Thánh nữ Anna mời gọi hãy im lặng – ngón tay trỏ đặt trên miệng đang khép lại. Khám phá câu chuyện bí ẩn về bức chân dung độc đáo của mẹ Đức Trinh nữ được phát hiện trên một bức tranh ở thế thứ VIII, vương quốc Nubia cổ xưa, ở miền bắc Suđan.
Đó là một cử chỉ lỗi thời: trên một bức họa có niên đại từ thế kỷ VIII hoặc IX, được phát hiện trong một cuộc khảo cổ cạnh nhà thờ chính tòa Faras, thuộc Nubica cổ xưa, một khu vực nằm ở phía bắc nước Suđan ngày nay, bức họa miêu tả thánh Anna với ngón trỏ tay phải đưa trên môi. Hình ảnh này như mời gọi bước vào sự thinh lặng. Được phát hiện vào năm 1960 trong một cuộc khai quật cạnh nhà thờ chính tòa Faras thuộc vương quốc Nubia cổ (nằm phía bắc Sudan và giáp với phía nam Ai Cập), bức chân dung có một không hai này gây tò mò.
Bức tranh tường, được thực hiện bằng kỹ thuật khô, là một phần trong bộ sưu tập của Bảo tàng Quốc gia ở Varsavia từ năm 1964: nó được phát hiện trong bối cảnh thuộc dự án của Unesco nhằm bảo tồn (khỏi trận lụt sắp xảy ra ở Hồ Nasser do việc xây dựng đập nước rất lớn ở Aswan) những gì còn lại của vương quốc Nubia thời trung cổ, vào thời điểm đó thống trị thung lũng sông Nile. Khoảng năm 545, vị quốc vương và các tầng lớp quí tộc của ông trở lại đạo Kitô giáo nhờ sự xuất hiện của các nhà truyền giáo do nữ hoàng Theodora của Constantinople sai đến.
Giáo sư Michałowski, người chỉ đạo cuộc khai quật cho rằng, chắc chắn đây là bức chân dung thánh Anna, mẹ của Đức Trinh Nữ Maria và là bà ngoại của Chúa Giêsu: có thể hiểu được điều này nhờ dòng chữ xung quanh bức ảnh, có nội dung “Thánh Anna, mẹ của Mẹ Thiên Chúa ”.
Theo truyền thống Kitô giáo, thánh Anna là mẹ của Đức Maria và là bà ngoại của Chúa Giêsu. Kết hôn với Gioakim, đôi vợ chồng này không có con cho đến ngày lời cầu nguyện của họ được chấp nhận và bà Anna đã sinh con gái là Maria. Người ta cho rằng thánh Anna rất được tôn kính ở Nubia cổ xưa bởi nhiều người phụ nữ đã cầu nguyện cho mục đích mang thai hoặc sinh con nhờ lời chuyển cầu của thánh nữ.
Tại sao Thánh Anna khuyên chúng ta nên thinh lặng?
Cử chỉ của nhân vật trong bức họa này mang ý nghĩa thế nào? Có nhiều giải thích khác nhau: một số nhà nghiên cứu cho rằng cử chỉ đó gợi đến sự thinh lặng – theo trang web ArchaeoTravel.eu, nó có thể ám chỉ đến sự thinh lặng thánh. Sự thinh lặng cổ xưa này được ĐGH Bênêđictô nói như sau:
Như thập giá của Chúa Kitô cho thấy, Thiên Chúa cũng nói với chúng ta qua sự thinh lặng của Ngài. Sự thinh lặng của Thiên Chúa, kinh nghiệm về sự vắng lặng của Đấng Toàn Năng và Chúa Cha là nút thắt quyết định trong hành trình dương thế của Con Thiên Chúa, Ngôi Lời Nhập Thể. Khi bị treo trên thập giá, Chúa Kitô đã than trách về nỗi đau do sự im lặng này gây ra: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Chúa lại bỏ con?” (Mc 15,34; Mt 27,46). Tiếp tục vâng phục cho đến hơi thở cuối cùng của cuộc sống, trong bóng đêm của sự chết, Chúa Giêsu đã cầu khẩn cùng Cha. Ngài đã phó dâng cho Cha giây phút hấp hối, vượt qua cái chết, đến với cuộc sống vĩnh cửu: “Lạy Cha, con phó dâng linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).
Kinh nghiệm này của Chúa Giêsu cho thấy về tình trạng của con người, sau khi đã lắng nghe và nhận biết Lời Chúa, cần phải đo lường bản thân ngay cả trong sự im lặng của mình. Đó là kinh nghiệm đã được trải qua bởi nhiều vị thánh và những nhà thần bí, và điều đó cũng xảy ra trong lộ trình của rất nhiều tín hữu hôm nay. Sự thinh lặng của Thiên Chúa nối dài những lời trước đây của Ngài. Trong những lúc tăm tối, Chúa nói với chúng ta trong mầu nhiệm thinh lặng của mình. Do đó, trong năng động mạc khải Kitô giáo, sự thinh lặng xuất hiện như một biểu hiện quan trọng của Lời Chúa (Bênêđictô XVI, Verbum Domini 21).
Một giả thuyết khác cho rằng cử chỉ này của thánh Anna đơn giản chỉ là biểu tượng khi ngài đang cầu nguyện. Hiếm khi thấy trong nghệ thuật Kitô giáo, cử chỉ này cũng có thể ám chỉ đến một truyền thống Kitô giáo Coptic, khi cầu nguyện các tín hữu đặt ngón tay phải lên môi. Người ta tin rằng cử chỉ này có thể bảo vệ mình khỏi tên cám dỗ, luôn cố gắng lẻn vào hồn khi đang cầu nguyện.
Tags:
Văn hóa nghệ thuật