổi nhau trên mặt nước. Vài chùm mây bạc ửng đỏ treo chênh vênh tiễn mặt trời xuống núi. Hàng dừa sát bờ chao nghiêng trong gió như ngắm nhìn những phận đời sướng khổ bên kia sông. Chiều nay, nội lại đứng tần ngần trước hiên nhà, mắt mờ đục hướng về khoảng không xa vời vợi. Cứ dịp này, nội lại khóc. Ngày trước, nội khóc vì cô Tư, chú Út, bây giờ nội khóc vì nhớ Tình. Những người nội thương yêu cứ đến rồi đi, chẳng ai neo yên bên bến đời của nội. Phía chiếc cầu bắc ngang dòng sông bao quanh xóm Cồn, từng chậu cúc, mai, vạn thọ… được người ta dập dìu đưa đón. Không khí Tết theo gió sông thổi lên làm những nhành hoa rung rinh. Sắc hoa dịu nhẹ, mấy cánh én chao nghiêng vô tình đánh thức kí ức nội giấu kĩ bấy lâu. Người già khó giữ được nỗi lòng, cảm xúc cứ vật vờ như sóng nước lăn tăn rồi kéo nhau vỗ vào bờ thương nhớ. Nội đưa tay kéo vạt áo lau ngang dòng nước mắt, miệng thầm thĩ: “Mới đó mà con Tình đi đã hai năm rồi”…
- Nó sẽ về thăm nội mà, nó không quên nội đâu!- Tôi ngồi bên, lựa lời an ủi, cố xua đi nỗi buồn đang lãng vãng bên mình.
- Nội chỉ sợ…
- Không sao đâu nội, hôm rồi cô Tư đăng hình con Tình đến nhà thờ… Nội xem đi, nó vẫn khỏe quá trời.
Nói xong, tôi đưa tay lướt từng bức ảnh của con Tình. Nội di di ngón tay vuốt mặt nó, nước mắt lại trào ra. Từ ngày cô Tư mang con Tình đi, ít khi nội tròn giấc. Nhiều đêm, nội ú ớ gọi “Tình… Tình”, người toát đầy mồ hôi rồi bật mình ngồi dậy. Nội mơ thấy Tình không được đến nhà thờ, mặt nó buồn thiu.
Vừa nói, nội vừa trào nước mắt. Người ta nói đúng, khi già là lúc trở lại như trẻ con, dễ buồn, dễ khóc. Tôi phải dỗ dành mãi, nội mới chịu chợp mắt. Những lần như thế, tôi thương nội vô cùng. Tôi biết, trong mấy đứa cháu, nội thương Tình nhất. Bởi con bé sinh ra đã thiếu hẳn tình thương.
* * *
Dạo trước, lúc chưa có sự hiện diện của Tình, nội khỏe mạnh, ngày hai buổi đến nhà thờ. Gia đình tôi sống chung với nội, cô Tư và chú Út. Dẫu nghèo, chật chội nhưng hạnh phúc cứ tỏa lan. Mỗi độ Tết đến, không khí gia đình rôm rả. Chú Út tuốt lá, chăm cây mai trước nhà. Ba tôi làm vườn, sơn sửa những đồ đã cũ. Nội, cô Tư và má nói cười bên mấy đòn bánh tét. Riêng đám trẻ chúng tôi thì lăng xăng phụ giúp trong màn khói mịt mù của gác bếp. Ai cũng tất bật nhưng vui vẻ chan hòa.
Nhưng rồi, những điều đẹp đẽ ấy nhạt dần. Từ lúc chiếc cầu mới được xây lên, xóm Cồn thay đổi hẳn. Kinh tế, nhà cửa, con người cứ thế mà vươn mình như muốn thoát khỏi cái dân dã của thôn quê. Cô Tư theo đám con gái xóm Cồn qua bên kia sông. Ngày ra đi, cô nói với nội cô muốn đổi đời, cô sẽ kiếm tiền rồi đưa nội đến chốn đèn hoa. Nhưng, tất cả đó chỉ là hứa hẹn. Sự hấp dẫn của những tòa nhà chọc trời, tiện nghi, sang trọng cuốn hẳn cô Tư không trở lại. Đến Tết, cô quên mất người mẹ đang ngóng chờ bên này sông. Cô quên cả lũ trẻ bao lần háo hức canh nồi bánh tét cùng cô. Nội buồn lắm nhưng không biết phải làm sao. Đám cháu chúng tôi cũng buồn.
Cô Tư đi tròn ba năm rồi quay về, trên tay bế con Tình nhỏ xíu. Cả nhà dáo dác nhìn nhau. Con Tình được hai tuổi nhìn mọi người bằng ánh mắt xa lạ. Nội không nói nên lời. Bao nhiêu ấp ủ cho đứa con gái duy nhất của nội như bị đổ hết xuống lòng sông. Những ngày đó, quanh quẩn nhà tôi không có niềm vui. Ba là anh hai nên lớn tiếng với cô Tư. Cô đáp lại bằng giọng trầm buồn: “Em đủ lớn để quyết định đời mình, em chỉ xin lỗi má và mọi người vì mang nhục đến cho cả nhà”. Nghe từng lời cô nói, ai cũng có chút mủi lòng. Thương cho đời con gái như khóm lục bình trôi dạt trên sông, nay đây mai đó, không có bến bờ để gửi gắm tấm thân. Không chồng, không cưới hỏi, không phép tắc nhà thờ, người xóm Cồn xôn xao nhưng cô Tư chẳng nao lòng. Cô Tư bấy giờ không còn hiền dịu như lúc trước. Sóng gió cuộc đời xô đẩy khiến cô nên khác hay cô phải khác đi mới đúng là chính mình, không ai có thể hiểu được điều đó. Được một thời gian, cô Tư lại đi…
Phần con Tình, cái tên nó chất chứa nhiều ý nghĩa. Cô Tư muốn nó luôn nhận được trọn vẹn chữ tình như bao người, không truân chuyên như má nó. Cô muốn mai này lớn lên, nó sống tốt, không như cha nó, chỉ nói lời ngon ngọt, rồi để lại mình cô bơ vơ. Từ ngày có Tình, nội vơi buồn. Đi đâu nội cũng dắt nó theo. Ngày cô Tư mang Tình về, người xóm Cồn bĩu môi khó chịu. Nhưng khi lớn lên, nó xinh xắn, lễ phép, người ta lại thương. Hôm cùng nội đưa Tình đến nhà trẻ, mấy Sơ hỏi sao mặt Tình ẩn sâu một nỗi buồn khó tả. Nội và tôi cười nhẹ không biết trả lời làm sao. Vậy mà, Tình trả lời chân thật: “Má Tình không thương Tình, má bỏ Tình đi rồi!”. Nội nghe câu nói mà quặn lòng. Phận làm bà nhưng lại để đứa cháu ngoại bé tí bật ra những lời ấy. Nhiều lần, Tình ngồi tiu nghỉu, mặt buồn hiu. Nó hỏi nội mấy câu ngậm ngùi: “Má con đi đâu vậy ngoại? Ba con đâu hở ngoại?”. Nội lặng đi, rồi lảng qua chuyện khác. Biết nói làm sao với đứa nhỏ non nớt. Thôi thì chấp nhận sự thật, nội cố gắng làm cho Tình vui để quên đi những câu hỏi không thể trả lời.
Mấy lần quây quần bên nội, nghe kể chuyện ngày xưa, nội hay than thở mấy đứa con của nội, tức ba má, cô chú của tôi. Nội nói ngày trước nghèo hơn bây giờ nhiều, nhưng vợ chồng sống với nhau tình cảm. Dù như thế nào cũng phải giữ vẹn nghĩa phu thê. Vậy mà bây giờ, mọi người không biết bớt lời mà nhường nhịn nhau. Ngon lành lắm là do sợi dây Hôn phối ràng buộc, hay có mấy đứa con níu giữ, không thì cứ mời luật sư rồi ra tòa. Nội thấy người ta sống vậy mà đau xót. Nội khuyên chúng tôi yêu thương nhau, nhất là phải thương con Tình. Chúng tôi hạnh phúc hơn nó vì có ba má để chăm sóc và an ủi. Còn Tình, gần như là một đứa trẻ mồ côi.
Rồi dịp Tết hai năm trước, khi nhành mai trước hiên nhà đơm nụ, cô Tư trở về sau hai năm biền biệt. Kể từ lần mang Tình gửi nội rồi dứt áo ra đi, lâu lâu cô Tư có ghé về thăm Tình. Khi thì lốc sữa, khi thì cái áo đầm, nhờ vậy, con Tình cứ nhắc cô hoài. Riêng lần này, cô đi lâu lắm mới chịu về. Khác những lần trước, cô Tư xinh hơn. Gái một con nhưng vẫn còn mơn mởn, khuôn mặt cô đầy vẻ tự tin. Thoạt nhìn, tôi không nghĩ đó là cô Tư của mình bởi cô khác xưa nhiều quá! Cô sang trọng, cộng thêm vẻ đẹp mặn mà và kiêu sa. Cô gửi cho nội bộ áo dài mềm mại để mặc những lúc đến nhà thờ. Cô gửi cho má mấy lọ nước hoa thơm phức. Đám cháu chúng tôi cũng có những bộ quần áo thật xinh. Cô nói, đợi làm ăn khấm khá, cô sẽ gửi quà về nhiều hơn thế. Cô Tư ở vỏn vẹn ba ngày nhưng cả nhà đầy biến động. Lần này về, cô muốn mang con Tình đi. Cô hứa với nội sẽ lo lắng cho Tình đầy đủ. Phần nữa, là để bù đắp cho nó vì những tháng ngày bươn chải với đời mà quên đi máu mủ ruột rà. Hôm họp gia đình giữa gian phòng, chỉ có ba người lên tiếng như mọi khi: Nội, ba và cô Tư. Nhưng rồi, nội tóm lại một câu đắng nghét: “Con bây, bây muốn làm gì thì làm!” Nội nói nhưng không dám nhìn thẳng vào mặt cô Tư. Nội sợ nét khắc khổ giấu kín sau lớp phấn son kia làm nội thêm đau lòng. Chí ít, Tình cũng do cô Tư mang nặng đẻ đau. Việc nuôi dạy nó, cô Tư làm là phải lẽ. Nội chỉ sợ Tình bơ vơ. Nội sợ nó khổ và bỏ cả nhà thờ. Nhưng điều gì đến cũng phải đến. Con thì phải theo mẹ, chứ biết theo ai bây giờ!
Trước ngày đi, cô Tư dắt Tình với tôi ra bờ sông đi dạo. Ánh chiều đổ bóng ba người xuống lòng sông. Cô Tư lấy trong túi xách hai phong bao lì xì, một cái cho tôi, một cái nhờ tôi gửi nội. Cô Tư cảm ơn tôi đã thương yêu Tình như em ruột mình. Mặt Tình lúc đó trông hớn hở. Tôi dặn Tình: “Đi xa, nhớ nghe lời má đấy!”. Tôi gửi Tình phong bao lì xì: “Cho em nè!” Tình cười rồi xua tay: “Em không cần đâu, Tết nay em có má cho rồi!” Tôi như lặng người. Có lẽ con Tình nay đã lớn và nó ước ao lắm cái Tết đoàn viên với cô Tư.
Năm đó, cả nhà đón Tết với niềm vui không trọn vẹn. Cô Tư đi trước Tết vài hôm mà không nói vì sao…
* * *
- A… chú Út về! Chú Út về kìa nội! Nội đưa mắt về dãy hàng rào dâm bụt, mấy giọt nước mắt đã được gió cuốn đi. Chú Út rẽ xe vào khoảng sân. Dáng người phong sương quen thuộc nay về với chốn bình yên sau những tháng ngày chật vật với đời. Những ngày đầu chú Út rời nhà đi xa, nội cũng hay ngóng đợi như lúc này. Nhưng bây giờ, hình ảnh trước mặt nội không phải là người nội mong chờ nhất.
- Bây về rồi đó hả? Sao năm nay về trễ vậy? - Nội hỏi.
- Con tuốt lá chăm mai bữa giờ, giờ chú Út tiếp tục chăm nhé! - Tôi nhanh nhảu chen ngang.
Chú Út nhìn tôi rồi nở nụ cười nhưng vẫn giữ sự im lặng. Chú đặt balô xuống nền nhà, ngồi sát bên nội. Chú vòng tay ôm nội, rồi gục đầu lên vai như đứa con thơ tìm về bên mẹ. Lâu lắm rồi, tôi mới thấy chú nhõng nhẽo như lúc này. Được một lúc, chú Út mở miệng nói: - Má già đi nhiều quá!
- Cái thằng… sao má trẻ hoài được?
Mà sao về trễ vậy nè?- Nội hỏi lần hai.
- Mấy hôm rồi con về Bạc Liêu, thằng Duẩn năm trước ghé nhà mình mất rồi má… Nó về quê ăn Tết nhưng lại bị tai nạn giao thông.
Nội lợm giọng, mắt đăm đăm nhìn chú Út. Cái tin của chú như kéo dòng nước mắt nội tuôn rơi. Tôi cũng thoáng giật mình. Phận đời sao mong manh đến vậy? Nội lặng thinh như để cầu nguyện cho người bạn của chú Út. Chú đưa tay vỗ về vì biết nội là người dễ xúc động.
Chú vội kéo nội ra khỏi dòng cảm xúc:
- Thôi, má cầu nguyện cho Duẩn là được rồi. Mà… má lại nhớ con bé Tình phải không?
- Má… má…- Nội ấp úng.
- Con biết đúng là vậy mà. Má đừng lo nghĩ nữa. Trước khi về quê, con tìm gặp chị Tư rồi, năm nay chị sẽ dẫn con Tình về, má đừng lo!
- Thật… thật không?
Chú Út gật đầu, kéo balô về phía mình. Chú lấy ra một vài thứ. Là tiền lì xì cô Tư gửi cho nội sắm đồ Tết, cả mấy cái áo thơm phức mùi mới cho mấy đứa cháu. Chú Út bảo cô Tư nhờ chú mang về, vì dắt thêm Tình nên đồ đạc kềnh càng khó mang. Nội im lặng hồi lâu để mai vàng nơi lòng nội nở rộ. Nội đưa tay ôm chặt chú Út để thỏa niềm nhớ thương: “Bây nhắn con Tư đi về cẩn thận, Tết nhứt đến nơi rồi!”.
Chiều bên sông nhạt nhòa. Tôi thầm cảm ơn chú Út đã chở cả mùa xuân về với nội. Cảm tạ Chúa vì gia đình mình còn hạnh phúc hơn những phận đời ngoài kia. Tết mà! Ai cũng mong được giây phút đoàn viên.
Tập san Mục đồng 9
Tags:
Văn hóa