Vatican News (4.10.2020) – Hôm thứ Bảy 3/10 vừa qua tại Assisi, ĐTC đã ký một thông điệp mới “Fratelli tutti – Tất cả anh em” mà ngài gọi là một thông điệp xã hội. Trong đó, Tình huynh đệ và tình bạn hữu là những phương thức được ĐTC gợi ý để xây dựng một thế giới tươi đẹp, công bằng và hoà bình hơn, cùng với nỗ lực của tất cả các dân tộc cũng như các tổ chức. Cùng nhau nói không với chiến tranh và vấn nạn toàn cầu hoá của sự thờ ơ. Thông điệp ra đời trong bối cảnh đại dịch Covid-19, ĐTC bày tỏ: “đây là điều khiến ngài đau buồn trong khi soạn thảo tài liệu này”. Nhưng bối cảnh y tế toàn cầu chỉ ra rằng “không ai sống sót một mình” và đây thực sự là lúc “mơ về một nhân loại duy nhất” nơi đó tất cả chúng ta là “anh em của nhau” (7-8).
Những vấn nạn toàn cầu đòi hỏi hành động toàn cầu, nói không đối với “văn hoá xây tường”
Thông điệp mở đầu bằng một dẫn nhập ngắn và tiếp nối với tám chương, nội dung là những suy tư của ĐTC về chủ đề tình huynh đệ và bằng hữu được đặt trong “một bối cảnh rộng hơn” và được kết nối với “rất nhiều văn kiện và tài liệu” mà ĐTC Phanxicô đã gởi đến các cá nhân và tổ chức khắp nơi trên thế giới (5). Chương thứ nhất với tựa đề Những bóng tối của một thế giới khép kín đề cập đến nhiều lệch lạc của thế giới hiện tại như việc chi phối và thay đổi những khái niệm như dân chủ, tự do, công lý; việc đánh mất ý nghĩa của xã hội và lịch sử; về chủ nghĩa ích kỷ và dửng dưng với công ích; về sự đề cao lô-gíc của thương trường dựa trên lợi nhuận và văn hoá phế thải; về vấn nạn thất nghiệp, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, sự nghèo đói; về sự bất bình đẳng quyền lợi và những biến thể của nó như sự nô lệ, buôn người, những phụ nữ bị lạm dụng và bị buộc phá thai, vấn nạn buôn bán nội tạng (10-24). ĐTC nhấn mạnh rằng những vấn nạn toàn cầu cần đến những hành động mang tính toàn cầu và bày tỏ lo ngại về nền “văn hoá xây tường” đang làm nảy sinh những hình thức tệ nạn gây ra lo sợ và cô lập (27-28). Ngoài ra, ngày nay còn chứng kiến sự đi xuống của đạo đức (29) mà một phần nào đó là lỗi của truyền thông khi không tôn trọng người khác cũng như không đủ khiêm tốn, đang tạo ra những vòng luẩn quẩn ảo và quy kỷ, nơi đó sự tự do là hão huyền và đối thoại không đem lại lợi ích (42-50).
Tình yêu bắc cầu: tấm gương của người Samari nhân hậu
Trước nhiều bóng tối đó, Thông điệp đối lại bằng một tấm gương sáng ngời, đem lại niềm hy vọng, đó là tấm gương của người Samari nhân hậu. Đây cũng là chủ đề của chương thứ hai Một người lạ trên đường, trong đó, ĐTC nhấn mạnh rằng, trong một xã hội băng hoại đang quay lưng lại với khổ đau và hoàn toàn “mù tịt” với việc chăm lo cho người đau yếu và dễ bị tổn thương (64-65), tất cả chúng ta được mời gọi – như người Samari nhân hậu – trở thành người thân cận với tha nhân (81), bằng việc vượt qua những thành kiến, tư lợi, những rào cản lịch sử và văn hoá. Thật vậy, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm trong việc xây dựng một xã hội biết đón nhận, hội nhập và nâng đỡ những ai quỵ ngã và đau khổ (77). ĐTC khẳng định rằng tình yêu bắc những nhịp cầu và “chúng ta được sinh ra cho tình yêu” (88), ngài khuyến khích cách đặc biệt các tín hữu nhận ra Đức Kitô nơi nhưng ai bị loại trừ (85). Nguyên lý về khả năng yêu thương ở “mức độ phổ quát” (83) được nhắc đến trong chương ba, Suy tư và xây dựng một thế giới rộng mở, trong đó, ĐTC Phanxicô mời gọi chúng ta “ra khỏi chính mình” để thấy nơi tha nhân “sự tăng trưởng của hiện hữu” (88), học nơi tha nhân năng động bác ái hầu giúp chúng ta hướng đến “sự hiệp thông phổ quát” (95). Trên hết, Thông điệp nhắc nhớ rằng tầm vóc thiêng liêng của đời sống con người được định nghĩa bởi tình yêu là điều “luôn ở vị trí đầu tiên” và giúp chúng ta nỗ lực hơn vì lợi ích của tha nhân, giúp ta tránh xa mọi hình thức của chủ nghĩa ích kỷ (92-93).
Quyền lợi không có ranh giới, các mối quan hệ quốc tế cần đến đạo đức
Một xã hội huynh đệ là một xã hội cổ võ giáo dục hướng đến đối thoại để loại bỏ “con virus của chủ nghĩa cá nhân cực đoan” (105) và giúp chúng ta cống hiến nhiều hơn. Khởi đi từ sự trợ giúp của gia đình và từ “sứ mạng giáo dục đầu tiên và thiết yếu” của gia đình (114). Một cách cụ thể, có hai ‘phương tiện’ để hiện thực hoá hình thức xã hội này, đó là: lòng tốt, nghĩa là muốn điều tốt cho tha nhân cách cụ thể (112), và sự liên đới, hướng đến người đau khổ và được thể hiện qua việc phục vụ con người chứ không phải là các ý thức hệ, tranh đấu chống lại nghèo đói và bất công (115). Quyền được sống đúng với nhân phẩm là điều không thể bị từ chối đối với bất cứ ai, ĐTC khẳng định, và bởi vì lợi ích không có ranh giới, không ai có thể bị loại trừ, bất kể người đó được sinh ra ở đâu (121). Trong cái nhìn này, ĐTC gợi nhắc việc suy tư về “một nền đạo đức cho các mối quan hệ quốc tế” (126), bởi mỗi quốc gia cũng là của người khác và tài nguyên quốc gia đó không thể bị từ chối cho những ai đang cần đến dù người đó đến từ nơi khác. Do vậy, quyền lợi tự nhiên đối với tài sản riêng là thứ yếu so với nguyên lý phổ quát là tạo vật được trao tặng cho thế giới (120). Thông điệp cũng nhấn mạnh đến vấn đề nợ công, khẳng định lại nguyên lý rằng đây là điều phải thanh toán nhưng làm sao để không ảnh hướng đến sự phát triển của những nước nghèo nhất (126).
Người di cư: quản trị toàn cầu để hướng tới những dự án lâu dài
Chủ đề về người di cư được nói đến trong phần hai và chiếm trọn chương thứ tư với tựa đề Một con tim mở ra với toàn thế giới. Người di cư, với những “mảnh đời vỡ vụn” (37), chạy trốn khỏi chiến cuộc, bách hại, khỏi thiên tai, khỏi những kẻ buôn ngươi vô lương tâm, buộc phải rời khỏi quê hương xứ sở; ngoài ra, còn có các chủ đề người di cư được đón nhận, được bảo vệ và hoà nhập. ĐTC nhắc đến việc tránh di cư không cần thiết bằng việc thiết lập nơi quốc gia sở tại những khả thể để họ sống đúng với nhân phẩm. Nhưng đồng thời cũng tôn trọng quyền được tìm một nơi ở xứng đáng hơn. Nơi ở mới, sự cân bằng chính đáng sẽ là giữa việc bảo vệ quyền lợi công dân và sự bảo đảm việc đón tiếp cũng như trợ giúp người di cư (38-40). Cách cụ thể, ĐTC chỉ ra một vài “chỉ dẫn thiết yếu”, đặc biệt cho những ai buộc phải di cư vì “những khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng”, đó là: đơn giản hoá việc cấp visa, mở ra những cánh cửa nhân đạo, bảo đảm chỗ ở và những điều kiện thiết yếu, tạo cơ hội việc làm và giáo dục, khuyến khích đoàn tụ gia đình, bảo vệ trẻ vị thành niên, bảo đảm tự do tôn giáo và khích lệ hội nhập xã hội. ĐTC cũng nhắc đến việc cần xác định lại trong xã hội khái niệm “công dân toàn phần” nhằm loại trừ yếu tố phân biệt khi sử dụng từ “nhóm thiểu số” (129-131). Thông điệp đề cập đến việc quản trị toàn cầu, một sự hợp tác quốc tế về người di cư, khởi sự cho những dự án lâu dài hơn là những trường hợp cấp thiết (132), trong danh nghĩa cho sự phát triển liên đới với mọi dân tộc và đặt nền tảng trên nguyên tắc vô vị lợi. Theo cách đó, các quốc gia được coi như “một gia đình nhân loại” (139-141). Theo ĐTC Phanxicô, tha nhân là một quà tặng và là sự phong phú cho mọi người, bởi sự khác biệt thể hiện khả năng lớn lên (133-135). Một nền văn hoá lành mạnh là nền văn hoá biết đón nhận và biết mở ra với người khác, đồng thời không phủ nhận chính mình, mà trao tặng cho người khác những gì là chân thật nhất. Như khối đa diện, hình ảnh mà ĐTC hay đề cập, tổng thể có giá trị hơn các phần riêng biệt, nhưng mỗi phần đều có giá trị của riêng mình (145-146).
Chính trị: một trong những hình thức quý giá nhất của đức ái
Chủ đề của chương năm là Một nền chính trị tốt đẹp hơn, là điều đại diện cho một trong nhưng hình thức quý giá nhất của đức ái bởi nó cống hiến để phục vụ lợi ích chung (180) và nhận biết tầm quan trọng của dân tộc, được coi là mang tính cởi mở, sẵn sàng đối diện và đối thoại (160). Trong một nghĩa nào đó, đây là điều mà ĐTC Phanxicô gọi là chủ nghĩa bình dân, đối lập với khái niệm “chủ nghĩa dân tuý”, điều phớt lờ tính chính thống của khái niệm “dân tộc”, đang thu hút sự đồng thuận hầu cấu trúc hoá nhằm phục vụ và cổ võ chủ nghĩa ích kỷ để gia tăng ảnh hưởng (159). Nhưng nền chính trị tốt phải là nơi bảo đảm việc làm, “khía cạnh thiết yếu của đời sống xã hội” và nỗ lực để mọi người có được cơ hội phát triển khả năng của mình (162). ĐTC lý giải rằng sự trợ giúp ích lợi hơn cho người nghèo không chỉ là tài chánh, đó là sự trợ giúp khẩn cấp, thay vào đó là cho họ đời sống chính đáng bằng công việc của mình. Chiến lược đúng đắn chống nghèo đói không đơn thuần là làm cho người nghèo cảm thấy không bị xúc phạm, mà là giúp họ thăng tiến trong cái nhìn liên đới và hỗ tương (187). Ngoài ra, chức năng của chính trị là tìm ra hướng giải quyết cho mọi nguy cơ chống lại quyền căn bản của con người như loại trừ khỏi xã hội, buôn bán nội tạng, hàng hoá, vũ khí và thuốc phiện; đó là sự lạm dụng tình dục, bóc lột lao động, là chủ nghĩa khủng bố và tội phạm có tổ chức. ĐTC kêu gọi mạnh mẽ việc loại trừ tận căn nạn buôn người, gọi đó là “sự xấu hổ của nhân loại”, và nạn đói, theo nghĩa đó là “tội phạm” bởi lương thực là “quyền lợi không thể thay thế” (188-189).
Thương trường không thể tự giải quyết tất cả. Tổ chức Liên Hiệp Quốc cần phải cải tổ
ĐTC Phanxicô nhấn mạnh rằng nền chính trị cần thiết là nơi biết nói không với tham nhũng, với sự không hiệu quả, với việc lạm dụng quyền lực, với việc thiếu tôn trọng luật lệ (177). Phải là nền chính trị đặt trọng tâm trên nhân phẩm con người và không được quy phục kinh tế bởi “thương trường tự nó không giải quyết mọi vấn đề”, như những “thảm hoạ” do tài chánh gây ra là minh chứng (168). Do vậy, cần coi trọng các phong trào quần chúng, họ là những “nhà thơ xã hội” đích thực và là “những nguồn năng lượng luân lý”, họ cần tham dự vào xã hội, chính trị và kinh tế, dĩ nhiên là ưu tiên sự cộng tác toàn diện hơn. Theo đó, ĐTC khẳng định, có thể chuyển từ nền chính trị “hướng đến” người nghèo thành nền chính trị “với” và “của” người nghèo (169). Một khao khát thời sự nữa của Thông điệp là sự cải tổ của Tổ chức Liên Hiệp Quốc, đó là đối diện với sự thống trị của kinh tế dẫn đến việc loại bỏ quyền lực của một quốc gia riêng lẻ. Thực vậy, nhiệm vụ của LHQ sẽ là cụ thể hoá khái niệm “gia đình các quốc gia” cùng hành động vì công ích, loại trừ tận gốc nghèo đói và bảo vệ quyền con người. Tài liệu nhấn mạnh đến việc sử dụng không ngừng nghỉ phương thức “ngoại giao, các tổ chức thiện tâm và các toà án”, LHQ cần cổ võ sức mạnh của luật hơn là luật của sức mạnh, khuyến khích những hiệp định đa phương nhằm hỗ trợ tốt hơn những quốc gia nhỏ bé (173-175).
Chương thứ sáu, với tựa đề Đối thoại và tình bạn xã hội, làm nổi bật khái niệm cuộc sống như “nghệ thuật gặp gỡ” với mọi người, cả với những vùng biên của thế giới và với các dân tộc bản địa, bởi “có thể học được gì đó từ mọi người và không ai là vô dụng cả” (215). Do vậy, đối thoại thực sự là khi biết tôn trọng quan điểm của người khác, những lợi ích chính đáng của họ và nhất là sự thật về nhân phẩm con người. Thông điệp nói rằng chủ nghĩa tương đối không phải là câu trả lời bởi nếu không có các nguyên tắc phổ quát và quy luật luân lý nhằm ngăn cản sự dữ tự căn, luật pháp sẽ chỉ trở thành những áp đặt chủ quan (205). Các đặc biệt, ĐTC mời mọi đến “phép lạ của sự tử tế”, một thái độ cần lĩnh hội bởi đó là “ánh sao trong đêm tối” và là “sự giải phóng khỏi sự thô lỗ, lo sợ và thờ ơ” đang thống trị thế giới này. ĐTC cho rằng một người tử tế tạo ra môi trường sống lành mạnh và mở ra những lối nẻo cho những nơi sự giận dữ đã phá huỷ những nhịp cầu (222-224).
Sự chung tay của hoà bình và tầm quan trọng của tha thứ
Suy tư về giá trị và cổ võ hoà bình, chương thứ bảy với tựa đề Những tiến trình của một cuộc gặp gỡ mới, nơi đó, ĐTC nhấn mạnh rằng hoà bình được gắn với chân lý, với công bình và lòng nhân. Tránh xa khát vọng trả thù, hoà bình “chủ động” và hướng đến xây dựng một xã hội đặt nền trên sự phục vụ tha nhân và trên nỗ lực theo đuổi hoà giải và phát triển hỗ tương (227-229). Theo ĐTC, trong một xã hội, mỗi người phải cảm thấy như “ở nhà”. Bởi thế, hoà bình là một “món hàng thủ công mỹ nghệ” có liên hệ và nhắm tới mọi người và mỗi người phải đóng góp phần của mình. Nhiệm vụ của hoà bình không phải là đình chiến và không bao giờ kết thúc, ĐTC nói tiếp, và như vậy, nơi mỗi hành động, cần đặt trọng tâm là con người, nhân phẩm và công ích (230-232). Thông điệp khẳng định: Gắn liền với hoà bình là tha thứ, cần yêu thương mọi người, không ngoại lệ ai. Nhưng yêu thương kẻ bách hại mình nghĩa là giúp họ biến đổi và không cho phép nó bách hại tha nhân. Như thế, ai đang chịu bất công phải bảo vệ hết mức những quyền lợi của mình hầu gìn giữ nhân phẩm, là qua tặng của Thiên Chúa (241-242). Sự tha thứ không có nghĩa là trừng phạt nhưng là công lý và ghi nhớ, bởi tha thứ không có nghĩa là lãng quên, mà là loại trừ sức mạnh phá hoại của sự dữ và khát vọng trả thù. ĐTC nhắc nhở rằng chúng ta không bao giờ được quên “những nỗi kinh hoàng” như Shoah, các vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, những bách hại và thảm sát sắc tộc. Những điều này luôn được ghi nhớ, được nhắc nhớ để không ru ngủ chúng ta và để giữ cho ngọn lửa của lương tâm cộng đồng luôn bừng cháy. Đồng thời, cũng quan trọng không kém khi ghi nhớ những điều thiện hảo, những ai đã chọn tha thứ và tình huynh đệ (246-252).
Không bao giờ gây thêm chiến tranh, đó là sự thất bại của nhân loại
Một phần trong chương thứ bảy đề cập đến chiến tranh, ĐTC nhấn mạnh rằng chiến tranh không phải là “bóng ma quá khứ” nhưng là “mối nguy thường trực” và là sự “từ chối mọi quyền lợi”, là “sự thất bại của chính trị và của nhân loại”, là “sự đầu hàng đáng xấu hổ đối với thế lực sự dữ” và với “hố sâu” của nó. Ngoài ra, vì lý do rằng các vũ khí nguyên tử, hoá học và sinh học đã làm hại nhiều người dân vô tội, ngày nay chúng ta không thể suy nghĩ như trước đây về khả thể “chiến tranh chính nghĩa”, nhưng cần tái khẳng định với tất cả sức mạnh rằng “Không được gây thêm chiến tranh nữa! Có thể cho rằng chúng ta đang trải qua “một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba theo từng phần” bởi mọi xung đột có liên hệ với nhau và do đó, việc loại bỏ hoàn toàn khí hạt nhân là “một mệnh lệnh luân lý và nhân văn”. ĐTC gợi ý rằng thay vì đầu tư tiền của cho vũ khí, hãy dùng nó để thiết lập Quỹ quốc tế chống nghèo đói (255-262).
Án tử hình là không thể chấp nhận, hãy loại bỏ nó trên toàn thế giới
ĐTC cũng bày tỏ quan điểm về án tử hình, coi đó là không thể chấp nhận và cần phải loại bỏ trên toàn thế giới. ĐTC cho rằng “kẻ giết người không mất đi nhân phẩm, Thiên Chúa bảo đảm điều đó”. Từ suy tư này, ĐTC khuyên dụ hai điều: thứ nhất, không được xem hình phạt như một sự trả thù mà như một phần của tiến trình cải hoá và hội nhập xã hội; thứ hai là cần cải thiện tình trạng các nhà tù trong tương quan với nhân phẩm của các tù nhân, và rằng án chung thân cũng được xem là “án tử ẩn tàng” (263-269). ĐTC cũng khẳng định lại sự cần thiết phải tôn trọng “sự thánh thiêng của sự sống” (283) nơi mà hiện nay “một phần nhất định của nhân loại dường như đang là nạn nhân” như nạn phá thai, người nghèo, khuyết tật và người lớn tuổi (18).
Bảo đảm tự do tôn giáo, đó là quyền lợi căn bản của con người
Chương thứ tám và là chương cuối cùng, ĐTC bàn đến chủ đề Các tôn giáo nhằm phục vụ tình huynh đệ trên thế giới và tái khẳng định rằng bạo lực không bao giờ có nền tảng tôn giáo mà là những dị dạng tôn giáo mà thôi. Do vậy, những hành động “đáng lên án” như khủng bố không thể quy về tôn giáo nhưng là do những lý giải sai lầm các bản văn tôn giáo, cũng như đối với các nền chính trị, sự nghèo đói, bất công và bách hại. Không được hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố bằng tiền bạc, vũ khí cũng như phương tiện truyền thông bởi đó là tội ác quốc tế chống lại an ninh và hoà bình thế giới (282-283). ĐTC cũng nhấn mạnh rằng một hành trình hoà bình giữa các tôn giáo là khả thi và do đó cần bảo đảm tự to tôn giáo, đó là quyền con người căn bản của cho mọi tín hữu (279). Thông điệp đặc biệt đề cập đến suy tư về Giáo Hội rằng Giáo Hội không thực hiện sứ vụ của mình các cá nhân, Giáo Hội không ở bên lề xã hội và, dù không làm chính trị, Giáo Hội không chối bỏ chiều kích chính trị của mình. Giáo Hội quan tâm đến công ích và chăm lo cho sự phát triển toàn diện của nhân loại. Thực vậy, Giáo Hội hướng đến nhân loại và tất cả những gì là nhân văn hướng đến Giáo Hội, theo các lời khuyên Phúc Âm (276-278). Sau cùng, ĐTC kêu gọi các vị lãnh đạo tôn giáo thể hiện vai trò “trung gian đích thực” của họ nhằm xây dựng hoà bình, ngài kêu gọi với danh nghĩa tình huynh đệ con người, hãy dùng đối thoại như con đường, sự hợp tác chung nhưng phương thức và sự thấu hiểu lẫn nhau như phương pháp và tiêu chuẩn (285) (trích “Văn kiện về tình huynh đệ vì hoà bình thế giới và chung sống” được ĐTC Phanxicô và Thủ lãnh tối cao Ahmad Al-Tayyib ký ngày 4 tháng Hai năm 2019 tại Abu Dhabi).
Chân phước Charles de Foucauld, “người anh của nhân loại”
Thông điệp kết thúc bằng việc nhắc lại các nhân vật Martin Luther King, Desmond Tutu, Mahatma Gandhi và nhất là Chân phước Charles de Foucauld như khuôn mẫu cho tất cả về việc đồng hoá mình với những kẻ bé mọn nhất để trở nên “người anh nhân loại” (286-287). Những dòng cuối cùng của tài liệu là lời nguyện lên Đấng Tạo Hoá và cho sự hiệp nhất Kitô giáo hầu tâm hồn mỗi người trở thành nơi cư ngụ của “tinh thần huynh đệ”.
Vatican News Tiếng Việt
Tags:
Văn kiện giáo hội