Nhằm nhấn mạnh đến tính chất thống hối của mùa Chay, kinh Vinh Danh không được hát trong các Chúa nhật mùa Chay, trừ ra trong dịp lễ trọng hay lễ kính. Như truyền thống đã đi vào nghi lễ Rôma trong Sách lễ tiền Công đồng Vatican II và vẫn giá trị cho đến nay, thánh lễ tiệc ly có hát kinh Vinh Danh để chỉ ra rằng mùa Chay đã kết thúc. Đang khi hát thì rung chuông (chuông [nhỏ] cung thánh và chuông [lớn] trên tháp chuông), sau đó, không rung chuông nữa cho đến kinh Vinh Danh của lễ Vọng Phục Sinh. Đang khi cộng đoàn hát kinh Vinh Danh trong lễ Vọng Phục Sinh, cũng có thể kéo chuông nếu có tục lệ này. Kinh Vinh Danh dĩ nhiên sẽ được hát tiếp trong các Chúa nhật Phục Sinh, các ngày trong tuần bát nhật Phục Sinh và các Chúa nhật thường niên nữa. Để biết thêm về kinh Vinh Danh, bài viết sau sẽ dẫn giải các khía cạnh về lịch sử, ý nghĩa và mục vụ của lời kinh này.
LỊCH SỬ
Kinh Vinh Danh trong thánh lễ - tức bài Gloria in excelsis Deo (Vinh danh thiên chúa trên các tầng trời) - được gọi là “Vinh tụng ca lớn” (= “Lời đại tán tụng”) nhằm phân biệt với “Vinh tụng ca nhỏ” là Kinh Sáng Danh (Gloria Patris).
Kinh Vinh Danh là một trong những bài hát rất cổ xưa của Giáo hội thời kỳ đầu cùng với các Kinh Pros hilarion (Ôi nguồn sáng huy hoàng) và Te Deum (Chúng con chúc tụng Chúa).
Kinh Vinh Danh được tìm thấy trong 3 phiên bản: i] Phiên bản Syria từ phụng vụ của phái Nestorius; ii] Phiên bản Hy Lạp từ sách Hiến chế Tông đồ; iii] Phiên bản Hy Lạp từ phụng vụ Byzantin của nghi lễ Đông phương. Phiên bản sau cùng có nội dung trùng khớp hầu hết với phiên bản phương Tây.1 Kinh Vinh Danh bấy giờ không được sử dụng trong thánh lễ mà là lời kinh chúc tụng ngợi khen được sử dụng như một bài thánh ca Rạng đông Phục sinh và dần dần thuộc thành phần kết thúc của Kinh Sáng như trong nghi lễ bên phương Đông. Bên Tây phương cũng vậy, chẳng hạn tại các tu viện vùng Ái Nhĩ Lan và Pháp, kinh Vinh Danh hồi đầu không nằm trong thánh lễ.2
Bài ca này xuất hiện sớm nhất vào thế kỷ thứ IV, nhưng chỉ được đưa vào thánh lễ Rôma vào đầu thế kỷ thứ V dưới thời của Đức Lêô Cả (400-461), lúc đó người ta chỉ hát kinh Vinh Danh trong thánh lễ nửa đêm Giáng Sinh vì là bài ca các thiên thần hát tại Bêlem trong đêm Chúa xuống thế làm người (Lc 2,13-14).3 Thật ra trước đó, ĐGH Telesphorus (128- 139?) đã ra lệnh phải hát kinh Vinh Danh trong thánh lễ Giáng Sinh lúc nửa đêm.4
Sau đó, đến đời Đức Giáo Hoàng Synmaque (498-514), kế vị Đức Gelasio, kinh Vinh Danh mới được quyết định cho hát giữa phần kinh Nhập lễ (Introit) và kinh Thương Xót (Kyrie) trong tất cả các thánh lễ Chúa nhật và lễ kính các thánh tuẫn đạo khi do một vị giám mục cử hành.5
Sau cùng kinh Vinh Danh được dành cho cả lễ các thánh giáo hoàng, rồi đến các thánh giám mục.6 Căn cứ vào cuốn Sacramentarium Gregorianum, đặc quyền này của Đức Giám mục tồn tại trong một thời gian khá lâu bởi vì cho đến thế kỷ VII, một linh mục thường chỉ được phép hát kinh Vinh Danh mỗi năm một lần vào lễ Phục Sinh (đêm Canh thức Vượt qua) và trong dịp thụ phong linh mục khi ngài được rước vào nhà thờ họ để cử hành thánh lễ mở tay (theo nghi thức của St. Amand). Dần dần về sau, khoảng cuối thế kỷ XI, kinh Vinh Danh mới trở nên phổ biến và mọi linh mục cũng được quyền bắt hát như Đức Giám mục trong tất cả những ngày lễ Chúa nhật và lễ mừng có tính chất long trọng trừ ra trong mùa Vọng và mùa Chay.7
Kinh Vinh Danh vốn là một trong số vài bài nằm trong cuốn Ordo Missae La-tinh được phổ biến hết sức rộng rãi từ thời Carolingian (751 - ...) ngay cả bên ngoài thánh lễ. Bằng chứng là khi hoàng đế Charlemagne dẫn Đức Lêô III vào trong tòa nhà nghị viện của đế quốc tại Paderborn (năm 799), mọi người đã hát kinh Vinh Danh.8
Tới cuối thế kỷ thứ VIII, kể như nghi thức mở đầu của thánh lễ gồm: ca nhập lễ, làm nổi bật tinh thần ngày lễ; kinh Thương Xót (Kyrie); kinh Vinh Danh (Gloria); và lời nguyện nhập lễ. Theo Jungmann, đến thế kỷ IX, luật chữ đỏ đòi buộc vị giám mục chủ tế phải đối diện với dân chúng trong khi cất tiếng hát kinh Vinh Danh, nghĩa là từ ban đầu kinh Vinh Danh hẳn là được hát bởi toàn thể cộng đồng.9 Giống như kinh Thương xót, từ lúc khởi đầu, kinh Vinh Danh là một bài hát mang tính cộng đồng. Nhưng sau đó, kinh Vinh Danh được người ta thêu dệt thêm bằng những giai điệu âm nhạc hoa mỹ và phức tạp khiến cho nó trở thành bài hát của riêng ca đoàn.
Cấu trúc của nghi thức mở đầu Thánh lễ (= ca nhập lễ + kinh Thương xót (Kyrie) + kinh Vinh Danh (Gloria) + lời Tổng nguyện) đã được Sách lễ Rôma của Đức Phaolô VI (1969/1970) lấy lại từ phụng vụ thế kỷ VIII, tuy nhiên thêm vào đó nghi thức sám hối mặc dầu nghi thức này mãi thế kỷ IX mới có.
Tập tục như chúng ta thấy hiện nay, coi như đã thành hình từ thế kỷ XI, nghĩa là kinh Vinh Danh được hát vào tất cả những Chúa nhật và những ngày lễ kính, lễ trọng, ngoại trừ những ngày thống hối trong toàn Giáo hội Tây phương.10
Ý NGHĨA[11]
Kinh Vinh Danh là một thánh thi chúc tụng và khẩn nài hướng lên Chúa Cha và Đức Kitô (Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma = QCSL, số 43). Toàn bản văn chia làm 3 phần: i] Đoạn mở đầu; ii] Đoạn hướng về Chúa Cha; iii] Đoạn hướng về Đức Kitô.
A. Đoạn mở đầu: Lời ca thiên thần trong đêm Chúa Giáng Sinh
Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời,/ và bình an dưới thế cho loài người Chúa thương (cho người thiện tâm).
Lời này được tổng hợp từ nhiều bản văn Thánh Kinh, đặc biệt từ lời ca ngợi do các thiên thần hát lên trong đêm Chúa Giáng Sinh tại Bêlem (x. Lc 2,13-14). Vì vậy, nó còn có tên gọi là Thánh ca Thiên Thần (x. Ga 1,29; Tv 109, 1; Cv 2,34-36).12
Khi thiên thần hát “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời” trong đêm Chúa Giáng Sinh tại Bêlem, chúng ta hiểu ngay rằng đây là những lời nhằm ca tụng vinh quang và lòng nhân hậu của Thiên Chúa Cha - Đấng đang ngự trên trời - chứ không nhắm đến Chúa Giêsu và câu này trở thành như một lời loan báo vui mừng về vòng tay ôm ấp giữa trời và đất. Chính Chúa Cha đã thực hiện ơn cứu chuộc cách tỏ tường qua mầu nhiệm nhập thể và chương trình này, tức “Ca tụng tôn vinh danh Thiên Chúa và ơn cứu rỗi cho nhân loại” chưa “đạt tới” sự trọn vẹn cho đến khi Chúa Giêsu chịu nạn chịu chết trên thập giá làm hy tế dâng lên Chúa Cha; chương trình này vẫn đang hiện thực mỗi khi Hội Thánh quy tụ nhau để cử hành Thánh Thể và cất lên lời ca này.13
Mệnh đề “cho người thiện tâm” là dịch sát theo bản Latinh “homminibus bonae voluntaris” được rút từ bản Vulgata (Lc 2,14) mà bonae voluntaris chỉ được dịch lại từ chữ êuđôkia của nguyên bản Hy Lạp. Trong Thánh Kinh, hai từ êuđôkia và êuđôkêin nói lên đặc ân hay lòng tốt của Thiên Chúa dành cho kẻ được Ngài tuyển chọn. Cho nên anthropôi êuđôkia dịch là những người được Thiên Chúa yêu thương giáng phúc (loài người Chúa thương) thì thích hợp hơn cho “người thiện tâm”, nghĩa là Thiên Chúa không chỉ giới hạn ban bình an cho người có thiện tâm mà cho tất cả những ai đẹp lòng Người. Ở đây cũng có thể hiểu là ơn cứu độ của Chúa không chỉ dành riêng cho nhúm người có thiện tâm hay dành riêng cho người Do Thái, mà cho tất cả mọi người.14 Nói cách khác, bình an chính thức và siêu nhiên không thể do tự thiện tâm con người mà có, nhưng phải nhờ tình thương Thiên Chúa ban tặng.15
B. Đoạn thứ II: Lời tôn vinh Thiên Chúa
Chúng con ca ngợi Chúa, chúng con chúc tụng Chúa (Br 3,6; Tv 145,2),/ chúng con thờ lạy Chúa, chúng con tôn vinh Chúa (Kh 4,11; Rm 11,36; 1Cr 6,20),/ chúng con cảm tạ Chúa vì vinh quang cao cả Chúa (1Bns 16,24; 2Cr 4,15)./ Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Vua trên trời (Kh 4,8; Tb 13,7; Dn 4,37),/ là Chúa Cha toàn năng (St 17,1-2; 2Cr 6,18).
Tiếp nối chủ đề lời ca của các thiên thần, đoạn này diễn tả sự nối kết giữa trời và đất trong những lời ngợi khen chúc tụng Thiên Chúa qua 5 động từ tuôn ra một mạch theo thể thức tôn thờ của các thánh thi cổ xưa. Năm động từ này là: ca ngợi; chúc tụng; thờ lạy; tôn vinh; và cảm tạ Chúa được vang lên như những làn sóng đại dương không ngớt trào dâng mà đỉnh cao là “chúng con cảm tạ Chúa vì vinh quang cao cả Chúa”.16 Kiểu tung hô chúc tụng như thế đã tồn tại trong phụng vụ từ rất xa xưa, là một thói tục diễn ra trong buổi phụng tự công cộng dành cho các hoàng đế, nhưng sau đã được tu chỉnh, được “rửa tội” để dùng trong Giáo hội.17
Đoạn này tiếp tục nhấn mạnh đến vinh quang của Thiên Chúa được biểu lộ bằng ngôn từ hay trưng ra một chuỗi danh hiệu: Ngài là Thiên Chúa (Deus), là Vua trên trời (Rex caelestis), đặc biệt Ngài là Cha toàn năng (Pater omnipotens), một cụm từ đã có trong kinh Tin Kính các Tông đồ (Symbolum apostolicum), thường xuất hiện trong các thánh thi cổ cũng như Thánh Thi Te Deum. Vì vậy, loài người phải bày tỏ thái độ “chúc tụng, thờ lạy, tôn vinh và cảm tạ” dành cho Ngài.18
C. Đoạn thứ III: Lời kêu cầu Đức Giêsu
Lạy Con Một Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô (Ga 1,14. 18),/ Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Chiên Thiên Chúa / là Con Ðức Chúa Cha (Kh 1,8; Ga 1,29). Chúa xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con (Ga 1,29); Chúa xóa tội trần gian, xin nhậm lời chúng con cầu khẩn (Ga 14,13). Chúa ngự bên hữu Ðức Chúa Cha (Cl 3,1; Dt 8,1), xin thương xót chúng con. Vì, lạy Chúa Giêsu Kitô, chỉ có Chúa là Ðấng Thánh (Kh 15,4), chỉ có Chúa là Chúa (Is 37,20), chỉ có Chúa là Ðấng Tối Cao (Tv 83,18), cùng Ðức Chúa Thánh Thần ( Rm 8,9; 1Pr 3,8) trong vinh quang Ðức Chúa Cha (Lc 9,26; Ga 1,14; Pl 2,11).
Trước hết, đoạn này quy hướng về Chúa Kitô với những danh hiệu chính của Ngài là: Chủ Tể (Dominus); Thiên Chúa (Deus); Chiên Thiên Chúa (Agnus Dei); Con Chúa Cha (Filius Patris). Nghĩa là Chúa Kitô vừa là Thiên Chúa uy quyền, đồng bản thể với Chúa Cha, vừa là Đấng Cứu Chuộc nhân loại (Chiên hy tế là tước hiệu quy về công trình cứu độ của Đức Kitô). Chính Đức Giêsu, Con Thiên Chúa (Filius Patris) mới là phản ánh trung thực vinh quang của Thiên Chúa Cha tại trần gian (Dt 1,3).19
Bài ca sau đó chuyển sang ca tụng Chúa Giêsu nhưng dưới dạng khẩn cầu với ba lời van nài như trong các kinh cầu, trong đó, Hội Thánh không những nhắc nhớ công trình cứu độ Chúa Kitô đã chết trên thập giá để xóa tội trần gian mà còn nhìn ngắm Ngài đang khải hoàn ngự bên hữu Đức Chúa Cha.
Tiếp đó, Hội Thánh xưng tụng Đức Kitô với ba danh hiệu: Đấng Thánh (Sanctus); Chủ Tể (Dominus); Đấng Tối Cao (Altissimus) vốn đã từng nằm trong các công thức tuyên xưng đức tin thời kỳ đầu Kitô giáo: nghĩa là, các tín hữu không những tuyên xưng thiên tính của Đức Kitô mà còn muốn khẳng định bằng cả mạng sống mình là họ chỉ tôn thờ một mình Người là Đấng Thánh, thuộc về thượng giới, là Kyrios theo tinh thần của 1Cr 8,6 và Pl 2,11; còn các tà thần đều là thọ tạo phàm tục vì thuộc về trần thế. Chỉ có thể hiểu những điểm này khi biết bối cảnh lịch sử ra đời của kinh Vinh Danh: đây là thời kỳ thần dân phải tôn thờ hoàng đế; thời kỳ của những lễ hội huy hoàng với những buổi thờ cúng các thần minh vốn bao gồm cả những cuộc hiến tế công cộng; các Kitô cũng bị lôi kéo và bị ép buộc phải tôn thờ hoàng đế và dâng hương cho các thần minh, nhưng họ đã cương quyết từ chối mà chỉ tuyên xưng và tôn thờ một mình Đức Kitô với danh hiệu Kyrios. Hành động này khiến họ bị nghi ngờ là đe dọa cho an ninh công cộng, là kẻ thù của thần minh và đất nước, nên đã thường xuyên bị bách hại và phải trả giá bằng cả tính mạng của mình.20
Phần cuối, kinh Vinh Danh kết thúc với lời tôn vinh Đức Kitô, Chúa Thánh Thần và Chúa Cha vì cả Ba Ngôi đều chung nhau một vinh quang. Chính vì vậy bài ca này có tên là Gloria (Vinh danh) và bên phụng vụ Đông phương đặt tên là Vinh tụng ca lớn (doxologia major) đối lại với những Vinh tụng ca “ngắn”/ “nhỏ” (Gloria Patris) như kinh “Sáng danh Đức Chúa Cha và...” . Vinh tụng ca kết thúc kinh Vinh danh: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, chỉ có Chúa là Ðấng Thánh, chỉ có Chúa là Chúa, chỉ có Chúa là Ðấng Tối Cao, cùng Ðức Chúa Thánh Thần trong vinh quang Ðức Chúa Cha” xem ra cũng gần gần tương tự như Vinh tụng ca trong lễ quy của phụng vụ thánh Gioan Kim Khẩu bởi vì sau khi tư tế cao rao: “Của thánh dành cho dân thánh!” khi ngài đang giơ cao Mình Máu Thánh, ca đoàn sẽ đáp lại rằng: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, chỉ có Chúa là Ðấng Thánh, chỉ có Chúa là Chúa, hướng đến vinh quang Ðức Chúa Cha”.21
THỰC HÀNH
Không được thay đổi bản văn của kinh này bằng một bản văn khác (QCSL 53).
Vị tư tế hay, tùy nghi, một ca viên hay ca đoàn xướng lên, rồi mọi người cùng hát chung, hay luân phiên giữa giáo dân và ca đoàn, hay chỉ ca đoàn. Nếu không hát thì phải đọc, hoặc mọi người đọc chung, hoặc chia hai bè đối đáp (QCSL 53).
Dù có thể hát hay đọc kinh Vinh Danh (x. QCSL 53; 126 / Nghi thức Thánh lễ, số 8) nhưng phải cố gắng để bảo đảm kinh Vinh Danh được hát luôn luôn, ngoại trừ vì những lý do mục vụ, bởi đây là một bài thánh ca mang tính lễ hội và là bài thi ca tự bản chất; Cũng đừng bao giờ hát kinh Thương Xót rồi lại chỉ đọc kinh Vinh Danh.22Joseph Gelineau đã nhận định rằng: “Đọc kinh Vinh Danh để rút ngắn thời giờ là một giải pháp lai căng mà công cuộc canh tân đã sửa chữa”.23
Được hát hay đọc trong các Chúa nhật ngoài mùa Vọng và mùa Chay, trong các lễ trọng và lễ kính, và trong các dịp lễ khá long trọng (QCSL 53).
Nên sử dụng bản hát mà mọi người trong cộng đoàn đều thuộc để việc ca hát mang tính cộng đồng và mang lại một nét đặc sắc cho buổi cử hành.
Nhớ cúi đầu khi đọc danh Ba Ngôi Thiên Chúa ở phần cuối và danh thánh Giêsu ở phần giữa của kinh Vinh Danh (x. QCSL 275a).
Lm. Giuse Phạm Ðình Ái, dòng Thánh Thể, SSS
http://www.cgvdt.vn/cong-giao-viet-nam/kinh-vinh-danh-trong-thanh-le_a7113
______________________________________________________
1 Xc. Joseph A. Jungmann, The Mass of the Roman Rite: Its Origins and Development, vol. II, trans. Francis A. Brunner (New York: Benziger, 1951), 347.
2 Xc. Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu (Sài Gòn: Học Viện Ðaminh, 2012), 146.
3 Le Gall, La Mess au fil de Ses Rites (Chambray: C.L.D, 2001), 34-35.
4 Xc. Nguyễn Văn Trinh, Phụng Vụ Thánh Lễ (knxb, 1999), 247,
5 Xc. Ibid.
6 Xc. Le Gall, La Mess au fil de Ses Rites, 34-35.
7 Xc. Nguyễn Văn Trinh, Phụng Vụ Thánh Lễ, 247.
8 Xc. Johannes H. Emminghaus, The Eucharist - Essence, Form, Celebration (Collegeville, Minnesota: The Liturgical Press, 1997), 124.
9 Xc. Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite: Its Origins and Development, 2: 358.
10 Xc. Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith: A Study of the Structural Elements of the Order of the Mass (Washington DC: FDLC/ NE, 2003),18.
11 Phần này chủ yếu dựa vào: Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu, 146-149.
12 Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith: A Study of the Structural Elements of the Order of the Mass, 18.
13 Xc. Nguyễn Văn Trinh, Phụng Vụ Thánh Lễ, 241-242; Xc. Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite: Its Origins and Development, 351-352.
14 Xc. Nguyễn Văn Trinh, Phụng Vụ Thánh Lễ, 241-242.
15 Uỷ ban Phụng tự, Chú Thích Bản Dịch Nghi Thức Thanh Lễ 1992, 17-18; Anscar J. Chupungco, “The ICEL 2010 Translation”, 140.
16 Xc. John D. Laurance (ed), The Sacrment of the Eucharist, 111; Xc. Nguyễn Văn Trinh, Phụng Vụ Thánh Lễ, 242.
17 Xc. Johannes H. Emminghaus, The Eucharist - Essence, Form, Celebration, 126.
18 Xc. Nguyễn Văn Trinh, Phụng Vụ Thánh Lễ, 243.
19Xc. Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite: Its Origins and Development, 2: 353-354.
20 Xc. Adolf Adam, The Eucharist Celebration - the Source and Summit of Faith, trans. Robert C. Schultz (Collegeville, Minnesota: A Pueblo Book/ The Liturgical Press, 1994), 29.
21 Xc. Ibid., 126.
22 J. Leben, Ðể sống Phụng vụ (Edition du Cerf, 1986), 88.
23 La Maison-Dieu, vol.100, 1969, 112.
Tags:
Âm nhạc