Câu chuyện về con người và đời sống thiêng liêng của thánh Têrêxa thành Lisieux là một trong những câu chuyện nghịch lý nhất của lịch sử Giáo hội Công giáo mà chúng ta sắp mừng kính vào này 01/10/2020. Một cái chết gần như không ai biết ở tuổi 25 trong tu viện Carmel ở Lisieux, nơi mà vị thánh đã dành hết cuộc đời mình cho đời sống cầu nguyện và ngày nay được tôn kính trên toàn thế giới.
Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu, Tiến sĩ Hội thánh, sinh ngày 02 tháng 01 năm 1873 mất vào ngày 30 tháng 9 năm 1897, là một nữ tu, nhà thần bí, nhà soạn kịch, người bảo trợ các nhà truyền giáo, bảo vệ các bệnh nhân AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác, đã viết cuốn Chuyện Một Tâm Hồn, một trong những kiệt tác tâm linh của mọi thời đại.
Thánh nữ qua đời vì bệnh lao ở tuổi 25 tại tu viện ở Lisieux và được toàn thế giới tôn kính. Giáo hội Pháp đã xây một Vương cung Thánh đường để kính nhớ thánh Têrêxa. Đây là công trình lớn nhất thế kỷ XX, khởi công từ năm 1929 cho tới năm 1954 mới hoàn thành. Đây cũng là địa điểm hành hương lớn thứ hai sau Lộ Đức. Hiện nay thi hài của thánh nữ được đặt tại Vương cung Thánh đường này. Năm 1925 Đức Giáo hoàng Piô XI đã phong thánh cho Têrêxa, coi thánh nhân là “ngôi sao trong triều đại giáo hoàng của mình”. Ngày 19/10/1997, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày vị thánh qua đời, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong thánh Têrêxa lên bậc Tiến sĩ Hội thánh.
Đâu là lý do cho sự nổi tiếng khắp thế giới của thánh Têrêxa? Chắc chắn một điều đó là thánh nữ đã để lại những ký ức, suy tư, những khủng hoảng của đời sống thiêng liêng qua cuốn nhật ký được chị của mình là Pauline, mà sau này trở thành mẹ Agnes, xuất bản sau khi thánh nữ qua đời. Chuyện Một Tâm Hồn được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1898, không chỉ là một bản văn tôn giáo mà còn là sưu tập những bài thơ, kịch nghệ, thư và những lời cầu nguyện liên quan đến đời sống thiêng liêng của một linh hồn tuyệt vời.
Vào dòng Carmel ở Lisieux với tên là Têrêxa Hài Đồng Giêsu Thánh Thể, chị khám phá ra rằng môi trường tu viện không những không như chị mong đợi mà còn thù nghịch với chị, đầy dẫy những điều xấu xa, không mấy thiêng liêng. Và ở một khía cạnh nào đó, bằng cách bắt đầu từ chính bản thân mình, chị đã cải tổ môi trường mình đang sống.
THẦN HỌC VỀ "CON ĐƯỜNG BÉ NHỎ"
Tính mới mẻ trong linh đạo của thánh nữ, còn được gọi là “con đường bé nhỏ”, đó là con đường nên thánh, không phải trong những hành động lớn lao, nhưng bao gồm cả những hành động tầm thường nhất từng ngày, với điều kiện chúng phải được thực hiện vì lòng mến Chúa. Sau khi thánh Têrêxa qua đời, tiếng nói của người nữ khiêm tốn này được rao truyền khắp thế giới, đánh vào giới trí thức, khơi dậy những cảm xúc và dịu dàng với quần chúng.
Ngoài ra, thánh Têrêxa đã sáng tác 8 tác phẩm sân khấu mà chị đã tự tay dàn dựng tại sân khấu của nhà dòng, tự tay chăm sóc không chỉ về thiết kế sân khấu mà còn về trang phục, đôi khi xuất hiện như diễn một viên chính. Các vỡ kịch có tên là Récréations Pieuses, trong đó có các chủ đề, các giai đoạn truyền giáo và cuộc đời của thánh Gioan họ Arc.
XIN ĐỨC GIÁO HOÀNG CHO VÀO TU VIỆN
Năm 1887, khi 14 tuổi, Têrêxa hành hương đến Rôma để mừng Năm thánh linh mục của Đức Giáo hoàng Lêô XIII. Trong buổi tiếp kiến Đức Giáo hoàng cùng với nhóm hành hương, Têrêxa khiến các Giám mục phải giật mình khi trực tiếp xin Đức Giáo hoàng cho phép vào tu viện ngay lập tức, trong khi theo luật phải đủ 18 tuổi. Thận trọng là câu trả lời của Đức Lêô XIII. Nhưng sau 4 tháng, Đức Giáo hoàng đồng ý để Têrêxa vào dòng Carmel ở Lisieux, nơi có hai chị ruột đã vào trước đó.
Sách hạnh các thánh đã chép về thánh nữ như sau: "Vào Dòng Carmel ở Lisieux nước Pháp khi còn là một thiếu nữ, Têrêxa trở thành bậc thầy về sự thánh thiện trong Chúa Kitô, nhờ sự trong sạch và đơn sơ của cuộc sống, thánh nữ đã chỉ cho chúng ta con đường thơ ấu thiêng liêng để đạt đến sự trọn hảo Kitô giáo và đặt mọi mối quan tâm thần bí vào việc phục vụ các linh hồn và phục vụ cho Giáo hội".
Thánh nữ kết thúc cuộc đời vào ngày 30 tháng 9, ở tuổi 25.
Xem thêm 50 hình ảnh về thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu:
G. Võ Tá Hoàng
Tags:
Chia sẻ