CHÚNG TA HÃY VUI MỪNG TRỞ LẠI VỚI THÁNH LỄ
Thư gửi các Chủ tịch Hội đồng Giám mục về việc cử hành phụng vụ trong và sau đại dịch Covid-19.
Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã gửi thư đến các Chủ tịch Hội đồng Giám mục - được công bố vào sáng Thứ Bảy ngày 12 tháng 9 - về việc cử hành phụng vụ trong và sau đại dịch Covid-19. Dưới đây là nguyên văn bản dịch.
Đại dịch do virus Covid 19 đã gây ra những biến động không chỉ trong sự phát triển xã hội, gia đình, kinh tế, đào tạo và việc làm, mà còn trong đời sống của cộng đoàn Kitô hữu, kể cả chiều kích phụng vụ. Để ngăn ngừa virus lây nhiễm cần thiết phải giản cách xã hội, biện pháp này gây ảnh hưởng đến vấn đề cơ bản của đời sống Kitô hữu: “Ở đâu có hai hoặc ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đó, giữa họ” (Mt 18,20); “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung” (Cv 2,42-44).
Chiều kích cộng đoàn mang một ý nghĩa thần học: Thiên Chúa có mối quan hệ Ngôi vị trong Ba Ngôi Chí Thánh. Ngài tạo dựng con người trong mối tương quan bổ sung cho nhau giữa hai người nam-nữ vì “con người ở một mình không tốt” (St 2,18), Ngài thiết lập mối tương quan với hai người nam-nữ và lần lượt mời gọi họ liên kết với Ngài: như thánh Augustinô đã ý thức rất rõ, tâm hồn chúng con bồn chồn cho đến khi nào chưa tìm thấy Chúa và chưa nghỉ yên trong Ngài (x. Thú tội I,1). Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai của mình bằng cách kêu gọi một nhóm môn đệ đến với Ngài để chia sẻ với Ngài cuộc sống và rao giảng Nước Trời; từ đoàn chiên bé nhỏ này đã phát sinh Giáo hội. Để diễn tả cuộc sống vĩnh cửu Kinh thánh dùng hình ảnh của một thành phố: Giêrusalem trên trời (x. Kh 21); thành phố là cộng đồng của những người cùng chia sẻ các giá trị, thực tại nhân loại và tinh thần nền tảng, nơi chốn, thời gian và các tổ chức sinh hoạt và họ là những người góp phần vào việc xây dựng thiện ích chung. Trong khi những người ngoại xây dựng đền thờ chỉ để dành riêng cho vị thần mà họ không thể tiếp cận, thì các Kitô hữu, khi vừa được hưởng quyền tự do thờ phượng, lập tức đã xây dựng những nơi vừa là nhà của Thiên Chúa vừa nhà của Giáo hội [domus Dei et domus ecclesiae], nơi mà người tín hữu có thể nhận ra mình như cộng đoàn của Thiên Chúa, dân được triệu tập để phượng thờ và xây dựng cộng đoàn thánh thiện. Vì thế, Thiên Chúa có thể tuyên bố: “Ta là Chúa của ngươi và ngươi sẽ là dân của Ta” (x. Xh 6, 7; Dt 14, 2). Thiên Chúa vẫn trung thành với Giao ước của Ngài (x. Dt 7, 9) và Israel trở thành Nhà tạm của Chúa, nơi thánh dành cho sự hiện diện của Chúa trên trần gian (x. Xh 29, 45; Lv 26, 11-12). Vì vậy, nhà của Chúa hiểu như là sự hiện diện của gia đình con cái Chúa. Ngay cả hôm nay, trong lời cầu nguyện cung hiến ngôi nhà thờ mới, Đức Giám mục cầu xin cho nhà thờ ấy điều thuộc về bản chất của nó:
«[...] để luôn luôn là nơi thánh cho tất cả mọi người [...].
Xin cho nơi đây được suối nguồn ơn sủng rửa sạch tội lỗi loài người, để con cái Chúa, nhờ chết đi cho tội lỗi, được tái sinh trong sự sống thần linh.
Xin cho nơi đây cộng đoàn thánh thiện được hiệp nhất quanh bàn thờ, cử hành cuộc tưởng niệm lễ Vượt qua, và được bổ dưỡng nhờ bàn tiệc Lời Đức Kitô và Mình Thánh của Người.
Xin cho nơi đây vang lên nghi lễ ngợi ca và cho âm thanh loài người được hợp nhất với ca đoàn các thiên thần; xin cho nơi đây liên lỉ bay lên tới Chúa lời cầu nguyện cho phần rỗi thế gian.
Xin cho nơi đây, kẻ nghèo gặp được lòng thương xót, người bị áp bức đạt được tự do chân thật và mọi người được mặc phẩm giá của con cái Chúa, cho đến ngày họ sung sướng đạt tới đền thánh Giêrusalem trên trời”.
Cộng đoàn Kitô giáo không bao giờ theo đuổi sự cô lập và không bao giờ biến nhà thờ thành một thành phố cửa đóng then cài. Được hình thành cho giá trị của đời sống cộng đồng và cho việc tìm kiếm thiện ích chung, các Kitô hữu luôn tìm cách hòa mình vào xã hội, cho dù ý thức về sự khác biệt: ở trong thế gian mà không thuộc về thế gian, không biến thành thế gian (x. thư gửi cho Diogneto, 5-6). Và ngay cả trong trường hợp khẩn cấp vì đại dịch, một tinh thần trách nhiệm cao cả đã trổi lên: qua việc lắng nghe và cộng tác với chính quyền dân sự, với các chuyên gia, các Giám mục và các hội đồng thuộc lãnh thổ của các ngài, đã sẵn sàng chấp nhận những quyết định khó khăn và đau đớn, ngay cả khi đình chỉ lâu dài việc cử hành Thánh Thể có giáo dân tham dự.
Thánh Bộ vô cùng biết ơn các Giám mục vì đã nỗ lực và hết sức cố gắng ứng phó cách tốt nhất có thể trước tình huống bất ngờ và phức tạp.
Tuy nhiên, ngay khi hoàn cảnh cho phép, điều cần thiết và khẩn cấp là trở về với đời sống bình thường của người Kitô hữu, nơi tòa nhà giáo hội giống như gia đình và các cử hành phụng vụ, đặc biệt là Bí tích Thánh thể, như “là tột đỉnh qui hướng mọi hoạt động của Giáo Hội, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo Hội” (SC, 10)
Ý thức thực sự rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi loài người mà Ngài đã tạo nên, và ngay cả những thử thách khó khăn nhất cũng có thể sinh hoa kết trái ân sủng, chúng ta đã chấp nhận rời xa bàn thờ Chúa như một thời gian giữ chay Thánh Thể, thật hữu ích cho chúng ta để tái khám phá tầm quan trọng thiết yếu, vẻ đẹp và sự quý giá vô biên của Thánh lễ. Tuy nhiên, càng sớm càng tốt, cần phải quay về với Thánh Thể với tâm hồn trong sạch, với sự kinh ngạc được đổi mới, gia tăng lòng khao khát được gặp Chúa, được ở với Ngài, đón nhận Ngài, hầu đưa Ngài đến với anh chị em bằng chứng từ của đời sống đức tin trọn hảo, của Tình yêu và hy vọng.
Thời gian thiếu vắng thánh lễ này có thể đem lại cho chúng ta ân sủng để hiểu được tâm hồn của các anh chị em, những vị tử đạo của chúng ta ở Abitene (đầu thế kỷ thứ 4), những người đã bình thản trả lời cho các thẩm phán của họ, ngay cả khi đối diện chắc chắn với bản án tử hình: "Sine Dominico non possumus”. Tuyệt đối non possumus (chúng tôi không thể) và ý nghĩa dồi dào của danh từ trung tính Dominicum (điều thuộc về Thiên Chúa) không thể được dịch bằng một từ nào khác. Một từ rất ngắn gọn tóm tắt vô số sắc thái và ý nghĩa mà hôm nay được đề nghị cho việc suy niệm của chúng ta:
- Chúng ta không thể sống, không thể là Kitô hữu, không thể thực thi đầy đủ nhân cánh, những ước muốn tốt đẹp và hạnh phúc đang hiện hữu trong tâm hồn chúng ta mà không có Lời của Chúa, đã được hình thành và trở nên lời sống động qua việc cử hành Thánh thể, được Thiên Chúa tuyên bố cho những ai hôm nay biết mở rộng tâm hồn để lắng nghe.
- Chúng ta không thể sống với tư cách là Kitô hữu mà không thông phần Hy tế Thập giá nơi Chúa Giêsu đã hiến mình vô điều kiện để cứu rỗi con người, đã chết vì tội lỗi, bằng cái chết của Người; Đấng Cứu Chuộc liên kết nhân loại với chính mình và dẫn đưa con người về với Cha; trong vòng tay của Đấng chịu đóng đinh mọi đau khổ của con người đều tìm thấy ánh sáng và sự an ủi;
- Chúng ta không thể thiếu bữa tiệc Thánh Thể, bàn tiệc của Chúa mà qua đó chúng ta được mời gọi với tư cách là con cái và anh chị em để đón nhận chính Chúa Kitô Phục Sinh, Đấng hiện diện trong thân xác, máu, linh hồn và thần tính, nơi Bánh bởi trời là sự nâng đỡ chúng ta trong niềm vui và khó nhọc của cuộc lữ hành trần thế;
- Chúng ta không thể không có cộng đoàn Kitô hữu, gia đình của Chúa: chúng ta cần gặp gỡ các anh chị em, những người chia sẻ quyền làm con của Thiên Chúa, tình huynh đệ của Chúa Kitô, ơn gọi, tìm kiếm sự thánh thiện và phần rỗi linh hồn của họ trong sự khác biệt về tuổi tác, về những hoàn cảnh cá nhân, về đặc sủng và ơn gọi;
- Chúng ta không thể không có ngôi nhà của Chúa, là nhà của chúng ta, không thể không có những nơi thánh là nơi đức tin chúng ta được sinh ra, nơi chúng ta đã khám phá ra sự hiện diện quan phòng của Thiên Chúa và nơi chúng ta đã khám phá ra vòng tay thương xót nâng đỡ những người sa ngã, nơi chúng ta đã dâng hiến ơn gọi tu trì hoặc kết hôn, nơi chúng ta cầu xin và tạ ơn, vui mừng và than khóc, nơi chúng ta đã phó thác cho Chúa Cha những người thân yêu của chúng ta đã hoàn thành cuộc lữ hành trần thế của họ;
- Chúng ta không thể không có ngày của Chúa, không thể không có ngày Chúa nhật vốn mang lại ánh sáng và ý nghĩa cho những chuỗi ngày lao động và trách nhiệm với gia đình, xã hội.
Mặc dù các phương tiện truyền thông thực hiện một công việc được đánh giá cao đối với các bệnh nhân và những người không thể đến nhà thờ, và đã cung cấp một dịch vụ tuyệt vời qua việc truyền tải Thánh Lễ trong thời điểm không thể cử hành thánh lễ cộng đồng, tuy nhiên không có phương tiện truyền thông nào tương đương với việc tham dự cá nhân hay có thể thay thế được thánh lễ. Thật vậy các phương tiện truyền thông này, tự nó, có nguy cơ làm chúng ta xa rời cuộc gặp gỡ cá nhân và mật thiết với Thiên Chúa nhập thể, Đấng đã hiến mình vì chúng ta không phải theo cách ảo, nhưng thực sự, khi Người nói : “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy” (Ga 6,56). Sự tiếp xúc thể lý này với Thiên Chúa thật quan trọng, thiết yếu và không thể thay thế được. Một khi đã xác định và áp dụng các biện pháp cụ thể để giảm thiểu sự lây nhiễm của virus, điều cần thiết là mọi người hãy trở lại vị trí của mình trong cộng đoàn anh chị em, khám phá lại sự quý giá và vẻ đẹp không thể thay thế của thánh lễ, nhắc nhở và lôi kéo với sự tiêm nhiễm lòng nhiệt thành anh chị em bị nản lòng, hoảng sợ, vắng mặt hoặc lơ đễnh trong thời gian quá lâu.
Thư này của Bộ có ý xác nhận lại một số nguyên tắc và gợi ý một số đường lối hành động để thúc đẩy trở lại việc cử hành Thánh Thể cách nhanh chóng và an toàn.
Việc phải chú ý giữ các qui định vệ sinh và an toàn không thể dẫn đến triệt tiêu các cử chỉ và nghi lễ phụng vụ, thậm chí là vô ý, dẫn đến sợ hãi và bất an nơi các tín hữu.
Bộ tin tưởng vào hành động thận trọng nhưng kiên quyết của các Giám mục để việc tham gia của các tín hữu trong việc cử hành Thánh Thể không bị các cơ quan nhà nước xếp vào loại “tụ tập đông người”, và không được xem ngang hàng hoặc thậm chí thấp hơn so với hình thức tụ tập giải trí.
Các quy tắc phụng vụ không phải là vấn đề để các chính quyền dân sự có thể áp luật trên nó mà chỉ có các cơ quan thẩm quyền của Giáo hội mà thôi (xem SC, 22).
Nên tạo điều kiện thuận lợi các tín hữu tham dự các buổi cử hành phụng vụ, nhưng đừng ứng tác các nghi lễ thử nghiệm và tuân thủ đầy đủ các quy tắc có trong các sách phụng vụ, vốn quy định các diễn tiến của nghi lễ. Trong phụng vụ, cảm nghiệm về sự linh thiêng, sự thánh thiện và vẻ đẹp có sức biến đổi, sự hài hòa của hạnh phúc vĩnh cửu được nếm trước: do đó cần phải coi trọng nơi chốn tôn nghiêm, vật dụng thánh, cách thức cử hành, theo chỉ dẫn uy tín của Công đồng Vatican II: “Các nghi lễ cần phải chiếu tỏa nét đơn sơ cao quý” (SC, 34).
Quyền của người tín hữu được rước Mình Thánh Chúa và tôn thờ Chúa hiện diện trong Bí tích Thánh Thể được công nhận theo những cách thức được quy định, không hạn chế, kể cả khi vượt xa những gì được chuẩn bị trước bởi các quy tắc vệ sinh do các cơ quan nhà nước hoặc các Giám mục ban hành.
Các tín hữu tôn thờ Chúa Giêsu Phục Sinh hiện diện trong cử hành Thánh Thể; và chúng ta thấy rằng giác quan tôn thờ, cầu nguyện tôn thờ, rất dễ bị mất đi. Chúng tôi yêu cầu các Mục tử nhấn mạnh, trong các bài giáo lý của họ, về sự cần thiết của việc thờ phượng.
Một nguyên tắc chắc chắn để không sai lạc là vâng phục. Vâng theo các quy tắc của Giáo hội, vâng phục các Giám mục. Trong những lúc khó khăn (ví dụ khi chúng ta nghĩ đến chiến tranh, đại dịch), các Giám mục và Hội đồng Giám mục có thể đưa ra những quy định tạm thời phải tuân theo. Vâng phục bảo vệ kho tàng được giao phó cho Giáo hội. Các biện pháp do các Giám mục và Hội đồng Giám mục ban hành sẽ hết hiệu lực khi tình hình trở lại bình thường.
Giáo hội sẽ tiếp tục bảo vệ con người trong tổng thể của mình. Giáo hội làm chứng cho niềm hy vọng, mời gọi chúng ta tin cậy vào Chúa, nhắc nhở chúng ta rằng sự tồn tại trên trần gian là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là sự sống đời đời: chúng ta chia sẻ cùng một sự sống với Chúa vì sự sống đời đời là mục tiêu và là ơn gọi của chúng ta. Đây là đức tin của Giáo hội, được minh chứng qua nhiều thế kỷ bởi đạo quân các thánh tử đạo, là lời rao giảng thiết thực giải thoát chúng ta khỏi những chủ nghĩa giản lược một chiều, khỏi những ý thức hệ: Giáo hội kết hợp mối quan tâm cần thiết đến sức khỏe cộng đồng với việc rao giảng và đồng hành hướng đến phần rỗi đời đời của các linh hồn. Vì vậy, chúng ta hãy tiếp tục tin cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa, cầu khẩn sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, đấng cứu chữa kẻ liệt lào và đỡ nâng các Kitô hữu [salus infirmorum et auxilium christianorum], cho tất cả những ai đang bị thử thách do đại dịch hoặc do mối ưu phiền nào khác. Chúng ta kiên trì cầu nguyện cho những người đã lìa bỏ cuộc sống này, và đồng thời đổi mới quyết tâm trở thành những chứng nhân của Đấng Phục Sinh và trở thành những người loan báo niềm hy vọng chắc chắn, vượt qua mọi giới hạn của thế gian này.
Từ Vatican, ngày 15 tháng 8 năm 2020
Lễ Đức Maria hồn xác lên trời
Ngày 3 tháng 9 năm 2020,
Được sự chấp thuận và cho phép xuất bản của Đức Thánh Cha Phanxicô, trong buổi tiếp kiến ngày 2 tháng 9 năm 2020,
Đức Hồng y Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích ấn ký.
Prot. n.432/20
G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
https://www.osservatoreromano.va/
Tags:
Văn kiện giáo hội