Anh chị em thân mến
Trong những tuần gần đây, chúng ta đã cùng nhau suy gẫm, dưới ánh sáng Tin Mừng, về cách chữa lành thế giới, một thế giới đang đau khổ vì tình trạng bất ổn mà đại dịch đã chỉ ra và đã nhấn mạnh. Đại dịch làm nổi bật và nhấn mạnh hơn tình trạng bất ổn đó. Chúng ta đã duyệt qua những con đường của phẩm giá, tình liên đới và bổ trợ, là những con đường thiết yếu để thăng tiến phẩm giá con người và thiện ích chung. Giống như các môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta được đề nghị theo bước của Ngài bằng cách chọn lựa vì người nghèo, suy nghĩ lại việc sử dụng của cải vật chất và chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Giữa cơn đại dịch đang hoành hành, chúng ta đã bám chặt vào những nguyên tắc của học thuyết xã hội của Giáo hội, để cho mình được hướng dẫn bởi niềm tin, cậy, mến. Ở đây chúng ta đã tìm thấy sự nâng đỡ vững chắc để trở thành những người thợ của sự biến đổi, mơ tưởng những điều lớn lao, không dừng lại nơi những điều nhỏ nhen vốn gây chia rẽ và tổn thương, nhưng khích lệ chúng ta tạo ra một thế giới mới tốt đẹp hơn.
Tôi hy vọng lộ trình này không kết thúc với những bài giáo lý của tôi, nhưng cùng nhau tiếp tục bước đi “hướng lòng lên Chúa Giêsu” (Dt 12,2), như chúng ta đã nghe lúc đầu; hướng lòng lên Chúa Giêsu, Đấng cứu độ và chữa lành thế giới. Như Tin mừng đã cho chúng ta thấy, Chúa Giêsu đã chữa lành các loại bệnh tật (x. Mt 9,35), Ngài đã cho người mù nhìn thấy, người câm được nói, người điếc được nghe. Và khi chữa lành các bệnh tật thể lý, Ngài cũng chữa lành căn bệnh tinh thần bằng cách tha thứ tội lỗi, bởi vì Chúa Giêsu luôn tha thứ, cũng như những “nỗi đau xã hội” chúng bao gồm cả những người bị gạt bỏ ngoài lề xã hội (x. GLCG,1421). Chúa Giêsu, Đấng đổi mới và hòa giải mọi thụ tạo (x. 2Cr 5,17; Col 1,19-20), ban tặng cho chúng ta những ơn cần thiết để yêu thương và chữa lành giống như Ngài đã làm (x.Lc 10, 1-9; Ga 15, 9-17), để chăm sóc tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ hoặc quốc gia.
Để điều này thực sự xảy ra, chúng ta cần phải chiêm ngắm và coi trọng vẻ đẹp của mỗi sinh vật và mỗi thụ tạo. Chúng ta được thụ sinh trong trái tim Thiên Chúa (x. Ep 1,3-5). “Mỗi người chúng ta là kết quả trong ý định của Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta được mong đợi, mỗi người chúng ta được yêu thương và mỗi người chúng ta đều cần thiết” [1] Ngoài ra, nơi mỗi sinh vật đều có cái gì đó muốn nói cho chúng ta biết về Thiên Chúa Tạo thành (x. Laudato Sì 69,239). Việc nhận biết chân lý này và tạ ơn vì những mối dây liên kết mật thiết trong sự hiệp thông phổ quát của chúng ta với tất cả mọi người và mọi vật sẽ kích hoạt “một sự quan tâm quảng đại và dịu dàng (Laudato Sì, 220). Nó cũng giúp chúng ta nhận biết Chúa Kitô hiện diện trong anh chị em nghèo khó và đau khổ, giúp chúng ta gặp gỡ và lắng nghe tiếng kêu gào của họ và tiếng kêu của trái đất đang vọng lại tiếng kêu của họ ( x. Laudato Sì, 49).
Được huy động cách nội tâm bởi những tiếng kêu này, chúng đòi hỏi chúng ta phải có một hướng đi khác (x. sđd 53), đòi chúng ta phải thay đổi, chúng ta sẽ góp phần vào việc hàn gắn các mối quan hệ bằng những ơn huệ và khả năng của chúng ta (x. sđd 19). Chúng ta có thể tái tạo lại xã hội và không quay lại với cái gọi là “bình thường”, một cái bình thường đầy bệnh hoạn, vốn bệnh hoạn trước cả đại dịch: đại dịch đã làm nổi bật nó! “Bây giờ chúng ta đang quay lại với tình trạng bình thường”: không, điều này không đúng bởi vì cái bình thường này đã bị bệnh vì bất công, bất bình đẳng và suy thoái môi trường. Sự bình thường mà chúng ta được kêu gọi là bình thường của Nước Thiên Chúa, nơi “người mù được thấy, người què được đi, người phong được sạch, người điếc được nghe, người chết sống lại và Tin mừng được loan báo cho người nghèo ( Mt 11,5). Và không ai ngu ngơ bằng cách nhìn đi chỗ khác. Đây là điều chúng ta cần phải làm để thay đổi. Tình trạng bình thường của Nước Thiên Chúa, lương thực được ban phát cho tất cả mọi người và còn dư thừa, tổ chức xã hội dựa trên sự đóng góp, chia sẻ và phân phối, chứ không dựa trên sở hữu, loại trừ và tích lũy (x. Mt 14,13-21).
Cử chỉ làm cho xã hội, gia đình, khu phố, thành phố thêm tiến bộ là tất cả mọi người biết cho đi, nghĩa là biết cho đi chính mình. Cho không phải là bố thí mà là cho chính mình, nó xuất phát từ trái tim. Một cử chỉ loại bỏ ích kỷ và ham muốn chiếm hữu. Tuy nhiên cách mà người Kitô hữu làm thì không máy móc: nó thuộc về nhân bản. Chúng ta sẽ không thể thoát khỏi khủng hoảng vốn được nhấn mạnh bởi đại dịch, một cách máy móc, bằng các công cụ mới – những điều rất quan trọng, chúng cho phép chúng ta tiến về phía trước và chúng ta không cần phải sợ - mà nên biết rằng ngay cả các phương tiện tinh vi nhất, có thể sẽ làm được nhiều thứ nhưng có điều chúng ta không thể làm được đó là sự hiền dịu. Sự hiền dịu là dấu chỉ đích thực cho thấy hiện diện của Chúa Giêsu. Đấng đến gần người khác để cùng nhau bước đi, để chữa lành, để giúp đỡ và để tự hiến mình vì người khác.
Do đó, điều quan trọng đó là tình trạng bình thường của Nước Thiên Chúa: lương thực đến được với mọi người, tổ chức xã hội dựa trên sự đóng góp, chia sẻ và phân phối, với sự dịu dàng, chứ không phải sở hữu, loại trừ hoặc tích lũy. Vì chúng ta chẳng mang được gì sang thế giới bên kia!
Một con virus nhỏ tiếp tục gây ra những vết thương sâu rộng và làm lộ ra những tổn thương về thể chất, xã hội và tinh thần của chúng ta. Nó lột trần sự bất bình đẳng to lớn đang ngự trị trên thế giới: bất bình đẳng về cơ hội, của cải, khả năng tiếp cận với y tế, công nghệ, giáo dục: hàng triệu trẻ em không được đến trường và còn một danh sách dài nữa. Những bất công này không phải tự nhiên mà có. Chúng là sản phẩm của con người, chúng đến từ một mô hình tăng trưởng tách rời với những giá trị sâu sắc nhất. Lãng phí qua những bữa ăn thừa: với những thực phẩm này người ta có thể nuôi được nhiều người. Và điều này khiến cho nhiều người mất hy vọng và làm gia tăng sự bất an, đau khổ. Vì thế, để thoát khỏi đại dịch, chúng ta phải tìm ra phương pháp chữa trị không chỉ đối với coronavirus- vốn quan trọng! - mà còn đối với những loại virus lớn nơi con người và kinh tế xã hội. Chúng ta không được che giấu chúng bằng cách tô sơn để chúng không được nhìn thấy. Và chắc chắn chúng ta không thể mong đợi mô hình kinh tế dựa trên sự phát triển bất công và bất an để giải quyết các vấn đề của chúng ta. Mô hình đó đã không làm được và sẽ không thể làm được, bởi vì nó không thể, dẫu cho một số nhà tiên tri giả vẫn tiếp tục hứa hẹn về một “hiệu ứng thác nước tràn”, vốn không bao giờ xảy ra. [2] Anh chị em hẳn đã nghe định lý về chiếc ly: điều quan trọng là cái lý đó phải đầy và sau đó tràn xuống trên những người nghèo và dân chúng, và họ sẽ nhận được sự giàu có. Nhưng có một hiện tượng này: chiếc ly bắt đầu đầy và khi nó dần đầy thì lớn dần, lớn dần lên và sẽ không bao giờ xảy ra hiện tượng thác chảy tràn. Chúng ta phải cẩn thận điều đó.
Chúng ta cần khẩn trương làm việc để đưa ra những chính sách tốt, phác họa các hệ thống tổ chức xã hội nhằm khen thưởng cho sự tham gia, quan tâm hay quảng đại, thay vì thờ ơ, bóc lột và tư lợi. Chúng ta phải tiếp tục với sự dịu dàng. Một xã hội đoàn kết và cân bằng là một xã hội lành mạnh nhất. Một xã hội có sự tham gia – trong đó những người “rốt hết” được xem như những người “trước hết” – củng cố sự hiệp thông. Một xã hội trong đó sự khác biệt được tôn trọng sẽ có khả năng đề kháng nhiều hơn đối với bất kỳ loại virus nào.
Chúng ta hãy đặt lộ trình chữa lành này dưới sự che chở của Đức Trinh Nữ Maria, Đức Bà cứu kẻ liệt kẻ khốn. Xin Mẹ, đấng đã cưu mang Chúa Giêsu, giúp chúng ta thêm vững tin. Được Chúa Thánh Thần tác động, chúng ta có thể cùng nhau làm cho Nước Chúa, được Chúa Kitô khơi mở nơi thế gian này, xuất hiện giữa chúng ta. Đó là Vương quốc của ánh sáng giữa những u tối, công bình giữa những xúc phạm, vui mừng giữa những đau khổ, chữa lành và cứu chuộc giữa những yếu đau và chết chóc, hiền dịu giữa hận thù. Xin Chúa ban cho chúng ta ơn biết “phổ biến hóa” đức ái và toàn cầu hóa đức cậy dưới ánh sáng của đức tin .
G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
-----
[1] Bênêđíctô XVI, Bài giảng bắt đầu sứ vụ Phêrô (ngày 24 tháng 4 năm 2005); xem TĐ. Laudato si ', 65.
[2] “Trickle-down effect” trong tiếng Anh, “ derrame ” trong tiếng Tây Ban Nha (xem Tông huấn Evangelii gaudium , 54).
Tags:
Đức Thánh cha